Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:12 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km cùng hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; diện tích vùng biển nước ta rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền). Vùng biển Việt Nam có nguồn thuỷ sản dồi dào, nguồn khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, có đường hàng hải giao thương với các quốc gia trong khu vực và nhiều nước trên thế giới… Với vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh đó, vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh (QP-AN), bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) của Đảng đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nhờ đó, các ngành kinh tế biển đã từng bước phát triển, trong đó một số ngành chủ chốt: khai thác, chế biến dầu khí, đóng tàu, vận tải và du lịch biển, khai thác thuỷ sản và tài nguyên biển,… phát triển với tốc độ nhanh. Tiềm lực, thế trận QP-AN trên biển, đảo được tăng cường một bước. Hệ thống phương án tác chiến bảo vệ các khu vực biển, đảo, quần đảo được xây dựng và điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mới của tình hình. Sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang (LLVT), nòng cốt là Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Phòng không-Không quân, các quân khu ven biển và giữa LLVT với cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương ven biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc được coi trọng và chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên biển, đảo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của vùng biển đất nước. Quy trình khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi hải sản vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún; hệ thống hạ tầng yếu kém, thiếu cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần đồng bộ; các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ biển, cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc lộ nhiều bất cập. Cùng với đó, thách thức gay gắt nổi lên là tình hình ở khu vực Biển Đông đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định về an ninh, tranh chấp chủ quyền biển, đảo hết sức khó lường. Thực trạng cũng như những khó khăn, thách thức nêu trên đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi chúng ta phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp trong chiến lược biển nhằm mục tiêu phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững gắn với tăng cường QP-AN trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, chúng tôi cho rằng, cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho toàn dân về quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về biển, đảo.
Những năm gần đây, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) của Đảng, công tác tuyên truyền về biển, đảo cho toàn dân được coi trọng và tiến hành bằng nhiều hình thức, đạt được hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác này; phải coi đó là giải pháp quan trọng hàng đầu góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức: trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, mạn đàm trao đổi, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể chính trị- xã hội…, nhằm nâng cao nhận thức cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên về quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về biển, đảo trong tình hình mới. Yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền là phải làm cho mọi người nhận thức rõ tình hình và tầm quan trọng của biển, đảo trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, củng cố QP-AN của đất nước. Trên cơ sở đó để mọi người, mọi tổ chức nêu cao trách nhiệm, tự giác, tích cực tham gia phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, công tác tuyên truyền về biển, đảo cần được đẩy mạnh thực hiện ở cả trong nước và nước ngoài. Một mặt, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế, bảo đảm QP-AN trên biển, đảo. Mặt khác, qua đó nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam về chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh không nhân nhượng trước những hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc.
LLVT là bộ phận quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vì vậy, hơn bao giờ hết, LLVT, nhất là các lực lượng có liên quan thường xuyên và trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển, đảo, như: Bộ đội Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển,… cần được tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về biển, đảo và những vấn đề liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển, đảo của đất nước. LLVT phải thường xuyên nắm chắc tình hình, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn vi phạm của các thế lực thù địch; xây dựng ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng xử trí có hiệu quả các trường hợp vi phạm, đánh bại các hành động xâm lấn biển, đảo trong mọi tình huống. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, LLVT phải chủ động phối hợp cùng các lực lượng khác để kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, giữ gìn an ninh, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển; đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế biển ở các lĩnh vực có thế mạnh.
2. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên biển, đảo vững mạnh.
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN từ trong quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực; tận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực, vốn, thiết bị để đưa vào sản xuất. Chú trọng đầu tư cho khoa học nghiên cứu biển, đào tạo cán bộ một cách toàn diện để khoa học-công nghệ đi trước một bước, làm cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế biển trước mắt và lâu dài. Tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như: khai thác, lọc hoá dầu, khai thác, chế biến thuỷ sản, nâng cao năng lực công nghệ đóng tàu, nâng công suất vận tải biển và bốc xếp hàng hoá, tìm kiếm, cứu hộ, thông tin dẫn dắt… Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, xây dựng các kho chứa xăng, dầu, bể nước, âu thuyền, khu tránh bão… Tăng cường năng lực đánh bắt hải sản xa bờ, đẩy mạnh các hoạt động dân sự trên vùng biển chủ quyền, có biện pháp hạn chế các hoạt động xâm phạm lãnh hải, khai thác tài nguyên trái phép.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên đem lại cho bờ biển nước ta để phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, thu hút đầu tư; qua đó, vừa quảng bá hình ảnh đất nước, vừa tăng thu nhập cho nền kinh tế, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế động lực để tạo sự phát triển bền vững.
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá có tính lưỡng dụng tại các vùng ven biển, hải đảo; nhất là hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh xá; chú trọng kết nối giữa đất liền với đảo. Từng bước hình thành các khu công nghiệp đô thị mới ven biển, khu du lịch và tuyến du lịch; trong đó chú trọng phát triển các đảo lớn thành trung tâm kinh tế, văn hoá,… của mỗi khu vực.
Đi đôi với tăng cường tiềm lực QP-AN, chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, đảo liên hoàn, vững chắc, bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đủ khả năng ngăn chặn, đánh bại các cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù từ hướng biển. Với tính chất đặc thù về địa hình, hệ thống đảo, quần đảo nước ta có lợi thế trong việc bố trí thế trận phòng thủ liên hoàn giữa biển với bờ, tạo cơ sở thuận lợi cho việc làm chủ vùng biển. Do vậy, cần tiếp tục đầu tư thực hiện các chương trình, dự án xây dựng tuyến đảo và khu vực ven biển với mục đích tăng cường tiềm lực QP-AN, bố trí LLVT vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa kết hợp làm kinh tế, dịch vụ biển, dịch vụ hậu cần theo một cơ chế quản lý riêng. Để giữ vững chủ quyền biển, đảo, phải chú trọng xây dựng thế trận liên hoàn: bờ-biển-đảo, đáp ứng yêu cầu quản lý và bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống, kể cả khi địch gây chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao trên biển.
3. Xây dựng LLVT vững mạnh, trước hết là lực lượng Hải quân làm nòng cốt bảo vệ biển, đảo.
Các LLVT làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo cần phải được xây dựng vững mạnh, bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu thành phần lực lượng hợp lý, trang bị phù hợp. Lực lượng Hải quân cần được quan tâm xây dựng theo hướng hiện đại, phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, chủng loại, có khả năng cơ động cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong hoạt động tác chiến, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tăng cường củng cố, phát triển Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển ngày càng lớn mạnh, hiện đại, đủ sức phát hiện, kiểm soát mọi hành động vi phạm trên các lĩnh vực kinh tế, QP-AN, ngăn chặn các hành động cướp biển, xâm phạm lãnh hải, hướng dẫn, khắc phục hậu quả thiên tai… Lực lượng Không quân cần được tăng cường năng lực tuần tra, kiểm soát, tác chiến bảo vệ vùng trời biển, đảo. Xây dựng các đơn vị pháo binh, tên lửa bố trí trên đất liền, trên đảo và các tàu chiến có thể kiểm soát hiệu quả các vùng biển đảo ở các cự li khác nhau. Cần hết sức coi trọng công tác huấn luyện, luyện tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội; bổ sung, hoàn thiện các phương án tác chiến; củng cố, xây dựng mới công sự, trận địa trên các đảo và ven biển, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong mọi hoàn cảnh.
Các địa phương ven biển, các ngành, lĩnh vực có liên quan đến biển cần đẩy mạnh củng cố tổ chức, phát triển lực lượng dân quân, tự vệ biển có số lượng hợp lý, có chất lượng cao, trước hết là chất lượng chính trị; tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân, tự vệ; trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển ở những đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thế trận khu vực phòng thủ địa phương, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; chuẩn bị tốt các phương án tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các ban, ngành, chính quyền, nhân dân địa phương với các LLVT, trước hết là lực lượng Hải quân, thường xuyên luyện tập thành thạo các phương án tác chiến, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỨC TỈNH
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011