QPTD -Thứ Tư, 24/08/2011, 00:30 (GMT+7)
Một số vấn đề đặt ra về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” ở nước ta

Cơ chế là sự vận hành tổng hợp của các yếu tố trong một sự vật theo một nguyên tắc nhất định, để sự vật đó tồn tại và phát triển đúng như bản chất vốn có của nó. Sự vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là bảo đảm mở rộng và thực thi có hiệu quả nền dân chủ XHCN, làm cho mọi quyền lực xã hội đều thuộc về nhân dân.

  

Nhân dân làm chủ - yếu tố trung tâm của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tầm quan trọng đặc biệt của yếu tố này biểu hiện ở chỗ: quyền lực của Đảng và Nhà nước đều từ quyền lực của nhân dân. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đã có tư tưởng đặt lên hàng đầu vai trò của nhân dân trong cấu tạo quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội. Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) khẳng định: “khoan thư sức dân” là “kế sâu rễ bền gốc”. Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) cho rằng: chở thuyền và lật thuyền đều do dân. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định rõ: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: cách mạng là sự nghiệp chung của cả dân chúng Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là do dân lập nên để phục vụ nhân dân. Đầu năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch của mình, Người khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi vui lòng lui”1.

ĐCSVN ra đời, tồn tại, phát triển không vì mục đích tự thân mà vì giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Điều này được thể hiện rõ trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”2. Mục đích duy nhất của ĐCSVN là đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, đồng bào được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc. Theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cũng như các bản Hiến pháp sau này (1959, 1980, 1992), cấu tạo quyền lực Nhà nước và xã hội của nước ta đều thể hiện rõ: tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhờ vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân để tiến hành đấu tranh giành và giữ vững độc lập, tự do của dân tộc và ngày nay đang tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, trong thực tế, có lúc, có nơi vai trò làm chủ của nhân dân vẫn còn mờ nhạt. Việc nhân dân tham gia xây dựng Đảng chưa được nhiều, hiệu quả chưa cao, nhất là việc góp ý kiến, giám sát, kiểm định đường lối, chủ trương của Đảng cũng như đối với cán bộ, đảng viên nơi công tác và nơi cư trú. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong lựa chọn, bầu đại biểu Quốc hội và Quốc hội cấu tạo các cơ quan Nhà nước để thay mặt mình quản lý xã hội, mới chủ yếu thông qua hiệp thương; trong thực tế ở một số nơi, quyền làm chủ của nhân dân vẫn bị vi phạm nghiêm trọng... Đây chính là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta cần phải nghiên cứu, giải quyết, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân.

Đảng lãnh đạo - yếu tố tiên quyết đảm bảo cho sự vận hành cơ chế có hiệu quả. Vai trò lãnh đạo của Đảng không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò đó đã được thử thách, kiểm nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nhân dân Việt Nam thừa nhận, tin tưởng trao cho Đảng vai trò lãnh đạo toàn xã hội và dân tộc.

Tuy nhiên, hiện nay, Đảng đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ phải vượt qua. Đảng ta là Đảng cầm quyền; Đảng không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Để đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng hoàn toàn phù hợp yêu cầu của đất nước, cần có nhiều yếu tố, trong đó vai trò phản biện xã hội là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nếu không có sự phản biện xã hội sẽ dễ dẫn đến sự chủ quan, duy ý chí; đường lối chính trị dễ bị sai lầm; hành động thực tế dễ bị độc đoán, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, không bảo đảm và phát huy tốt vai trò quản lý của Nhà nước. Cùng với đó, Đảng phải phòng và chống nguy cơ thoái hoá, biến chất và chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”3. Nói tham nhũng, lãng phí, quan liêu xảy ra nghiêm trọng; nhưng ai là người tham nhũng? Chỉ có những người có chức, có quyền, những cán bộ, đảng viên nắm trong tay của cải, tiền bạc của Nhà nước mới có khả năng tham nhũng... Đảng ta đã nhận thức được vấn đề đó; bởi vậy, trong Báo cáo về công tác xây dựng Đảng (của Đại hội X) Đảng ta đã nhận định: “vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”4. Đó là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng. Nguy cơ Đảng bị suy yếu còn biểu hiện ở chỗ: có lúc, có nơi lòng tin của nhân dân đối với Đảng bị suy giảm; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước đang có biểu hiện lệch chuẩn...

Sự lãnh đạo của Đảng hơn 80 năm qua đã đảm bảo cho dân tộc ta giành được những thành tựu vô cùng to lớn; nhưng, những thành tựu đó có thể không còn ý nghĩa, nếu Đảng bị suy thoái và không còn giữ được vai trò lãnh đạo đối với dân tộc; khi đó mọi thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã giành được bằng bao xương, máu, mồ hôi và nước mắt, phút chốc sẽ đổ xuống sông, xuống biển; lúc đó, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cũng bị tiêu tan. Đây là lý do để khẳng định: Đảng đóng vai trò tiên quyết cho sự tồn tại, vận hành có hiệu quả của cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Nhà nước quản lý - yếu tố quyết định trực tiếp sự thành công trong vận hành cơ chế. Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để bảo đảm và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền? Về lý luận, trong nhà nước pháp quyền thì pháp luật chiếm vị trí, vai trò tối thượng đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, do tính chất XHCN, Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì có mâu thuẫn với nhà nước pháp quyền không? Câu trả lời là không! Bởi lẽ, bên cạnh lãnh đạo đất nước thông qua cương lĩnh, chủ trương, đường lối; sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội có nhiều nội dung được thể chế hoá qua hoạt động của Nhà nước. Trong công tác cán bộ, Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Điều đó là hoàn toàn phù hợp; bởi vì, ĐCSVN là Đảng cầm quyền, là hạt nhân, là cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để hoàn thành trọng trách đó, Đảng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, vừa bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vừa bảo đảm cho Nhà nước hoạt động theo đúng chức năng của mình; trong đó, mọi công dân, mọi tổ chức và bản thân Đảng phải hoạt động theo đúng khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; Điều lệ, nghị quyết của Đảng phải đúng với Hiến pháp và pháp luật.

Để cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” vận hành có hiệu quả, đòi hỏi Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Nhân dân là yếu tố trung tâm của mọi quyền lực, là cội nguồn của mọi sức mạnh. Vì vậy, mọi biểu hiện xa dân, coi thường dân, ức hiếp dân, gây phiền phức cho dân... đều là những biểu hiện của quá trình Đảng tự suy yếu, làm lỏng lẻo, thậm chí phá vỡ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Cùng với đó, Nhà nước phải làm tốt chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong xã hội hiện đại, Nhà nước còn làm các dịch vụ xã hội để giữ ổn định chính trị-xã hội và làm cho xã hội phát triển bền vững. Đảng lãnh đạo Nhà nước; đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt hầu hết là đảng viên, đều chịu sự quản lý của các tổ chức Đảng tương ứng. Nhưng không vì thế mà Nhà nước hoạt động một cách thụ động; Nhà nước mạnh thì Đảng cầm quyền mới mạnh, và ngược lại; Nhà nước mạnh thì quyền làm chủ của nhân dân mới được bảo đảm và phát huy. Nhà nước và hoạt động của nó ngày càng nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân thì hiệu quả hoạt động càng cao, xã hội càng thể hiện tính chất dân chủ...

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục vận hành có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, Đảng và Nhà nước cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

Trước hết, cần thể chế hoá bằng pháp luật mọi chủ trương, đường lối của Đảng, tạo cơ sở để thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Hiến pháp năm 1992 đã xác định rõ: Đảng là thành viên và đồng thời là hạt nhân của hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội; Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật... Theo đó, trong các văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Đảng cầm quyền cũng như của từng chức danh cán bộ của Đảng trong xã hội. Điều này cũng phù hợp với việc Đảng đề ra Điều lệ và các quy định của tổ chức đảng và mọi đảng viên; tất nhiên những quy định đó phải phù hợp với Hiến pháp và pháp luật. Cùng với đó, Đảng cần phải làm tốt công tác quản lý tổ chức Đảng và đảng viên; mọi đảng viên, bất kể giữ chức vụ, cương vị gì trong bộ máy của hệ thống chính trị đều phải thực hiện nghiêm pháp luật. Chỉ có như vậy, mới bảo đảm cho Đảng vừa không buông lỏng lãnh đạo, vừa không lạm quyền, bao biện, làm thay chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội khác.

Thứ hai, phải tạo mọi điều kiện để nhân dân trực tiếp thể hiện quyền làm chủ trong hoạt động của Đảng và Nhà nước. Cương lĩnh năm 1991 nêu rõ: chúng ta xây dựng một “Xã hội do nhân dân làm chủ”. Để thực hiện được điều đó, cần tạo ra nhiều “kênh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình, như: góp ý vào các quyết sách của Đảng, vào công tác cán bộ... Cùng với đó, Đảng cần tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến của nhân dân; qua đó, làm cho nhân dân ta giác ngộ hơn nữa về chính trị, phát huy quyền làm chủ về chính trị của mình đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Có thể thí điểm, dần dần và tiến tới đại trà, việc quy định để nhân dân trực tiếp bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước. Dân có quyền bãi miễn (theo thủ tục đơn giản nhất) những đại biểu do mình bầu ra khi thấy đại biểu đó không còn đủ tư cách và không hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng chính là cách thức để thực hiện có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và quản lý mọi hoạt động của xã hội.

Thứ ba, cần xác định thật rõ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể nêu lên ở đây một số nội dung cơ bản cần phải quy định rõ, như: Nhà nước quản lý xã hội dựa trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật; mọi hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội (kể cả tổ chức đảng) đều phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước phải chịu sự lãnh đạo của Đảng và sự lãnh đạo ấy phải được thể chế bằng luật định. Cấu tạo quyền lực của Nhà nước cũng như hoạt động của nó phải bảo đảm tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; nhân dân có quyền kiểm soát Nhà nước, có quyền bãi miễn những đại biểu do mình bầu ra, nếu đại biểu đó mất tư cách và không làm tròn nhiệm vụ; Nhà nước tôn trọng và khuyến khích sự hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội theo đúng luật định; Nhà nước có chức năng quản lý xã hội; đồng thời, có chức năng tổ chức các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng, chăm lo tất cả mọi yêu cầu của nhân dân. Đây chính là sự biểu hiện rõ ràng nhất vai trò: “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”; đồng thời, cũng là điểm biểu hiện rõ ràng tư cách “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là sản phẩm tất yếu của lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đảm bảo cho sự thành công của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Xây dựng, hoàn thiện và phát huy đầy đủ cơ chế đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà trước hết là của cấp uỷ, chính quyền các cấp.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

_____________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, T.4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 161.

2- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 130.

3- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 263-264.

4- Sđd, tr. 263.

 

Ý kiến bạn đọc (0)