QPTD -Thứ Sáu, 19/08/2011, 23:22 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đối tượng 2 ở Trường Quân sự Quân khu 5

Trường Quân sự Quân khu 5 có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sĩ quan dự bị cho các đơn vị trên địa bàn. Từ năm 1998, Trường được bổ sung nhiệm vụ giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho một số đối tượng; trong đó có bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 của các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu.

Đối tượng 2 là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, có vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của các địa phương; đa số có trình độ học vấn, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, có ý thức học tập, là điều kiện thuận lợi để tiếp thu kiến thức QP-AN khi về Trường học tập. Tuy nhiên, số cán bộ thuộc đối tượng này cũng có những khó khăn nhất định về độ tuổi, sức khỏe và công việc bận nên khó tập trung cho việc học tập; cá biệt, còn có đồng chí ngại học tập, rèn luyện.

Từ đặc điểm đó, nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Từ năm 1998-2001, Trường tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo từng lớp học, Ban Giám hiệu trực tiếp chỉ đạo và cử một đồng chí phụ trách. Năm 2002, Trường thành lập Hệ kiến thức Quốc phòng-Quốc tế, được tổ chức, biên chế đầy đủ hơn. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cho đối tượng này bao gồm một số đồng chí trong Ban Giám hiệu và lựa chọn các cán bộ, giáo viên có trình độ, kinh nghiệm giảng dạy; 100% có trình độ đại học và trên đại học, đã qua đào tạo cơ bản ở các học viện, nhà trường quân đội, có kiến thức chuyên sâu theo các chuyên đề được phân công.

Về nội dung học tập, ngoài 9 chuyên đề chính và 3 chuyên đề bổ trợ theo chương trình quy định của Bộ Quốc phòng, Nhà trường còn tổ chức cho học viên xem băng hình bổ trợ sau mỗi chuyên đề, nghe nói chuyện thời sự (mỗi khóa một lần). Trong thời gian khóa học, Trường tổ chức cho học viên trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, các ngành về xây dựng khu vực phòng thủ, mô hình kết hợp kinh tế-quốc phòng (KT-QP)...; qua đó, giúp học viên, giáo viên có nhiều kinh nghiệm bổ ích để  vận dụng vào thực tiễn hoạt động, công tác theo cương vị, chức trách. Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, phù hợp với đối tượng là cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành, Nhà trường đã đề nghị cấp trên bổ sung kinh phí để củng cố, xây dựng nhà ở, giảng đường, nhà ăn cho học viên; nâng cấp, trang bị các phương tiện, đồ dùng giảng dạy, học tập ngày càng hiện đại. Ngoài số tài liệu trên cấp, Nhà trường còn tổ chức biên soạn, in 150 bộ giáo trình, 150 bộ tài liệu về quân sự, quốc phòng địa phương, đảm bảo cho học viên nghiên cứu, học tập. Sau 11 năm thực hiện nhiệm vụ, Trường đã tổ chức được 41 khoá (11 khoá mở tại các địa phương) với tổng số 3.385 cán bộ; chất lượng học tập ngày càng được nâng lên; kết quả kiểm tra: 100% đạt yêu cầu, có trên 70% khá, giỏi. Qua học tập, đội ngũ cán bộ chủ chốt đã nhận thức sâu sắc hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực QP-AN; có kiến thức cơ bản, hệ thống về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở các địa phương, các ngành. Điều đó được thể hiện rõ qua kết quả học tập của học viên và trong thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương trên địa bàn của Quân khu. Qua các khóa học, nhìn chung học viên đều cho rằng nội dung học tập là bổ ích, thiết thực, cần tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, chúng tôi thấy rằng: chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 của Nhà trường cũng còn những bất cập, hạn chế. Một số cán bộ của Trường còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý; kiến thức thực tiễn, hiểu biết về lĩnh vực kinh tế- xã hội (KT-XH) của một số giáo viên chưa thật sâu sắc. Công tác chiêu sinh hằng năm chưa đủ theo kế hoạch, vẫn còn hiện tượng cán bộ ngại đi học tập trung; khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn chưa thật cao, nhất là tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện sự kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN.

Từ đặc điểm, thực trạng trên và xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Quân khu trong tình hình mới, để nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2, Nhà trường đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:  

Một là, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Nhà trường chú trọng lựa chọn những đồng chí có năng lực, kinh nghiệm và khả năng sư phạm trong Ban Giám hiệu và ở các khoa (Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quân sự địa phương) đảm nhiệm bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 và các đối tượng khác. Trường duy trì nền nếp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hằng năm hoặc khi có sự thay đổi, bổ sung nội dung, chương trình; khuyến khích, tạo điều kiện cho họ nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ tại Trường và sắp xếp đi học ở các trường trong và ngoài quân đội. Đối với những chuyên đề bổ trợ liên quan tới tình hình KT-XH và QP-AN của địa phương, Trường mời cán bộ lãnh đạo của Quân khu và các tỉnh, thành phố về giảng bài hoặc thông tin những vấn đề cần thiết. Bên cạnh đó, Trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ, đảm bảo nguồn kế cận vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ ngày càng cao hơn.

Hai là, tăng cường đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy  học. Hiện nay, giáo trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 được biên soạn tương đối hoàn chỉnh, cơ bản, hệ thống. Tuy nhiên, do sự phát triển của tình hình quốc tế, khu vực, trong nước và từng địa phương nên nội dung, chương trình, giáo trình cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đối tượng học tập. Với nhận thức đó, Nhà trường chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết liên quan trực tiếp đến công tác QP-AN của Quân khu, trên cơ sở đảm bảo tính cân đối giữa các khối kiến thức về quốc phòng, quân sự và an ninh, giữa lý thuyết và thực hành; chú trọng cập nhật những quan điểm, tư duy mới của Đảng về QP-AN, đồng thời lược bỏ những nội dung cũ, hoặc trùng lặp. Theo đó, nội dung, chương trình không chỉ góp phần trang bị kiến thức QP-AN, mà quan trọng hơn là để học viên ra trường có thể vận dụng vào lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác QP-AN ở các ngành, các lĩnh vực mà họ đảm trách.

Quá trình giảng dạy cũng là quá trình Nhà trường tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy, học. Trên cơ sở vận dụng phương dạy học tích cực, Trường phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của học viên; kết hợp giới thiệu chuyên đề (thuyết trình với hình chiếu) với tăng cường gợi mở, hướng dẫn học viên tự nghiên cứu và thảo luận ở tổ, lớp, nhằm làm sáng tỏ cả lý luận và thực tiễn những vấn đề còn trăn trở, bức xúc trong công tác QP-AN ở các địa phương, cơ sở của Quân khu.

Ba là, thực hiện tốt công tác quản lý. Nhà trường là chủ thể quản lý, rèn luyện cán bộ chủ chốt về bồi dưỡng kiến thức QP-AN mà Hệ kiến thức Quốc phòng-Quốc tế trực tiếp đảm nhiệm. Các khoá học đều được tổ chức, quản lý chặt chẽ theo phương thức hành chính quân sự, kết hợp với nêu cao tính tự giác, tự quản của mỗi cán bộ; thực hiện tốt việc quản lý con người gắn với quản lý chất lượng học tập, rèn luyện của từng học viên. Học viên được tổ chức biên chế thành lớp, tổ, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Hệ; lớp trưởng do học viên kiêm nhiệm, các tổ trưởng luân phiên trực ban lớp học. Hệ và tổ giáo viên phối hợp chặt chẽ trong quản lý, rèn luyện và phát huy ý thức tự giác, tự quản, sáng tạo của học viên. Nhà trường còn kết hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng ở các tỉnh, tạo điều kiện cho cán bộ vừa công tác, vừa hoàn thành nhiệm vụ học tập, vừa tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước.

Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy học, đi đôi với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt. Việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang, thiết bị dạy học cho đối tượng 2 được Nhà trường thực hiện đồng bộ với các nhóm trang, thiết bị, nhất là về nội thất, các phương tiện dạy, học hiện đại. Cùng với xây dựng giảng đường chuyên dùng cho nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN, Nhà trường xây dựng và đưa vào sử dụng Thư viện điện tử, xây dựng hệ thống sơ đồ, sa bàn chiến lệ, sưu tập các băng hình, phim, tư liệu lịch sử phục vụ cho lớp học,... Hệ thống thao trường, bãi tập được đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với đối tượng 2, đồng thời có thể sử dụng cho các đối tượng khác học tập. Trường còn mua sắm, trang bị đầy đủ quân trang, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt (được xây dựng theo mô hình khép kín, tạo sự thống nhất, chính quy trong học tập, rèn luyện) của học viên.

Cùng với đó, Trường coi trọng củng cố, xây dựng Hệ kiến thức Quốc phòng-Quốc tế theo tổ chức biên chế, có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ; xây dựng Hệ vững mạnh toàn diện đi đôi với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đặc biệt là tạo môi trường chính trị tinh thần tốt cho cán bộ, học viên. Trường cũng thực hiện tốt dân chủ, công khai, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất cao giữa cán bộ, học viên, tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng khóa học. Trên cơ sở chế độ, chính sách chung theo quy định, Nhà trường bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn về ăn ở, sinh hoạt, giải trí; đồng thời, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác phục vụ.

Giáo dục QP-AN là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và của cả hệ thống chính trị. Để nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt trên địa bàn Quân khu 5, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành các địa phương tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của Quân khu trong thời kì mới.

Đại tá NGUYỄN XUÂN HÒE

Chính ủy Nhà trường

 

Ý kiến bạn đọc (0)