QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 00:28 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao trình độ tác chiến của lực lượng Phòng không Lục quân

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), lực lượng Phòng không Lục quân (LLPKLQ) có vai trò quan trọng trên mặt trận đất đối không. Tuy  nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, LLPKLQ còn có mặt hạn chế, nhất là khi đối tượng tác chiến sử dụng vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh. Vì vậy, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao trình độ tác chiến của LLPKLQ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hiện nay.

Chiến tranh hiện đại, dựa vào ưu thế vượt trội của vũ khí công nghệ cao đã làm cho tác chiến đường không (TCĐK) phát triển từ vai trò hỗ trợ sang tác chiến chiến lược chủ yếu, có tính chất quyết định tiến trình và kết cục của chiến tranh. Cuộc chiến tranh ở I-Rắc (1991) diễn ra trong 42 ngày đêm thì TCĐK được thực hiện trong 38 ngày đêm; chiến tranh ở Nam Tư (1999) không có tiến công trên bộ, chỉ có TCĐK liên tục trong 78 ngày đêm... Đối với nước ta, do đặc điểm địa hình dài và hẹp, nằm tiếp giáp với biển Đông, nên nếu chiến tranh xảy ra, địch có thể tiến công đường không từ nhiều hướng, đặc biệt là hướng biển. Nhận thức rõ tình hình đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng Phòng không (LLPK) nói chung và LLPKLQ nói riêng vững mạnh. Mặt khác, LLPKLQ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc. 

Hiện nay, LLPKLQ được tổ chức trong ba thứ quân, bao gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Hệ thống cơ quan và chủ nhiệm phòng không có chức năng làm tham mưu cho người chỉ huy binh chủng hợp thành về phòng không và chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn về xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) của LLPK. Như vậy, LLPKLQ vừa chịu sự chỉ huy trực tiếp của người chỉ huy binh chủng hợp thành, vừa chịu sự chỉ đạo của Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) (Chủ nhiệm Phòng không toàn quân). Trong chiến tranh BVTQ, ngoài nhiệm vụ cơ bản là đánh địch tiến công đường không bảo vệ đội hình tác chiến binh chủng hợp thành, LLPKLQ còn có nhiệm vụ đánh địch tiến công đường không bảo vệ các mục tiêu yếu địa quốc gia, nhất là trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Đây là chức năng, nhiệm vụ mới của LLPKLQ trong chiến tranh BVTQ.

Để hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ đó, phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ; trước hết là, phải quán triệt sâu sắc đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để xây dựng LLPKLQ vững mạnh, rộng khắp. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, xây dựng LLPKLQ và công tác phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý để huy động sức mạnh toàn quân, toàn dân tham gia công tác phòng không. Trong đó, tập trung xây dựng LLPK thường trực theo hướng “gọn, mạnh”, có khả năng cơ động cao, được trang bị vũ khí, phương tiện, khí tài ngày càng hiện đại; xây dựng, tổ chức LLPK dự bị động viên chặt chẽ từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý đến công tác huấn luyện, coi trọng việc nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự, bảo đảm chất lượng để sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần thiết. LLPK dân quân tự vệ được xây dựng theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, có chất lượng ngày càng cao; chú trọng việc nâng cấp một số tiểu đội thành trung đội hoặc đại đội ở một số địa bàn trọng điểm theo quy định.

Để nâng cao trình độ tác chiến phòng không, các đơn vị còn phải thường xuyên quan tâm xây dựng cơ quan phòng không các cấp vững mạnh, nhất là ở cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh; coi trọng việc xây dựng, củng cố hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, nâng cao khả năng hiệp đồng và rút ngắn thời gian chỉ huy trong điều kiện tác chiến đối không diễn ra khẩn trương, mau lẹ. Yếu tố hết sức quan trọng là các đơn vị phải thực hiện tốt chế độ bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chỉ huy, tham mưu, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho người chỉ huy và cơ quan phòng không, trực tiếp là từng kíp trực SSCĐ. Đặc biệt là, tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp đối với công tác phòng không, nhất là tổ chức đảng ở địa phương, cơ sở đối với công tác xây dựng, nâng cao chất lượng LLPK dân quân tự vệ. Đối với các đơn vị chủ lực, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì binh chủng hợp thành về vai trò, vị trí và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng không, tránh hiện tượng coi nhẹ hoặc giao khoán cho cơ quan phòng không. Cùng với đó, cần thường xuyên nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng cho bộ đội phòng không có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức cảnh giác cách mạng cao, luôn luôn SSCĐ, quyết tâm đánh thắng địch tiến công đường không trong mọi tình huống.

Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của LLPKLQ, cùng với việc bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, các đơn vị phải tập trung nâng cao khả năng cơ động của phương tiện, trang bị và con người, biết “phòng tránh, đánh trả” đúng thời cơ, giỏi ngụy trang, nghi binh. Từ yêu cầu trong tác chiến, các đơn vị còn phải coi trọng huấn luyện chuyên sâu cho từng lực lượng; nhất là, rèn luyện bộ đội về kỹ năng sử dụng thành thạo, sáng tạo, có hiệu quả vũ khí, khí tài được trang bị; xây dựng và củng cố niềm tin cho bộ đội vào vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật tác chiến phòng không. Trong diễn tập, cần tập trung nâng cao khả năng cơ động, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của đội ngũ cán bộ và trình độ, khả năng bắn mục tiêu trong điều kiện ban đêm, tầm nhìn hạn chế. Việc kết cấu tình huống diễn tập phải sát với thực tiễn chiến tranh, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần coi trọng truyền thụ những bài học kinh nghiệm về tổ chức đánh địch trên không trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào quá trình huấn luyện, diễn tập hiện nay; nhất là, những bài học về tổ chức thế trận phòng không rộng khắp, về phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong điều kiện vũ khí, trang bị chưa hiện đại để đánh thắng địch có vũ khí, trang bị hiện đại; bài học về tổ chức LLPK bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành cơ động, chiến đấu “thần tốc, táo bạo” trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975. Mặt khác, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng trong huấn luyện với các chỉ tiêu thi đua cụ thể, thiết thực; đồng thời, thực hiện tốt các quy định về hội thao, hội thi, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, khả năng của từng cấp; phấn đấu nhiều đơn vị đạt danh hiệu “đơn vị huấn luyện giỏi”, góp phần nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của LLPKLQ.

Công tác SSCĐ, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị hàng đầu có tính đặc thù của các đơn vị phòng không. Trong tình hình mới, số lượng đường bay, các phương tiện bay ngày càng nhiều, nên yêu cầu, nhiệm vụ SSCĐ, quản lý, bảo vệ vùng trời ngày càng cao. Điều đó đòi hỏi LLPKLQ phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng nòng cốt - lực lượng PK-KQ của Quân chủng, nhất là trong trinh sát, thông báo, báo động phòng không; duy trì nghiêm túc chế độ trực SSCĐ ở tất cả các ngành, các cấp, không để bất ngờ, lỡ thời cơ khi xảy ra các tình huống trên không. Trong thời gian cao điểm, tùy tình hình cụ thể để tăng cường lực lượng trực SSCĐ, kể cả lực lượng cơ động, triển khai phục kích đón lõng. Chỉ huy các đơn vị PKLQ còn phải tăng cường kiểm tra, báo động, luyện tập, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm và khả năng SSCĐ của bộ đội phòng không, từ bộ phận trực tại sở chỉ huy đến đơn vị trực chiến. Đồng thời, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch tác chiến trên các hướng theo yêu cầu, nhiệm vụ được giao; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với SSCĐ, tăng cường luyện tập cho bộ đội và dân quân tự vệ thành thạo các phương án, kế hoạch SSCĐ của đơn vị. Mặt khác, cần đẩy mạnh củng cố, nâng cấp phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy và công tác SSCĐ tại các sở chỉ huy phòng không, góp phần nâng cao chất lượng canh trực, đăng ký, thông báo bay; tránh hiện tượng “sai, sót, lọt, chậm” xảy ra. Trong tác chiến, LLPK bảo vệ đội hình cơ động, chiến đấu của các đơn vị binh chủng hợp thành phải bố trí phù hợp với ý định tác chiến của người chỉ huy và thế bố trí của từng chiến dịch, từng trận đánh.

Ba là, xây dựng thế trận phòng không vững chắc, rộng khắp, lấy “hạt nhân” là các khu vực trọng điểm phòng không trên các địa bàn chiến lược. Chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra) có đặc điểm là: không gian tác chiến rộng, thời gian ngắn, cường độ cao, diễn ra ác liệt ngay từ đầu, địch sử dụng phương tiện, vũ khí hiện đại, nhằm áp đảo, làm "mềm" chiến trường, “tê liệt” sự kháng cự của đối phương, trước hết là hệ thống phòng không. Thủ đoạn trong tác chiến của địch thường là: tổ chức nhiều đợt tiến công kế tiếp nhau, tập trung vào các mục tiêu quan trọng, như: trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, trận địa phòng không, ra đa, đội hình binh chủng hợp thành cơ động, chiến đấu... Vì vậy, yêu cầu xây dựng thế trận phòng không trong chiến tranh BVTQ phải phù hợp với thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận của từng khu vực phòng thủ và trên phạm vi cả nước; thế trận đó bao gồm tổng hợp của LLPK ba thứ quân, lấy lực lượng của Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt. Thế trận đó bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa thế bố trí rộng khắp với thế tập trung, giữa thế tĩnh và thế động, giữa các tuyến, hướng, giữa các lực lượng, phương tiện tác chiến, kể cả việc kết hợp giữa đánh địch trên vùng trời quốc gia và chủ động tiến công địch từ xa bằng lực lượng chuyên trách. Mặt khác, thế trận đó còn phải bảo đảm tính cơ động chuyển hóa linh hoạt, kịp thời, để giữ vững thế chủ động trong quá trình tác chiến. Lực lượng PKLQ sẽ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với LLPK của Quân chủng PK-KQ và LLPK nhân dân, để tạo lập thế trận phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, liên hoàn, có khả năng chặn đánh các phương tiện bay của địch từ xa tới gần, cả tầng thấp và tầng cao, bảo đảm càng vào sâu trong đất liền, xác suất các phương tiện bay bị tiêu diệt càng lớn.

Mặt khác, trước sự tác động của quá trình đô thị hóa đang làm cho hệ thống trận địa phòng không bị thu hẹp (cả về mặt bằng và không gian), các đơn vị còn phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng, bảo vệ hệ thống trận địa phòng không và đường cơ động pháo phòng không trong các khu vực trọng điểm.

Để nâng cao trình độ tác chiến trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các đơn vị PKLQ còn phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; trong đó, cần chú trọng xây dựng hệ thống căn cứ, phân căn cứ, kho hậu cần, kỹ thuật trong từng khu vực phòng thủ địa phương; nhất là, trong các khu vực trọng điểm về phòng không, nhằm bảo đảm vật chất kỹ thuật đầy đủ, liên tục, kịp thời trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt, bị chia cắt về chiến lược, chiến dịch. Một vấn đề hết sức quan trọng là phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, mua sắm hiện đại hóa hệ thống vũ khí, khí tài, trang bị phòng không, nhất là hệ thống khí tài phục vụ trinh sát, cảnh giới phát hiện địch, các loại vũ khí phòng không trang bị cho các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Mặt khác, các đơn vị PKLQ cần thực hiện tốt công tác bảo quản, giữ gìn, nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị hiện có, góp phần nâng cao hiệu quả TCĐK, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

Cục trưởng cục Phòng không Lục quân

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)