Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:09 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Hồ Chí Minh đã khảo cứu hệ thống tổ chức, bộ máy của các nhà nước tư sản, Nhà nước Xô Viết và truyền thống dựng nước của dân tộc. Những chất liệu đó là cơ sở để kiến tạo nên một kiểu nhà nước mới ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đó là thành quả cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin về nhà nước kiểu mới của giai cấp công nhân, kế thừa những tinh hoa trong truyền thống dựng nước của dân tộc và tiếp thu những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại. Có thể thấy tư tưởng xuyên suốt trong Hồ Chí Minh về Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với mục tiêu "thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân", trên những vấn đề cơ bản sau đây:
Trước hết, xây dựng nhà nước của dân, do dân, quyền lực thuộc về nhân dân. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tiến hành Tổng tuyển cử để xây dựng nhà nước của nhân dân. Người đã lựa chọn, xử lý đúng đắn và kết hợp chặt chẽ việc thực hiện hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp nhằm phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước thực sự của dân. Thực hiện Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, chính sách bầu cử và ứng cử của ta đã phát huy tối đa quyền dân chủ chính trị của nhân dân; đó là vấn đề cốt tử đảm bảo tính hợp hiến trong xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ. Chính sách đó thể hiện rõ bản chất: tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn; đấy là những chuẩn mực để xem xét một bộ máy chính quyền có thực sự là của dân hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân"1. Người còn nhấn mạnh: "Chế độ tuyển cử của chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân"2 và với "Một Quốc hội được bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu đã bảo đảm cho đất nước một Hiến pháp dân chủ"3.
Tổng tuyển cử tự do, bình đẳng thể hiện rõ bản chất vấn đề dân chủ, đoàn kết - bản chất giai cấp và tính dân tộc sâu sắc của Nhà nước ta. Đây là bệ đỡ cho sự tồn tại và phát triển của Nhà nước dân chủ ở nước ta trước mọi hoàn cảnh, theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, với sự kiện toàn dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử, quyền lực đã thuộc về nhân dân trên thực tiễn. Nhà nước mới ra đời ở nước ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhà nước dân chủ mang bản chất của giai cấp công nhân mà biểu hiện trước hết là Nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tính chất dân chủ được thể hiện dựa trên nền tảng đại đoàn kết dân tộc với nòng cốt là khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
Hai là, xây dựng nhà nước vì dân. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước vì dân được thể hiện rõ qua các luận điểm nói về bản chất, mục tiêu, nội dung, chức trách và nhiệm vụ của Nhà nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, tổ chức, giáo dục, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới"4. Người còn chỉ rõ: Chính phủ là đầy tớ của dân, dân là chủ, cho nên mọi việc có lợi cho dân ta phải hết sức làm, có hại cho dân ta phải hết sức tránh; mặt khác, Người cũng vạch ra cho Chính phủ những nhiệm vụ và công tác rất thiết thực, không viển vông, hình thức, nói suông mà phải bằng việc làm cụ thể chăm lo đời sống nhân dân. Do thực hiện đúng những chỉ dẫn của Người, nên mặc dù chúng ta thực hiện xây dựng chính quyền trong điều kiện phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; nhưng, nhà nước ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đưa ra nhiều biện pháp có hiệu quả để chống các loại giặc đó bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất; mở lạc quyên 10 ngày một lần; tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa, phát gạo tiết kiệm được cho người nghèo; mở chiến dịch chống nạn mù chữ (bình dân học vụ); giáo dục nhân dân đẩy mạnh thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; xoá bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết...
Ngoài việc xác định nhiệm vụ căn bản của Nhà nước là phục vụ lợi ích của nhân dân, Người còn nêu lên một nhiệm vụ rất quan trọng là "Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà..."5. Đây là quan điểm rất mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức trách, nhiệm vụ của nhà nước vì dân. Quan điểm này phản ảnh tính tất yếu khách quan của phát triển xã hội; chỉ rõ mối quan hệ tương tác giữa nhà nước - nhân dân trong nền dân chủ XHCN. Trong sự tác động tương hỗ đó có những mâu thuẫn do các nhu cầu xã hội mới thường xuyên nảy sinh với những khả năng hiện có để thoả mãn những nhu cầu đó. Điều đó là do tình trạng hiểu biết của cư dân về chính trị và pháp luật; do những thiếu sót về văn hoá quản lý hoặc những biểu hiện khác nhau bởi tác động của xu hướng kỹ trị vào cơ cấu bị quan liêu hoá, làm cho bộ máy nhà nước xa rời nhân dân. Chế độ dân chủ XHCN, với tư cách là một hệ thống đang phát triển có khả năng giải quyết các mâu thuẫn đó mà không tạo ra sự căng thẳng xã hội, mà theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bằng cách phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân. Sự phát triển đó cho phép nhà nước, một mặt, nắm bắt được các mâu thuẫn đang hình thành để giải quyết, mặt khác, tạo ra sự tác động thường xuyên, làm cho nhà nước luôn ở trong tiến trình tự điều chỉnh, đổi mới, ngày càng hoàn thiện hơn, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, chức trách của nhà nước dân chủ XHCN. Do vậy, sự giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát, và phê bình của nhân dân đối với nhà nước là phương thức tốt nhất nhằm làm cho hoạt động của bộ máy nhà nước ngày một hiệu quả hơn (nhà nước mau chóng nắm bắt được các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên các lĩnh vực, thúc đẩy nhanh chóng các hoạt động, kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động đúng theo hướng phục vụ lợi ích của nhân dân); tránh khỏi quá trình quan liêu hoá, xa rời nhân dân; đồng thời, gia tăng bản chất dân chủ của nhà nước XHCN.
Ba là, xây dựng nhà nước pháp quyền có đủ phẩm chất, năng lực quản lý, điều hành đất nước. Trong quan niệm về chức trách và nhiệm vụ của nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tới vị trí "công bộc", "đầy tớ "để nói rõ tính chất mới của nhà nước dân chủ ở nước ta. Đó phải là một nhà nước liêm khiết, trong sạch, với đội ngũ cán bộ lấy cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để tu thân. Tháng 10-1945, trong Thư gửi Uỷ ban hành chính các bộ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như thời kỳ dưới sự thống trị của Pháp, Nhật"6 Người đã chỉ ra những lỗi lầm về tư cách, như: cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo và vạch ra những tệ nạn như tham ô, quan liêu, lãng phí và cho đó là kẻ thù của nhân dân, của cán bộ, nó nằm trong tổ chức ta để làm hỏng công việc của ta. Người cho rằng: "Quan liêu, tham ô, lãng phí, là tội ác"7 và chỉ rõ: muốn chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu thì phải thực hiện dân chủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, do 80 năm đô hộ của thực dân, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính, phải vừa làm vừa học và điều đó sẽ không tránh khỏi gây ra khuyết điểm, nhưng vấn đề là phải can đảm sửa chữa khuyết điểm. Do vậy, Người yêu cầu cán bộ, một mặt phải có kế hoạch công tác thiết thực, không viển vông, hình thức, thể hiện rõ nhiệm vụ của Chính phủ và phải chăm lo đến đời sống của nhân dân; mặt khác, phải coi trọng việc xây dựng đội ngũ công chức và đòi hỏi công chức Việt Nam cần phải đem hết sức lực và tâm trí theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Việc ra các sắc lệnh về thi tuyển công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ nhà nước “vừa hồng, vừachuyên", đáp ứng được sự phát triển của nền dân chủ là tư tưởng hết sức sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng đó còn nguyên giá trị trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam ngày nay. Nó đòi hỏi: khi bắt tay vào cải cách hành chính, xây dựng quy chế công chức mới, cần phải trở về với tư tưởng của Hồ Chí Minh, trên cơ sở đi sâu nghiên cứu những sắc lệnh về công chức do Người ký trước đây; đồng thời, căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sự tiến bộ của nhân loại ngày nay.
Để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi phải nâng cao năng lực của các cơ quan đại diện quyền lực và cán bộ được uỷ quyền; phải loại trừ những kẻ quan liêu, thoái hoá, những kẻ miệng nói dân chủ nhưng làm việc theo lối quan chủ và “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì"8.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ mới ở nước ta được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng các thành quả của nhân loại trong tổ chức Nhà nước dân chủ vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Những quan điểm căn bản trên đây cho thấy, Người đã kế thừa các giá trị của dân tộc và nhân loại trong việc tổ chức nhà nước mới ở Việt Nam; đồng thời, đã kết hợp thành công các phạm trù không phải luôn đồng nhất: dân tộc - giai cấp; dân chủ - chuyên chính trong xây dựng và phát triển nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta sau Cách mạng Tháng Tám. Sự sáng tạo đó đã khai phá một con đường mới cho các dân tộc, sau khi thoát khỏi chế độ thực dân, giành được độc lập, đưa dân tộc tiến lên theo con đường dân chủ, tiến bộ, văn minh. Ngày nay, Đảng ta chủ trương xây dựng “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”9 là dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước được thực hiện và phát triển sau Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
PGS, TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
___________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, tr. 133.
2- Sđd, Tập 9, tr. 591.
3- Sđd, Tập 4, tr. 468.
4- Sđd, Tập 10, tr. 606.
5- Sđd, Tập 9, tr. 590.
6- Sđd, Tập 4, tr. 56.
7- Sđd, Tập 6, tr. 271.
8- Sđd, Tập 5, tr. 641.
9- ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, Tháng 4-2010, tr. 15.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011