QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:34 (GMT+7)
Một số giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng trong các bộ, ngành hiện nay*

Như vậy, thực tiễn đã cho thấy còn những “khoảng trống” trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở các bộ, ngành, đặc biệt là trong các doanh nghiệp. Do đó, vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay là phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức trong các bộ, ngành. Nghĩa là phải đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục quốc phòng (GDQP); chuyển từ hình thức giáo dục lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chính trị như qui định hiện nay sang hình thức bồi dưỡng kiến thức QP-AN tập trung (như đối tượng là cán bộ chủ chốt) với nội dung, thời gian phù hợp. Đây cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra chủ trương: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, có nội dung phù hợp với từng đối tượng...”1. Đó là định hướng quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước đẩy mạnh hơn nữa công tác GDQP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ thực trạng và những vấn đề đặt ra, để nâng cao hiệu quả GDQP trong các bộ, ngành, theo chúng tôi, thời gian tới cần tập trung giải quyết tốt một số giải pháp cơ bản sau.

Trước hết, cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp qui về tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức trong các bộ, ngành. Hiện nay, Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng có không ít chỉ thị, nghị định, quyết định về công tác quốc phòng trong các bộ, ngành, đặc biệt là Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 12-02-2001 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới"và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, ngày 01-5-2001 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục quốc phòng”. Đây là những văn bản pháp qui quan trọng nhất để các cấp, các ngành triển khai công tác GDQP. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và thực trạng tình hình GDQP những năm qua cho thấy rất cần phải ban hành “Luật Giáo dục quốc phòng” làm cơ sở vững chắc để tiến hành GDQP theo luật định. Trước mắt, cần có văn bản pháp qui, qui định về tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức trong các bộ, ngành. Về tổ chức, cần qui định rõ hình thức giáo dục là tập trung bồi dưỡng kiến thức QP-AN trong hệ thống các trường quân sự của địa phương. Để thực hiện điều này, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu phân tích, phân loại cán bộ thành nhóm theo từng cấp. Ví dụ: nhóm các cơ quan bộ, ngành Trung ương; nhóm cán bộ, công chức cấp tỉnh, thành phố; nhóm cấp huyện, quận, tổng công ty, doanh nghiệp... Căn cứ vào đối tượng để xây dựng nội dung, chương trình, thời gian bồi dưỡng cho phù hợp.
Cùng với việc bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản, các bộ, ngành phải quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp qui qui định về công tác GDQP, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc học tập, nâng cao kiến thức về QP-AN. Trong quá trình tuyên truyền cần chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng, làm cho mọi người nhận thức rõ trau dồi, nâng cao kiến thức quốc phòng là điều cần thiết của mỗi công dân trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hai là, xây dựng cơ chế phối hợp và thực hiện tốt sự phối hợp giữa các bộ, ngành với Hội đồng GDQP các cấp. Đây là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng công tác quốc phòng nói chung và GDQP trong các bộ, ngành nói riêng. Thực tế vừa qua cho thấy bộ, ngành nào chủ động phối hợp với Hội đồng GDQP và cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, quân khu, địa phương thì công tác GDQP ở các bộ, ngành đó được đẩy mạnh và ngược lại. Mặt khác, vì số lượng các bộ, ban, ngành của Đảng, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổng công ty trực thuộc Chính phủ có nhiều đầu mối (khoảng 70 đầu mối), do đó càng cần có sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành. Trong đó, cần chú trọng phát huy vai trò của Ban chỉ huy Quân sự và cán bộ chuyên trách làm công tác quốc phòng của bộ, ngành. Đương nhiên, để thực hiện có hiệu quả sự phối hợp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Hội đồng GDQP Trung ương. Theo qui định, Hội đồng GDQP Trung ương có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hoạt động GDQP; đồng thời, chịu trách nhiệm phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành Trung ương thực hiện. Trong đó, cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng GDQP Trung ương gồm Ban thư ký và cơ quan chuyên trách (Phòng GDQP thuộc Cục Dân quân tự vệ-Bộ Quốc phòng) có nhiệm vụ hướng dẫn các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ về GDQP; tổ chức phối hợp, theo dõi, tổng hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh. Do đó, cơ quan thường trực Hội đồng GDQP Trung ương và Ban chỉ huy Quân sự cần phối hợp chặt chẽ với nhau giúp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức.
Cùng với việc thực hiện tốt sự phối hợp với Hội đồng GDQP Trung ương, các bộ, ngành còn phải phối hợp chặt chẽ với Hội đồng GDQP các địa phương trên địa bàn. Đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh-nơi tập trung nhiều cơ quan bộ, ngành. Bởi lẽ công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN được tổ chức tại các địa phương, theo kế hoạch của các địa phương mà trực tiếp là các trường quân sự quân khu, tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện, quận.  Cơ quan thường trực Hội đồng GDQP của địa phương làm trung tâm tổ chức hiệp đồng để các tổ chức, đơn vị đứng chân trên địa bàn phối hợp, hiệp đồng. Nội dung hiệp đồng phải cụ thể về đối tượng, thời gian tổ chức, nội dung, chương trình từng khóa học. 
Để công tác phối hợp đạt hiệu quả cao, các bộ, ngành còn phải thực hiện tốt qui chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác GDQP theo Quyết định số 38/ 2005/QĐ-BQP ngày 6 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Theo đó, Bộ Quốc phòng được Chính phủ giao chủ trì tổ chức giao ban mỗi quí một lần với thành phần là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự và cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác quốc phòng của các bộ, ngành. Các bộ, ngành có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kịp thời cho cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP Trung ương về kết quả tổ chức thực hiện GDQP.
Ba là, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và xây dựng chương trình, nội dung phù hợp. Từ qui định bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt mở rộng sang bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, công chức đòi hỏi phải tăng số lượng giáo viên. Do đó, các quân khu và địa phương phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đội ngũ giáo viên GDQP. Để có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chắc chắn không thể giải quyết trong một thời gian ngắn và không chỉ cấp Bộ đảm nhiệm, mà đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành cùng tập trung giải quyết. Theo chúng tôi, về lâu dài, Bộ Quốc phòng cần mở rộng ngành đào tạo giáo viên GDQP trong các học viện, trường sĩ quan. Đồng thời, các địa phương cần lựa chọn và tổ chức bồi dưỡng sĩ quan trong cơ quan quân sự tỉnh (thành phố), huyện (quận), để các đồng chí này tham gia giảng dạy khi tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN; xác định đây là một nhiệm vụ chứ không đơn thuần là giúp đỡ các trường quân sự theo chế độ thỉnh giảng như hiện nay.
Chương trình học tập phải coi trọng cả phần lý luận và phần thực hành về QP-AN và quân sự với tỷ lệ cân đối. Trong đó, cần tập trung trang bị kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân; kết hợp kinh tế với QP-AN, nhận thức về chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam và một số kỹ năng quân sự cần thiết... Ngoài ra, còn phải trang bị cho cán bộ, công chức biết tổ chức thực hiện các biện pháp về phòng thủ dân sự để sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, môi trường...
Bốn là, phát huy vai trò tham mưu của Ban chỉ huy Quân sự giúp lãnh đạo các bộ, ngành về công tác GDQP. Hiện nay, ở nhiều bộ, ngành, Ban chỉ huy Quân sự đã được thành lập theo Quyết định số 133/2005/QĐ-BQP, ngày 12-9-2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “về việc thành lập Ban chỉ huy Quân sự các bộ, ngành cơ quan, tổ chức ở Trung ương". Để công tác GDQP trong các bộ, ngành đạt hiệu quả cao thì việc phát huy vai trò của Ban chỉ huy Quân sự trong việc tham mưu giúp thủ trưởng bộ, ngành đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện GDQP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự thường do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách; trong một số bộ, ngành còn biên chế sĩ quan biệt phái và Uỷ viên Hội đồng GDQP. Do đó, cùng với việc phát huy vai trò của Ban chỉ huy Quân sự, cần phát huy vai trò, vị trí của các đồng chí trên. Trong đó, chú trọng việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi chức danh trong tổ chức chỉ đạo, điều hành các hoạt động GDQP.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sơ kết, tổng kết. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được xây dựng thành kế hoạch cụ thể hằng năm. Theo sự chỉ đạo của Hội đồng GDQP Trung ương, các Ban chỉ huy Quân sự, cán bộ chuyên trách làm công tác quốc phòng ở bộ, ngành có trách nhiệm giúp bộ, ngành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất kết quả GDQP trong cơ quan và các đơn vị, tổ chức thuộc quyền quản lý. Việc thành lập đoàn kiểm tra của bộ, ngành do bộ, ngành quyết định. Hội đồng GDQP Trung ương, hằng năm và từng giai đoạn tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác GDQP ở các bộ, ngành và địa phương. Phương pháp kiểm tra nên kết hợp cả định kỳ và đột xuất, kiểm tra cụ thể, tỷ mỷ, toàn diện thông qua báo cáo và kiểm tra thực tế nhận thức của cán bộ, công chức. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc ban hành các văn bản, hướng dẫn tổ chức GDQP ở bộ, ngành; kết quả thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN, chế độ giao ban, sơ kết, tổng kết, kiểm tra và bảo đảm ngân sách cho GDQP. Sau khi kiểm tra phải có kết luận chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó giúp đỡ cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP giúp Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác GDQP. Thực hiện tốt công tác khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt, phát hiện những nhân tố điển hình, cách làm hay để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GDQP.
 
Đại tá, ThS. Nguyễn Mạnh Dũng
 
* Tiếp theo bài viết “Giáo dục quốc phòng trong các bộ, ngành – thực trạng và vấn đề đặt ra” đăng trong Tạp chí QPTD số 8-2006.
 1- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb CTQG, H. 2006, tr109.
 

Ý kiến bạn đọc (0)