QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:21 (GMT+7)
Một số vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ, hình thái chiến tranh mới, của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế,... Bộ Chính trị đã có Nghị quyết định hướng phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2020. Văn kiện Đại hội X của Đảng cũng chỉ rõ, trong thời gian tới “xây dựng CNQP trong hệ thống công nghiệp quốc gia... đầu tư có chọn lọc theo hướng hiện đại, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phục vụ dân sinh”1. Theo đó, CNQP phải có sự phát triển mới về chất, góp phần bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang (LLVT) sẵn sàng đối phó và đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Để thực hiện được điều đó, ngành CNQP phải được tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ từ cơ chế, tổ chức cho đến trang thiết bị, cơ sở vật chất... Các nội dung trên, nội dung nào cũng quan trọng, song ở đây xin đề cập đến yếu tố nhân lực. Đây là một trong những nội dung quan trọng, bởi nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng, phát triển CNQP.

Nguồn nhân lực của ngành CNQP bao gồm nguồn nhân lực bố trí trong LLVT và bộ phận nhân lực ở các ngành của nền kinh tế quốc dân, nhất là trong các ngành liên quan nhiều đến CNQP. Trong đó, nguồn nhân lực bố trí trong LLVT hiện đang giữ vai trò nòng cốt, là lực lượng lớn, bao gồm lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học-công nghệ quân sự, lực lượng trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực CNQP, lực lượng đang được đào tạo.
Đề cập về nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trong ngành CNQP. Nhiều năm qua đội ngũ trên đã không ngừng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tiến bộ cả về trình độ năng lực cũng như phẩm chất chính trị nên đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất quốc phòng. Trong nhiều lĩnh vực chế tạo, sản xuất mũi nhọn, truyền thống của CNQP, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật, công nhân lành nghề đã cùng các lực lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ trong toàn quân giải quyết được nhiều vấn đề khó, thực hiện được nhiều mục tiêu lớn trong sản xuất quốc phòng; sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa được nhiều loại vũ khí, trang bị cho các LLVT; tham gia sản xuất được nhiều mặt hàng dân sinh chất lượng cao, góp phần cho CNQP đứng vững trong cơ chế mới, giữ vững và duy trì tiềm lực CNQP.
           
Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực CNQP hiện nay cũng đang bộc lộ một số hạn chế, cản trở sự phát triển CNQP theo hướng hiện đại, hòa nhập nền công nghiệp quốc gia. Điều đáng quan tâm hiện nay là tình trạng thiếu cán bộ đầu ngành, cán bộ chuyên môn kỹ thuật giỏi. Mặc dù được đào tạo khá cơ bản, song, do nhiều nguyên nhân, số đông cán bộ khoa học chưa được đào tạo lại, ít được cập nhật với công nghệ mới nên trình độ hiểu biết về thiết kế công nghệ hiện đại cũng như khả năng nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ mới của một bộ phận cán bộ khoa học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Ngành trong tình hình mới. Số cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn sâu, hiểu biết đa ngành, có khả năng chủ trì tổ chức thực hiện các dự án lớn hoặc chế tạo, sản xuất những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao không nhiều. Đội ngũ công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao có số lượng khá lớn nhưng tay nghề không đồng đều, trong đó chỉ khoảng 55% - 60% có tay nghề khá.
Cơ cấu ngành nghề trong nguồn nhân lực cũng chưa hợp lý. Biểu hiện ở chỗ, số lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn ở từng đơn vị, từng khối công tác không đồng đều, gây nên tình trạng mất cân đối cả về ngành lẫn lĩnh vực công tác. Chúng ta vẫn đang rất thiếu cán bộ chuyên môn kỹ thuật ở các ngành đặc thù như thiết kế chế tạo, hoá nổ, ra-đa, quang học, điều khiển tự động, cơ khí chính xác, đóng tàu quân sự... Tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ cấu độ tuổi, bậc thợ trong đội ngũ công nhân cũng đang trong tình trạng đáng lo ngại, thiếu nguồn kế cận, nhiều thợ bậc cao làm nhiệm vụ của thợ bậc thấp, thiếu kỹ thuật viên một số ngành đo lường, mạ, nhiệt luyện, gia công...; trong khi đó lại nhiều ở các ngành điện, kế toán...
Điều đáng chú ý nữa là hiện tại nước ta có trên 4 triệu công nhân kỹ thuật, gần 1,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tỉ lệ cán bộ khoa học-công nghệ đạt 200/10.000 dân; tỉ lệ cán bộ nghiên cứu đạt 4/10.000 dân; tỉ lệ cán bộ khoa học kỹ thuật chiếm khoảng 34% toàn bộ lực lượng khoa học - công nghệ toàn quốc; số cán bộ trực tiếp hoạt động khoa học - công nghệ khoảng 43.000 người (16.000 người tại các viện nghiên cứu, 27.000 người thuộc các trường). Tuy nhiên, nguồn nhân lực rất lớn đó, nhất là ở các ngành liên quan đến CNQP chưa được huy động có hiệu quả phục vụ cho sản xuất quốc phòng, bởi cơ chế và công tác động viên công nghiệp còn chưa hoàn thiện.
Thời gian tới, nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, tạo điều kiện xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho CNQP, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, từ việc qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đến bố trí, sử dụng con người. Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ trực tiếp những tồn tại trên, chúng tôi xin bàn đến một vài giải pháp cơ bản, góp thêm ý kiến để suy nghĩ trong thực tiễn.
Trước hết, cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho CNQP. Đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng ban đầu trong xây dựng phẩm chất, năng lực đội ngũ lao động CNQP. Giải pháp này cũng nhằm gắn chặt giữa việc đào tạo với công tác qui hoạch phát triển và sử dụng nhân lực, giữa việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phát triển cơ cấu ngành nghề đào tạo, bảo đảm tính hợp lý, cân đối, đáp ứng yêu cầu xây dựng CNQP.
Cùng với tiến trình đổi mới giáo dục-đào tạo của cả nước, Quân đội cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư cho hệ thống các học viện, nhà trường chuyên ngành kỹ thuật quân đội, hướng vào hai nội dung chính là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và củng cố, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập. Các trường cần làm tốt việc phát hiện, tuyển chọn, sàng lọc cũng như bồi dưỡng, đào tạo, kể cả cho đi đào tạo ở nước ngoài đối với đội ngũ giáo viên. Chú ý nâng cao kiến thức thực tiễn cho đội ngũ giảng viên thông qua các hình thức tổ chức tham quan, khảo sát thực tế tại các tập đoàn công nghiệp lớn, các trường đại học có uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, cần tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng ưu tiên cho những ngành kỹ thuật, công nghệ đặc thù, nhất là những ngành công nghệ cao, những lĩnh vực công nghệ gắn với các hướng phát triển trọng tâm của CNQP như công nghệ chế tạo, vật liệu mới, laser, điện tử-tin học, tự động hóa, cơ khí chính xác, luyện kim.
Việc đổi mới phương pháp dạy học cần hướng vào mục tiêu phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; gắn việc đào tạo tại trường với các cơ sở sản xuất phù hợp với chiến lược phát triển CNQP. Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao đối với cán bộ đầu ngành, các “thủ lĩnh khoa học”. Phấn đấu tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện qua thực tiễn để có những tổng công trình sư, các chuyên gia hàng đầu về thiết kế công nghệ chế tạo vũ khí mới.
Trong điều kiện ngân sách quốc phòng và ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo còn hạn hẹp, các nhà trường kỹ thuật quân đội cần kết hợp có hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế bằng việc tham gia đào tạo cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật cho một số ngành kinh tế quốc dân, đặc biệt là những ngành mà các trường quân đội đang có thế mạnh. Ngược lại, cần huy động thêm nguồn lực ở một số trường như đại học Bách khoa, Giao thông-Vận tải, Xây dựng... tham gia đào tạo nhân lực cho CNQP. Trong điều kiện cho phép, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm huy động thêm tiềm năng chất xám, vốn đầu tư, góp phần nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên trong nước, tranh thủ tiếp cận nhanh với trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới và khu vực và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo.
Thứ hai, cần nghiên cứu để duy trì nguồn nhân lực hiện có của CNQP, đồng thời huy động có hiệu quả nguồn nhân lực trong xã hội tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNQP. Muốn vậy, cần làm tốt hơn công tác qui hoạch, sử dụng lực lượng hiện có, nhằm từng bước cân đối lại cơ cấu nguồn nhân lực, bảo đảm cho các lực lượng từ quản lý, nghiên cứu cho đến lực lượng kỹ thuật và công nhân lành nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề của CNQP và có tính đến tiến trình phát triển trong tương lai.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có của CNQP về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, đạo đức. Đây là một trong những đòi hỏi quan trọng nhằm bảo đảm cho các lực lượng hoạt động trong lĩnh vực CNQP luôn yêu nghề, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, nguy hiểm vì sự nghiệp CNQP.
Bên cạnh đó cần tiếp tục kiện toàn cơ chế, chính sách, chế độ đối với những người đang hoạt động trong lĩnh vực CNQP. Giải quyết hợp lý vấn đề này sẽ tạo điều kiện phát huy năng lực của đội ngũ hiện có, góp phần khắc phục dần tình trạng “chảy máu chất xám” ra khỏi lĩnh vực CNQP, tạo động lực từng bước thu hút nhân tài phục vụ cho quân đội, cho CNQP.
Việc đổi mới cơ chế, chính sách cần được tiến hành đồng bộ trong tất cả các khâu từ tiền lương, quân hàm, bảo hiểm đến đào tạo, bố trí, sử dụng và quản lý con người phù hợp với chế độ, qui định chung của Nhà nước, quân đội. Trước hết, tập trung cho đội ngũ những người hiện đang làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, sản xuất CNQP. Có chính sách ưu đãi hơn nữa cho những người làm việc tại các đơn vị đang đứng chân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, trong những môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm... để họ có thể yên tâm công tác lâu dài và cũng để tạo sự hấp dẫn hơn trong thu hút nguồn nhân lực mới; góp phần khắc phục tình trạng “già hóa”, thiếu nguồn kế cận thợ giỏi ở đội ngũ công nhân CNQP.
Trong xu thế hòa nhập CNQP với nền công nghiệp đất nước, nhất là trong cơ chế mới, để đẩy nhanh quá trình phát triển CNQP nòng cốt, bên cạnh việc củng cố, xây dựng nguồn nhân lực của Ngành “đủ, gọn, tinh” thì việc khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của đất nước, tiềm năng từ nền kinh tế phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển CNQP, huy động, thu hút thêm tiềm năng trí tuệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến trong và ngoài nước cho nghiên cứu, sản xuất quốc phòng là yêu cầu cấp thiết và là hướng đi tất yếu. ở tầm vĩ mô, cần tập trung nghiên cứu hòa nhập CNQP với công nghiệp dân sinh theo hướng phân công chuyên môn hóa nhiệm vụ. Thực hiện vấn đề này vừa tiết kiệm được các nguồn lực vừa phát huy được thế mạnh, sở trường của cả CNQP lẫn công nghiệp dân sinh, đem lại hiệu quả tốt cho cả quốc phòng lẫn kinh tế. Chính phủ cần có qui hoạch chiến lược dài hạn chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động liên kết sản xuất quốc phòng trong kế hoạch hoạt động của mình. Nghiên cứu cơ chế mở rộng phạm vi thu hút, động viên tiềm năng trí tuệ của cán bộ khoa học - công nghệ, công nhân lành nghề từ các ngành nghề kinh tế tham gia các chương trình, dự án nghiên cứu, sản xuất CNQP như đấu thầu các đề tài, dự án nghiên cứu, sản xuất quốc phòng. Có chính sách, chế độ đãi ngộ thích hợp để huy động các nhà khoa học, các kỹ sư, công nhân có tay nghề cao vào làm việc dài hạn hoặc ngắn hạn trong CNQP, trong các phòng thí nghiệm; khuyến khích các tài năng trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường đến làm việc trong ngành sản xuất quân sự của đất nước; “kêu gọi” tiềm năng trí tuệ, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị,... của Việt kiều tham gia vào sự nghiệp phát triển CNQP Việt Nam trong các lĩnh vực lưỡng dụng.
 
Thượng tá, ThS. Trần Thanh Chuyền
 
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG. H, 2006, tr. 110
                             
 

Ý kiến bạn đọc (0)