QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:27 (GMT+7)
Một số vấn đề về bảo đảm an ninh quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác bảo đảm an ninh quốc gia (ANQG) có vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong những thành tố quan trọng quyết định đến sự ổn định chính trị và phát triển toàn diện của đất nước. Bảo vệ ANQG là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt. Bảo vệ an ninh luôn kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Trong hơn 20 năm đổi mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã đổi mới cả trong tư duy, nhận thức và trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANQG, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN; đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới; tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại; tăng cường thế và lực cho đất nước. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước, Đảng ta đã đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước; đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, nhằm bảo vệ vững chắc ANQG trước mọi biến động của tình hình chính trị, an ninh trên thế giới. Đảng, Nhà nước cũng kiên trì quan điểm phát huy sức mạnh bảo vệ ANQG của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ ANQG; gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh, kết hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, với kinh tế, đối ngoại, tạo thành thế trận tổng hợp của cả nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Kịp thời ngăn chặn, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn chính trị, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để gây mất ổn định; không để bên ngoài lấy cớ can thiệp; đấu tranh ngăn chặn hoạt động của số phần tử cơ hội chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập dưới mọi hình thức; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.        

Sự nghiệp bảo vệ ANQG trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi nước ta là thành viên của WTO có yêu cầu mới; bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng nảy sinh không ít nguy cơ, thách thức. Về kinh tế, thách thức lớn nhất là vấn đề cạnh tranh quốc tế. Nếu sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước thấp, chúng ta sẽ bị thua thiệt trong “cuộc chơi”, nước ta dễ bị biến thành thị trường tiêu thụ công nghệ lạc hậu; điều đó tác động xấu đến sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo đảm ANQG. Về văn hoá-xã hội, đó là sự du nhập vào nước ta lối sống, văn hoá, đạo đức không lành mạnh, thực dụng. Nếu chúng ta không làm tốt công tác giáo dục và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nó sẽ làm băng hoại các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc. Mặt trái của toàn cầu hoá kinh tế cũng làm xuất hiện và làm sâu sắc những vấn đề xã hội, như nạn thất nghiệp, sự phân hoá giầu nghèo ngày càng lớn, buôn lậu quốc tế, tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia, sự suy thoái môi trường, các loại dịch bệnh... Về quốc phòng-an ninh (QP-AN), đó là mâu thuẫn giữa lợi ích kinh tế với yêu cầu tăng cường tiềm lực QP-AN, là việc lợi dụng mở cửa, hợp tác, đầu tư... để xâm hại QP-AN; móc nối, cài cắm, gây dựng lực lượng chống đối; tiến hành truyền đạo trái pháp luật; tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chế độ, Nhà nước ta. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch lợi dụng cái gọi là bảo vệ “dân chủ', "nhân quyền", “tôn giáo” để mua chuộc, xúi giục, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, tạo cớ tiến hành bạo loạn lật đổ kết hợp với can thiệp vũ trang khi có điều kiện... Những nguy cơ, thách thức đến an ninh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, quốc phòng... nêu trên, nếu không được dự báo, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không những tác động xấu đến phát triển KT-XH mà còn gây tác hại khó lường đến ANQG, đến sự nghiệp xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta.
Đảng ta đã chỉ rõ, hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn liền với phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng XHCN, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đây thực chất là giải quyết hài hoà mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, để phát huy tối đa nguồn lực trong nước là chính, kết hợp với nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, bảo đảm ANQG trên các lĩnh vực; giữ vững độc lập, chủ quyền, định hướng XHCN, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANQG trong tình hình mới, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ và một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn dân, nhất là của đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương đối với nhiệm vụ bảo đảm ANQG trong tình hình mới. Bảo vệ ANQG là sự nghiệp của toàn dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng, Nhà nước lãnh đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện. Vì vậy, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động quần chúng tích cực tham gia sự nghiệp bảo vệ ANQG là một nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Công tác giáo dục phải tiến hành thường xuyên, toàn diện, kết hợp nhiều nội dung, hình thức, phương pháp, nhưng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ, chức trách được giao. Trong đó, phải hết sức chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội; bởi họ là những người tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG trong phạm vi trách nhiệm được giao. Công tác giáo dục phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và trong hành động của mọi tầng lớp nhân dân về mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thuận lợi, khó khăn đối với sự nghiệp bảo vệ ANQG; nhận thức rõ về những thách thức, nguy cơ đe dọa đến ANQG, về đối tượng, đối tác để chủ động hợp tác và đấu tranh, phòng chống có hiệu quả các mưu toan thông qua hội nhập kinh tế để thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Phát huy tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết thống nhất dưới ngọn cờ của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc ANQG, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo  định hướng XHCN.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và  của các doanh nghiệp, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Đây là vấn đề có tính quyết định thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ với sức cạnh tranh cao của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước trong hệ thống tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, điện lực, dầu khí, bưu chính-viễn thông..., chúng ta mới phát triển bền vững, giữ vững được thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ an ninh kinh tế và an ninh trên các lĩnh vực khác của đất nước. Để phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục cải cách hệ thống luật pháp, chính sách phát triển KT-XH phù hợp với sự nghiệp đổi mới, hệ thống luật lệ của WTO, theo hướng khoa học, lấy hiệu quả làm trọng tâm, nhằm phát huy cao nhất năng lực, sức sản xuất, kinh doanh của các ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tích cực, chủ động trong chiến lược, kế hoạch, chăm lo cải cách quản lý, hiện đại hoá, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cũng cần nắm vững luật lệ kinh tế của WTO, tích cực khai thác, mở rộng thị trường cả ở trong nước và nước ngoài, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, coi đây là hai mặt có quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Trong quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng cơ sở, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc thẩm định để đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời với tăng cường tiềm lực QP-AN của cả nước. 
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,  quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các lực lượng Công an, Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo vệ Tổ quốc trong hội nhập kinh tế quốc tế. Sức mạnh bảo vệ ANQG là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng, quân sự, đối ngoại... Bảo vệ ANQG là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, của toàn dân, trong đó lực lượng công an, quân đội là nòng cốt; do đó, nó phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương tới cơ sở. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG và phải được thể hiện cụ thể trong việc các cấp, các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về nhiệm vụ bảo đảm ANQG trong tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng," Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phát huy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ ANQG. Tiếp tục làm tốt công tác tổng kết cả về lý luận và thực tiễn, đúc kết các bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc lĩnh vực bảo vệ ANQG. Chăm lo xây dựng, củng cố tiềm lực, sức mạnh QP-AN; gắn xây dựng lực lượng, thế trận ANND với xây dựng lực lượng, thế trận QPTD trên từng địa bàn, địa phương, nhất là những địa bàn trọng điểm chiến lược. Chủ động trong xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp bảo vệ ANQG, kịp thời phát hiện và làm thất bại mọi nguy cơ, thách thức đối với sự ổn định chính trị-xã hội, an ninh của đất nước, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động lợi dụng mở cửa, hội nhập, lợi dụng các chiêu bài “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp, chống phá nước ta của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có lĩnh vực QP-AN, để tạo dựng và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ ANQG. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an, Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị sắc bén, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Kiện toàn tổ chức công an các cấp, nhất là các lực lượng chuyên trách; tăng cường lực lượng cho cơ sở, các vùng chiến lược trọng điểm có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện-đào tạo đi đôi với nghiên cứu, áp dụng thành quả khoa học-kỹ thuật vào thực tiễn; cải tiến, đổi mới vũ khí, trang bị, phương tiện phù hợp với yêu cầu công tác và chiến đấu trong điều kiện mới; chủ động phối hợp các lực lượng và nhân dân trong xây dựng thế trận ANND gắn với thế trận QPTD,  giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá Trương Như Vương
Viện trưởng Viện Chiến lược và
Khoa học Công an - Bộ Công an
 

Ý kiến bạn đọc (0)