Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:19 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Xây dựng Quân chủng Hải quân vững mạnh, hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là yêu cầu cơ bản, cấp thiết hiện nay. Thực hiện mục tiêu đó, Quân chủng đã có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền trưởng, chính trị viên (CTV) tàu là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Việc làm chủ con tàu với những trang bị vũ khí hiện đại để luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, đòi hỏi đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu phải có những phẩm chất toàn diện. Đó là lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; ý thức trách nhiệm trước đơn vị; trình độ kiến thức chuyên môn giỏi; kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy cũng như phương pháp, tác phong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị khoa học... Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã có nhiều chủ trương, biện pháp tập trung xây dựng đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cho thấy: dù trong điều kiện bình thường hay trong điều kiện khó khăn, phức tạp, đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu đều thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. 100% thuyền trưởng, CTV và đội ngũ cán bộ tàu luôn giải quyết hài hòa các mối quan hệ, thực sự là trái tim, là trung tâm đoàn kết của mỗi con tàu; phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, trong quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết và vận dụng linh hoạt, sáng tạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; có đủ khả năng tổ chức, quản lý, chỉ huy tàu, biên đội tàu hoạt động độc lập, dài ngày trên biển. Trong xử lý các tình huống, đội ngũ này đều bảo đảm tính quyết đoán, nhanh nhạy, đúng đối sách trên biển, giữ vững môi trường hòa bình và không ngại khó khăn gian khổ trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển…, thực hiện tốt nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Tuy nhiên, so với đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ thì năng lực vận dụng, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của trên vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, chức trách của một số thuyền trưởng, CTV tàu còn có mặt hạn chế; sự phối hợp giữa CTV và người chỉ huy để bàn biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ có nơi còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Số thuyền trưởng, CTV có năng lực, thời gian đi biển nhiều, giàu kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy tàu ngày một ít; số mới, mặc dù được đào tạo cơ bản, nhưng còn ít kinh nghiệm, nhất là trong xử lý các tình huống nhạy cảm trên biển. Công tác đào tạo có mặt chưa đáp ứng với sự phát triển của trang bị, vũ khí, phương tiện. Chế độ, chính sách hậu phương, gia đình, tiền lương, nhà ở... đối với đội ngũ cán bộ tàu, nhất là ở các đơn vị có tính đặc thù chuyên biệt hiện còn nhiều bất cập…
Trước thực tế tình hình và yêu cầu phát triển của nhiệm vụ, ngày 19-4-2010, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng đã ra Nghị quyết số 4419-NQ/TVĐU "Về xây dựng nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển lực lượng mới của Quân chủng Hải quân giai đoạn 2010-2020"; đồng thời, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân chủng Hải quân lần thứ XI cũng tiếp tục khẳng định: cán bộ là khâu then chốt quyết định trong giữ vững chủ quyền biển đảo; trong đó, việc không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu có ý nghĩa hết sức quan trọng… Quán triệt tinh thần đó, để tập trung xây dựng đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Quân chủng phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch cho đội ngũ cán bộ thuyền trưởng, CTV tàu. Do tính chất hoạt động chủ yếu là độc lập trên biển, nên yêu cầu đòi hỏi mọi cán bộ, chiến sĩ trên tàu phải luôn là một khối thống nhất cả về ý chí và hành động, thể hiện sự tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Vấn đề đó đặt ra những yêu cầu rất cao cả về đức và tài của đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu. Vì vậy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải được tiến hành một cách toàn diện; trong đó, tập trung làm cho đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là những nội dung trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; về vị trí, vai trò của thuyền trưởng, CTV trong lãnh đạo, chỉ huy tàu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Trong mọi hoàn cảnh, thuyền trưởng, CTV phải là trung tâm đoàn kết, là chỗ dựa tin cậy của mọi cán bộ, chiến sĩ trên tàu, bảo đảm cho toàn Tàu cùng chung một ý chí và hành động, độc lập tác chiến thắng lợi, giữ vững chủ quyền, giữ vững môi trường hoà bình… góp phần cùng các lực lượng khác thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển mà Đảng đã đề ra. Trong giáo dục chính trị, tư tưởng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp chú ý làm rõ hoạt động đặc thù của Bộ đội Hải quân, nhất là trách nhiệm nặng nề của thuyền trưởng, CTV đối với mọi hoạt động của đơn vị. Để đạt hiệu quả cao, cùng với các biện pháp khác, cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần chú trọng phát huy truyền thống anh hùng, khơi dậy tinh thần "Quyết chiến quyết thắng" của Hải quân nhân dân Việt Nam trong điều kiện, hoàn cảnh mới; đồng thời, đẩy mạnh việc "làm theo" tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Để thực hiện tốt vấn đề đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần vận dụng nhiều hình thức, như: tổ chức báo cáo viên theo từng cụm đơn vị; quán triệt, học tập nghị quyết các cấp; bồi dưỡng theo chuyên ngành; mở các lớp tập huấn và bồi dưỡng cho cán bộ tàu, thuyền…, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp góp phần xây dựng đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu vững mạnh toàn diện.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cấp ủy, chi bộ tàu trong sạch, vững mạnh với xây dựng đội ngũ thuyền trưởng, CTVtàu vững mạnh. Do đặc thù về biên chế, tổ chức, nên mỗi tàu, thuyền chiến đấu là một chi bộ. Từ đặc điểm, tính chất đó, các đảng bộ cần chú ý chăm lo xây dựng đội ngũ bí thư, phó bí thư, chi uỷ viên của các tàu thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn; đồng thời, thực hiện tốt việc kiện toàn cấp uỷ bảo đảm về chất lượng, cơ cấu, giữ được tính liên tục, kế thừa giữa các thế hệ, đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng; bảo đảm 100% tàu chiến đấu có cấp ủy vững chắc. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ thuyền trưởng, CTV tàu gắn với việc bồi dưỡng bí thư, phó bí thư, chi uỷ viên thông qua các lớp tập huấn, Hội thi Bí thư chi bộ giỏi... Nội dung bồi dưỡng cần tập trung vào những vấn đề thiết thực như: công tác xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng, công tác cán bộ, đảng viên, năng lực tổ chức thực hiện và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ… Các cấp cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì tàu, thuyền thực sự đoàn kết, thống nhất cao; có phong cách lãnh đạo tập thể, phương pháp làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát thực tế. Phấn đấu hằng năm có: 100% chi ủy, chi bộ tàu, thuyền đạt trong sạch, vững mạnh; 99% thuyền trưởng, CTV tàu trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ba là, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng thuyền trưởng, CTV tàu. Yêu cầu nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ trong Quân chủng nói chung và đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu nói riêng, đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhiều vấn đề mới. Để thực hiện tốt vấn đề đó, các nhà trường của Quân chủng, nhất là Học viện Hải quân phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Nghị quyết số 4419-NQ/TVĐU của Quân chủng. Theo đó, Học viện cần nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào; tiếp tục hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo theo chức vụ và có trình độ học vấn tương ứng, trong đó hết sức chú ý đến những yêu cầu mới đối với đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu; tích cực đổi mới nội dung chương trình đào tạo sát với trang bị, vũ khí, kỹ thuật mới và nhiệm vụ chính trị bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Quân chủng; thực hiện tốt việc liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài quân đội về một số chuyên ngành hàng hải mà Học viện chưa đào tạo được. Cùng với đó, Học viện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giảng viên; đặc biệt ưu tiên số giảng viên đầu ngành về kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực hải quân…, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo. Mặt khác, Học viện cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để lựa chọn cán bộ đào tạo theo nhiều phương thức mà chương trình, dự án và kế hoạch của Quân chủng đã xác định.
Đối với các đơn vị, cần nắm vững phương châm: sát phương án, sát chiến trường, sát đối tượng, sát trang bị, phương tiện, để tiến hành tốt việc bồi dưỡng cho đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu. Mỗi đơn vị, căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, các phương án tác chiến đã được xây dựng và phê duyệt mà đề ra nội dung, chương trình và phương thức tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện phù hợp với đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần chú ý bồi dưỡng cán bộ ngay trong thực hiện các nhiệm vụ; chú ý rèn luyện cả về bản lĩnh chính trị, cũng như năng lực phán đoán, xử trí các tình huống trên biển, đảm bảo khôn khéo, mềm dẻo nhưng kiên quyết, nhất quán. Cấp ủy các cấp cần làm tốt công tác động viên, phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần chủ động khắc phục khó khăn trong học tập nâng cao trình độ của mỗi cá nhân, lấy tự học, tự rèn là chính. Bên cạnh đó, hằng năm Quân chủng và các đơn vị tiếp tục tổ chức tốt Hội thi Thuyền trưởng và CTV tàu giỏi cấp Vùng và cấp Quân chủng, nhằm đánh giá thực chất năng lực, trình độ của đội ngũ này, từ đó đề ra các giải pháp bồi dưỡng tiếp theo để bảo đảm cho đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Bốn là, thực hiện nghiêm Quy chế công tác cán bộ của Quân chủng, đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc, thực hiện tốt các khâu, các bước trong nhận xét, đánh giá, quy hoạch, giáo dục, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ theo thẩm quyền… Các cấp ủy cần thực hiện tốt việc luân chuyển để rèn luyện, thử thách cán bộ qua thực tiễn. Khi xem xét, đánh giá cán bộ, phải: toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp tác phong công tác, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và kết quả xây dựng tàu; gắn phân loại chất lượng cán bộ với phân tích chất lượng đảng viên, cấp ủy... Trong đề bạt, bổ nhiệm hằng năm, cấp ủy các cấp cần ưu tiên lựa chọn những đồng chí đạt giải cao trong các cuộc hội thi, hội thao, như: thi thuyền trưởng, CTV giỏi; bí thư chi bộ giỏi; hội thao tàu, thuyền; những đơn vị đạt danh hiệu quyết thắng... nhằm động viên, khích lệ sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ nói chung, thuyền trưởng, CTV tàu nói riêng. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy từng cơ quan, đơn vị cần quan tâm, chăm lo hơn nữa đến công tác chính sách, hậu phương gia đình; coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để đội ngũ thuyền trưởng, CTV tàu yên tâm công tác, gắn bó với tàu, biển, đảo, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các cơ quan chức năng của Quân chủng tiếp tục nghiên cứu, đề nghị trên sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách đối với cán bộ tàu, thuyền cho phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân chủng trong tình hình mới.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được trong những năm qua, Quân chủng Hải quân tiếp tục đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, thuyền trưởng, CTV tàu nói riêng để góp phần xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phó đô đốc TRẦN THANH HUYỀN
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011