QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 00:21 (GMT+7)
Một số vấn đề về đổi mới chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng hiện nay

Những năm qua, cùng với việc xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo giáo dục quốc phòng (GDQP) ở các ngành, các cấp, các địa phương và mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (QP-AN) và GDQP thì việc xây dựng chương trình, nội dung GDQP cũng được triển khai đồng bộ. Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng hệ thống chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu. Đến nay, hệ thống chương trình, giáo trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN và GDQP cho các đối tượng là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và học sinh, sinh viên đã được ban hành thống nhất, phù hợp. Đáng chú ý là, quy trình xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học và được Hội đồng Thẩm định liên bộ nghiệm thu, được giảng dạy thí điểm trước khi ban hành nên đã bảo đảm chất lượng, quán triệt sâu sắc được quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng.

Chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và đảng viên được xây dựng có hệ thống, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng đối tượng. Hiện nay đã ban hành giáo trình đủ cho 5 đối tượng, có đầy đủ cả giáo trình, tài liệu chính thức và tài liệu bổ trợ, bảo đảm tính cân đối giữa lên lớp, thảo luận và thời gian nghiên cứu thực tế ở một số địa bàn chiến lược hoặc các đơn vị quân đội; trong khóa học có tổ chức kiểm tra, viết tiểu luận, trên cơ sở đó đánh giá kết quả học tập theo qui định. 
Với đối tượng là học sinh, sinh viên, hiện nay GDQP đã được qui định là môn học chính khoá trong các trường đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung học phổ thông và các trường chính trị, hành chính và đoàn thể. Chương trình học tập được thực hiện theo Quyết định số 12/2000/QĐ-BGD&ĐT, ngày 9-5-2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Về ban hành chương trình môn học GDQP cho các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học và cao đẳng". Các trường trung học phổ thông đang thực hiện chương trình GDQP 105 tiết. Các trường trung cấp chuyên nghiệp thực hiện chương trình 120 tiết cho học sinh đào tạo 3 năm trở lên; chương trình 75 tiết dùng cho học sinh đào tạo 2 năm và chương trình 45 tiết cho học sinh trung cấp chuyên nghiệp đào tạo từ 1 năm đến 1,5 năm. Khối đại học, cao đẳng gồm chương trình 210 tiết dùng cho các trường đại học có ngành nghề gần với quốc phòng, quân sự và các trường đại học sư phạm, đại học thể dục, thể thao; chương trình 165 tiết dùng cho các trường đại học khác và chương trình 135 tiết dùng cho các trường cao đẳng. Các trường dạy nghề thực hiện chương trình GDQP theo Quyết định số 635/2000/QĐ-BLĐTBXH, ngày 3-7-2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp đã tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối về quốc phòng, quân sự của Đảng, về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới; công tác quản lý nhà nước về QP-AN; về kết hợp kinh tế với QP-AN; xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc... Nội dung GDQP cho học sinh, sinh viên tập trung giáo dục lòng yêu nước, ý thức, kiến thức QP-AN; nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ... Đồng thời, trang bị cho người học những kỹ năng quân sự cần thiết.
Thông qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhận thức, trách nhiệm năng lực lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp được nâng lên. Đối với học sinh, sinh viên, môn học GDQP không chỉ trang bị kiến thức, ý thức quốc phòng và kỹ năng quân sự mà còn góp phần rèn luyện, xây dựng nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong cuộc sống cho HS, SV, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Đảng. 
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường; các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta với những thủ đoạn mới trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá... Tuy vậy, sự nghiệp đổi mới đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, trong bối cảnh chứa đựng cả thời cơ và thách thức, đối tác và đối tượng đan xen. Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn có những tư duy mới về QP-AN. Những quan điểm, tư duy mới đó rất cần được cập nhật trong chương trình, nội dung học tập. Do đó, đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN và GDQP, đáp ứng nhiệm vụ tăng cường QP-AN, bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng và là yêu cầu khách quan của công tác GDQP.
Để đáp ứng yêu cầu đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN và GDQP phù hợp với tình hình thực tiễn và từng đối tượng. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là phải quán triệt được những quan điểm, tư duy mới của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và đặc biệt là quan điểm, tư duy mới về QP-AN đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định. Ngoài ra, giáo trình, tài liệu còn phải cập nhật những kiến thức trong Luật Quốc phòng mới ban hành; điều chỉnh cho hợp lý những vấn đề bất cập như tính cân đối giữa quốc phòng và an ninh, giữa lý thuyết và thực hành...
Hiện nay, tất cả các quân khu và nhiều tỉnh đã chỉ đạo tiến hành làm điểm mở lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo. Chương trình và giáo trình cơ bản được vận dụng của đối tượng 4 và đối tượng 5. Đây là mặt tích cực, song chưa có sự thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, các cơ quan chức năng của bộ, ngành Trung ương cần sớm phối hợp triển khai nghiên cứu, biên soạn chương trình và giáo trình dành cho đối tượng này.
Cùng với đó, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, nâng cao tính pháp lý của các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chương trình, giáo trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP- AN phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Luật, Pháp lệnh của Nhà nước đối với nhiệm vụ QP-AN. Cần xây dựng tiêu chí kiến thức QP-AN cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo từng cấp và đưa tiêu chí này thành một tiêu chuẩn trong bổ nhiệm cán bộ như Điều 19 Luật Quốc phòng qui định.
Cần thành lập tiểu ban khoa học để nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục QP-AN, tiến tới có chương trình, giáo trình chuẩn quốc gia về bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng và giáo khoa GDQP cho học sinh, sinh viên. Thực hiện tốt công tác thẩm định để bảo đảm tính liên thông và tránh trùng lắp. Về nội dung bồi dưỡng kiến thức QP-AN và GDQP cần bổ sung những hiểu biết về xây dựng, tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự, vì đó là nội dung thiết thực nhằm hạn chế sự thiệt hại về người và của do những thảm họa thiên tai như bão lụt, động đất, thảm họa môi trường gây ra và hậu quả của các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP Trung ương xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.
Đối với bậc trung học phổ thông, trên cơ sở số tiết học qui định hiện nay cần sửa đổi, bổ sung chương trình theo hướng tăng tỷ lệ lý thuyết, các nội dung về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, về chiến tranh nhân dân, giới thiệu một số luật cơ bản như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Biên giới, Luật Công an nhân dân…, gắn với địa phương, vùng lãnh thổ. Phần thực hành chỉ nên hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản, tối thiểu như đội ngũ, võ thể dục, kỹ thuật băng bó, chuyển thương, kỹ thuật sử dụng súng AK.
Đối với bậc đại học, cao đẳng, cần tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy để bảo đảm tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo. Chương trình phải được sửa đổi cho phù hợp với hình thức đào tạo theo học chế (tín chỉ) và hình thức đào tạo theo niên chế. Ngoài ra, cần ban hành chương trình GDQP cho đối tượng là sinh viên học tập tại chức và đối tượng hoàn thiện chương trình cao đẳng, đại học phù hợp với các ngành, nhóm ngành. Nội dung học cần mang tính mở để có thể vận dụng với từng ngành học, trường học. Cùng với việc đổi mới nội dung chương trình, cần đổi mới phương pháp giảng dạy làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn, phát huy được năng lực tư duy sáng tạo và tính tự chủ của người học. Thực hiện linh hoạt các phương pháp dạy và học. Tăng cường mô hình hoá bài giảng, hoạt động ngoại khoá, tham quan, giao lưu, nói chuyện truyền thống; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng các phần mềm tin học để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Cùng với các nội dung đó, môn học GDQP cần được tính điểm như các môn học khác theo đúng qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Đại tá Trần Đình Đích
Trưởng phòng Giáo dục quốc phòng
Cục Dân quân tự vệ
 

Ý kiến bạn đọc (0)