QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:31 (GMT+7)
Một số vấn đề về bảo đảm hậu cần phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão

Đối với nước ta, trung bình hằng năm có từ 7 đến 8 cơn bão, chưa kể các đợt áp thấp nhiệt đới, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội (KT-XH), ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân cũng như các hoạt động của lực lượng vũ trang (LLVT). Trước tình hình diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, thuỷ văn nước ta, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Thực tiễn cho thấy, để phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão có hiệu quả, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các lực lượng; trong đó, LLVT giữ vai trò nòng cốt. Điển hình như các đợt hàn khẩu đê Mai Lâm (1957); cứu dân trong trận lũ lịch sử (1971); cứu đê sông Cầu, đoạn cống Nội Doi (1986); cứu dân và khắc phục hậu quả trận “lũ thế kỷ” ở các tỉnh ven biển miền Trung (1999); chống và khắc phục hậu quả đợt “lũ chồng lũ” ở các tỉnh ven biển miền Trung tháng 10 và tháng 11 năm 2007; gần đây nhất (giữa tháng 8 năm 2008) là khắc phục hậu quả do lụt, bão gây ra ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... cho thấy rõ điều đó.

Trong phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, công tác bảo đảm hậu cần có ý nghĩa hết sức quan trọng; nó gồm tổng thể các hoạt động bảo đảm vật chất, phương tiện...phục vụ cho LLVT và nhân dân trong phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão. Thời gian qua, công tác này đã từng bước phát triển, đổi mới cả về quan điểm, phương thức và cách tiến hành phù hợp với cơ chế, chính sách động viên, trưng dụng nhân lực, vật lực trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng yêu cầu khi có tình huống khẩn cấp. Trong tổ chức thực hiện, đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo chủ động, kịp thời, hiệu quả và phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) nên công tác bảo đảm hậu cần trong phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão đã ngày càng đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do lụt, bão gây ra.

 Tuy nhiên, trong công tác này cũng còn những hạn chế, bất cập. Yêu cầu nâng cao hiệu quả bảo đảm hậu cần cho phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão trong điều kiện mới đòi hỏi phải nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu để có giải pháp phù hợp. Dưới đây, xin nêu một số giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập tổng hợp bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, nhất là đối với lực lượng nòng cốt.

Nội dung bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phải sát với thực tế, sát với đặc điểm thời tiết, thủy văn của địa bàn, trong đó phải dự kiến được các tình huống thường xảy ra; chú trọng bồi dưỡng những kiến thức chung về phòng, chống lụt bão, tập trung vào: kỹ thuật và kinh nghiệm chằng buộc nhà cửa, doanh trại, kho tàng, phương tiện, cơ sở vật chất để hạn chế sự tàn phá, cuốn trôi của lụt, bão; kỹ thuật thao tác và cách sử dụng phao cứu sinh, áo phao và các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khác; kỹ thuật bơi trong nước lũ có dòng chảy xiết; cách mang vác người bị nạn, cơ sở vật chất, phương tiện bị trôi... Đối với diễn tập tổng hợp về bảo đảm hậu cần cho phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão cần tập trung vào: kết hợp giữa hậu cần LLVT với hậu cần địa phương và các ngành KT-XH địa phương có liên quan; trong đó, lấy hậu cần quân sự địa phương tỉnh làm nòng cốt. Tập trung vào các nhiệm vụ bảo đảm chủ yếu như: bảo đảm hậu cần cho lực lượng hộ đê, phân lũ, bắc cầu phà, di dời dân và thực hành cứu hộ, cứu nạn người và cơ sở vật chất, phương tiện trên vùng ngập nước... Thông qua diễn tập, nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành của ban chỉ huy các cấp và khả năng thực hành bảo đảm, chi viện bảo đảm của lực lượng hậu cần trong khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt diễn tập tổng hợp (theo các tình huống) sẽ giúp cho các cấp, các ngành, các đơn vị sớm phát hiện những vấn đề còn yếu, còn thiếu trong công tác chuẩn bị hậu cần, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh.

Khi diễn tập tổng hợp, thường có nhiều lực lượng tham gia, ngoài lực lượng hậu cần của LLVT, còn có lực lượng hậu cần trong các ngành KT-XH địa phương và hậu cần nhân dân địa phương trên địa bàn. Do đó, để đạt hiệu quả cao, lực lượng bảo đảm hậu cần phải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức diễn tập phù hợp, bảo đảm chất lượng. Sau diễn tập phải tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, chưa đạt được, xác định rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng bảo đảm hậu cần phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão; trong đó, hậu cần quân sự địa phương làm nòng cốt, thực hiện tốt phương châm "5 kết hợp".

Thực tiễn cho thấy khi lụt, bão xảy ra, có mưa lớn kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày làm ngập úng trên diện rộng, thường gây ra sự cô lập giữa các vùng, các khu vực. Trường hợp này sẽ làm nảy sinh nhiều khó khăn cho công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả. Vì vậy, phải biết phát huy thế mạnh của từng lực lượng hậu cần trên địa bàn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, LLVT phải kết hợp chặt chẽ với các lực lượng trong bảo đảm hậu cần, tạo thành mạng lưới hậu cần tại chỗ vững chắc, đa dạng, để chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra. Hậu cần quân sự địa phương cần quán triệt, thực hiện tốt phương châm “5 kết hợp”, đó là: kết hợp với hậu cần nhân dân địa phương; với hậu cần cấp trên mà trực tiếp là hậu cần quân khu; với hậu cần các quân, binh chủng, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đến tham gia ứng cứu; với hậu cần các ngành của Trung ương đứng chân trên địa bàn; kết hợp giữa phát triển KT-XH địa phương với xây dựng lực lượng hậu cần quân sự địa phương, tạo nguồn vật chất, phương tiện và bảo vệ hậu cần. 

Trong thực tế, việc kết hợp với các lực lượng hậu cần tại chỗ của hậu cần quân sự địa phương bảo đảm cho LLVT địa phương tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão được vận dụng linh hoạt, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng lực lượng hậu cần để xác định nội dung kết hợp cho phù hợp, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia. Điểm chung của “5 kết hợp”, đó là: kết hợp để tạo nguồn và khả năng bảo đảm hậu cần trong mọi tình huống xảy ra; kết hợp trong khai thác, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ tham gia ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn kịp thời; kết hợp trong ứng cứu, bảo vệ hậu cần; đồng thời, sẵn sàng chi viện bảo đảm hậu cần giữa các lực lượng hậu cần trên địa bàn cũng như giúp đỡ nhân dân khi có yêu cầu.

Sự vận dụng “5 kết hợp” trong công tác hậu cần quân sự địa phương, bảo đảm cho LLVT địa phương thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, có tác động trực tiếp đến cả quá trình chuẩn bị hậu cần cũng như thực hành bảo đảm hậu cần khi có tình huống xảy ra.

Ba là, phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chức năng (cơ quan hậu cần các cấp) giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các lực lượng trong mọi tình huống.

Phòng, chống lụt, bão nói chung, bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão nói riêng rất phức tạp, có nhiều lực lượng tham gia, phải giải quyết nhiều việc, lại diễn ra hết sức khẩn trương... Vì thế, đòi hỏi phải lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ mới đạt được kết quả cao. Do đó, cơ quan hậu cần các cấp, các ngành cần phát huy tốt vai trò tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảm bảo hậu cần. Để tham mưu trúng, đúng, việc trước tiên cần làm đối với cơ quan chức năng là phải nắm chắc nguồn hậu cần và khả năng huy động hậu cần trong các ngành KT-XH và hậu cần địa phương. Cùng với việc thực hiện tốt chức năng tham mưu, ngành Hậu cần phải nắm chắc tình hình mọi mặt trước mùa mưa bão (lực lượng, phương tiện, vật chất...), chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động các nguồn lực. Nội dung chủ yếu của kế hoạch tập trung vào việc dự kiến khu vực xảy ra lụt, bão, nhất là khu vực trọng điểm; bố trí các bộ phận hậu cần, đường vận chuyển, hệ thống sông ngòi, luồng lạch để sử dụng các loại phương tiện vận tải cho phù hợp; dự kiến khả năng huy động nhân lực, vật lực tại chỗ của các lực lượng hậu cần trên địa bàn...

Công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão được thực hiện thống nhất theo phân cấp; trong đó, địa phương là trực tiếp nhất, quan trọng nhất. Cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão địa phương chỉ đạo, điều hành các lực lượng tham gia ứng cứu, tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn bằng chủ trương, cơ chế hoạt động thông qua chỉ thị, mệnh lệnh giao nhiệm vụ. Trên thực tế khi có lụt, bão xảy ra ở một khu vực nào đó, công tác hậu cần phải bảo đảm cho nhiều lực lượng tham gia, như: Quân đội, Công an, nhân dân địa phương và các cơ quan, ban, ngành của Trung ương đứng chân trên địa bàn và nhân dân địa phương vùng lụt, bão. Để hoàn thành được nhiệm vụ nặng nề, khó khăn đó, đòi hỏi các lực lượng hậu cần địa phương phải linh hoạt, có nhiều phương án và phải phối hợp rất chặt chẽ trên cơ sở quán triệt, vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”, “5 kết hợp”. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu bảo đảm hậu cần đầy đủ, kịp thời cho các lực lượng tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão.

Trên đây là một số giải pháp và cũng là kinh nghiệm quý về bảo đảm hậu cần cho phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão được rút ra từ thực tiễn, cần tiếp tục kiểm nghiệm, vận dụng và phát huy trong thời gian tới.

 Đại tá Lê Nguyên Dự

Học viện Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)