QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:23 (GMT+7)
Một số vấn đề về đổi mới công tác đào tạo cán bộ quân đội trong giai đoạn hiện nay

Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học-công nghệ, vì vậy đòi hỏi trên tất cả các lĩnh vực phải có con người tri thức, đáp ứng bước đi của thời đại tri thức.

Trước những biến động rất lớn về hình thái chiến tranh, quân đội nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu lý luận về “Quân đội trong thế kỷ XXI”, “Chiến tranh trong thế kỷ XXI”. Bước đột phá quan trọng của các lý luận đó là họ đã dựa vào dự báo các loại vũ khí mới, xu thế phát triển của chiến tranh để đưa ra lý luận quân sự mới, hình thái chiến tranh mới, định hướng cho sự phát triển trang bị và đào tạo, huấn luyện quân nhân, nghiên cứu, xây dựng mô hình quân đội mới thích ứng với “cuộc chiến tranh tương lai”. Như vậy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hàm lượng kỹ thuật trong chiến tranh và quân sự, lý luận quân sự luôn có bước phát triển; “mô hình quân đội kiểu mới” cũng hình thành; đội ngũ cán bộ quân đội cũng có những tiêu chí mới, trong đó tri thức được đề cao. Vũ khí, trang bị càng hiện đại, tiên tiến, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có tri thức cao càng tăng lên. Trong quân đội một số nước tiên tiến đã có những binh chủng kỹ thuật mà 100% sĩ quan đều phải tốt nghiệp đại học. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã nhận xét, sự cạnh tranh trong lĩnh vực quân sự nói cho cùng là sự cạnh tranh về con người tri thức-những người sáng tạo ra vũ khí, trang bị mới, phương thức tác chiến mới. Vì lẽ đó, trong thế kỷ mới, quân đội nhiều nước đều coi cải cách công tác đào tạo, huấn luyện là một trong những nội dung chính của cải cách quân sự.
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, để xứng đáng là vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới,  quân đội ta phải có một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; đồng thời phải có trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ cao; có năng lực chỉ huy và tổ chức hoạt động thực tiễn tốt. Quân đội ta ngày càng phát triển, hiện đại, yêu cầu về nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn, trong đó có đội ngũ cán bộ quân đội ngày càng cao.
Nêu ra những vấn đề trên để đi đến một nhận định: việc nâng cao hàm lượng tri thức cho nguồn nhân lực quân sự, trong đó có đội ngũ cán bộ quân đội - yếu tố mang tính quyết định trong chiến tranh- là yêu cầu khách quan, một công việc cấp bách. Một trong những giải pháp có tính chiến lược là phải đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục-đào tạo, trong giai đoạn 2006-2010, Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng cũng đặt ra yêu cầu đổi mới qui trình, chương trình đào tạo trong các nhà trường, viện nghiên cứu của Quân đội. Chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, mấy năm qua chúng ta đã có nhiều cố gắng đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác đào tạo cán bộ quân đội cũng còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là kế hoạch đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo cơ bản còn thiếu và yếu; trình độ học vấn của cán bộ qua đào tạo được nâng lên, nhưng năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn còn nhiều hạn chế; nguồn kế cận và cán bộ đầu ngành ở một số lĩnh vực còn thiếu. Nhiều cán bộ quân đội ít được tiếp cận với thông tin và công nghệ mới. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là công tác đào tạo vẫn chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế, chậm tiếp cận với những tiến bộ của khoa học - công nghệ và những luận thuyết chiến tranh mới, với vũ khí, trang bị hiện đại. Mặt khác, việc tổ chức lại quân đội thời bình theo hướng tinh, gọn làm cho lực lượng thường trực sẽ ngày một giảm. Điều tất yếu, qui mô đào tạo của các nhà trường quân đội cũng giảm theo. Tuy nhiên, sự giảm đó chỉ mang tính số học, còn ngành nghề, lĩnh vực đào tạo không thể giảm, thậm chí còn phải tăng một số ngành nghề, một số lĩnh vực bởi yêu cầu tác chiến mới và bởi vẫn còn một số ngành, lĩnh vực quân đội hiện nay đang cần mà hệ thống nhà trường quân đội chưa có cơ sở đào tạo. Đây là thực trạng mà các nhà trường quân đội cần nghiên cứu chuyển đổi cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Những tồn tại, khó khăn trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội nói trên không thể một sớm, một chiều có thể khắc phục. Để góp phần đưa công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin đề cập đến một số nội dung sau:
1. Cần tiếp tục quy hoạch hệ thống học viện, nhà trường quân đội phù hợp với yêu cầu , nhiệm vụ mới. Quốc gia nào cũng đều thông qua hệ thống học viện, nhà trường để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Xu thế hiện nay trong đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới là “điều chỉnh hợp nhất, cải tiến, liên thông đa ngành”. Với thực trạng hệ thống các nhà trường quân đội của ta hiện nay, cần nghiên cứu tổ chức lại để tạo sự liên thông giữa các cấp học, bậc học; đồng thời có cơ chế để phối hợp đào tạo nhằm khai thác và tận dụng các thế mạnh của cả hệ thống, tránh tình trạng khép kín, cục bộ. Trước mắt, cần nghiên cứu tháo gỡ có hiệu quả sự liên thông hàng dọc giữa các nhà trường thông qua việc đào tạo đa cấp; sự liên thông hàng ngang thông qua việc hợp nhất một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo. Đơn cử, thông tin, cơ yếu, tác chiến điện tử... có thể nghiên cứu giao nhiệm vụ đào tạo cho một nhà trường và chỉ phân ngành vào năm cuối. Đây là cách làm tiết kiệm đáng kể ngân sách trong công tác đào tạo; đồng thời tận dụng cao nhất kiến thức đã được đào tạo ở cấp thấp, phát triển rộng hơn, sâu hơn ở cấp trên; đầu tư thế mạnh cho từng trường đi nhanh đến hiện đại, tiên tiến. Làm như vậy, chỉ cần trong thời gian đào tạo ngắn, chúng ta cũng có thể đi nhanh đến mục tiêu đào tạo đã đề ra. Thời gian đào tạo càng ngắn, số lượng đào tạo theo đó sẽ tăng lên.
Song song với việc qui hoạch lại hệ thống học viện, nhà trường là thiết kế qui trình, chương trình đào tạo, thực hiện đào tạo cơ bản chung, đào tạo chỉ huy và khả năng kỹ thuật chung, sau đó mới phân ngành đào tạo theo chuyên ngành quân sự. Nghiên cứu phát triển một số ngành, một số lĩnh vực mới mà sự phát triển của quân đội yêu cầu.
2. Cần đẩy mạnh việc kết hợp đào tạo cán bộ quân sự giữa các nhà trường quân đội với các nhà trường dân sự. Cơ chế thị trường định hướng XHCN có đủ mọi điều kiện cho phép ta tiến hành theo xu thế kết hợp giữa các nhà trường trong và ngoài quân đội; đặc biệt, khi kỹ thuật, công nghệ mới mang tính lưỡng dụng thì một số môn học trong trường dân sự cũng là những môn học trong trường quân sự.
Dựa vào giáo dục dân sự, “mượn” lực lượng to lớn trong giáo dục và nghiên cứu của xã hội, nhất là đối với các trường tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc gia có thể mang lại nhanh nhất những kiến thức tiên tiến cho đội ngũ cán bộ quân sự. Vừa qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, không ít các nhà trường, cơ sở đào tạo dân sự đã được đầu tư đổi mới rất lớn, có hệ thống thông tin Internet tốt, các giáo viên được đi tu nghiệp hoặc trao đổi với nước ngoài, tài liệu mới luôn được cập nhật, đó là những điều kiện hơn hẳn mà các học viện, nhà trường quân đội cần nghiên cứu khai thác. Đó là chưa kể, ngoài việc khai thác thế mạnh đặc thù của các nhà trường, trung tâm nghiên cứu dân sự để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân đội, việc kết hợp có hiệu quả còn góp phần tiết kiệm được ngân sách. Đây là cách mà các nước tiên tiến đã làm có hiệu quả.
Nhiều năm qua, Quân đội cũng đã cấp học bổng quốc phòng cho các học viên quân sự học ở các trường đại học dân sự và tuyển chọn nhiều kỹ sư dân sự đi dự nhiệm, nhằm nâng cao kiến thức quốc phòng, bảo đảm chất lượng nguồn vào đội ngũ sĩ quan. Song, thực tế số lượng lẫn cơ cấu ngành nghề đội ngũ cán bộ trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra, nhất là đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Để thực hiện tốt việc kết hợp trong đào tạo giữa các nhà trường trong và ngoài quân đội, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các nhà trường để đưa việc đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể đối với hệ thống các nhà trường dân sự. Các nhà trường quân đội giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo những lĩnh vực đặc thù của quân sự.
3. Đẩy mạnh phương pháp đào tạo, huấn luyện "thực tại ảo". Đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ quân sự theo yêu cầu mới đòi hỏi sự đầu tư rất lớn trên mọi mặt. Nếu đợi đủ mọi điều kiện, yếu tố bảo đảm thì khó có cơ hội sớm thực hiện được các nội dung, mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự đã đề ra. Con đường hiệu quả, vừa đi trước, đón đầu, vừa góp phần tiết kiệm được ngân sách, cơ sở vật chất,... là phải khai thác, ứng dụng tốt những tiến bộ của khoa học - công nghệ vào công tác đào tạo qua biện pháp huấn luyện “thực tại ảo”. Đây là xu thế phát triển của thời đại mà quân đội nhiều nước đã chứng minh được tính hiệu quả của nó. Nhiều nước tiên tiến đã chọn “thực tại ảo” là biện pháp huấn luyện chủ yếu trong thế kỷ XXI.
Trên cơ sở những nguyên tắc tác chiến, cơ cấu tổ chức, lực lượng tham gia tác chiến, vận dụng những kỹ thuật mô phỏng trên vi tính, kỹ thuật laze và kỹ thuật thông tin số hoá, nhà trường xây dựng chương trình “thực tại ảo” bằng cách mô phỏng lại điều kiện chiến trường, các biện pháp tác chiến giống với “chiến trường thực” (có được từ ảnh số của vệ tinh hoặc tự thiết kế với sự trợ giúp của máy tính). Nếu có chương trình tốt, công tác đào tạo, huấn luyện “thực tại ảo” có thể bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, từ những công việc của người chỉ huy tối cao đến từng hành động cụ thể của người chiến sĩ, từ các trận chiến đấu độc lập đến những trận chiến đấu tổng hợp với nhiều lực lượng tham gia. Phương pháp này chắc chắn sẽ nâng cao được hiệu quả đào tạo, huấn luyện, bởi với sự trợ giúp và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể xây dựng được nhiều phương án tác chiến với nhiều điều kiện, tình huống chiến tranh khác nhau. Điều rất quan trọng là giảm nhẹ việc điều động quân, tránh hao mòn vũ khí, trang bị, nhờ đó tiết kiệm được thời gian, kinh phí đào tạo. Phương pháp đó còn có lợi thế khác là giúp người cán bộ và người chiến sĩ chưa bao giờ ra trận có được những kinh nghiệm chiến đấu gần với thực tế của cuộc chiến tranh và những quân nhân đóng quân trên các địa bàn khác nhau có thể luyện tập chung một “bài” trên cùng một hệ thống mô phỏng. Họ có thể xử lý rất nhiều tình huống khác nhau, thậm chí trên những địa hình khác nhau, thời tiết khí hậu khác nhau, ở quốc gia khác nhau. Mặt khác, thông qua diễn tập, thử nghiệm vũ khí, mô phỏng chiến tranh gần với cuộc chiến tranh thực còn góp phần kiểm nghiệm và chứng minh cho các luận điểm quân sự mới.
Phương pháp huấn luyện “thực tại ảo” có nhiều ưu điểm, song có nhược điểm cơ bản là thiếu sự vận động của bộ đội trên chiến trường thực. Vì thế, cần nghiên cứu xây dựng những căn cứ huấn luyện hoặc các trung tâm đào tạo, trên đó bố trí các địa hình đặc trưng với thực tế của chiến trường để có thể đưa huấn luyện ảo ra diễn tập trên thực địa, rèn luyện bộ đội trên thực tế.
Đổi mới công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội là vấn đề rất lớn, nhiều vấn đề phức tạp. Bài viết này, chúng tôi mới chỉ đề cập ở một số khía cạnh để bạn đọc nghiên cứu, tham khảo, góp phần đưa công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội ngày một tiên tiến, hiện đại hơn theo đúng phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, phù hợp với đối tượng tác chiến và tổ chức biên chế, trang bị của Quân đội ta trước mắt cũng như trong tương lai, bảo đảm cho Quân đội thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
 
Nguyễn Hoàng 
 

Ý kiến bạn đọc (0)