QPTD -Thứ Tư, 10/08/2011, 23:26 (GMT+7)
Một số giải pháp phòng, chống chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch (tiếp theo)

Chống chiến tranh tâm lý (CTTL) của các thế lực thù địch là một trong những nội dung của cuộc đấu tranh về ý thức hệ trên mặt trận tư tưởng giữa hai thế giới quan và hai hệ tư tưởng đối lập. Đó là vấn đề cơ bản, xuyên suốt trong mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam. Trong bài viết này (tiếp theo bài Phương thức và thủ đoạn tiến hành chiến tranh tâm lý trong thời bình của các thế lực thù địch, đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 6/2009), chúng tôi chỉ đề cập đến một số giải pháp cơ bản trong phòng, chống CTTL của các thế lực thù địch hiện nay.

1- Nâng cao nhận thức của toàn dân về CTTL của các thế lực thù địch.

Nhận thức về CTTL của các thế lực thù địch trong thời bình không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, không ít người còn hoài nghi hoặc mơ hồ về CTTL của các thế lực thù địch. Một số người cho rằng: có CTTL, nhưng nó chỉ diễn ra trong thời kỳ chiến tranh. Một số người khác thấy được sự chống phá của các thế lực thù địch, song không biết đó là CTTL, dẫn tới không nắm được bản chất, âm mưu xảo quyệt của chúng, không thấy được mức độ nghiêm trọng, tính chất nguy hiểm của CTTL. Chính vì thế, nhiều người tỏ thái độ bàng quan trước CTTL của các thế lực thù địch. Một bộ phận nhân dân, do trình độ dân trí còn thấp, không nhận diện được CTTL của các thế lực thù địch nên đôi khi còn ngộ nhận, dễ nghe và làm theo giọng điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Thậm chí, một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những người đã được rèn luyện, thử thách qua các thời kỳ cách mạng, song do chủ quan, mất cảnh giác nên từ chỗ tò mò, hoặc vô tình, hoặc cố ý, mà “sập bẫy” CTTL và vô hình trung trở thành người cổ xúy cho bọn chống phá Đảng, Nhà nước. Như vậy, để toàn dân có nhận thức đúng về CTTL của các thế lực thù địch, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở phải chủ động tuyên truyền, trang bị cho cán bộ, nhân dân những hiểu biết cơ bản về phương thức, thủ đoạn, kỹ thuật tiến hành CTTL của chúng. Làm tốt công tác này là trực tiếp đấu tranh góp phần làm thất bại CTTL của các thế lực thù địch. Theo đó, với đối tượng là học sinh phổ thông và thanh niên thì tốt nhất là các nhà trường kết hợp với chính quyền tổ chức các buổi nói chuyện về CTTL; qua đó, cảnh báo và ngăn ngừa những mặt trái của mạng Internet và ảnh hưởng xấu độc của các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản văn hóa đối với lớp trẻ. Với đối tượng là sinh viên, học sinh khối các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng và đại học, cần xác định việc phòng, chống CTTL của các thế lực thù địch là một nội dung quan trọng trong chương trình môn học “Giáo dục quốc phòng”. Đặc biệt, phải xác định loại hình “Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh” là phương thức chủ yếu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về CTTL của các thế lực thù địch, vì đó là loại hình giáo dục được cụ thể hóa đến nhiều đối tượng và được tổ chức chặt chẽ ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở. Đương nhiên, cùng với các phương thức trên, việc chủ động vạch trần bản chất, thủ đoạn CTTL của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên là rất cần thiết; qua đó, nhân dân hình thành tinh thần cảnh giác, tâm lý tự vệ và ý thức tự phản kháng để loại bỏ sự tác động của CTTL của các thế lực thù địch.

2- Chủ động hơn nữa về thông tin và định hướng dư luận xã hội.

Năm 1954, để thực hiện chiến dịch di tản đồng bào Công giáo từ Bắc vào Nam, ban đầu kẻ địch tung tin: “Chúa vào Nam”. Sau đó, chúng liên tục tung các tin bổ sung, như: “Cộng sản là vô thần, phá đạo. Chúa không ở miền Bắc với Cộng sản, Chúa vào Nam”, “Đức Mẹ hiện hình”, “Tượng Đức Bà bỗng dưng chảy nước mắt”,... cuối cùng là “Mỹ sẽ bỏ bom nguyên tử miền Bắc”. Cứ thế, địch luôn chủ động về thông tin; trong khi đó, các phương tiện thông tin của ta còn lạc hậu và phần nào ta cũng còn bị động trong vấn đề này. Đó là chiến dịch CTTL điển hình, được địch chuẩn bị công phu, bài bản. Trên thực tế, chiến dịch CTTL này đã để lại cho chúng ta những hậu quả rất nặng nề những năm sau đó. Còn “sự kiện Thái Bình” năm 1997, “sự kiện Tây Nguyên” năm 2001 và năm 2004 cũng cho thấy rất rõ tác hại của việc chậm trễ về thông tin và định hướng dư luận xã hội. Trong “sự kiện Tây Nguyên” năm 2001, Đại diện Liên minh châu Âu và Tòa thánh Va-ti-căng đã phản ứng ta kịch liệt khi họ dẫn nguồn tin từ một số phương tiện truyền thông phương Tây, rằng: “hàng nghìn người dân đã bị chính quyền Việt Nam thảm sát...”. Chỉ khi tận mắt chứng kiến sự thật ở Tây Nguyên, vị Thứ trưởng Ngoại giao của Tòa thánh Va-ti-căng mới thừa nhận là “đã có những thông tin sai lạc” và ông cũng đặt câu hỏi là tại sao Việt Nam không lên tiếng sớm để tránh những hiểu lầm của dư luận. Gần đây, những tin như hàng nghìn sinh viên (qua hiến máu nhân đạo) bị phát hiện nhiễm HIV, hay có nhiều vụ bắt cóc, giết hại trẻ em để lấy nội tạng..., hoàn toàn là tin bịa đặt, song do chúng được lặp đi lặp lại và tồn tại trong một thời gian dài nên những tin đó đã làm cho không ít người dân hoang mang, ngờ vực, thậm chí bị sốc.

Rõ ràng, việc chậm trễ thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội đã làm cho nhân dân có những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng; ở mức độ đơn giản là nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào luật pháp, vào Đảng, chế độ và chính quyền; ở mức độ phức tạp còn làm cho một số người có thái độ ngờ vực, thậm chí thay đổi về quan điểm chính trị. Mặt khác, sự chậm trễ về thông tin còn bị coi là “bưng bít thông tin”, “tước đi quyền được thông tin” của người dân. Bởi vậy, để chủ động hơn nữa về thông tin, trước hết cần có sự thay đổi về nhận thức. Những sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... nhất là những sự kiện lớn và nhạy cảm, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, cần được thông tin cho công chúng và định hướng suy nghĩ, hành động của công chúng một cách kịp thời, hiệu quả. Thông tin sớm, chính xác, minh bạch không hề làm giảm đi vai trò của người cung cấp thông tin (cá nhân, hay tổ chức) và người được cung cấp thông tin, được quyền chuyển tải thông tin ra công chúng (các cơ quan quản lý báo chí và các tờ báo đã được cấp phép hoạt động); trái lại, nó càng làm tăng giá trị của thông tin, càng sớm định hướng dư luận xã hội theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngược lại, nếu thông tin chậm, định hướng dư luận xã hội chậm thì đó thường là kẽ hở để các thế lực thù địch sử dụng phương thức “phản tuyên truyền” nhằm “lái” suy nghĩ và hành động của công chúng sang một hướng khác có lợi cho chúng để tăng hiệu quả chống phá ta về chính trị, tư tưởng. Nói cách khác, thiếu chủ động về thông tin và định hướng dư luận xã hội thì xem như chúng ta đã nhường quyền thông tin cho kẻ địch.

Tuy vậy, thông tin và định hướng dư luận xã hội trong quá trình thông tin phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ mục đích chính trị, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân. Sự chủ động trong vấn đề này đòi hỏi người được cung cấp thông tin và đưa thông tin (báo chí) phải tìm mọi cách tiếp cận nguồn tin, khai thác tin; tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải tạo mọi điều kiện cho báo chí, để sao cho thông tin chính thống đến với nhân dân càng sớm càng tốt. Với những vấn đề, sự kiện nhạy cảm, phức tạp thì bên cạnh việc đưa tin phải chú trọng công tác truyên truyền, giáo dục nhằm định hướng suy nghĩ, thái độ và hành động của nhân dân, ngăn ngừa ngay từ đầu các hành động tuyên truyền mang dụng ý xấu của các phần tử chống phá cách mạng.

3- Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh với CTTL của các thế lực thù địch.

Báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận tư tưởng; lẽ tất nhiên, báo chí là lực lượng xung kích trong phòng, chống CTTL của các thế lực thù địch. Không ai thay thế được vai trò đó của báo chí. Song, đấu tranh với CTTL của các thế lực thù địch trên mặt trận báo chí là vấn đề khó khăn, phức tạp và đôi khi rất nhạy cảm. Cũng là nhằm bảo vệ trận địa tư tưởng, nhưngkhác với cuộc đấu tranh về tư tưởng nói chung (đấu tranh với những quan điểm thù địch, sai trái; đấu tranh với sự tha hóa về chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh với những tàn dư của chế độ cũ...), đấu tranh với CTTL của các thế lực thù địch là cuộc đấu tranh chống lại một loại hình chiến tranh - chiến tranh tư tưởng. Đó là một cuộc chiến tranh đối kháng thật sự, có tính chất quyết liệt. Vì vậy, để phát huy vai trò của báo chí, đòi hỏi phải có sự tác động ở cả ba nhân tố: Đảng, Nhà nước - cơ quan quản lý báo chí - lãnh đạo tờ báo và người trực tiếp làm báo. Trước hết, Đảng, Nhà nước cần có chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ những người cầm bút. Kế đó, cơ quan quản lý báo chí phải có sự định hướng và chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với hoạt động của báo chí trên mặt trận đấu tranh với CTTL của các thế lực thù địch và cùng với pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người cầm bút. Trong những giai đoạn cần thiết, cơ quan quản lý báo chí cần tổ chức giải thi các tác phẩm báo chí về vấn đề này để thu hút sự quan tâm của dư luận và nâng cao hiệu quả đấu tranh của báo chí. Lãnh đạo tờ báo cần xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống CTTL của các thế lực thù địch, bao gồm cả xây dựng đội ngũ cầm bút (nhà báo và cộng tác viên), xác định nội dung và hình thức đấu tranh trên tờ báo của mình một cách cụ thể.

Cùng với Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý báo chí và lãnh đạo các tờ báo, đội ngũ những người cầm bút phải khẳng định được vai trò và thể hiện rõ nét tính chiến đấu của mình trong đấu tranh chống CTTL của các thế lực thù địch. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó, mỗi người làm báo phải là một chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Tính chiến đấu của những người cầm bút chính là thái độ đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, dùng ngòi bút, lý lẽ đanh thép của mình để đáp trả và bóc trần những giọng điệu bịp bợm, những âm mưu thâm độc ẩn chứa đằng sau những hoạt động trá hình của các lực lượng phản động và quan thầy của chúng ra trước công luận. Đó là yêu cầu số một của đội ngũ những người làm báo trên mặt trận này. Đương nhiên, bên cạnh sự kiên quyết, báo chí của chúng ta cần có sự linh hoạt trong đấu tranh, sao cho vấn đề chúng ta đưa ra đấu tranh luôn có sức thuyết phục, không chỉ đối với dư luận mà còn đối với cả đối tượng trực tiếp chống phá ta. Một yêu cầu không kém phần quan trọng khác, là thông qua đấu tranh, báo chí phải chỉ ra sự nguy hại của CTTL, hướng dẫn nhân dân cách phòng ngừa sự tác hại của nó; đồng thời, làm cho dư luận quốc tế hiểu đúng về Việt Nam, từ đó, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng, chống CTTL của các thế lực thù địch.

ĐỨC LÊ

 

Ý kiến bạn đọc (0)