Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:49 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Trong chiến lược quốc phòng, xây dựng quân đội hiện đại, một trong những nội dung được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu là hiện đại hóa, nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần quân sự (HCQS), đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại trong chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Những năm qua, Trung Quốc đề ra và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, nhờ đó mà HCQS của nước này đã có những bước phát triển vượt bậc về chất, phục vụ hiệu quả cho công cuộc củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và được nhiều nước đánh giá là một mô hình HCQS khá thành công. Bài viết này xin nêu một số vấn đề chủ yếu trong hiện đại hóa HCQS của Trung Quốc:
1- Chú trọng đổi mới quan điểm, cải cách tổ chức biên chế, cơ chế quản lý, chỉ huy, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm HCQS.
Trung Quốc cho rằng, nhiệm vụ xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới đòi hỏi phải tạo được hai chuyển biến chiến lược trong phát triển HCQS . Đó là chuyển bảo đảm hậu cần (HC) từ loại hình lấy khối lượng lớn, số lượng nhiều là chính, sang loại hình lấy chất lượng, hiệu quả cao làm trọng tâm; và chuyển từ bảo đảm HC để đánh thắng chiến tranh cục bộ thông thường sang bảo đảm HC để đánh thắng chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc đề ra 5 phương châm chỉ đạo phát triển HCQS: 1- Phải xuất phát từ điều kiện hiện có của đất nước; đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn dân về vị trí, vai trò, yêu cầu nhiệm vụ HCQS trong chiến tranh hiện đại; nhấn mạnh nhiệm vụ HCQS là của cả nước và của toàn dân, trong đó, quân đội giữ vai trò nòng cốt. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa thị trường và chiến trường, vận dụng có hiệu quả các đặc điểm, quy luật và các yếu tố của kinh tế thị trường XHCN mang "đặc sắc" Trung Quốc; tận dụng mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, của nhân dân để phát triển HCQS. Triệt để thực hành tiết kiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả HCQS. 2- Tích cực cải cách, phát triển toàn diện HCQS không chỉ nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự mà còn là một thành tố quan trọng, góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp cải cách đất nước, phát triển kinh tế quốc dân. 3- Ưu tiên phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và tương xứng với trình độ phát triển HCQS của thế giới. 4- Tập trung nâng cao hàm lượng khoa học-công nghệ HCQS, phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật cao, các sản phẩm lưỡng dụng cho quân sự và cho dân sự. 5- Kiên trì lấy tự lực cánh sinh là chính, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế để thúc đẩy HCQS phát triển nhanh và vững chắc.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả HCQS, Trung Quốc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp; trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, các văn bản pháp quy, kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý, chỉ huy, phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước; đồng thời, huy động triệt để các nguồn lực trong xã hội và nhân dân để thúc đẩy HCQS phát triển theo đúng định hướng chiến lược đã đề ra. Đầu năm 2002, Quốc vụ Viện và Quân ủy Trung ương đã ban hành các quyết định, trong đó quy định: chính quyền các địa phương, các bộ, ngành phải đưa công tác xã hội hóa HCQS vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và của ngành mình; đồng thời, có trách nhiệm cung cấp những cơ sở dịch vụ, như điện, nước, nhà ở, y tế, vận tải quân sự,… cho quân đội. Tháng 10-2002, Quân ủy Trung ương ban hành điều lệ về mua sắm vũ khí, trang bị cho quân đội. Theo đó, quân đội Trung Quốc thực hiện cơ chế đặt hàng với Nhà nước và các công ty dân sự (hợp đồng gia công) để mua sắm, cung cấp vũ khí, trang bị và vật tư HCQS. Tổng bộ Trang bị (TBTB) Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy việc sản xuất, mua sắm vũ khí, trang bị và Tổng bộ Hậu cần (TBHC) phụ trách mua sắm vật tư HC cho quân đội. Dựa trên chức năng, nhiệm vụ được giao, TBTB đã ban hành các quy định về quản lý các kế hoạch, các hợp đồng mua sắm vũ khí, trang bị; các phương thức quản lý và thủ tục mua sắm vũ khí, trang bị; quy định về quản lý kiểm tra chất lượng, quản lý mua sắm tập trung các trang bị cùng loại… TBHC cũng ban hành các quy định về quản lý mua sắm vật tư HCQS, về quản lý đấu thầu, xét duyệt giá cả, các nguyên tắc, quy tắc thanh toán tập trung, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và dịch vụ quân sự… Những điều lệ và các quy định trên được cụ thể hóa từ các quy định về cải cách hành chính mà Chính phủ Trung Quốc đã ban hành và được vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tế trong xây dựng và quản lý của quân đội. Chúng tạo thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh công tác mua sắm vũ khí, trang bị và vật tư HCQS của quân đội; đưa hoạt động này vào nền nếp theo phương hướng tập trung, góp phần cải thiện đáng kể cơ chế hoạt động của HCQS theo hướng xã hội hóa, tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, gắn kết chặt chẽ với các ngành khoa học-công nghệ, các cơ sở công nghiệp của đất nước; đồng thời, nó còn tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh, thu hút các doanh nghiệp ngoài quân đội tích cực tham gia thị trường sản phẩm quân sự, với nhiều phương thức, như: đấu thầu công khai, mời thầu, trả giá cạnh tranh và mua sắm có điều tra… Điều này đã làm tăng hiệu quả đầu tư, giảm được nguồn nhân lực phục vụ, tiết kiệm được ngân sách trong mua sắm các vũ khí, trang bị tiên tiến, chất lượng cao và đồng bộ. Hiện nay, Trung Quốc quy định Nhà nước mua sắm tập trung trên 1.000 loại vật tư thuộc 24 hạng mục cần thiết trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, huấn luyện, giáo dục-đào tạo, bảo đảm quân nhu, quân trang, quân lương, tài chính và nhiều loại dịch vụ quân sự khác; quy định tất cả những hợp đồng mua bán trị giá từ 300.000 ND tệ và dự án có giá trị 2 triệu ND tệ trở lên phải tổ chức đấu thầu công khai. Chính phủ và Bộ Quốc phòng cũng chú trọng huy động các công ty dân sự, các địa phương tham gia các dịch vụ, từ cung cấp nhiên liệu, phụ tùng thay thế, dịch vụ y tế, vận tải, sửa chữa thiết bị quân sự tới việc cung ứng, chế biến, bảo quản các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm ăn uống cho quân đội. Đồng thời, xây dựng mạng lưới phân phối có sự phối hợp giữa quân sự và dân sự; sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin tiên tiến để hiện đại hóa hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát, nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và các yêu cầu bí mật quân sự, quốc phòng, nâng cao khả năng động viên HC cho các nhiệm vụ quân sự trong thời bình cũng như khi có chiến tranh xảy ra.
2- Phát triển khoa học nghệ thuật, khoa học công nghệ và kỹ thuật HCQS hiện đại.
Trung Quốc coi đây là một nội dung có tầm quan trọng chiến lược, quyết định đến việc nâng cao năng lực HCQS hiện đại. Do khoa học HCQS là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao, nên Trung Quốc hết sức chú trọng đến việc hoạch định chiến lược phát triển toàn diện HCQS nhằm nhanh chóng bắt kịp với trình độ phát triển HCQS của thế giới; trong đó, tập trung quản lý chặt chẽ các khâu: lập kế hoạch, xây dựng dự án, xác định các ưu tiên, các trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu, phát triển, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các sản phẩm, các trang thiết bị HC công nghệ cao. Tổ chức nghiên cứu dự trữ nhiều, sản xuất tập trung có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nghiên cứu khoa học cơ bản, phát triển các công nghệ mũi nhọn, nhằm tạo đột phá về kỹ thuật và phát triển các trang thiết bị có triển vọng lâu dài. Tích cực chuyển giao công nghệ với các ngành HC dân sự trong nước và quốc tế, nhằm giảm bớt chi phí nghiên cứu và tiếp thu nhanh công nghệ mới, chú trọng phát triển các hệ thống trang bị HC đa tác dụng, có trình độ tự động hoá, thông tin hóa, trí năng hoá và khả năng phòng vệ tốt.
Trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật HCQS, Trung Quốc rất coi trọng nghiên cứu, phát triển các phương thức bảo đảm HC cho tác chiến hiện đại trong chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc cho rằng, đặc điểm nổi bật trong chiến tranh cục bộ tương lai là không gian chiến trường ngày càng được mở rộng (trên 5 chiều: bộ, không, biển, vũ trụ và trường điện từ); tác chiến mang tính liên hợp nhất thể hóa các quân chủng, binh chủng; tình huống tác chiến diễn biến rất nhanh và linh hoạt; lượng tiêu hao vật chất lớn, nhiều chủng loại phức tạp; lực lượng bảo đảm HC phải đối mặt với sự uy hiếp cao…. Vì vậy, phải nghiên cứu, phát triển phương thức bảo đảm HC chính xác, dựa trên 3 yếu tố: thông tin chính xác, hậu cần tập trung và vận tải kỹ thuật cao; đảm bảo khả năng theo dõi, quản lý chặt chẽ trạng thái các loại vật chất, tổ chức chỉ huy, bảo đảm cung cấp kịp thời, chính xác, đáp ứng yêu cầu HC đến các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, trong các điều kiện tác chiến khác nhau. Hiện nay, Trung Quốc đã trang bị nhiều thiết bị chỉ huy, quản lý HC sử dụng máy tính điện tử để tự động hoá việc dự toán, kiểm toán, quản lý, chỉ huy HC các cấp trong quân đội; phát triển thành công nhiều loại phương tiện vận tải đường không, đường bộ, đường biển có tốc độ cao, phòng vệ tốt, khả năng tự động bốc dỡ hàng hóa và được gắn thiết bị vệ tinh định vị, cho phép chỉ huy, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển, cung cấp HC nhanh và chính xác; đã trang bị các trạm cung cấp HC, sửa chữa kỹ thuật tổng hợp dã chiến, các bệnh viện dã chiến đa năng, hệ thống HC dã chiến tổng hợp cho các đơn vị; nghiên cứu sản xuất “khẩu phần ăn công nghệ cao” cho phép người lính tự bảo đảm ăn dài ngày trong điều kiện chiến trường; cung cấp các trang thiết bị cho phân đội và cá nhân bằng chất liệu tổng hợp gọn, nhẹ, tiện sử dụng trong các điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt… Trung Quốc cũng nghiên cứu, điều chỉnh bố trí chiến lược HCQS trên phạm vi cả nước, nhất là quy hoạch xây dựng các khu vực hậu phương chiến lược, phát triển các căn cứ bảo đảm HC, kỹ thuật tại các khu vực trọng điểm, các hướng chiến lược; hoàn chỉnh hệ thống kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông cơ động, vừa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ tác chiến khi xảy ra chiến tranh. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự nhiều nước, Trung Quốc hiện có đủ khả năng để phát triển nhiều sản phẩm HCQS có trình độ hiện đại tầm khu vực và quốc tế, trong đó có những sản phẩm tiên tiến được không ít nước (kể cả các nước phát triển, như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ấn Độ…,) nhập khẩu.
3- Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC, đáp ứng yêu cầu của HCQS hiện đại.
Trung Quốc coi xây dựng đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC có năng lực, trình độ cao vừa là mục tiêu, yêu cầu cấp thiết trước mắt, vừa là cơ bản lâu dài trong xây dựng HCQS hiện đại. Chỉ có xây dựng được đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC tố chất cao, đủ năng lực, trình độ thì mới làm chủ được các phương tiện, trang thiết bị HC hiện đại, công nghệ cao, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của HC trong tác chiến hiện đại. Một trọng tâm được Trung Quốc chú trọng là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong hệ thống các học viện, nhà trường HC quân sự. Theo đó, tăng cường đầu tư nguồn tài lực để nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị huấn luyện; nâng cao trình độ, năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, công nhận chức danh khoa học, học vị cho đội ngũ cán bộ - giảng viên; hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, giáo khoa theo yêu cầu mới; gắn đào tạo với sử dụng, đào tạo với nghiên cứu khoa học; tăng cường mở rộng hợp tác giáo dục, đào tạo với các trường dân sự trong nước và quốc tế; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện (với những tiêu chuẩn cao hơn và môi trường huấn luyện sát với yêu cầu của tác chiến hiện đại). Bên cạnh đó, Trung Quốc coi trọng quy hoạch đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC trong quân đội theo hướng chuyên nghiệp hoá, đủ tiêu chuẩn về số lượng và chất lượng, được bố trí, sử dụng hợp lý, đúng ngành, nghề đào tạo. Chăm lo đào tạo các chuyên gia đầu ngành, các nhân tài có trình độ cao về khoa học HCQS, đủ khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, quân đội về các chủ trương, đường lối chiến lược và tổ chức chỉ huy, xây dựng và phát triển HCQS hiện đại. Duy trì nghiêm các quy định của ngành HCQS, tạo điều kiện tốt hơn để sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, học vấn, phát huy tài năng, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; chăm lo đổi mới, cải cách các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn nhằm cải thiện đời sống cho quân nhân và thu hút nhân tài cho ngành HC của quân đội.
Đồng Minh Tại
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011