QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:40 (GMT+7)
Một số vấn đề về tạo lập thế trận phòng không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Xây dựng thế trận phòng không (TTPK) là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng, trực tiếp quyết định thắng lợi trên mặt trận đối không của các lực lượng phòng không trong các cuộc chiến tranh trước đây, cũng như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của chúng vào miền Bắc nước ta, sự kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng phòng không ba thứ quân và không quân, đã tạo ra thế trận đối không rộng khắp, đánh địch từ xa đến gần, bằng các loại vũ khí hiện có, lập nên những chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B.52. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phương thức, thủ đoạn, vũ khí, trang bị kỹ thuật tiến công đường không (TCĐK) của địch có những phát triển mới. Địch có thể mở các chiến dịch TCĐK với cường độ cao, liên tục dài ngày, từ xa, trên cao và hướng biển bằng nhiều phương tiện bay hiện đại như máy bay chiến lược, chiến thuật tàng hình, tên lửa tàng hình... càng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng TTPK vững chắc, gồm nhiều lực lượng, cả lực lượng Phòng không-Không quân, lực lượng phòng không của các đơn vị bộ binh, lực lượng phòng không của Quân chủng Hải quân và các binh chủng chiến đấu khác, lực lượng phòng không địa phương (bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ), bảo đảm đánh được địch từ nhiều hướng, nhiều độ cao khác nhau, liên tục, dài ngày, cả ngày lẫn đêm. Thế trận đó phải phát huy cao nhất khả năng tác chiến (đánh trả) của từng lực lượng phòng không với phòng tránh hiệu quả, bảo toàn lực lượng; đồng thời phải bắn rơi nhiều máy bay, tên lửa hành trình và bắt được giặc lái. Để thực hiện những yêu cầu đó, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề. Trong bài viết này, xin tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1- Tạo lập TTPK phù hợp với ý định tác chiến chiến lược và bảo đảm thống nhất trên phạm vi cả nước. TTPK có thể hiểu là hình thái tổ chức, bố trí, triển khai các lực lượng tác chiến phòng không theo một ý định thống nhất của cấp chiến lược, trên cơ sở nền tảng thế trận phòng thủ chung của cả nước nhằm tạo thế có lợi, phát huy được sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân đánh bại âm mưu, thủ đoạn TCĐK của địch, sẵn sàng chi viện hiệu quả cho các lực lượng tác chiến phòng thủ đánh địch đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công trên bộ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cần nhận thức rõ, ý định tác chiến chiến lược là cơ sở quan trọng để tạo lập TTPK trên phạm vi cả nước, cả quy mô chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, trong đó với lực lượng phòng không bao gồm cả thế bố trí, triển khai trong thời bình, ý định điều chỉnh thế bố trí khi chiến tranh xảy ra. Mặt khác, TTPK là một bộ phận không thể thiếu của thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước, trên từng hướng chiến lược và của từng khu vực phòng thủ địa phương. Vì vậy, khi xây dựng, tạo lập TTPK phải nghiên cứu kỹ, tuân thủ nghiêm ngặt ý định tác chiến chiến lược. Đặc biệt, khi triển khai, bố trí lực lượng phòng không phải kết hợp chặt chẽ, thống nhất với lực lượng tác chiến chiến lược trên các chiến trường và ở từng khu vực phòng thủ địa phương.

2- Tạo lập TTPK vừa bảo đảm tính ổn định, vừa có thể chuyển hóa linh hoạt trong quá trình tác chiến. Thực tế địa hình đất nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam, chiều ngang hẹp, chỗ hẹp nhất là Quảng Bình (khoảng 50 km), có đường biên giới trên bộ dài, tiếp giáp ba nước (Trung Quốc, Lào, Cam-phu-chia), bờ biển dài 3.260 km bao bọc toàn bộ phía Đông và Đông Nam của Tổ quốc. Bởi thế, địch có thể TCĐK từ nhiều hướng, trong đó có thể hướng biển là chủ yếu. Thời gian để địch tiếp cận đánh phá các mục tiêu rất nhanh, các lực lượng phòng không dễ bị bất ngờ, lỡ thời cơ đánh địch. Ta có nhiều vùng địa hình, mỗi vùng có nét đặc trưng riêng đều tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của không quân địch và tác chiến của các lực lượng phòng không. Mặt khác, trong hệ thống mục tiêu bảo vệ của lực lượng phòng không có rất nhiều khu vực mục tiêu nằm gần ven biển, thuận lợi cho địch vào tiếp cận đánh phá, khó khăn cho ta phát hiện kịp thời để đánh trả. Hơn nữa, khi tiến công từ trên không, địch có thể thay đổi hướng đánh rất nhanh, cùng lúc đánh từ nhiều hướng, đánh vào nhiều mục tiêu, gây quá tải cho hoạt động đánh trả của các lực lượng phòng không. Vì vậy, chúng ta phải tạo lập được TTPK ổn định, đồng thời có thể chuyển hóa linh hoạt trong quá trình tác chiến. Điều đó vừa giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ về lực lượng, phương tiện, vừa bảo đảm đối phó kịp thời khi có tình huống địch đánh phá, dù chúng tiến công từ hướng nào, đường bay nào đều bị đón đánh. Chuyển hóa linh hoạt TTPK, còn để tạo ra không gian tác chiến mới có lợi cho ta đánh địch, đồng thời đối phó hiệu quả với các thủ đoạn tác chiến mới của địch. Bài học về tạo lập, chuyển hóa TTPK trong chiến dịch phòng không tháng 12-1972 cho thấy, khi ta bí mật cơ động các tiểu đoàn tên lửa phòng không từ Hải Phòng lên bố trí trên hướng đông bắc Hà Nội đã làm cho địch bị bất ngờ, ta bắn rơi nhiều máy bay B.52, chiến dịch phòng không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần lưu ý trong chuyển hóa TTPK phải bảo đảm tính ổn định, không để địch phá vỡ, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ khu vực mục tiêu, nhất là các mục tiêu trọng yếu. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chắc chắn địch sẽ sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao; cường độ, phương thức, thủ đoạn đánh phá sẽ khác so với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ vào miền Bắc nước ta trước đây, nên việc giữ tính ổn định và chuyển hóa linh hoạt, kịp thời TTPK đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan tham mưu các cấp phải rất linh hoạt, nhạy bén nắm chắc tình hình địch, ta trên chiến trường để quyết đoán chuyển hóa thế trận đáp ứng yêu cầu tác chiến.
3- Kết hợp chặt chẽ giữa thế bố trí tập trung với thế bố trí rộng khắp đánh địch từ nhiều hướng. Đây là nét độc đáo trong nghệ thuật tác chiến phòng không của ta. Thế bố trí tập trung là để tạo được đủ lực bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu của quốc gia, trong đó sử dụng lực lượng phòng không chủ lực làm nòng cốt, bao gồm lực lượng ra-đa, tên lửa, pháo phòng không của Quân chủng Phòng không-Không quân phối hợp với một bộ phận lực lượng phòng không của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Có tạo lập được thế trận tập trung mới bảo đảm khi có điều kiện, thời cơ ta có thể mở chiến dịch phòng không, thực hiện đánh tiêu diệt, đánh bại thủ đoạn TCĐK của địch. Cần chú ý, thế bố trí tập trung phải có trọng điểm, có lực lượng cơ động quanh khu vực mục tiêu bảo vệ, tránh thụ động bố trí cố định cứng nhắc. Thế bố trí rộng khắp là nhằm tạo ra lưới lửa phòng không “thiên la địa võng”, với phương châm “địch vào là biết, địch đến là diệt”, địch đến từ hướng nào, thời điểm nào cũng đều bị đón đánh. Thế bố trí rộng khắp sử dụng chủ yếu lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, phòng không dân quân, tự vệ.
4- Tạo lập TTPK bảo đảm phát huy tốt khả năng chiến đấu của từng lực lượng phòng không trong thế tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tham gia tác chiến đối không sẽ có nhiều lực lượng: phòng không của Quân chủng Phòng không-Không quân, của các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân, bộ đội Biên phòng, bộ đội Tăng-Thiết giáp, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ. Mỗi loại lực lượng đều có khả năng, sở trường chiến đấu, mặt mạnh, mặt hạn chế khác nhau. Vì vậy, khi tạo lập TTPK phải xem xét, đánh giá từng lực lượng, triệt để khai thác những mặt mạnh, phát huy tốt nhất khả năng, sở trường chiến đấu, giảm tối đa những hạn chế, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch ngay từ trận đầu. Hiện nay, vũ khí, khí tài phòng không của ta mặc dù đã từng bước được trang bị hiện đại, nhưng còn nhiều hạn chế khi phải đối phó với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch, nên để bù đắp những hạn chế đó, trong quá trình tạo lập TTPK nhất thiết phải bảo đảm phát huy tốt nhất khả năng tác chiến của từng lực lượng phòng không. Mặt khác, khi chiến tranh xảy ra, dù bảo vệ mục tiêu yếu địa, hoặc bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành, các lực lượng phòng không đều sẽ hiệp đồng chặt chẽ với nhiều thành phần lực lượng khác tham gia. Mỗi thành phần lực lượng phòng không cần xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ, đối tượng đánh chủ yếu, phát huy tốt nhất khả năng chiến đấu của mình để đánh địch đạt hiệu quả cao nhất.
5- Tạo lập TTPK vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc. Lực lượng phòng không là một trong những đối tượng địch sẽ đánh phá ác liệt ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Quan điểm của một số nhà quân sự phương Tây cho rằng, muốn giành chiến thắng trong chiến tranh, trước hết phải làm chủ được trên không, trên biển, làm chủ chiến trường. Mục tiêu đặt ra của họ là vô hiệu hóa các lực lượng phòng không, không quân để nhanh chóng phá hủy tiềm lực quân sự, kinh tế của đối phương, giải quyết chiến tranh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Vì vậy, tạo lập TTPK vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc là một yêu cầu rất quan trọng để đối phó hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Tính vững chắc của TTPK phải được bảo đảm trong suốt quá trình chiến tranh, tuyệt đối không để địch phá vỡ. Ngay từ thời bình, khi bố trí lực lượng phòng không cần phải thống nhất theo ý định tác chiến chiến lược và kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi xảy ra chiến tranh, để giữ thế chủ động phòng tránh hiệu quả, đánh trả kiên quyết, chủ động tiến công địch, chi viện, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tác chiến. Tính liên hoàn trong TTPK phải được cụ thể hóa trong bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, khí tài phòng không, bố trí đan xen các loại lực lượng, phương tiện phòng không trên từng hướng chiến lược, ở từng khu vực mục tiêu bảo vệ thành thế trận hoàn chỉnh, thống nhất, liên kết chặt chẽ với nhau, bảo đảm đánh địch từ xa vào gần, từ ngoài vào trong, ở các độ cao khác nhau, đánh được từ mọi hướng khi địch TCĐK. Tính liên hoàn trong TTPK sẽ bổ sung, hỗ trợ, tạo sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng phòng không. Tính hiểm hóc trong tạo lập TTPK buộc địch phải bất ngờ đối phó, dù bay ở đường bay nào, đánh từ hướng nào cũng gặp lưới lửa phòng không chặn đánh. Để tạo lập được TTPK hiểm hóc, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ, toàn diện các mặt: thủ đoạn hoạt động của không quân địch; dự kiến các đường bay của máy bay, tên lửa hành trình khi vào đánh phá cũng như trinh sát các mục tiêu; điều kiện môi trường tác chiến, bao gồm thời tiết khí hậu thủy văn, địa hình các vùng, tình hình dân cư, chính trị, kinh tế và hệ thống mục tiêu bảo vệ. Đồng thời, cần chú ý nắm vững thực trạng lực lượng phòng không ba thứ quân trên từng hướng chiến lược, để bố trí hài hòa giữa phòng không chủ lực, phòng không bộ đội địa phương, phòng không dân quân, tự vệ. Ưu tiên các vùng phòng không trọng điểm của quốc gia, các khu vực mục tiêu nhạy cảm, trọng yếu có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế và quân sự. Cần quan tâm hơn đến tạo lập TTPK trên hướng biển, đảo vì đây là khu vực địch sẽ tận dụng tiếp cận đánh phá các mục tiêu của ta.
 
Đại tá, TS. Nguyễn Hải Cát
Chủ nhiệm Khoa Quân chủng
Học viện Quốc phòng
            
 

Ý kiến bạn đọc (0)