QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:31 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khoa học công nghệ-môi trường ở Viện Hóa học-Môi trường quân sự

Công tác khoa học công nghệ-môi trường (KHCN-MT) trong quân đội có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, nghiên cứu để có giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Viện Hóa học-Môi trường quân sự là cơ sở nghiên cứu trực thuộc Binh chủng Hóa Học. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học-công nghệ các trang bị hóa học, các biện pháp kỹ thuật phòng chống vũ khí hủy diệt lớn; nghiên cứu công nghệ và tổ chức xử lý ô nhiễm môi trường; quan trắc, cảnh báo phóng xạ-hóa học cho quân đội và quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, ngoài tác hại của một lượng lớn chất độc hóa học, bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại, thì những tác nhân trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về môi trường sinh thái cần giải quyết. Vì vậy, nghiên cứu KHCN-MT của đất nước nói chung, trong quân đội nói riêng, để vừa phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của quân đội, vừa bảo vệ, xử lý, phục hồi môi trường bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước là vấn đề quan trọng; là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Viện, góp phần cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về khoa học-công nghệ, nhất là Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII), Chỉ thị 19 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác khoa học-công nghệ trong quân đội, Viện đã phát huy nội lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất và trực tiếp xây dựng, triển khai thực hiện hàng chục dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Binh chủng…, đạt nhiều kết quả xuất sắc. Nổi bật là nghiên cứu, đề xuất và xử lý có hiệu quả một lượng lớn chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong cải tiến, sửa chữa và chế tạo mới một số trang bị, khí tài, vật tư phòng hóa phục vụ quốc phòng và dân sinh; quan trắc, thanh tra, đánh giá hiện trạng môi trường trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia; tham gia xử lý nước thải công nghiệp, nước sinh hoạt cho nhân dân, thuốc bảo vệ thực vật độc hại không rõ nguồn gốc và gia súc bị nhiễm bệnh ở một số địa phương, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của nhân dân. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây (từ 2006-2010), Viện đã thu gom, xử lý hơn 400 tấn chất độc CS; gần 100.000 m3 đất nhiễm chất da cam/ đi-ô-xin; phân tích, đánh giá hơn 3.000 mẫu đất ở các vùng trọng điểm về ô nhiễm; cải tiến, hiện đại hóa xe hóa nghiệm AL-4MC, hòm hóa nghiệm HN-01, hộp phòng độc tập thể, hộp lọc tái sinh ô xy IP-4, máy đo cảnh báo phóng xạ các loại..., bảo đảm đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, nhưng giá thành chỉ bằng 1/5, 1/10 giá nhập ngoại. Đặc biệt, thiết bị phát khói KH-1 do Viện thiết kế, chế tạo đã được Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam trao giải thưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc (VFOTEC) năm 2009. Những thành tích đó là những tiền đề quan trọng để Viện tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, việc bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm do thiên tai và con người gây ra đang là vấn đề “nóng bỏng” đối với nước ta, đòi hỏi Viện phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KHCN-MT, đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm, chuyển giao công nghệ…và ứng dụng những tiến bộ của khoa học-công nghệ vào giải quyết những vấn đề nêu trên. Để làm được điều đó, Viện cần triển khai toàn diện các mặt công tác, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau.

Một là, thường xuyên xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần vượt qua khó khăn, nguy hiểm để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu công tác KHCN-MT của Viện mang tính đặc thù cao; cán bộ chiến sĩ thường xuyên công tác độc lập, tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại, trong các tình huống nguy hiểm, ở thời điểm nhạy cảm, phức tạp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng; vì thế, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần vượt khó, không quản nguy hiểm, khó khăn là vấn đề quan trọng, quyết định đến thành công các dự án, đề tài KHCN-MT của Viện. Theo đó, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Viện phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị-tư tưởng trong từng cơ quan, đơn vị và coi đây là cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nội dung giáo dục phải toàn diện; ngoài việc quán triệt sâu chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng-an ninh (QP-AN); về mối quan hệ giữa kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế..., cần coi trọng quán triệt, nắm vững các nghị quyết chuyên đề về KHCN-MT của Trung ương (Khoá X), của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương trong thời kỳ mới. Yêu cầu trực tiếp nhất đối với công tác giáo dục chính trị-tư tưởng là phải làm cho mọi người hiểu rõ tình hình nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ của Viện Hóa học-Môi trường quân sự; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác KHCN-MT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình; đồng thời, đi sâu làm rõ các nội dung, các đặc điểm, điều kiện đặc thù trong lĩnh vực phòng hóa, bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm; từ đó, vận dụng vào các mặt công tác cụ thể của từng đơn vị và chức trách, nhiệm vụ được giao của từng cá nhân. Thông qua đó, góp phần làm cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì và cán bộ KHCN-MT đầu ngành, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng say mê lao động sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, phức tạp trong thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, Viện cần tiếp tục quan tâm, chăm lo, củng cố kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng trong đơn vị; đẩy mạnh và lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với tăng cường quản lý, duy trì kỷ luật, góp phần xây dựng Viện vững mạnh toàn diện, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động khắc phục khó khăn, nghiên cứu tìm ra công nghệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) của nước ta, nhằm hiện đại hóa trang bị và xử lý môi trường ô nhiễm có hiệu quả. Với 74 triệu lít chất diệt cỏ, hơn 9 triệu kg chất độc CS và gần 3 triệu gallon chất Malathion... mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì nước ta là một trong những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học nặng và nguy hiểm. Do đó, việc xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh là nhiệm vụ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, tiền của và cả sự bất trắc khó lường; đòi hỏi Viện phải tiếp tục quán triệt quan điểm tự lực, tự cường, phát huy năng lực nội sinh, kết hợp khoa học với thực tiễn, chủ động nghiên cứu tìm ra các phương án xử lý phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của đất nước. Để làm được điều đó, trước hết, Viện phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và phương pháp, tác phong công tác. Trong quá trình xây dựng, cần coi trọng cả ba khâu: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ một cách hợp lý; trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải theo quy trình chặt chẽ, kết hợp nhiều hình thức: tại trường, tại chỗ, trong nước và ngoài nước, nhưng lấy đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tiễn là chủ yếu.

Cùng với đó, Viện cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu các công nghệ xử lý môi trường, khắc phục sự cố hoá chất độc-xạ và nghiên cứu bảo quản, bảo dưỡng, cải tiến, chế tạo hiện đại hoá một số trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện và SSCĐ. Công tác  nghiên cứu khoa học phải bám sát thực tiễn (nhất là thực tiễn huấn luyện, SSCĐ và thực tiễn ở các địa bàn ô nhiễm); lấy đòi hỏi của thực tiễn làm mục đích nghiên cứu; lấy kết quả khảo sát, điều tra thực tiễn làm cơ sở để đánh giá, tổng kết và xây dựng các định hướng, kế hoạch nghiên cứu cho từng năm và từng giai đoạn. Trong quá trình nghiên cứu, cần tích cực đổi mới phương pháp; phát huy dân chủ, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; đồng thời, gắn kết chặt chẽ khoa học với công nghệ, khoa học-công nghệ với thực tiễn, nhất là gắn những vấn đề nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ xử lý môi trường với thực tiễn và điều kiện KT-XH của đất nước, bảo đảm tính khả thi cao, đạt hiệu quả thiết thực; tránh lãng phí, thất thoát.

Ba là, quan tâm đầu tư trang, thiết bị cho công tác KHCN-MT. Cùng với nhân tố quyết định là con người; việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ nghiên cứu có vai trò rất quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, cơ sở vật chất, trang, thiết bị của Viện phần lớn đã qua sử dụng nhiều năm, đang xuống cấp, thiếu đồng bộ; trong khi đó, nguồn kinh phí để mua sắm, sản xuất, bảo đảm kỹ thuật còn hạn hẹp. Vì vậy, bên cạnh việc mua sắm trang, thiết bị kỹ thuật mới trong khả năng cho phép, Viện cần chăm lo xây dựng tiềm lực khoa học-kỹ thuật, tiếp cận nhanh, làm chủ khoa học-công nghệ hiện đại để khai thác, cải tiến, hiện đại hoá, nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật và khả năng xử lý các sự cố hoá học của trang, thiết bị hiện có. Đồng thời, từng bước tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số loại trang bị cần thiết, công nghệ cao phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, SSCĐ và tham gia ứng cứu các sự cố hoá học trong tiến trình CNH, HĐH đất nước. Trên cơ sở thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, cần tiếp tục triển khai xây dựng và đầu tư trang, thiết bị cho các xưởng thực nghiệm, phòng thí nghiệm (đạt tiêu chuẩn quốc gia) cùng cơ sở vật chất và các trang, thiết bị cần thiết khác, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác KHCN-MT. Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, nhằm tranh thủ nguồn vốn, sự hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ các phía đối tác; qua đó, tăng cường trách nhiệm, sự hiểu biết lẫn nhau để sớm khắc phục hậu quả chiến tranh, vì một môi trường trong sạch, góp phần có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. PHẠM NGỌC CẢNH

Viện trưởng

 

Ý kiến bạn đọc (0)