QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 23:00 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Vùng A Hải quân

Xác định công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) là “nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của đơn vị”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Vùng A Hải quân đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ. Vì vậy, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của đơn vị được nâng cao.  

Trong công tác giáo dục chính trị, Vùng đã xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng chiến đấu, SSCĐ của đơn vị có chuyển biến vững chắc; trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực quản lý, điều hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng tiến bộ; có 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp. Kết quả kiểm tra huấn luyện năm 2009 và 2010, các đơn vị đều đạt loại giỏi; đặc biệt, huấn luyện đơn vị tàu có 100% khá, giỏi. Các cuộc diễn tập hiệp đồng chiến đấu có bắn đạn thật được chỉ đạo chặt chẽ, đạt kết quả tốt, an toàn, góp phần nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu của đơn vị. Năm 2009, Vùng tổ chức diễn tập hiệp đồng chiến đấu với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An và diễn tập BV-09 cụm LLHQ-1; năm 2010, diễn tập ĐK-10 cụm LLHQ-1 đều đạt kết quả tốt;  bắn đạn thật các bài 4c, 4d , 5a, 5b và bắn “BM” đạt loại giỏi...

Kết quả trên khẳng định sự nỗ lực cao của cán bộ, chiến sĩ Vùng A trong điều kiện tổ  chức huấn luyện có nhiều khó khăn, như: vị trí đứng chân của các đơn vị phân tán; điều kiện trang bị còn thiếu đồng bộ; kinh phí có hạn; vừa tổ chức huấn luyện, vừa phải tuần tra, quản lý, bảo vệ vùng biển rộng, phức tạp... Để nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng chiến đấu, SSCĐ của đơn vị trong điều kiện đó, Bộ Chỉ huy Vùng đã có nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho bộ đội về nhiệm vụ huấn luyện.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ và phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp tập trung cho công tác huấn luyện; đồng thời, đó cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn huấn luyện ở đơn vị. Trước hết, Vùng tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là các quan điểm, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” và phương hướng, phương châm, nhiệm vụ huấn luyện đã được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân xác định. Các đơn vị còn chú trọng nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí đặc biệt quan trọng của vùng biển Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; thực hiện tốt việc thông báo, phổ biến tình hình có liên quan đến quốc phòng, quân sự và an ninh trong khu vực, nhất là trên biển Đông. Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức cảnh giác và giáo dục cho bộ đội thấy rõ: đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và thực hiện tốt công tác SSCĐ là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bám sát yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, tổ chức đảng các cấp của Vùng đều ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện; nghị quyết lãnh đạo hằng tháng cũng tập trung vào việc đánh giá, quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung huấn luyện, xây dựng chính quy và duy trì kỷ luật; đồng thời, xây dựng các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ trong tháng tiếp theo.

Hai là, tập trung nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, làm cơ sở nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp đối với việc nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị, Bộ Chỉ huy Vùng đã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Năm 2010, cơ quan và các đơn vị của Vùng đã tổ chức 42 lớp tập huấn cho các đối tượng, với thời gian 7-10 ngày/ lớp. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng được nghiên cứu kỹ, bảo đảm phù hợp với cương vị, chức trách từng cấp; tập trung vào những vấn đề còn yếu, những phát triển của nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị; thống nhất tổ chức, phương pháp huấn luyện... Trên cơ sở đó, thực hiện việc phân cấp huấn luyện, với yêu cầu: cán bộ phải huấn luyện được theo phân cấp và chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả huấn luyện của đơn vị mình.

Trong điều kiện kinh phí huấn luyện có hạn, Vùng đã xây dựng chương trình, tổ chức phân chia thời gian hợp lý giữa huấn luyện tại bến với huấn luyện đi biển. Để bảo đảm huấn luyện đồng bộ giữa cơ quan và phân đội, giữa cán bộ các đơn vị bờ và đơn vị đi biển, Bộ Chỉ huy Vùng chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức cho số cán bộ các đơn vị bờ luân phiên đi theo tàu của các đơn vị huấn luyện, tuần tra trên biển; qua đó, mỗi cán bộ (nhất là số sĩ quan trẻ) được làm quen, rèn luyện sức chịu đựng và nâng cao khả năng, kinh nghiệm xử lý tình huống trên biển. Đồng thời, Vùng tích cực mở các lớp học vi tính, ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Trung Quốc) cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên trong đơn vị. Kết quả huấn luyện, rèn luyện kỷ luật của cán bộ, đảng viên được cấp ủy, chỉ huy các cấp đưa vào bình xét, phân tích, đánh giá cán bộ hằng quý, hằng năm. Bên cạnh đó, Vùng còn thường xuyên quan tâm xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu bổ sung, mở rộng lực lượng khi cần thiết. Trong huấn luyện, các đơn vị thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung, thời gian quy định của từng đối tượng; trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và đối tượng chuyển loại chuyên nghiệp quân sự.

Ba là, thường xuyên duy trì phong trào Thi đua Quyết thắng, tăng cường công tác kiểm tra, hội thao, hội thi trong huấn luyện, SSCĐ.

Phong trào Thi đua Quyết thắng của Vùng được duy trì thường xuyên, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực sự trở thành động lực thúc đẩy đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Đáng chú lý là, các phong trào thi đua luôn gắn với công tác kiểm tra, hội thao, hội thi; được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu thi đua phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị trong từng thời điểm. Trước mỗi giai đoạn huấn luyện, mỗi nhiệm vụ trọng tâm, các đơn vị đều tổ chức phát động thi đua; từng tập thể, cá nhân đăng ký quyết tâm với chỉ tiêu cụ thể, trong đó có nhiều chỉ tiêu về công tác huấn luyện, SSCĐ và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Nhờ vậy, kết quả hội thao, hội thi của Vùng A nhiều năm gần đây luôn đứng đầu trong Quân chủng. Năm 2009, tham gia Hội thi Thuyền trưởng giỏi cấp Quân chủng, Vùng A đã đạt giải Nhất toàn đoàn; Bộ Chỉ huy Vùng tổ chức Hội thi Thuyền trưởng giỏi, Chính trị viên giỏi, Thợ máy giỏi, hội thi Tàu, xe, kho, trạm tốt... đều đạt kết quả tốt. Năm 2010, tổ chức kiểm tra cán bộ thuyền, ngành: 100% khá, giỏi; trong đó, có 31,4% giỏi; thi báo cáo viên, giáo viên chính trị, kết quả: 100% khá, giỏi... Hiện nay, các đơn vị của Vùng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bước 2 của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hướng vào “làm theo tấm gương của Bác”, bằng những việc làm cụ thể, gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, huấn luyện, SSCĐ, thiết thực nâng cao chất lượng tổng hợp của từng đơn vị.

Bốn là,kết hợp chặt chẽ giữa công tác huấn luyện với công tác SSCĐ.

Những năm qua, tình hình trên biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, những vấn đề, như: nạn buôn bán trái pháp luật, hoạt động đánh bắt hải sản trái phép; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển,... cũng diễn biến phức tạp và đặt ra vấn đề mới, đòi hỏi các đơn vị của Vùng phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác huấn luyện với nhiệm vụ SSCĐ. Vì vậy, trong tổ chức huấn luyện, diễn tập, các đơn vị luôn kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tuần tra, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển, đảo đảm nhiệm; duy trì nghiêm túc chế độ trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc và thường xuyên luyện tập theo phương án, kế hoạch tác chiến... Thực hiện chỉ lệnh, mệnh lệnh huấn luyện của cấp trên, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, năm 2010, Vùng đã tập trung đột phá vào khâu: huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật; coi trọng huấn luyện theo phương án quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các tình huống, trận đánh và huấn luyện đối kháng...; lấy quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện và lấy chiến trường làm thao trường để huấn luyện. Trong đó, Vùng chú trọng nâng cao khả năng hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng; thuần thục hợp luyện kíp chỉ huy biên đội, hải đội; gắn huấn luyện với tuần tra xóa các “điểm đen” trên vùng biển được phân công. Cùng với nhiệm vụ đó, các đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, nhất là chủ tàu, thuyền hoạt động trên biển về chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trên cơ sở chương trình, nội dung huấn luyện quy định cho từng đối tượng, Vùng triển khai huấn luyện đồng bộ, cả chỉ huy, cơ quan và phân đội theo chức năng, nhiệm vụ của từng chuyên ngành; chú trọng huấn luyện cho bộ đội sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế; đồng thời, nghiên cứu tài liệu để sẵn sàng tiếp nhận, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị mới. Tăng cường huấn luyện thể lực và điều lệnh, kết hợp giữa huấn luyện với rèn luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ của bộ đội trong điều kiện hoạt động trên biển dài ngày. Vùng còn chủ động phối hợp với địa phương xây dựng và thực hiện tốt “Quy chế huy động lực lượng tàu, thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển”, nâng cao khả năng động viên phương tiện, tàu thuyền trong nền kinh tế quốc dân khi cần thiết; tăng cường giúp đỡ các địa phương ven biển trong tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và tổ chức huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển.

Công tác diễn tập của Vùng được đổi mới theo hướng sát với phương án, nhiệm vụ và thực tế chiến đấu; phù hợp với vũ khí, trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam; tập trung nâng cao khả năng cơ động, tác chiến dài ngày liên tục trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp; gắn các cuộc diễn tập với nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biển. Hằng năm, các đơn vị của Vùng tổ chức diễn tập với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, như: tham gia diễn tập khu vực phòng thủ; diễn tập chỉ huy, cơ quan; diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên biển, đảo; trong đó, chú trọng hình thức diễn tập đối kháng giữa các nhóm tàu, các phân đội lực lượng đảo, bờ, cụm lực lượng; kết hợp diễn tập với hoàn thành các bài bắn, ném, thả... Nhờ vậy, chất lượng tổng hợp,  trình độ và khả năng chiến đấu, SSCĐ của Vùng A không ngừng được nâng cao, góp phần tăng cường lực lượng và thế trận quốc phòng-an ninh trên biển, giữ vững chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo phía Bắc của Tổ quốc.

Đại tá PHẠM VĂN ĐIỂN

Chỉ huy trưởng Vùng

 

Ý kiến bạn đọc (0)