QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:19 (GMT+7)
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến

Hòa bình và chiến tranh là hai trạng thái đối lập nhau trong xã hội, là vấn đề then chốt của mọi thời đại, quyết định sự tồn tại hay không tồn tại, phát triển hay không phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Từ trạng thái hòa bình chuyển sang trạng thái chiến tranh, các quốc gia đều phải có bước chuyển tiếp từ thời bình sang thời chiến (TTBSTC). Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các quốc gia chống xâm lược, nhằm giành quyền chủ động ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Đối với nước ta, mặc dù đang trong thời kỳ hòa bình, nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó không loại trừ nguy cơ chiến tranh. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng chuyển sức mạnh từ thời bình thành sức mạnh để đánh thắng trong chiến tranh. Với ý nghĩa ấy, việc nghiên cứu chuyển đất nước TTBSTC là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài viết này đề cập mấy vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn chuyển đất nước TTBSTC để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Về cơ sở lý luận. Từ xa xưa, Tôn Tử-nhà quân sự cổ đại Trung Quốc- đã đưa ra luận điểm “bất chiến tự nhiên thành” (không đánh mà thắng). Theo ông, nếu đất nước đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đối phó với chiến tranh thì có thể buộc đối phương phải từ bỏ ý đồ gây chiến tranh. Khi bàn về chiến tranh, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khẳng định, cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là cuộc chiến tranh cách mạng, chính nghĩa. Cuộc chiến tranh đó phải mang tính nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, được chuẩn bị trước về mọi mặt; trong đó, cần phải làm tốt việc chuyển đất nước vào trạng thái chiến tranh, nhằm làm cho toàn bộ hoạt động của các cơ quan phải thích ứng với chiến tranh và tổ chức lại theo yêu cầu quân sự.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng quan điểm sức mạnh tổng hợp, tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính. Tư tưởng xuyên suốt của Người là xây dựng đi đôi với bảo vệ, khi có chiến tranh phải huy động và tổ chức tất cả các lực lượng trong nước để chống giặc; phải có kế hoạch để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tích cực tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến lâu dài. Như vậy, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuy không nói cụ thể vào vấn đề chuyển đất nước TTBSTC, nhưng đều thống nhất cho rằng: sức mạnh của quốc gia cần được xây dựng từ thời bình và quan trọng hơn, sức mạnh đó phải được chuyển thành sức mạnh của chiến tranh để chiến thắng kẻ thù.

Thấm nhuần quan điểm đó, trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN; trong đó, thực hiện nhất quán chiến lược xây dựng và tăng cường sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD), chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng chuyển thành sức mạnh của chiến tranh nhân dân (CTND) là điều kiện tiên quyết để đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch. Để thực hiện được mục tiêu đó, việc nghiên cứu lý luận chuyển đất nước TTB STC cần phải làm rõ và thống nhất một số vấn đề rất cơ bản. Về mục đích, chuyển đất nước TTBSTC phải nhằm giành thế chủ động chiến lược; tránh đòn tiến công phủ đầu mạnh của quân xâm lược, bảo toàn được lực lượng, thế trận; bảo đảm động viên và huy động được sức mạnh lớn nhất, tạo ra cục diện có lợi khi đất nước bước vào chiến tranh. Trong đó, giành thế chủ động về chiến lược và bảo đảm động viên, phát huy tiềm lực mọi mặt của đất nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch là mục đích cơ bản xuyên suốt nhất. Về nội dung, chuyển đất nước TTBSTC là chuyển trọng tâm từ nhiệm vụ phát triển KT-XH sang nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chuyển từ hoạt động xã hội thời bình sang thời chiến; chuyển phương thức hoạt động đấu tranh quốc phòng là chủ yếu sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu; tiến hành tổng thể các biện pháp chuyển các lực lượng vũ trang nhân dân, nền kinh tế quốc dân, thể chế Nhà nước, sinh hoạt xã hội vào trạng thái thời chiến. Về phương pháp, chuyển đất nước TTBSTC có thể chuyển dần từ thấp lên cao, chuyển từng bộ phận đến toàn bộ; hoặc chuyển riêng từng vùng, từng địa phương, từng bộ phận; hoặc cũng có thể chuyển đồng thời toàn bộ đất nước. Mỗi phương pháp đều có nguyên tắc riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên việc sử dụng phương pháp nào cũng phải căn cứ trước hết vào âm mưu của địch, khả năng, điều kiện của ta, bối cảnh khu vực và quốc tế để vận dụng cho phù hợp. Thời cơ tốt nhất để chuyển đất nước vào trạng thái thời chiến là trước khi chiến tranh nổ ra và tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trong quá trình chiến tranh. Đây thực sự là cuộc động viên toàn dân, toàn diện, diễn ra trong điều kiện vô cùng khẩn trương, phức tạp, với nhiều nội dung, nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực và địa bàn cả nước; trong đó, việc chuyển địa phương TTBSTC là bộ phận rất quan trọng. Chúng ta nhận thức: các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) là bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu và phòng thủ chiến lược; lực lượng địa phương là lực lượng tại chỗ, triển khai nhanh nhất, kịp thời nhất và là chỗ dựa vững chắc nhất của thế trận CTND, phát huy cao nhất sức mạnh toàn dân đánh địch. Vì vậy, chuyển địa phương TTBSTC vừa phải tuân thủ đầy đủ các nội dung của chuyển đất nước sang thời chiến, vừa được vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình của địa phương, bảo đảm chuyển sang thời chiến kịp thời, nhanh chóng, chính xác, bí mật, an toàn; giữ vững ổn định chính trị, duy trì sản xuất và đời sống của nhân dân; phát huy cao nhất sức mạnh của địa phương, giành quyền chủ động, độc lập giải quyết thắng lợi các tình huống; thực hiện làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh và cùng nhau giữ nước.

Về cơ sở thực tiễn. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, cha ông ta đã luôn chủ động chuẩn bị đất nước từ thời bình để sẵn sàng đối phó với chiến tranh, thực hiện “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Các tư tưởng “Ngụ binh ư nông” ở thời Lý và “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc ” ở thời Trần đã minh chứng điều đó. Khi chiến tranh xảy ra, chúng ta đã chủ động mở rộng lực lượng, xây dựng và huấn luyện quân đội; tích trữ lương thảo, làm kế “thanh giã”, buộc địch lâm vào tình thế khó khăn; tiến hành động viên toàn dân, thống nhất ý chí, củng cố quyết tâm, huy động sức mạnh của cả nước để đánh giặc và đã đánh thắng các thế lực xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, đất nước ta ở trạng thái vừa có hòa bình vừa có chiến tranh. Vì vậy, chúng ta không có các hoạt động chuyển toàn bộ đất nước TTBSTC, nhưng chuyển từng địa phương, từng bộ phận, từng mặt thì được thực hiện thường xuyên, đan xen trong suốt quá trình chiến tranh, nhất là chuyển vào thời chiến ở những thời điểm nhất định, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng chiến trường, từng khu vực và từng giai đoạn cụ thể của chiến tranh. Nét nổi bật của các hoạt động này là chúng ta vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, xây dựng lực lượng, tăng cường sức mạnh; đồng thời, sẵn sàng chuyển các thành quả đó thành sức mạnh phục vụ cho các mặt trận, chiến trường giành thắng lợi. Đó là một trong những nguyên nhân thắng lợi của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.

Ngày nay, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc chuyển đất nước TTBSTC sẽ diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn khác với trước đây: sự giúp đỡ của hệ thống XHCN không còn, việc xây dựng liên minh chiến đấu sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, trải qua quá trình hòa bình, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, nhất là cán bộ các ban, ngành cấp huyện, thị hầu hết chưa kinh qua chiến đấu, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế thị trường, sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế, nhất là kinh tế ngoài quốc doanh, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài..., sẽ tác động mạnh đến nhiệm vụ chuyển đất nước TTBSTC. Vấn đề bản chất nhất, cốt lõi nhất ở đây chính là mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và lợi ích quốc phòng của đất nước, tồn tại ở cả phạm vi quốc gia, các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ sở kinh tế đến các gia đình, cá nhân, với xu hướng phổ biến là: coi trọng lợi ích kinh tế, ít coi trọng lợi ích quốc phòng-an ninh (QP-AN). Vấn đề này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiệu quả chuyển đất nước vào thời chiến sẽ rất hạn chế. Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, phải tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN. Qua đó, làm cho các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ cán bộ và toàn dân có nhận thức đúng về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và nguy cơ có thể xảy ra chiến tranh; nêu cao cảnh giác, nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN từ thời bình. Đồng thời, Nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy hợp lý, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, bảo đảm việc chuyển đất nước vào trạng thái thời chiến khi có tình huống chiến tranh với hiệu quả cao nhất; trong đó, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy mục tiêu đánh thắng trong chiến tranh làm tiêu chí chủ yếu cho các hoạt động chuyển đất nước vào trạng thái thời chiến.

Cùng với những ảnh hưởng từ mặt trái của kinh tế thị trường, đặc điểm chiến tranh hiện đại cũng tác động không nhỏ tới việc chuyển đất nước TTBSTC. Nghiên cứu một số cuộc chiến tranh khu vực gần đây có thể thấy, kẻ xâm lược bao giờ cũng chủ động về thời gian và địa điểm tác chiến; sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, nhanh chóng giành quyền làm chủ trên không, trên biển; thời gian chiến tranh ngắn, không gian rộng, tính bất ngờ cao, hủy diệt lớn, thậm chí có thể gây cho đối phương những thiệt hại nặng nề ngay trong giai đoạn đầu chiến tranh. Đối với nước ta, những đặc điểm trên nếu không được nghiên cứu kỹ, có biện pháp khắc phục sẽ tác động mạnh đến trạng thái tâm lý, tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang; đến hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến tranh, nhất là trực tiếp tác động tới nội dung, thời gian, phương thức tổ chức, chuẩn bị, thực hành chuyển đất nước TTBSTC. Vì vậy, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động nắm địch, kịp thời phát hiện, đánh giá đúng diễn biến tình hình, tích cực đấu tranh làm thất bại chiến tranh tâm lý của địch; nắm vững thời cơ chuyển đất nước vào trạng thái thời chiến một cách có lợi nhất; tiến hành các biện pháp giữ bí mật, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, cơ động khôn khéo, tích cực ngụy trang, nghi binh..., bảo đảm cho từng địa phương, từng khu vực và cả nước ở trạng thái sẵn sàng cao nhất trước khi chiến tranh xảy ra, góp phần nâng cao khả năng bảo vệ trước đòn tiến công hỏa lực của địch ngay từ những ngày đầu chiến tranh. Điều cần chú ý ở đây là, trong điều kiện địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, các công việc chuyển đất nước TTBSTC phải được tiến hành có tổ chức chặt chẽ, khẩn trương, chính xác, bí mật, trong thời gian ngắn nhất. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại, bảo đảm tồn tại và đánh thắng.

Từ nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của chuyển đất nước TTBSTC, bước đầu có thể rút ra một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, chuyển đất nước TTBSTC là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất thiết phải làm nhanh chóng, chính xác, bí mật, kịp thời trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; giành quyền chủ động đánh địch bằng sức mạnh lớn nhất, ngay từ ngày đầu chiến tranh.

Hai là, chuyển đất nước TTBSTC là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành thống nhất của Nhà nước.

Ba là, tích cực xây dựng và chuẩn bị đất nước từ thời bình, nhất là chuẩn bị tiềm lực, lực lượng và thế trận QP-AN; coi trọng kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; chuẩn bị chu đáo các kế hoạch, thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh và tổ chức luyện tập thuần thục ngay từ thời bình.

Bốn là, luôn nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, kịp thời chuyển đất nước sang thời chiến ở thời điểm có lợi nhất, chủ động chuyển từ trước khi chiến tranh xảy ra, coi trọng chuyển tiềm lực quốc phòng thành thực lực chiến tranh, chuyển thế trận QPTD thành thế trận CTND.

Năm là, chuyển đất nước TTBSTC phải được tiến hành khẩn trương, toàn diện, đồng bộ, lấy yêu cầu đánh thắng các hình thái chiến tranh xâm lược làm mục tiêu phấn đấu, kịp thời đối phó có hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự-BQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)