QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 23:17 (GMT+7)
Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường đối với Bộ đội Hóa học

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách của thời đại, là thách thức đối với các quốc gia. Việt Nam đã trải qua nhiều năm chiến tranh, không những nền kinh tế bị ảnh hưởng mà thiên nhiên, môi trường cũng bị hủy hoại trầm trọng. Hiện nay, ngoài những tác nhân do tốc độ công nghiệp hóa tăng nhanh, thì một lượng lớn chất độc hóa học, bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại cũng đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần giải quyết. Trên 20 năm trước, ô nhiễm môi trường (nhất là do chất thải công nghiệp và giao thông) chưa phải là vấn đề lớn của Việt Nam, nhưng đến nay đã trở thành vấn đề nóng bỏng. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức 10-12%/năm, trong vòng 10 năm tới, mức độ ô nhiễm môi trường do công nghiệp sẽ tăng 12 lần so với hiện nay, thiệt hại kinh tế, sức khỏe có thể tới 1,2% GDP; nếu tính cả thiệt hại về sinh thái thì giá phải trả cho sự ô nhiễm môi trường còn tăng gấp bội. Chưa kể các vấn đề môi trường toàn cầu khác, như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, mực nước biển dâng cao, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm chất lượng nước của các dòng sông lớn, mưa a xít, ElNino… thì ảnh hưởng xấu đến môi trường nước ta sẽ càng trầm trọng hơn.

Để bảo vệ môi trường (BVMT), Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về thay đổi khí hậu (1994), Công ước đa dạng sinh học (1994), tái cam kết thực hiện những nguyên tắc trong Tuyên bố Rio và Chương trình nghị sự 21. Năm 1994, chúng ta đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, tiếp đó đến năm 2005 được sửa đổi; ngày 25-6-1998 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra Chỉ thị số 36-CT/TƯ về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước. Những nội dung cam kết với thế giới, chủ trương của Đảng về BVMT đã được lồng ghép trong các chính sách, chương trình và kế hoạch mang tầm chiến lược của quốc gia, như: Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển lâu bền giai đoạn 1991-2000, Chương trình 661 trồng 5 triệu ha rừng, nước sạch và vệ sinh nông thôn, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (2004)…

Đối với quân đội, nhiệm vụ BVMT đã được Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tích cực tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả, gắn liền với việc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Ngày 1-9-1995, Bộ Quốc phòng đã ra Chỉ thị 769/CT-BQP về Triển khai nhiệm vụ BVMT trong quân đội; ngày 18-12-1998 có Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 36-CT/TƯ. Đến nay, hầu hết các đơn vị trong toàn quân đã có kế hoạch hành động cụ thể BVMT trong phạm vi quản lý của đơn vị, làm giảm thấp nhất các tác động xấu đối với tài nguyên, môi trường.

Đáng chú ý là, với tính đặc thù và tiềm năng, thế mạnh của mình, quân đội đã lấy bộ đội Hóa học (BĐHH) làm lực lượng nòng cốt trong quản lý, phòng ngừa, xử lý các sự cố môi trường. Từ chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, BĐHH đã tham gia tích cực trong công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT; xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng BVMT; tham gia cùng các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá tác động môi trường, triển khai các giải pháp BVMT cho các cơ sở quốc phòng có nguy cơ gây ô nhiễm cao; xây dựng các trạm quan trắc và phân tích môi trường trong hệ thống các trạm quan trắc môi trường quốc gia.

Trên thế giới hiếm có khu vực nào bị nhiễm chất độc hóa học (chất độc da cam chứa dioxin và chất độc CS) nặng và nguy hiểm như ở nước ta. Giải quyết ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực này vừa khó khăn về khoa học công nghệ, vừa phải chấp nhận nguy hiểm và hậu quả khó lường, nhất là khi vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS cùng tồn tại trên một địa hình với bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bằng ý thức trách nhiệm chính trị cao và tinh thần chủ động, không quản độc hại, nguy hiểm, từ năm 1999 đến nay, BĐHH đã có mặt ở những nơi, những công việc khó khăn, nguy hiểm nhất, chủ trì tiến hành, điều tra phát hiện được số lượng lớn chất độc CS, các vũ khí, phương tiện chứa CS trên địa bàn các tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam; phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin, chất độc CS tồn lưu sau chiến tranh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ của nước ta và đã trực tiếp xử lý hàng trăm tấn chất độc dioxin, vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS.

BĐHH còn đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm ra các công nghệ (được đánh giá là tiên tiến nhất) để xử lý an toàn, hiệu quả nhiều sự cố về hóa chất độc-xạ trên phạm vi toàn quốc, như: xử lý ô nhiễm do hủy hơn 40 triệu mét pháo tại Bình Đà; xử lý hàng trăm tấn gà bị nhiễm dịch tại Hà Tây, lợn dịch tại Thanh Hóa, ô nhiễm do sự cố tràn dầu tại CầnThơ,… BĐHH còn là lực lượng đi đầu trong việc xử lý các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần trực tiếp giải quyết tình trạng bức xúc về ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật gây ra ở nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, BĐHH còn nghiên cứu, ứng dụng thành công các quy trình công nghệ xử lý nước từ nguồn nước mặt, nước ngầm, nước bị ô nhiễm thành nước sinh hoạt phục vụ cho các đơn vị quân đội và nhân dân; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt thành công nhiều hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện quân đội, nhà máy quốc phòng và phục vụ dân sinh; thực hiện quan trắc, phân tích chất lượng môi trường, điều tra, đánh giá hiện trạng và tác động môi trường trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, cung cấp kịp thời các số liệu về phóng xạ và hóa học trên phạm vi toàn quốc phục vụ cho Nhà nước và yêu cầu nhiệm vụ của quân đội.

Như vậy, có thể thấy, đây là lĩnh vực chuyên môn mang tính lưỡng dụng cao của BĐHH, trực tiếp bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Những thảm họa do thiên tai gây ra (bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, xói lở bờ sông, bờ biển, sụt lở đất, động đất...) ; sự cố do con người gây ra (cháy rừng, cháy nổ, tràn dầu, do phát tán chất độc, phóng xạ, vi trùng và chất thải, dịch bệnh,...) đều cần đến chuyên môn của BĐHH. Thực tế cho thấy trong các tình huống nguy hiểm, vào thời điểm nhạy cảm, gay cấn, kể cả khi lực lượng khác gặp khó khăn thì BĐHH đều có mặt. Do vậy, có thể nói, tuy là thời bình nhưng BĐHH vẫn làm nhiệm vụ chiến đấu.

Thời gian tới, trước yêu cầu của sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, nhiệm vụ BVMT của nước ta ngày càng phức tạp và nặng nề hơn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ BVMT, BĐHH cần triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Trước hết, cần xác định rõ vai trò của BĐHH là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động BVMT. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm không ngừng xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần vượt khó, không quản nguy hiểm, khó khăn, tham gia có hiệu quả vào công tác BVMT. Đặt công tác môi trường là một nội dung của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; không ngừng rèn luyện ý chí, tăng cường tổ chức diễn tập các cấp, nhất là trong các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT cho toàn quân và trong nhân dân.

Quán triệt quan điểm tự lực, tự cường, phát huy năng lực nội sinh, kết hợp khoa học với thực tiễn, BĐHH cần đẩy mạnh mở rộng quan hệ hợp tác, nhạy bén trước các tình huống, chủ động chuẩn bị tốt mọi mặt, từ nhận thức, tư tưởng đến xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng để sẵn sàng tham gia nhiệm vụ BVMT phù hợp với yêu cầu và thực tế của đất nước. Đồng thời, triển khai các hoạt động BVMT trong quân đội theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, như điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường khu vực quân sự và khu vực liên quan; kiểm soát, giám sát ô nhiễm và quản lý chất thải quân sự; triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường tại các khu vực quân sự và liên quan,... đi đôi với tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng nòng cốt mạnh tham gia khắc phục suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường khi có yêu cầu.

Hai là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Do tính chất đặc thù của Ngành, cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hóa học trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, lập trường tư tưởng, năng lực công tác chuyên môn, phương pháp, tác phong công tác; có bản lĩnh và ý chí cao, có ý thức kỷ luật nghiêm, được đào tạo cơ bản, kiến thức chuyên môn vững, năng động, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh.

Cần có quy hoạch đội ngũ cán bộ của Ngành bảo đảm đủ về số lượng, có chất lượng cao, hợp lý về cơ cấu và diện bố trí. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng quy hoạch cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, chuyên gia đầu ngành có đủ trình độ, khả năng chỉ huy, điều hành giải quyết những nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp của BĐHH trong tương lai. Tiếp tục quản lý tốt đội ngũ cán bộ hiện có; thực hiện luân chuyển hợp lý để rèn luyện, đào tạo số cán bộ có năng lực, sử dụng lâu dài. Điều chỉnh những cán bộ chưa đáp ứng được nhiệm vụ vào những vị trí thích hợp với năng lực và trình độ của họ. Trên cơ sở tổ chức, biên chế hiện hành, cần bố trí, sắp xếp hợp lý giữa đội ngũ cán bộ trẻ với cán bộ đã qua chiến đấu, có kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, bảo đảm được tính kế thừa và hỗ trợ nhau. Có kế hoạch đào tạo trước mắt cũng như lâu dài theo phương châm “đi trước một bước”; kết hợp đào tạo tại trường với đào tạo tại chỗ, trong nước và ngoài nước.

Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, cần hết sức quan tâm đối với cán bộ chính trị. Đội ngũ này cần phải được đào tạo cơ bản, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, mẫu mực về đạo đức, lối sống và tác phong công tác, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ, chi bộ, đơn vị, được bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cùng thực tế đơn vị.

Ba là, cần quan tâm cải thiện trang bị cho công tác BVMT của BĐHH.  Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học- công nghệ đã không ngừng phát triển; các phương tiện phòng chống chiến tranh hóa học, giải quyết sự cố môi trường cũng không ngừng được đổi mới và tiến bộ; nhiều loại phương tiện phòng hóa thế hệ tiên tiến đã ra đời và trang bị cho quân đội nhiều nước. Trong khi đó, các trang bị hóa học của ta chủ yếu có từ nguồn viện trợ đã dần xuống cấp; nguồn kinh phí để mua sắm, sản xuất, bảo đảm kỹ thuật chưa dồi dào. Điều đó đòi hỏi BĐHH cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, bước đi hợp lý trong tạo nguồn trang bị hóa học cho trước mắt lẫn lâu dài, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ quân sự cũng như cho nhiệm vụ BVMT phục vụ dân sinh. Bên cạnh việc mua sắm mới trong điều kiện cho phép, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để cải tiến, hiện đại hóa, nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật, khả năng xử lý các sự cố hóa học và kéo dài tuổi thọ của trang, thiết bị hiện có; tiến tới tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại trang bị cần thiết, công nghệ cao phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của quân đội và tham gia ứng cứu sự cố hóa học thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, góp phần có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá ĐẶNG VĂN SÁNH

 

Ý kiến bạn đọc (0)