Thứ Bảy, 26/04/2025, 08:54 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, thế giới bước vào một giai đoạn lịch sử mới với sự nổi trội của xu hướng đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại trong hoà bình, đối thoại. Điều đó dễ làm cho người ta rơi vào ảo tưởng về một thế giới không còn mâu thuẫn. Nhưng thực chất, quá trình toàn cầu hoá kinh tế không làm cho cuộc đấu tranh chính trị-tư tưởng trên thế giới “đang tắt dần”. Trái lại, tính chất và nội dung của cuộc đấu tranh đó không hề thay đổi. Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đã từng tuyên bố: “Chúng ta đang trong một cuộc chiến tranh với cái tên gọi là hòa bình. Đó là một cuộc xung đột không bao giờ kết thúc và vẫn tiếp tục qua nhiều thế hệ”1.
Chiến lược “Diễn biến hoà bình” (DBHB) của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) ra đời vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX nhằm chống phá các nước XHCN và phong trào cách mạng tiến bộ trên thế giới bằng phương pháp “hoà bình”. Từ đó đến nay, chiến lược này luôn được CNĐQ bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, đã xuất hiện cái gọi là “cách mạng nhung” (CMN), “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng da cam” hay “cách mạng hoa tuy-líp”,... Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng chúng đều có chung một mục đích và những nét đặc trưng chung, giống nhau, thường được báo chí nước ngoài gọi đó là “những bản sao” của nhau.
Qua nghiên cứu diễn biến gần đây ở các nước thuộc không gian “hậu Xô viết” dẫn đến các chính biến, có thể hiểu: CMN là một kiểu tạo ra chính biến thông qua bầu cử. Khi các lực lượng do phương Tây hậu thuẫn không giành được thắng lợi, họ sẽ viện ra các lý do như “có gian lận”, để tạo dư luận đòi huỷ bỏ kết quả bầu cử, gây sức ép buộc những người thắng cử phải nhường chính quyền cho lực lượng này.
Về mục đích. Có thể nhận thấy, CMN không có mục tiêu nào khác là lật đổ nhà nước XHCN hoặc các thể chế chính trị có xu hướng tiến bộ, thiết lập thể chế đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập, tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây. Bằng CMN, CNĐQ thực hiện mục tiêu “chia để trị”, xé nhỏ các quốc gia thống nhất để dễ bề thao túng. Do đó, phong trào ly khai, đòi độc lập đã và đang diễn ra trên thế giới cũng là một mặt trận của CMN. Tiến hành CMN, bên cạnh mục đính thủ tiêu chủ nghĩa cộng sản, xóa bỏ hệ thống XHCN thế giới, phương Tây còn nhắm một mục đích khác là xóa bỏ các phong trào cách mạng tiến bộ, áp đặt những giá trị của phương Tây lên phần còn lại của nhân loại. Không lạ gì, ngay sau khi CMN ở mỗi nước giành thắng lợi, các nước phương Tây đều lập tức tuyên bố công nhận chính phủ mới; cũng gần như đồng thời, họ có các chính sách hỗ trợ về tài chính.
Về âm mưu. Trong CMN, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót, sự chưa hoàn thiện và những sai lầm trong đường lối, chính sách của lực lượng cầm quyền, những mâu thuẫn xã hội tích tụ trước bầu cử, từ đó kích động quần chúng ủng hộ các lực lượng đối lập trong bầu cử. Đồng thời, họ hết sức lợi dụng những đặc điểm trong quan hệ quốc tế hiện đại, như: hợp tác, đối thoại, cạnh tranh, khu vực hoá, quốc tế hoá, toàn cầu hoá, chống khủng bố,v.v. để giúp đỡ, hỗ trợ cho lực lượng đối lập trong bầu cử.
Về thủ đoạn. Từ thực tiễn chính biến ở các nước trong không gian “hậu Xô viết” thời kỳ sau chiến tranh lạnh cho thấy, các thế lực thù địch thường tập trung chủ yếu vào xây dựng và sử dụng các lực lượng tại chỗ, tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng ngay trong lòng nước đối phương, thực hiện phương châm lấy “nội công” là chính, kết hợp với “ngoại kích”, chủ yếu là để răn đe, hỗ trợ, gây sức ép. Việc tuyên truyền thường nhằm vào những người có chức vụ cao trong các cơ quan của đảng cầm quyền và chính phủ đương nhiệm, đội ngũ những văn nghệ sĩ, trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, nhưng hay dao động, thiếu vững vàng, thiếu kiên định về lập trường, bản lĩnh chính trị, để chuyển hoá họ. Trên cơ sở thao túng được số người này, chúng vận động nhân dân ủng hộ họ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử.
Đặc biệt, trong CMN, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để móc nối, kích động những phần tử bị thất sủng, thoái hoá, biến chất, bất mãn với chế độ đương thời; sử dụng họ làm công cụ phản tuyên truyền, tự nói xấu chế độ, phủ nhận đường lối, chính sách của đảng cầm quyền, của chính phủ đương nhiệm, làm mất đoàn kết nội bộ, gieo rắc tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng trong quần chúng đối với chế độ. Mục đích là, tạo ra sự mục ruỗng từ bên trong và bất ổn từ bên ngoài, dẫn đến sự đổ vỡ của chính thể cầm quyền một cách nhanh chóng, thậm chí làm nhiều người ngộ nhận: đó là sự “tự sụp đổ” chứ không phải là do có sự can thiệp từ bên ngoài.
Vũ khí trong CMN là thứ vũ khí “mềm”; bao gồm: các thủ đoạn tâm lý nhằm lừa phỉnh, mua chuộc, lôi kéo, kích động quần chúng tin theo các lực lượng đối lập một cách mù quáng qua các phương tiện thông tin truyền thông, đặc biệt là các đài phát thanh (Châu Âu tự do, Châu Á tự do, RFA,...) phát 24/24 giờ trong ngày bằng các thứ tiếng khác nhau; các website với những bài viết, phỏng vấn, diễn đàn,... về tự do, dân chủ hết sức tinh vi, dễ gây ngộ nhận cho những người thiếu thông tin, kém hiểu biết.
Trong CMN, tiền, đô la là thứ vũ khí “siêu quyền lực”, được các thế lực thù địch sử dụng một cách có hiệu quả, một mặt hỗ trợ cho các tổ chức phản động trong và ngoài nước duy trì hoạt động; mặt khác, dùng để mua chuộc một bộ phận quần chúng. Thứ vũ khí đó thường được sử dụng núp dưới danh nghĩa “viện trợ”, thông qua hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức giám sát bầu cử, quỹ “hỗ trợ phát triển dân chủ”,v.v. Việc sử dụng các phương tiện này rất linh hoạt, tinh vi, làm cho quần chúng nhầm tưởng là vì dân chủ.
Kết hợp với các biện pháp đó, chúng ra sức đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, tập trung vào các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp, Tòa án Quốc tế vào cuộc, tạo hậu thuẫn cho lực lượng đối lập trong bầu cử...
Có thể nói, CMN là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và các hành động gây bất ổn về chính trị cho các nước XHCN và các nước dân tộc chủ nghĩa. CMN không chỉ giới hạn trong phạm vi của một quốc gia, mà đang bị quốc tế hoá. Sự can thiệp của quốc tế vào những nước có chủ quyền càng làm cho các nước này rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng và bất ổn mới.
Hệ quả của các cuộc CMN mang lại như thế nào, ai cũng biết. Những năm đầu của thế kỉ XXI, cơn lốc CMN - hiện thân của chiến lược DBHB do phương Tây thổi bùng từ Liên bang Nam Tư (trước đây) đã tràn qua Gru-di-a, U-krai-na, Cư-rơ-gư-xtan,... Khi đó, việc lật đổ một nhân vật được phe đối lập gán cho cái mác thân Nga, được phương Tây ca tụng như là chiến thắng đưa các quốc gia nói trên đứng trước “một cơ hội thay đổi”. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cái mà người dân nhận được chỉ là khủng hoảng chính trị triền miên, kéo theo những đổ vỡ về kinh tế, khiến cuộc sống của đa số dân chúng bị đẩy vào khốn quẫn. Tại U-krai-na, “giấc mơ màu cam” nay đã trở nên héo úa. Trong những năm sau “cách mạng cam”, tỉ lệ thất nghiệp tăng 9 lần, đồng nội tệ mất giá tới 60%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 17%. Nền kinh tế của quốc gia 46 triệu dân này thoát được sụp đổ là nhờ khoản cho vay 16,4 tỷ USD của Quỹ tiền tệ quốc tế mà chưa biết đến lúc nào người dân mới trả hết. Cùng với “cách mạng cam”, giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cũng chỉ là hư ảo. Tại Cư-rơ-gư-xtan cũng vậy, kết quả của cuộc “cách mạng hoa tuy-líp” đem lại “thắng lợi công lý” cho Tổng thống C.Ba-ki-ép (nay đã là Cựu Tổng thống) là bức tranh kinh tế ảm đạm, nợ nước ngoài đến hàng tỷ USD, lạm phát hơn 20% và hàng loạt các vụ ám sát được cho là vì mục đích chính trị xảy ra... Đến thời điểm này, quốc gia duy nhất chưa bị một cuộc “phản cách mạng màu” cuốn trôi là Gru-di-a - nơi Tổng thống M.Sa-ka-svi-li vẫn tiếp tục bấu víu vào chiếc ghế quyền lực đã và đang bị lung lay dữ dội sau cuộc xung đột quân sự với Nga hồi tháng 8 năm 2008 và nhiều dấu hiệu cho thấy, “làn sóng màu cam” này sẽ sớm kết thúc. Tóm lại, có thể khẳng định rằng, sau CMN, tình hình kinh tế, xã hội, chính trị ở những nước này chẳng những không sáng sủa thêm, mà trái lại, còn bị thụt lùi và có biểu hiện suy thoái cục bộ.
Như vậy, xét về bản chất, các sự kiện đã diễn ra với tên gọi CMN không phải là những cuộc cách mạng chân chính. Người ta có thể nhận rõ, trong CMN, “mầu sắc” thì có, nhưng “cách mạng” thì không. Trên thực tế, đó chỉ là những cuộc “bạo loạn chính trị” nhằm thay đổi chính quyền hiện hữu bằng một chính quyền mới, thân phương Tây. Nói cách khác, CMN là một hình thức cụ thể của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của CNĐQ, trực tiếp là chiến lược DBHB, hòng chiến thắng CNXH không cần chiến tranh.
Đối với Việt Nam, trong chiến lược DBHB, các thế lực thù địch không loại trừ việc sử dụng CMN. Bởi lẽ, chế độ ta là chế độ XHCN; sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Do đó, phòng, chống CMN, làm thất bại chiến lược DBHB là một nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhận thức đầy đủ về bản chất, âm mưu, thủ đoạn trong CMN, điều chúng ta cần quan tâm hiện nay là phải tập trung làm cho đất nước ta mạnh lên về mọi mặt; phải đẩy mạnh công tác giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định độc lập dân tộc và CNXH; có biện pháp chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về chính trị-tư tưởng, đạo đức và lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân và vì dân... Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần hết sức cảnh giác với khuynh hướng hội nhập bằng mọi giá, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, không tính đến yêu cầu giữ vững an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, đề cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước mọi âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, kích động, dụ dỗ, mua chuộc của các thế lực thù địch, nhất là trước các luận điệu nhằm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ, hạ uy tín những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội; lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, tôn giáo” để chống phá cách mạng nước ta.
Thắng lợi của công cuộc đổi mới cũng như cuộc đấu tranh chống DBHB, làm thất bại âm mưu nhen nhóm tiến hành CMN phụ thuộc trước hết vào nội lực của chúng ta. Nội lực ấy đã được hun đúc qua bao thế hệ người Việt Nam; đòi hỏi phải tiếp tục được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, thiết thực góp phần xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Đại úy, ThS. LÊ DUY THẮNG
Trường Sĩ quan Chính trị
________
1- Richard Nixon - 1999, chiến thắng không cần chiến tranh, Bản dịch tiếng Việt của Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, 1992, tr.19.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011