QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 23:40 (GMT+7)
Một số vấn đề về quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội hiện nay
Quy hoạch hệ thống nhà trường (HTNT) quân đội là một nội dung quan trọng trong công tác tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam và công tác quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ) “Về công tác GD-ĐT trong tình hình mới" đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Hoàn thiện quy hoạch HTNT quân đội và nâng cao hiệu lực chỉ đạo, quản lý đào tạo và xây dựng nhà trường”, nhằm tạo chuyển biến cơ bản về phát triển GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong thời kỳ mới.

Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-ĐUQSTW ngày 01 tháng 6 năm 1994 của ĐUQSTƯ “Về tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy", công tác GD-ĐT trong quân đội đã có bước chuyển biến cơ bản; HTNT từng bước được kiện toàn gắn với tổ chức quân đội, được nâng cấp đào tạo và thể chế hóa về mặt nhà nước, hình thành hệ thống học viện, trường tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đào tạo đối với từng bậc học đã được chuẩn hóa, phù hợp với quy mô, ngành nghề đào tạo cán bộ, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong quân đội. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, việc quy hoạch HTNT quân đội chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước về GD-ĐT chưa phù hợp; phân cấp quản lý và công tác bảo đảm cho các trường còn chồng chéo, phân tán. Quy hoạch tổ chức HTNT chưa ổn định. Tổ chức, biên chế của nhiều trường chậm được kiện toàn và chưa bảo đảm tính thống nhất; còn mang đặc thù của thời kỳ chiến tranh. Quy trình, chương trình đào tạo tuy có đổi mới nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, chưa gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Đầu tư cho GD-ĐT, xây dựng nhà trường chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi; cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện giảng dạy chưa được đổi mới đồng bộ.

Thực hiện Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW, Bộ Quốc phòng đã triển khai việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, vấn đề quan trọng hàng đầu là các cấp, các ngành phải có sự thống nhất cao về nhận thức, quan điểm. 
Phải xác định, đây là vấn đề cấp thiết, là đòi hỏi khách quan, xuất phát từ yêu cầu đổi mới, phát triển GD-ĐT và yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, tổ chức của quân đội phải phù hợp và có những yêu cầu riêng, nhằm bảo đảm cho quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. HTNT quân đội là một bộ phận cấu thành tổ chức quân đội nên phải được quy hoạch, đổi mới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; có số lượng phù hợp trong thời bình, đồng thời sẵn sàng mở rộng tổ chức khi chiến tranh xảy ra. Mục đích cao nhất của quy hoạch HTNT là để nâng cao chất lượng GD-ĐT và tăng cường quản lý nhà nước về GD-ĐT; bảo đảm quy trình đào tạo thống nhất từ cấp thấp đến cấp cao, không bị chồng chéo về chương trình, nội dung... Cũng phải thấy rõ, quy hoạch HTNT rất phức tạp, không chỉ là sự dồn dịch, thay đổi tổ chức, biên chế đơn thuần mà phải dựa trên cơ sở khoa học, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều quan trọng là qua đó xây dựng cơ chế quản lý mới, tạo sự phát triển cơ bản, toàn diện hơn đối với GD-ĐT. Tất nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng nhất định đến lợi ích cục bộ của một số bộ phận. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành cần có nhận thức đúng đắn, lấy lợi ích toàn cục để nghiên cứu, đề xuất; tránh tư tưởng cục bộ, thiếu kiên quyết đổi mới trong quy hoạch. Mặt khác, cần nhận thức GD-ĐT trong quân đội là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc gia. Do đó, việc quy hoạch HTNT quân đội phải gắn với quy hoạch tổng thể của nền giáo dục quốc gia, đáp ứng được yêu cầu liên kết hoạt động giữa các nhà trường với nhau và các trung tâm nghiên cứu khoa học; đồng thời, tiếp cận được xu thế phát triển GD-ĐT của khu vực và thế giới.
Quá trình thực hiện phải quán triệt sâu sắc quan điểm về GD-ĐT như Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW đã xác định: "Phát triển GD-ĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của cấp ủy và chỉ huy các cấp, các ngành trong quân đội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực về con người, ngân sách và có chính sách ưu tiên phù hợp để GD-ĐT phát triển trước một bước". Theo đó, đào tạo cán bộ phải đón trước và phục vụ đắc lực các yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội; quy hoạch phải phù hợp với phương hướng tổ chức, biên chế, trang bị của quân đội, bảo đảm cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ và cơ cấu vùng miền và đặc thù về nhiệm vụ, tính chất hoạt động của quân đội. Gắn kết quả GD-ĐT với tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; tạo môi trường thuận lợi để phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với đó, việc quy hoạch còn phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của ĐUQSTƯ và Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phát huy tính chủ động và trách nhiệm của từng trường trong công tác quy hoạch với giải pháp và bước đi phù hợp.
Tổ chức quy hoạch HTNT còn phải quán triệt quan điểm về tính chính quy, tính kế thừa và phát triển. Tính chính quy phải thể hiện xuyên suốt quá trình quy hoạch, bảo đảm nhà trường là nơi mẫu mực về tính chính quy, nhất là trong giảng dạy, quản lý, điều hành, chấp hành chế độ, điều lệnh quân đội. Việc quy hoạch hệ thống trường đào tạo sĩ quan và đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật phải được tiến hành một cách hợp lý; tận dụng triệt để các cơ sở trường, lớp sẵn có; đồng thời, điều chỉnh, phân bổ hợp lý trên các vùng, miền, phù hợp với đặc điểm tạo nguồn và tổ chức đào tạo trên các hướng, khu vực chiến trường. Việc quy hoạch còn phải căn cứ vào quy trình, thời gian, nội dung, chương trình bảo đảm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Sĩ quan, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giáo dục... nhất là, đối với các ngành đào tạo chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ.
Nội dung quy hoạch phải bảo đảm toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm và được xác định trên cơ sở tổ chức, biên chế của quân đội. Nghiên cứu điều chỉnh, hình thành các khối: học viện; trường sĩ quan, đại học; trường quân sự quân khu, quân đoàn; trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; trường cao đẳng, trung cấp nghề; trường quân sự tỉnh, thành phố. Quy hoạch đội ngũ các nhà giáo có số lượng đủ, chất lượng cao, cơ cấu hợp lý. Xác định chức năng, nhiệm vụ, thống nhất cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị, cơ sở đào tạo thực hành, thực tập cho học viên. Hình thành một số trung tâm đào tạo-nghiên cứu trọng điểm bảo đảm yêu cầu đào tạo đa năng, đa nghề, đa trình độ; vừa phục vụ quân đội, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; đồng thời, phát huy thế mạnh đào tạo chuyên ngành của các quân chủng, binh chủng, ngành chuyên môn. Quy hoạch chương trình, nội dung bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, liên thông các cấp học, bậc học; chú trọng rút ngắn thời gian đào tạo tại trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhà trường chính quy, hiện đại, đáp ứng lưu lượng học viên và yêu cầu nâng cao chất lượng GD-ĐT. Ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản một số học viện, trường trọng điểm; xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ cao của một số ngành mũi nhọn phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
 Việc phân cấp quản lý các học viện, trường căn cứ vào Luật Giáo dục năm 2005 và chức năng, nhiệm vụ của từng trường. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về GD-ĐT. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về GD-ĐT trong quân đội theo thẩm quyền. Theo đó, các học viện, trường trong quân đội được phân cấp gồm: các nhà trường do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý; các nhà trường trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu và các tổng cục; các nhà trường trực thuộc các quân chủng, Bộ đội Biên phòng, binh chủng và các trường trực thuộc quân khu, quân đoàn, binh đoàn, tỉnh (thành phố). Việc phân cấp quản lý được tiến hành theo hướng tăng cường quản lý trực tiếp, thống nhất từ cấp Bộ đến tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng; hạn chế cấp trung gian. Hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp chỉ đạo, đầu tư, bảo đảm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng đối với công tác GD-ĐT và xây dựng nhà trường. Hoàn thiện hệ thống văn bằng của các bậc học, trình độ đào tạo và công tác quản lý cấp phát văn bằng. Đồng thời, xây dựng chế độ khuyến khích cán bộ tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực.
Để công tác quy hoạch HTNT quân đội đạt hiệu quả cao, đúng quan điểm, chủ trương, phương hướng đã xác định, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các đề án về GD-ĐT đã được ĐUQSTƯ, Bộ Quốc phòng xét duyệt, quyết định. Kết hợp chặt chẽ giữa Đề án "Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội đến năm 2015 và những năm tiếp theo" với các đề án về “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010”, về "Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội", quy hoạch đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật..., hình thành các bậc học, ngành học hoàn chỉnh theo quy hoạch chung.
Cấp uỷ đảng, chỉ huy các ngành, các cấp phải quán triệt sâu sắc quan điểm về tổ chức quy hoạch HTNT quân đội, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến cơ bản về GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong thời kỳ mới.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm
Phó Tổng Tham mưu trưởng
 

Ý kiến bạn đọc (0)