QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 01:03 (GMT+7)
Một số vấn đề về bảo đảm cơ động của binh đoàn chủ lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong chiến tranh, cơ động lực lượng có ý nghĩa hết sức quan trọng; trong nhiều trường hợp, cơ động trở thành yếu tố quyết định thắng lợi của trận đánh, của chiến dịch và thậm chí của cuộc chiến tranh. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), các binh đoàn chủ lực (BĐCL) có nhiệm vụ phải cơ động tác chiến trên nhiều địa bàn, hướng chiến lược, đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong các chiến dịch, các trận đánh lớn; do đó, nghiên cứu về bảo đảm cơ động (BĐCĐ) cho các BĐCL là vấn đề quan trọng, thiết thực hiện nay.

Bản chất của việc cơ động lực lượng là di chuyển các thành phần lực lượng, bao gồm: lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các phương tiện, vũ khí, trang bị, vật chất kỹ thuật đến vị trí mới (chiến trường, khu vực mới) để thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, đối với BĐCL, để hoàn thành việc cơ động, nhất là cơ động trong tác chiến, phải thực hiện tốt công tác BĐCĐ, gồm tổng thể các hình thức, biện pháp để di chuyển toàn bộ hoặc một phần lực lượng của binh đoàn đến vị trí mới. Cơ động có thể được tiến hành theo ý định và kế hoạch tác chiến của người chỉ huy, hoặc xảy ra ngoài dự kiến, đối với cả giai đoạn trước, trong và sau trận đánh. Cơ động của BĐCL mang tính tổng hợp cao, có thể thực hiện đồng thời bằng một số phương thức khác nhau: đường không, đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy; tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì cơ động bằng đường bộ (xe cơ giới, hành quân bộ) vẫn là chủ yếu. Tư lệnh binh đoàn căn cứ vào mệnh lệnh và khả năng bảo đảm của cấp trên, điều kiện về phương tiện cơ động của binh đoàn, tình hình địch, đặc điểm địa lý... để quyết định phương pháp cơ động phù hợp; có thể bằng một trong các phương pháp sau: 1, cơ động đồng thời, là cơ động toàn bộ, hoặc đại bộ phận các đơn vị của binh đoàn xuất phát cùng một thời gian. Các đơn vị có thể cơ động bằng các phương tiện, hình thức, cung đường khác nhau, nhưng vẫn tập kết lực lượng đúng thời gian quy định. 2, cơ động lần lượt, là cơ động đơn vị này xong (hoặc cơ bản xong), đơn vị khác mới xuất phát; thường diễn ra theo trình tự của nhiệm vụ tác chiến (thê đội 1, thê đội 2, dự bị...). 3, kết hợp 2 phương pháp trên, đó là một số đơn vị cơ động đồng thời, còn một số đơn vị cơ động lần lượt.

Từ những vấn đề lý luận trên cho thấy, BĐCĐ của BĐCL là vấn đề phức tạp, tùy thuộc vào phương thức cơ động của binh đoàn để có biện pháp bảo đảm phù hợp. Trong chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của chúng ta có vũ khí, trang bị hiện đại, chủ yếu là vũ khí công nghệ cao. Do địa hình nước ta dài và hẹp, nên có thể địch thực hiện thủ đoạn chia cắt chiến lược ngay từ đầu chiến tranh; phát huy vai trò của không quân, hải quân, thực hiện đổ bộ đường biển, đường không rộng rãi, kết hợp với bạo loạn, gây rối ở nội địa; không gian tác chiến rộng, các hình thức tác chiến ngày càng hòa quyện và chuyển hóa nhanh chóng; thời điểm bất ngờ, tính biến động cao, tình huống diễn biến mau lẹ, phức tạp... Do đó, cơ động trở thành yếu tố quan trọng nhất để bảo toàn lực lượng và nâng cao hiệu quả tác chiến của BĐCL. Yêu cầu đặt ra trong quá trình BĐCĐ của các BĐCL là: công tác chuẩn bị phải toàn diện, chu đáo, kịp thời, phù hợp với phương thức cơ động và ý định tác chiến; đồng thời, bảo đảm an toàn, bí mật trong quá trình cơ động...

Từ kinh nghiệm thực tiễn và lý luận tác chiến hiện đại cho thấy, để BĐCĐ cho các BĐCL trong chiến tranh BVTQ, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, phải đẩy mạnh đổi mới tổ chức, xây dựng lực lượng theo hướng “tinh, gọn, chính quy”, có khả năng cơ động cao. Tổ chức đó được xây dựng xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của từng BĐCL trong chiến tranh BVTQ, bảo đảm yêu cầu phù hợp với địa bàn đảm nhiệm; đồng thời, sẵn sàng cơ động tác chiến trên các hướng, địa bàn chiến lược khác khi cần thiết. Lực lượng đó được biên chế, trang bị “gọn, mạnh”, sức cơ động cao. Hiện nay, tổ chức, biên chế của các BĐCL được điều chỉnh theo phương hướng, kế hoạch tổ chức lực lượng của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần nghiên cứu, ưu tiên đầu tư thích đáng để xây dựng, củng cố các đơn vị bộ binh cơ giới trong các BĐCL, với ưu thế về khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, sức đột kích lớn. Cùng với đó, phải có sự chuẩn bị để hướng tới việc tổ chức lực lượng “phản ứng nhanh” trong các BĐCL, được BĐCĐ bằng các phương tiện đường không hiện đại.

BĐCĐ còn được thực hiện trên cơ sở tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, để mỗi cán bộ, chiến sĩ của binh đoàn có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, ý nghĩa của cơ động, từ đó có ý thức phấn đấu nâng cao trình độ, khả năng cơ động của đơn vị. Đặc biệt là, cần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị đối với nhiệm vụ BĐCĐ. Trước mỗi nhiệm vụ cơ động, tổ chức đảng các cấp phải ra nghị quyết lãnh đạo, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xác định quyết tâm, phát huy dân chủ quân sự, tập trung trí tuệ xây dựng phương án, kế hoạch cơ động chính xác; xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cơ động được giao.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cơ động, tổ chức diễn tập sát với môi trường và các tình huống trong chiến tranh, điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Việc đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cơ động cần thực hiện theo hướng tăng cường luyện tập hành quân dã ngoại cả ban ngày và ban đêm; kết hợp huấn luyện cơ động với ngụy trang, nghi binh và rèn luyện khả năng cơ động liên tục, dài ngày, sát với thực tiễn chiến tranh. Thực tế, qua một số cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao cho thấy, những yếu tố như: độ chính xác cao, khả năng hủy diệt lớn... chỉ được phát huy khi đối phương tập trung lực lượng, phương tiện với mật độ cao; còn nếu lực lượng của đối phương phân tán, cơ động, di chuyển linh hoạt thì hiệu quả các cuộc tiến công bằng hỏa lực sẽ bị hạn chế đáng kể. Trong diễn tập cần chú trọng đổi mới công tác tổ chức chỉ huy, điều hành của các cấp trong hành quân cơ động; nhất là khả năng nắm bắt và xử lý các tình huống, bảo đảm cho công tác chỉ huy cơ động diễn ra thuận lợi, nhanh chóng từ trên xuống dưới, kể cả trong trường hợp chỉ huy vượt cấp. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tổng kết, truyền thụ kinh nghiệm trong thực tiễn chiến tranh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhờ khả năng cơ động cao, các BĐCL của ta đã hành quân thần tốc, liên tục tiến công địch, giành thắng lợi trên chiến trường. Sau khi tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, Binh đoàn Hương Giang được lệnh "hành quân thần tốc" dọc miền duyên hải, đánh địch trên hướng đông và đông nam Sài Gòn, nhanh chóng tiến vào Dinh Độc Lập, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để BĐCĐ, Binh đoàn đã vận dụng nhiều biện pháp bảo đảm; trong đó, nổi bật là lấy phương tiện của địch phục vụ cho công tác hành quân cơ động. Cuộc chiến tranh đã qua đi, nhưng những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật cơ động và công tác BĐCĐ của Binh đoàn vẫn còn nguyên giá trị. Bên cạnh đó, các BĐCL còn phải quan tâm huấn luyện bổ sung chuyên môn cho đội ngũ lái xe, thợ sửa chữa; coi trọng bồi dưỡng kỹ năng thực hành lái, bảo dưỡng, sửa chữa và phương pháp xử lý các tình huống trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt.

Một đặc điểm nổi bật của chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao là khả năng trinh sát, phát hiện nhanh, chính xác của các loại thiết bị quang học điện tử hiện đại. Các thiết bị đó có khả năng quan sát ở nhiều môi trường khác nhau, cả ngày lẫn đêm và trong thời tiết phức tạp. Do vậy, yêu cầu trong huấn luyện cơ động cần kết hợp với công tác bảo đảm ngụy trang, nghi binh; chú trọng giáo dục, rèn luyện ý thức giữ gìn bí mật, cũng như cách phòng, chống các phương tiện trinh sát hiện đại của địch. Mặt khác, cần căn cứ vào địa hình để bảo đảm phương tiện cơ động phù hợp. Ví dụ, ở đồng bằng sông nước Nam Bộ, việc cơ động của BĐCL phải tính đến các yếu tố của vùng sông nước; kết hợp bảo đảm phương tiện cơ động đường bộ với BĐCĐ đường thủy. Đối với địa hình đồi núi, phải chú trọng xây dựng các phương án khác nhau, bảo đảm giao thông không chỉ dựa vào một trục đường (độc đạo)... Qua thực tiễn tổ chức diễn tập trong những năm gần đây ở Binh đoàn Hương Giang cũng cho thấy, việc tổ chức BĐCĐ luôn đặt ra những vấn đề mới, và là mối quan tâm lớn của đảng ủy, chỉ huy các cấp. Điển hình là cuộc diễn tập TN-20, tháng 7 năm 2000, các đơn vị tham gia diễn tập phải cơ động quãng đường dài hơn 100 km trong điều kiện phương tiện cơ động xuống cấp, địa hình, thời tiết phức tạp, có đoạn phải qua sông rộng 150-200m, vượt ngầm sâu 1,5 m... Song, nhờ vận dụng linh hoạt các phương pháp cơ động, công tác bảo đảm chu đáo, toàn diện, triển khai nhiều biện pháp thiết thực (tổ chức 3 trạm sửa chữa, cứu kéo ở 3 khu vực...); vì vậy, cuộc hành quân đã đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc diễn tập.

Ba là, tổ chức thế trận phù hợp, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, bảo đảm cho các BĐCL sẵn sàng cơ động trên các hướng, địa bàn chiến lược. Chiến tranh BVTQ của chúng ta được tiến hành theo phương thức: kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh bằng các BĐCL. Trong điều kiện mới, cơ động của BĐCL diễn ra trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, KVPT địa phương được xây dựng vững mạnh. Trong thời bình, thế trận đó thể hiện ở việc tổ chức, bố trí lực lượng (các BĐCL) phù hợp trên các vùng, miền của đất nước; trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế, việc phân vùng chiến lược... Đặc biệt là việc xây dựng, củng cố hệ thống đường giao thông trong các KVPT địa phương, trên các hướng chiến lược, vừa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa BĐCĐ cho các BĐCL. Trong chiến tranh, trên cơ sở các tình huống chiến lược, Bộ Quốc phòng có kế hoạch điều chỉnh thế bố trí lực lượng của các BĐCL, tạo thuận lợi cho cơ động tác chiến trên các chiến trường.

Để BĐCĐ nhanh chóng, kịp thời, các BĐCL còn phải chú trọng xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện sẵn sàng chiến đấu phù hợp với các phương án, kế hoạch tác chiến BVTQ. Trong đó, coi trọng việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật theo quyết tâm và phương án, kết hợp bảo đảm tại đơn vị với bảo đảm tại chỗ trong các KVPT địa phương. Trong công tác huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cần tập trung rèn luyện khả năng di chuyển nhanh toàn đơn vị rời khỏi vị trí đứng chân thường xuyên, kết hợp với thực hiện các biện pháp phòng tránh, đánh trả, bảo toàn lực lượng trong thời kỳ đầu chiến tranh, phù hợp với đặc điểm, điều kiện BĐCĐ của đơn vị. Trong quá trình cơ động cần chú trọng các biện pháp bảo đảm: hậu cần, kỹ thuật; công binh (đường cơ động, ngụy trang,...); chỉ huy, hiệp đồng; trinh sát nắm địch, địa hình và các mặt liên quan; phòng không; phòng hóa; thông tin liên lạc... Mặt khác, phải duy trì nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến ở tất cả các cấp, bảo đảm tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động kịp thời theo yêu cầu, nhiệm vụ trên các hướng, địa bàn chiến lược khi có lệnh.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa phương tiện cơ động. Từng đơn vị thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật thường xuyên, tập trung nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng và năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị nói chung và phương tiện cơ động nói riêng. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu: hệ số bảo đảm lớn hơn hoặc bằng 1, hệ số kỹ thuật bằng 1. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các phương tiện cơ động. Về cơ bản, lâu dài cần xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đáp ứng nhu cầu sửa chữa, nâng cấp VKTB hiện có và tiến tới đủ khả năng sản xuất phương tiện cơ động tương đối hiện đại và hiện đại; kể cả phương tiện cơ động chuyên dùng của các binh chủng kỹ thuật, như: Thông tin, Hóa học, Tăng-Thiết giáp... Đồng thời, lựa chọn mua sắm phương tiện cơ động hiện đại mà trong nước chưa sản xuất được, nhằm xây dựng các BĐCL có khả năng tác chiến linh hoạt hơn, khả năng cơ động cao hơn, triển khai đội hình nhanh hơn. Mặt khác, còn phải quan tâm thực hiện tốt kế hoạch động viên phương tiện của nền kinh tế quốc dân theo Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên, góp phần BĐCĐ cho lực lượng vũ trang nói chung và các BĐCL nói riêng, đáp ứng yêu cầu BVTQ trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN ĐỨC THẬN

Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang

 

Ý kiến bạn đọc (0)