QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:27 (GMT+7)
Một số vấn đề về vận dụng các biện pháp chiến dịch trong nghệ thuật chiến dịch Việt Nam

Vận dụng biện pháp chiến dịch là cách thức để thực hiện cách đánh, gồm các hoạt động tác chiến và phi tác chiến của các lực lượng chiến dịch, kết hợp chặt chẽ với nhau theo một kế hoạch thống nhất nhằm đánh bại từng biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật của địch, tạo ra tình huống, thế và thời cơ có lợi để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Đặc điểm của các chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là đối tượng tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao, ở nhiều trạng thái, với phương thức tiến công tổng lực, liên hợp, lấy tiến công phi tiếp xúc, phi đối xứng là chủ yếu. Đối với ta, các loại hình chiến dịch đã có những phát triển mới về loại hình, thế, lực, quy mô, môi trường tác chiến... Vì vậy, nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật chiến dịch nói chung, vận dụng các biện pháp chiến dịch nói riêng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề suy ngẫm, trao đổi.

Nghi binh lừa địch là sử dụng các lực lượng, phương tiện để hoạt động tác chiến và phi tác chiến một cách mưu mẹo, khéo léo, theo một kế hoạch thống nhất, chặt chẽ ở các cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), các ngành, các địa phương, các lực lượng, được tiến hành liên tục từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc chiến dịch. Biện pháp nghi binh lừa địch được vận dụng ở mọi loại hình chiến dịch, rất phong phú, đa dạng, luôn được thay đổi, nhằm che giấu cái thật, tạo ra cái giả “hư hư, thật thật", làm cho địch phán đoán sai ý định chiến dịch, cách đánh của ta, đẩy chúng lâm vào thế bị động, bất ngờ, phạm sai lầm về chiến dịch, khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Tôn Tử là nhà lý luận quân sự thời cổ đại của Trung Quốc đã đưa ra 36 phép dùng binh, trong đó có 20 phép liên quan đến nghi binh lừa địch. Đặc biệt, trong nghệ thuật đánh địch của ta “lấy nhỏ thắng lớn; lấy vũ khí, phương tiện chưa hiện đại, có một phần hiện đại đánh với vũ khí, phương tiện hiện đại", việc vận dụng biện pháp nghi binh lừa địch có vị trí rất quan trọng và không thể thiếu trong mỗi chiến dịch. Để nghi binh lừa địch đạt hiệu quả, trước hết phải nắm chắc địch, phải biết kết hợp với các biện pháp và thủ đoạn khác như: ngụy trang, tâm lý chiến... Cấp chiến dịch phải có kế hoạch nghi binh lừa địch một cách toàn diện, cụ thể cho các đơn vị, địa phương; phải làm cho mọi người tham gia chiến dịch quán triệt và thực hiện đúng các yêu cầu nghi binh lừa địch đặt ra.
Phòng chống địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử  là biện  pháp quan trọng, đòi hỏi các lực lượng tham gia chiến dịch phải chủ động, tích cực vận dụng toàn diện các yếu tố hoàn cảnh, điều kiện, tri thức, kinh nghiệm..., nhằm bảo toàn lực lượng chiến dịch. Xây dựng công sự, trận địa vững chắc, ngụy trang, nghi binh, che giấu, phân tán, bí mật lực lượng, vũ khí, phương tiện; kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật với kỹ thuật, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc để phòng chống vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử của địch. Biện pháp chiến dịch này được sử dụng ngay từ đầu và trong suốt quá trình mở chiến dịch; được vận dụng ở mọi loại hình chiến dịch, nhất là trong phòng thủ, phòng ngự. Tùy theo tình hình cụ thể về địch, ta, địa hình ở từng loại hình chiến dịch, các giai đoạn (đợt) chiến dịch để luôn luôn thay đổi biện pháp phòng chống cho phù hợp.
Đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự là biện pháp sử dụng một bộ phận lực lượng của chiến dịch (thường là bộ phận chủ yếu) gồm lực lượng bộ binh và lực lượng các quân chủng, binh chủng (nếu có) tập trung tiêu diệt một bộ phận cơ động của địch bằng các trận đánh vận động, nhất là các trận đánh then chốt chiến dịch. Biện pháp này thường vận dụng phổ biến trong các loại hình chiến dịch, ở cả cấp chiến thuật và chiến dịch để tiêu diệt địch tiến công đường bộ, đường sông (chính diện, vu hồi, vượt điểm), đổ bộ đường không.
Tiến công địch phòng ngự là biện pháp sử dụng một bộ phận lực lượng quan trọng của chiến dịch, được tăng cường lực lượng các quân chủng, binh chủng, phối hợp với lực lượng khu vực phòng thủ địa phương tiêu diệt một bộ phận quan trọng của địch lâm thời bước vào phòng ngự. Biện pháp này được vận dụng trong các trường hợp tiến công tiêu diệt hoặc bao vây một bộ phận địch mới bước vào phòng ngự có công sự tương đối vững chắc (hoặc vững chắc) ở nơi quan trọng (điểm tựa, cụm điểm tựa, căn cứ), kết hợp với các biện pháp khác nhằm kéo địch ra ngoài công sự để tiêu diệt; tiến công tiêu diệt sở chỉ huy lữ đoàn, sư đoàn, căn cứ của địch ở các trung tâm thị trấn, thị xã, thành phố. Tiến công địch phòng ngự thường là biện pháp chủ yếu để thực hiện trận then chốt hoặc trận then chốt quyết định của chiến dịch. Khả năng về phương tiện, vũ khí của ta có hạn nên khi vận dụng biện pháp này, chiến dịch phải cân nhắc, tính toán, xác định điều kiện, thời cơ, mục tiêu, hướng, lực lượng tiến công, chuẩn bị toàn diện, đầy đủ, cụ thể. Biện pháp này thường được vận dụng trong chiến dịch tiến công là chủ yếu, nhưng cũng có trường hợp vận dụng trong các chiến dịch phản công đánh quân địch tạm dừng hoặc chiến dịch phòng ngự, tác chiến phòng thủ.
Tổ chức đột phá, thọc sâu, luồn sâu, vu hồi, chia cắt, bao vây chiến dịch là biện pháp sử dụng một bộ phận lực lượng quan trọng, tinh nhuệ của chiến dịch thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt để tạo nên những đột biến cho chiến dịch. Cụ thể, đột phá chiến dịch là hành động tích cực và kiên quyết nhất, tập trung lực lượng tạo thành sức mạnh ưu thế vào khu vực (điểm) đã chọn, phá vỡ 1 đến 2 khu vực để đưa lực lượng ta vào chiều sâu phòng ngự của địch. Thọc sâu chiến dịch là tổ chức một bộ phận lực lượng gọn, mạnh lợi dụng kết quả của đột phá, nhanh chóng, táo bạo, thọc thẳng vào trung tâm, đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, hiểm yếu của địch, tạo điều kiện cho các lực lượng khác của ta phát triển tiến công thuận lợi. Luồn sâu chiến dịch là tổ chức một bộ phận lực lượng gọn, nhẹ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, bí mật, bất ngờ, lợi dụng khoảng cách, nơi tiếp giáp có nhiều sơ hở của địch, cơ động, luồn sâu, ém sẵn, bất ngờ nổ súng đánh chiếm mục tiêu quy định, thực hiện trong ngoài cùng đánh. Vu hồi chiến dịch là tổ chức một bộ phận lực lượng chiến dịch, bí mật bất ngờ đánh vào bên sườn, phía sau nơi yếu, sơ hở của địch, tạo điều kiện cho các lực lượng khác của ta phát triển nhanh. Chia cắt chiến dịch là sử dụng một bộ phận lực lượng chiến dịch (chủ lực và địa phương), chiếm địa hình có lợi, đánh phá giao thông, máy bay, trận địa hỏa lực, tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, hậu cần-kỹ thuật, nhằm chia cắt các lực lượng, bộ phận và vũ khí, phương tiện ở các môi trường mặt đất, trên không, điện từ, phía trước, phía sau, phá vỡ thế trận liên hoàn của địch, hạn chế những mặt mạnh, buộc chúng rối loạn chỉ huy, hiệp đồng. Bao vây chiến dịch là sử dụng một phần lực lượng chiến dịch (chủ yếu là lực lượng địa phương) vây hãm các mục tiêu chưa đánh chiếm, không cho địch cơ động, di chuyển (ứng cứu, giải tỏa, rút chạy); vây ép, bức hàng hoặc bức rút, dụ địch cơ động ra ngoài công sự để ta tiêu diệt. Những biện pháp cụ thể này thường được kết hợp chặt chẽ với nhau; tùy theo tình hình, quy mô, địa bàn mở chiến dịch để vận dụng cho phù hợp. Tổ chức lực lượng bao nhiêu, vận dụng hành động tác chiến và phi tác chiến nào phải căn cứ vào cách đánh chiến dịch, luôn biến đổi, sáng tạo, không nên máy móc, cứng nhắc, vì đây là sự đấu chọi về trí của hai bên đối địch. Các biện pháp này được vận dụng ở mọi loại hình chiến dịch, ở các quy mô khác nhau, nhất là trong chiến dịch tiến công đánh chiếm các thị xã, thành phố, tiêu diệt địch, giải phóng địa bàn.
Phòng ngự, phòng thủ, ngăn chặn là biện pháp sử dụng một bộ phận lực lượng chiến dịch, kết hợp với lực lượng khu vực phòng thủ địa phương, dựa vào hệ thống công sự, trận địa, vật cản, các làng, xã chiến đấu, nhằm ngăn chặn, kìm giữ quân địch một thời gian, tiêu hao lớn, tiêu diệt một bộ phận địch; bảo vệ mục tiêu, tạo điều kiện, thời cơ tiến hành các hoạt động tác chiến tiến công, phản công. Để thực hiện tốt biện pháp này, chiến dịch phải có kế hoạch xây dựng thế trận toàn diện, vững chắc, linh hoạt, liên hoàn, có chiều sâu; kết hợp với các biện pháp khác để bảo toàn lực lượng, hạn chế tổn thất, thương vong lực lượng ta.
Tác chiến nhỏ, rộng khắp, cài xen, bám trụ là biện pháp sử dụng lực lượng nhỏ, rộng khắp, trang bị gọn nhẹ (chủ yếu là lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương), tiến hành các trận chiến đấu tiến công quy mô nhỏ, đánh du kích với các hình thức chiến thuật đa dạng, phong phú như tập kích, phục kích, chốt chặn, đánh cắt giao thông, tập kích hỏa lực, đánh bồi, đánh nhồi, quấy phá địch liên tục ngày đêm trong hậu phương địch. Cũng có khi sử dụng một bộ phận bộ đội tinh nhuệ hoặc bộ phận nhỏ bộ đội chủ lực thực hiện những đòn đánh hiểm vào sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng,... nhằm phân tán, căng kéo, xen kẽ, chia cắt, kìm giữ, bao vây,... để sát thương, tiêu hao lớn, đánh vào ý chí, tinh thần của quân địch. Biện pháp này được áp dụng ở mọi loại hình chiến dịch để tạo điều kiện, thời cơ thực hiện các biện pháp khác và cho chiến dịch tập trung lực lượng đánh địch ở các trọng điểm.
Triệt phá chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, hiểm yếu của địch là biện pháp tìm mọi cách để triệt phá, hạn chế chỗ mạnh của địch như máy bay, tàu chiến, tên lửa, tăng thiết giáp, tác chiến điện tử, phương tiện thông tin, trinh sát, phương tiện cơ động, sân bay, bến cảng...; đồng thời xác định chính xác chỗ yếu, chỗ hiểm yếu, sơ hở của địch để tiến công. Đây là biện pháp để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta. Chiến dịch thường tổ chức các bộ phận lực lượng chuyên trách làm nòng cốt như đội chống tăng, đội khắc phục vật cản, các tổ (đội) bắn máy bay, tên lửa, tàu chiến, đội tác chiến điện tử phá hoại trên mạng, tổ tuyên truyền, vận động, tâm lý,... đánh sâu, đánh hiểm vào sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, trung tâm thông tin,... của địch. Biện pháp này được vận dụng ở tất cả các loại hình chiến dịch; tùy theo quy mô, khả năng của từng chiến dịch để vận dụng cho phù hợp ở từng giai đoạn (đợt) tác chiến.
Vận dụng các biện pháp phi tác chiến là những biện pháp đấu tranh về: chính trị, ngoại giao, tâm lý, kinh tế, khoa học- công nghệ, địa lý, môi trường,... nhằm tác động tổng hợp vào chỉ huy, lực lượng, vũ khí, phương tiện của địch; đánh vào "lòng người" để thức tỉnh nhân phẩm “con người"; phân hóa lực lượng phản động nội địa với các lực lượng xâm lược từ bên ngoài, tạo ra những mâu thuẫn nội bộ địch. Biện pháp này cần được tiến hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có thể vận dụng ở mọi loại hình chiến dịch, nhất là các loại hình chiến dịch ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 
Trong chiến tranh giải phóng, vận dụng các biện pháp chiến dịch của ta phát triển từ thấp tới cao, vô cùng phong phú và đầy sáng tạo, đã đóng góp rất to lớn vào thắng lợi các chiến dịch và phát triển nghệ thuật chiến dịch, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (nếu xảy ra), nhiều yếu tố về nhiệm vụ, đối phương dự kiến, về ta,... đã phát triển, nhiều loại hình chiến dịch mới xuất hiện. Vì vậy, nghiên cứu, phát triển lý luận các biện pháp chiến dịch phù hợp với cách đánh chiến dịch binh chủng hợp thành và chiến dịch của từng quân chủng, binh chủng, ngành là một yêu cầu khách quan.
 
Đại tá, TS. Lê Hữu Lâm
Phó chủ nhiệm khoa Nghệ thuật chiến dịch
Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)