QPTD -Thứ Sáu, 05/08/2011, 00:50 (GMT+7)
Một số giải pháp xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh

Biên giới quốc gia (BGQG) của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Do những yếu tố khách quan về lịch sử, đặc điểm địa lý và tình hình an ninh, chính trị ở khu vực biên giới (KVBG) nên việc quản lý, bảo vệ BGQG luôn phức tạp, gay go, quyết liệt. Kế thừa những “phương lược” bảo vệ bờ cõi, biên ải của ông cha trong các thời kỳ lịch sử, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân (BPTD) là chủ trương hết sức quan trọng. Thực hiện chủ trương của Đảng, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban ngành; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, huyện biên giới, ven biển để triển khai xây dựng thế trận BPTD. Các nội dung xây dựng thế trận đã từng bước được cụ thể hóa trong thực tiễn, nhất là yêu cầu bảo đảm 3 tại chỗ (bảo đảm con người, bảo đảm vũ khí, phương tiện và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật) được nhiều địa phương, cơ sở thực hiện một cách đồng bộ. “Biên giới lòng dân”- thành tố quan trọng của thế trận BPTD- ngày càng được củng cố. Đồng bào ở nhiều xã KVBG đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác quản lý, bảo vệ BGQG. Ngày 3-3 hàng năm - ngày “Biên phòng toàn dân”- đã trở thành một ngày hội thật sự của quân dân đồng bào các dân tộc ở KVBG. Đó là giá trị thực tiễn, phản ánh tính đúng đắn của chủ trương xây dựng thế trận BPTD.

Tuy nhiên, nhận thức về xây dựng thế trận BPTD của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ. Hơn nữa, sự vận động của thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc xây dựng thế trận BPTD. Chẳng hạn, quan niệm biên giới là “phên dậu” hay “biên thành” (coi biên giới là thành lũy) như trước đây là chưa đầy đủ, chưa thấy được sự phát triển của thực tiễn. Biên giới ngày nay còn phải được xem là cửa ngõ, là cơ hội để đất nước giao lưu, phát triển với các nước láng giềng và quốc tế về văn hóa, kinh tế, chính trị, quốc phòng-an ninh. Nhưng cũng cần thấy rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh thời cơ thuận lợi, cũng nảy sinh không ít khó khăn, thử thách đối với việc quản lý, bảo vệ biên giới. Đó là sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động rửa tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em và buôn bán, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Thậm chí hiện nay, vì mưu đồ chính trị, không ít kẻ xấu đang cố tình đánh tráo khái niệm về biên giới, làm mờ nhạt bản chất của nó để lừa gạt nhân dân. Các thuật ngữ, như: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “biên giới mềm”, “biên giới mở”, “biên giới kinh tế”, “dân tộc không biên giới”, “văn hóa không biên giới”..., tưởng như vô hại, nhưng trên thực tế, chúng rất nguy hiểm đối với một bộ phận nhân dân có trình độ học vấn thấp, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ở KVBG. Tất cả những vấn đề đó chi phối trực tiếp đến mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương thức xây dựng thế trận BPTD.

 Vì vậy, để bảo đảm việc xây dựng thế trận BPTD phù hợp với tình hình mới, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân là vấn đề quan trọng hàng đầu. Thực hiện công tác này, trước hết, cần khẳng định việc xây dựng thế trận BPTD là sự phát triển quan điểm quốc phòng toàn dân của Đảng; do đó, ở KVBG, nhân dân là nền tảng, đồng thời là chủ thể xây dựng thế trận BPTD. Song cần có người hướng dẫn và tổ chức để nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ biên giới. Người tổ chức xây dựng thế trận BPTD là chính quyền các cấp, trên cơ sở có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự tham mưu, phối hợp chặt chẽ của Bộ đội Biên phòng, ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng chức năng. Bộ đội Biên phòng (lực lượng nòng cốt, chuyên trách) là người chủ trì và là trung tâm phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG. Muốn công tác tuyên truyền có hiệu quả, mỗi địa phương, cơ sở, đặc biệt là mỗi KVBG phải có nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, chính trị ở KVBG và phù hợp với khả năng nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào. Nếu kẻ địch lợi dụng những vấn đề nhạy cảm về biên giới để chia rẽ đất nước ta với các nước láng giềng thì nội dung tuyên truyền phải là cơ sở để nhân dân đấu tranh làm thất bại âm mưu của chúng. Đối với KVBG thường xuyên có sự tranh chấp, lấn chiếm BGQG, thì nội dung tuyên truyền phải tập trung làm rõ quan điểm của Đảng trong việc giải quyết tranh chấp về biên giới, tạo cơ sở nhận thức để nhân dân kiên quyết đấu tranh với những hành vi xâm hại biên giới, hoặc đe dọa xâm hại biên giới, song đấu tranh phải có tổ chức, bảo đảm đúng pháp luật của Việt Nam, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Các vấn đề khác về biên giới cũng cần có cách làm tương tự, nghĩa là phải bám sát thực tế thì công tác tuyên truyền, giáo dục mới có hiệu quả thiết thực.

Quá trình tuyên truyền, giáo dục trong thời gian tới còn đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục làm rõ tính “bất khả xâm phạm” và tính “toàn vẹn lãnh thổ” của BGQG. Đó là những nguyên tắc cơ bản về biên giới của luật pháp quốc tế hiện đại, được ghi trong các tuyên bố và nghị quyết của Liên hợp quốc. Điều đó có nghĩa là, dù kẻ xấu có cố tình dùng thuật ngữ nào đi chăng nữa thì những dấu hiệu bằng vật thể dùng để phân định BGQG vẫn không thay đổi, quyết không để khái niệm BGQG bị nhân dân hiểu sai lệch, hoặc ngộ nhận, dẫn đến chủ quyền quốc gia có thể bị hạn chế một cách tương đối. Một nội dung quan trọng khác cần chú trọng tuyên truyền là làm cho nhân dân thấy được xây dựng thế trận BPTD là góp phần ổn định biên giới lâu dài. Vì vậy, cùng với thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, Bộ đội biên phòng còn phải tích cực tham mưu cho chính quyền các cấp và hướng dẫn đồng bào đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào vùng biên giới, trước hết là ở KVBG, đang là vấn đề đặt ra rất cấp bách. Hiện nay, KVBG có 1.012 xã, phần lớn đều là xã khó khăn, trong đó có 423 xã đặc biệt khó khăn. Trong 5.646 thôn, bản, buôn làng, phum, sóc (gọi tắt là thôn bản) ở KVBG, có 272 thôn bản không có đảng viên, gần 1.000 thôn bản không đủ điều kiện thành lập chi bộ. Các lĩnh vực về y tế, văn hoá, giáo dục và các loại hình dịch vụ khác ở KVBG đều thiếu và yếu về con người và cơ sở vật chất. Những đặc điểm đó, cùng với trình độ dân trí thấp, giao thông khó khăn, tình trạng di cư, dịch cư tự do, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả xây dựng thế trận BPTD. Vì vậy, ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài, vừa là điều kiện tiên quyết để xây dựng thế trận BPTD. Thực hiện giải pháp này, đòi hỏi sự nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện phương châm: mỗi đảng viên giúp một gia đình, mỗi ban, ngành giúp một xã, hoặc vài xã khó khăn. Nhiều đồn Biên phòng trong một năm đã làm từ 30-40 căn nhà tặng đồng bào (giá trị 15 triệu đồng mỗi căn). Đó là những cách làm hết sức hiệu quả, giúp đồng bào từng bước ổn định đời sống. Đó cũng là biện pháp thiết thực nhất để xây dựng thế trận BPTD ở KVBG.

Tuy vậy, do khả năng của từng địa phương cũng như của Bộ đội Biên phòng có hạn, nên muốn nhân rộng những mô hình trên, đòi hỏi sự hỗ trợ lớn của Đảng và Nhà nước. Về lâu dài, Nhà nước cần có chiến lược phát triển toàn diện đối với KVBG, trước hết là tập trung giải quyết vấn đề định cư. Nguyên nhân của tình trạng di cư là để kiếm sống, đồng thời cũng là do bọn xấu xúi giục. Nhưng nguyên nhân của tình trạng dịch cư, ngoài lý do kiếm sống còn do tập quán của đồng bào. Do vậy, chính quyền các cấp phải kết hợp công tác vận động với các biện pháp hỗ trợ về kinh tế, bao gồm hỗ trợ cả điều kiện ăn ở trước mắt cũng như hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật sản xuất để đồng bào tự bảo đảm được cuộc sống của mình. Quá trình thực hiện công tác định cư, từng địa phương, cơ sở còn phải có kế hoạch phân bố dân cư theo phương châm “giãn dân để giữ đất”, “thu hút dân ra định cư ở KVBG”. Đương nhiên, công tác định cư nhất thiết còn phải gắn liền với việc xây dựng và phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông miền núi, đường tuần tra biên giới, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ thương mại. Có như vậy, mới bảo đảm cho đồng bào có điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm bám làng, bám bản, xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập trung ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào KVBG, cần xác định rõ mục tiêu, nội dung và những giải pháp cụ thể để xây dựng thế trận BPTD. Mục tiêu tổng quát của xây dựng thế trận BPTD là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, với phương châm “Mỗi người dân biên giới là một người lính biên thùy”. Song như chúng ta đã biết, xây dựng thế trận BPTD, thực chất là nhóm các giải pháp liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, trên cơ sở mục tiêu tổng quát, mỗi tỉnh, huyện biên giới, ven biển, đảo, trực tiếp là KVBG phải xác định các mục tiêu xây dựng cụ thể, có mục tiêu trước mắt và có mục tiêu lâu dài. Từng mục tiêu nhất thiết phải gắn với thời gian tiến hành cụ thể, phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn và phù hợp với khả năng của địa phương. Tương tự như vậy, xác định nội dung xây dựng thế trận BPTD cụ thể cũng là vấn đề rất cần thiết. Chúng ta đều thống nhất rằng, xây dựng “thế trận lòng dân”, “biên giới lòng dân” là nội dung có tính quyết định đến sức mạnh của thế trận BPTD, nhưng nội dung cụ thể của nó như thế nào thì không phải địa phương nào cũng chỉ ra được. Trên thực tế, xây dựng “biên giới lòng dân” là xây dựng tình cảm, ý chí, niềm tin và trách nhiệm của nhân dân đối với việc quản lý, bảo vệ BGQG. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân đương nhiên phải đi trước một bước, nhưng đồng thời với đó, còn phải tích cực chăm lo đời sống của nhân dân, vì đây chính là yếu tố vật chất để nhân dân xây dựng thế trận BPTD.

Bên cạnh các giải pháp trên, cần có giải pháp xây dựng tiềm lực kinh tế, xây dựng lực lượng, xây dựng hệ thống công trình kỹ thuật…, một cách đồng bộ. Mặt khác, còn phải thấy xây dựng thế trận BPTD là một chủ trương mới; lý luận và kinh nghiệm của vấn đề này chưa nhiều, do đó, Bộ đội Biên phòng cần kết hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác sơ kết, tổng kết, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ đạo việc xây dựng thế trận BPTD một cách có hiệu quả hơn. Có như vậy, chủ trương xây dựng thế trận BPTD của Đảng mới từng bước được hiện thực hóa trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ BGQG trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá NGUYỄN QUANG ĐẠM

Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh

 
Ý kiến bạn đọc (0)