QPTD -Thứ Ba, 26/07/2011, 16:43 (GMT+7)
Một số vấn đề về tác chiến chống đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Nước ta nằm ở phía Tây của Biển Đông, có 3.260 km bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam, bao bọc toàn bộ sườn Đông, Nam và Tây Nam của Tổ quốc. Vùng biển và ven biển nước ta có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng, có nhiều hải cảng, vũng, vịnh có giá trị về kinh tế và quân sự; là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Hơn nữa, do đặc điểm địa lý nước ta kéo dài, hầu hết các thị xã, thành phố (trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa) đều nằm ở ven biển hoặc gần với biển, nên vùng biển và ven biển nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) của Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) của Đảng đã chỉ rõ: “đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển”1. Vì vậy, ngay từ thời bình, cùng với nhiệm vụ phát triển KT-XH, việc củng cố QP-AN trên các vùng biển là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài; trong đó, nghiên cứu tác chiến chống đổ bộ đường biển (ĐBĐB) là một trong những nội dung quan trọng trong thế trận QP-AN, bảo vệ Tổ quốc.

Trong chiến tranh giải phóng trước đây, tuy chúng ta chưa đưa chống ĐBĐB thành một loại hình tác chiến, nhưng trên thực tế, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã vận dụng và tổ chức phòng thủ giữ vững các đảo, các cảng biển; đánh đuổi, đánh chìm, đánh bị thương nhiều tàu chiến, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch khi chúng xâm phạm vùng biển, vùng trời miền Bắc, góp phần quan trọng bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), hướng biển có thể được xác định là hướng tiến công chủ yếu của địch và tác chiến  ĐBĐB cũng có thể được chúng sử dụng rộng rãi với nhiều quy mô khác nhau. Khi đó, địch có thể sử dụng các liên binh đoàn tác chiến liên hợp, gồm các lữ, sư đoàn hải quân đánh bộ, lữ đổ bộ đường không (ĐBĐK), các đơn vị hải quân, không quân chi viện, kết hợp với bọn phản động nội địa, thực hành các chiến dịch ĐBĐB nhằm đánh chiếm đầu cầu, nhất là các sân bay, bến cảng để đưa lực lượng chính lên bờ, phát triển đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong chiều sâu phòng thủ của ta. Đặc biệt, với ưu thế về phương tiện đổ bộ hiện đại, lực lượng đổ bộ của địch có thể được đưa từ vùng biển ngoài tầm uy hiếp của hỏa lực ven bờ; được chỉ huy và bảo đảm mọi mặt từ các căn cứ trên biển, bỏ qua các mục tiêu trung gian ở vòng ngoài, đánh thẳng vào các mục tiêu hiểm yếu của ta nằm sâu trong đất liền với nhịp độ tiến công mạnh, kết hợp với ĐBĐK chiến dịch, chiến lược hòng phá thế trận phòng thủ của ta, nhanh chóng giành thắng lợi. Từ những nghiên cứu trên, chúng tôi xin nêu mấy vấn đề về tác chiến chống ĐBĐB trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, chủ động xây dựng thế trận chống ĐBĐB ngay từ thời bình. Chống ĐBĐB là hoạt động tác chiến tổng hợp đánh lại quân địch với quân số đông, vũ khí, trang bị hiện đại, sức cơ động cao, với nhiều tầng lớp tiến công từ biển vào, kết hợp với ĐBĐK và bạo loạn lật đổ trên đất liền nên cần được tiến hành bằng sức mạnh tổng hợp và nghệ thuật tác chiến của nhiều lực lượng, trong đó lấy tác chiến hiệp đồng binh chủng của lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Vì vậy, ngay từ thời bình, cùng với chuẩn bị xây dựng tiềm lực, lực lượng và các phương án tác chiến, việc chủ động xây dựng thế trận chống ĐBĐB là nội dung rất quan trọng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại kẻ thù, giành thắng lợi trong tác chiến phòng thủ biển nói chung, chống địch ĐBĐB nói riêng. Yêu cầu cao nhất của xây dựng thế trận chống ĐBĐB phải bảo đảm rộng khắp, toàn diện; từ xa đến gần, cả dưới biển và trên bờ; có chính diện, chiều sâu và tập trung trên các khu vực trọng điểm, hướng chiến lược. Để đáp ứng yêu cầu đó, trước hết, cần tổ chức nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và các phương thức ĐBĐB của địch; điều kiện khách quan, chủ quan về địa hình, thời tiết, khí tượng thủy văn...; dự kiến các hướng, khu vực địch có thể ĐBĐB, ĐBĐK. Trên cơ sở đó, có kế hoạch xây dựng thế trận chống ĐBĐB từ làng, xã, huyện (quận), tỉnh (thành phố) đến quân khu và chiến trường cho phù hợp. Quá trình xây dựng thế trận cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng khu vực phòng thủ địa phương và mang tính tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự ở các đảo, huyện đảo, các tỉnh (thành phố) và quân khu có biển. Trước mắt, các bộ, ngành, quân khu  và các địa phương cần thực hiện tốt phương châm kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với củng cố QP-AN theo phân cấp quản lý; đẩy mạnh xây dựng các công trình quốc phòng, công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhất là các cảng biển, các khu kinh tế-quốc phòng trên biển, các đội tàu đánh cá, lực lượng dân quân biển...; đồng thời, coi trọng việc xây dựng hệ thống công sự, trận địa, hỏa lực và cơ động của các đảo, cụm đảo trọng yếu ven bờ. Trên đất liền, nhất là ở các khu vực trọng điểm, có thể xây dựng các công trình quan sát, trận địa chiến đấu, trận địa hỏa lực, hệ thống đường cơ động và hệ thống vật cản dưới nước và sát mép nước... Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng các phương án đánh địch trên cả hai hướng: đánh địch ĐBĐB và ĐBĐK; tổ chức huấn luyện, diễn tập theo các phương án đã được phê duyệt cho các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương, quân khu và cả nước sẵn sàng đánh thắng địch khi chúng thực hành đổ bộ và bám bờ.

Hai là, coi trọng tác chiến phòng ngự trong tác chiến phòng thủ chống ĐBĐB. Tác chiến phòng thủ nói chung, phòng thủ chống ĐBĐB nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, các quân khu và các địa phương đã tiến hành xây dựng khu vực phòng thủ theo tinh thần Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị và Nghị định 152 của Chính phủ. Theo đó, các địa phương có biển đều xây dựng các phương án đánh địch tiến công từ hướng biển, chống địch ĐBĐB trên các khu vực, hướng chiến lược. Tuy nhiên, các mục tiêu phòng thủ then chốt (các thành phố, thị xã, các trung tâm kinh tế, chính trị) trong khu vực phòng thủ của địa phương ven biển hiện nay đều nằm sát biển, nên khi chiến tranh xảy ra, lực lượng ĐBĐB của địch sẽ trực tiếp đánh vào các mục tiêu trọng yếu ngay từ đầu với sức mạnh và cường độ lớn. Do đó, phòng thủ chống ĐBĐB cần phải nghiên cứu và vận dụng hình thức tác chiến phù hợp để bảo vệ được địa bàn, bảo vệ và giữ vững các mục tiêu phòng thủ then chốt trong mọi tình huống.

Mặt khác, về lực lượng chống ĐBĐB hiện nay vẫn có quan niệm sử dụng lực lượng tại chỗ - lực lượng vũ trang địa phương - để đánh địch ở ven biển (mép nước). Đây là vấn đề cần được nghiên cứu thêm. Theo chúng tôi, về cơ bản vẫn là như vậy, nhưng ở các khu vực, mục tiêu chiến lược trọng điểm cần phải bố trí lực lượng đủ mạnh để tiến hành các hoạt động tác chiến đánh bại các lực lượng đổ bộ chủ yếu của địch, nhất là ở các thời điểm quyết định. Hơn nữa, mặc dù lực lượng địch đổ bộ có quân số đông, trang bị vũ khí hiện đại, phạm vi đổ bộ có thể rộng, nhưng tất yếu phải tập trung đột phá ở những nơi và thời điểm quyết định, nên áp lực địch ở những trọng điểm là rất lớn, điều đó đòi hỏi phải có lực lượng tương xứng để chống lại sức mạnh ĐBĐB của địch.

Từ những phân tích trên cho thấy, trong tác chiến phòng thủ chống ĐBĐB, dù ở quy mô nào cũng có thể hoặc nhất thiết phải tiến hành các hoạt động tác chiến phòng ngự để bảo đảm giữ vững được mục tiêu, địa bàn trước áp lực tiến công của địch. Ở những khu vực, mục tiêu đặc biệt quan trọng, có thể tổ chức các trận đánh phòng ngự, hoặc các chiến dịch phòng ngự chống ĐBĐB bằng lực lượng chủ lực của quân khu, có thể có một bộ phận lực lượng chủ lực của Bộ tăng cường, kết hợp với các hoạt động tác chiến và đấu tranh khác, đánh địch ĐBĐB ở các trọng điểm, bảo vệ các mục tiêu chủ yếu, quan trọng, nhất là các thành phố, thị xã và các địa bàn chiến lược ven biển.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến ven bờ với tác chiến trên biển, đưa tác chiến hướng ra biển với hiệu xuất ngày càng cao. Xuất phát từ đặc điểm địa hình nước ta trải dài từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển, chiều ngang hẹp (có nơi chỉ khoảng 50 km) nên chiều sâu phòng thủ chống ĐBĐB hạn chế, việc triển khai lực lượng, phương tiện thực hành tác chiến chống ĐBĐB gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, kết hợp giữa tác chiến ven bờ với tác chiến trên biển, đưa tác chiến hướng ra biển trong chống ĐBĐB là rất cần thiết, nhằm kết hợp chặt chẽ giữa ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt bộ phận quân địch trực tiếp đổ bộ lên bờ với tác chiến đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch ở trên biển, gây khó khăn cho chúng, làm giảm áp lực tiến công đổ bộ lên bờ, tạo điều kiện cho lực lượng tác chiến ven bờ đánh địch, giành thắng lợi. Để làm được điều đó, phải xây dựng thế trận bờ-biển-đảo liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, bảo đảm cho các lực lượng có thể chủ động đánh địch từ xa đến gần và chi viện cho nhau khi cần thiết. Đối với tác chiến đánh địch ở ven bờ, chủ yếu dựa vào khu vực phòng thủ của địa phương, được chuẩn bị một bước cơ bản từ thời bình và bổ sung, hoàn thiện ngay trước khi có chiến tranh, nên có nhiều thuận lợi, nhưng đây cũng là nơi địa hình trống trải, tổ chức phòng thủ, phòng ngự và cơ động của ta gặp khó khăn; lại là nơi địch tập trung hỏa lực mạnh để hủy diệt đối phương. Do đó, đánh địch ở tuyến ven bờ phải trên cơ sở dự kiến các hướng, khu vực, bãi đổ bộ của địch mà tổ chức các cụm làng, xã chiến đấu; điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự cấp chiến thuật; những nơi xác định chính xác hướng đổ bộ chủ yếu cấp chiến dịch của địch có thể tổ chức chiến dịch phòng ngự quy mô nhỏ. Lực lượng của các quân chủng, binh chủng có thể phối hợp với lực lượng phòng thủ, phòng ngự tại chỗ để đánh địch, kéo dài thời gian đánh chiếm bãi đổ bộ của chúng, không cho chúng liên kết các bãi, khu vực đổ bộ, giữa lực lượng ĐBĐB với lực lượng ĐBĐK..., tạo điều kiện, thời cơ cho lực lượng cơ động các cấp phản công, tiến công tiêu diệt lực lượng ĐBĐB của địch. Đối với tác chiến đánh địch trên biển, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trên các đảo và trên biển, trong đó lấy lực lượng hải quân làm nòng cốt. Hiện nay, do điều kiện vũ khí, trang bị và khả năng của hải quân có hạn, nên tác chiến trên biển có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, dựa vào các đảo, các căn cứ đặc biệt, bằng lực lượng của hải quân, lực lượng tinh nhuệ, phối hợp với các lực lượng pháo binh, tên lửa và không quân..., với cách đánh hợp lý, chúng ta có thể tiến công vào các mục tiêu trên biển có lựa chọn (tàu chở quân, tầu đổ bộ, tàu hỏa lực, lực lượng cơ động...) gây khó khăn cho chúng trong quá trình cơ động, triển khai lực lượng tiến công và đổ bộ... Như vậy, cùng với khả năng sức mạnh phòng thủ trên bờ để đối phó với địch ĐBĐB, rất cần tăng cường sức mạnh trên biển, nhất là sức mạnh của hải quân, bảo đảm cho lực lượng này không chỉ đủ sức tiến hành các trận đánh trên biển, mà còn có khả năng trở thành lực lượng nòng cốt tiến hành các chiến dịch trên biển khi có điều kiện. Khi ấy, chiến tranh nếu diễn ra từ biển, áp lực vào bờ sẽ giảm đi đáng kể, đó chính là một yếu tố quan trọng để chúng ta giành thắng lợi.

 Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự-BQP

__________

1- Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương-Các nghị quyết BCHTƯ Đảng (khóa X), H. 2007, tr. 94.

 

Ý kiến bạn đọc (0)