QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 00:56 (GMT+7)
Một số giải pháp chủ yếu để xây dựng Hải quân nhân dân từng bước hiện đại

Hơn 50 năm qua, kể từ khi thành lập (năm 1955), dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân (HQND) được xây dựng và phát triển từ nhỏ đến lớn, cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) được tăng cường về số lượng và chất lượng; khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) ngày càng được nâng cao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Tuy nhiên, thành phần lực lượng của Quân chủng Hải quân hiện nay so với yêu cầu nhiệm vụ còn thiếu đồng bộ về chủng loại; VKTBKT hạn chế về số lượng, chất lượng và mức độ hiện đại so với hải quân các nước trong khu vực; nhiều loại VKTBKT (nhất là các trang bị đặc chủng) đã quá niên hạn sử dụng, lạc hậu, xuống cấp, cần được thay thế, bổ sung; việc bố trí lực lượng có chỗ chưa hợp lý. Những điều đó dẫn tới tình trạng hạn chế đến hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Để xây dựng HQND từng bước hiện đại, không ngừng nâng cao khả năng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Tập trung nỗ lực xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển, trong đó HQND giữ vai trò nòng cốt. Thực tiễn đã khẳng định rằng, sức mạnh để làm chủ vùng biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững được an ninh, trật tự trên biển trong thời bình, đủ sức ngăn chặn, đánh bại các thế lực thù địch lấn chiếm, xâm lược vùng biển và tiến công ta từ hướng biển là sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và chiến tranh nhân dân (CTND) trên biển, trong đó HQND giữ vai trò nòng cốt. Xuất phát từ đó, một đòi hỏi khách quan, cấp bách, đồng thời là một nhiệm vụ chiến lược mà Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các ngành, các địa phương, các lực lượng có quan hệ mật thiết với biển cần tập trung nỗ lực, xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển tương xứng với tầm quan trọng của biển, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ biển trong tình hình mới. Từng ngành, từng địa phương, từng lực lượng theo chức năng của mình cần quán triệt và phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) đã xác định. Các kế hoạch cũng như các hoạt động thực tiễn trong xây dựng, khai thác, phát triển kinh tế biển phải bao gồm cả yếu tố quản lý biển, bảo vệ biển. Cần có cơ chế phối hợp thống nhất giữa các lực lượng, các ngành, đặc biệt là giữa Hải quân với Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thủy sản, Giao thông vận tải và các quân khu, tỉnh, thành phố ven biển để đạt được kế hoạch cụ thể trong bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển. Coi trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển gắn chặt với nhiệm vụ quản lý vùng biển, bảo vệ sản xuất, không ngừng củng cố, phát triển thế trận QPTD, an ninh nhân dân trên biển, tạo thế trận liên hoàn bờ-biển-đảo theo kế hoạch phòng thủ quốc gia và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ được giao, HQND luôn có mặt ở hầu khắp các vùng biển, ven biển, đảo của Tổ quốc, là chỗ dựa tin cậy của các đơn vị, nhân dân trong khai thác tiềm năng biển; phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác để quản lý, bảo vệ chủ quyền và giữ vững an ninh, trật tự trên các vùng biển. Vì vậy, HQND cần được ưu tiên đầu tư xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm hoàn thành thắng lợi vai trò nòng cốt bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo trong sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Xây dựng HQND phải luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc về xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân của Đảng trong tình hình mới; đồng thời, phải thấy rõ và giải quyết những đặc thù của Hải quân. Thời gian tới, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng trong Quân chủng, trước hết là chất lượng chính trị, đảm bảo cho Quân chủng luôn là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tinh thần “tàu, đảo là nhà, biển là quê hương’’, cán bộ, chiến sĩ HQND phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, xây dựng nền nếp chính quy, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng. Cùng với đó, phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, xây dựng lực lượng ngày càng đồng bộ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân chủng, với đặc điểm của các vùng biển, đảo Tổ quốc. Phải ra sức xây dựng các Vùng Hải quân mạnh làm chỗ dựa vững chắc, cầu nối giữa đất liền và biển, đảo, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trong thời bình và bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho Hải quân trong thời chiến. Đồng thời, nỗ lực xây dựng lực lượng cơ động đủ mạnh, có khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chi viện bảo vệ đảo, nhà giàn, thềm lục địa phía Nam... Phấn đấu trong tương lai gần, HQND có đủ thành phần lực lượng 5 binh chủng (tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân của hải quân, hải quân đánh bộ, tên lửa và pháo bờ biển) để đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại, sử dụng vũ khí công nghệ cao; nâng cao năng lực hợp tác với đối tác, kiểm soát, khống chế đối phương, làm chủ vững chắc vùng biển và vùng trời trên biển; hộ tống bảo vệ các lực lượng làm kinh tế biển có hiệu quả ở vùng biển của ta và có thể vươn ra khai thác các lợi ích ở vùng biển quốc tế.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, hoàn thiện nghệ thuật tác chiến hải quân trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, HQND đã kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông ta, vận dụng đường lối CTND của Đảng trên chiến trường sông biển, sáng tạo nhiều cách đánh có hiệu quả, xây dựng nên những vấn đề lý luận cơ bản về nghệ thuật tác chiến hải quân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, hoàn thiện nghệ thuật tác chiến hải quân trong CTND bảo vệ Tổ quốc. Tập trung nghiên cứu những vấn đề về  kết hợp cách đánh truyền thống với cách đánh hiện đại; phương thức tác chiến phòng thủ trên vùng biển gần và phương thức bảo vệ vùng biển, đảo xa bờ trong thế trận QPTD, an ninh nhân dân trên biển; nâng cao năng lực dự báo tình hình, tổ chức triển khai lực lượng, xử trí tình huống trên biển, đảo; nâng cao năng lực quản lý biển, đảo và kiểm soát, khống chế các đường giao thông trên biển; tác chiến điện tử trên biển để quản lý, phát hiện, ngăn chặn sớm âm mưu và hành động của các thế lực thù địch ngay khi chưa xảy ra xung đột, chưa xảy ra chiến tranh và trong quá trình xung đột, quá trình chiến tranh, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy vững chắc, thông suốt, chính xác; ngụy trang, nghi binh, đánh lừa địch, che giấu lực lượng ta... Phải thấy rằng, trong tương lai, dù HQND có được tăng cường xây dựng, trang bị hơn so với hiện nay thì trước mắt và nhiều năm tiếp sau, thực lực VKTBKT vẫn kém hơn hải quân của các đối tượng tác chiến cả về số lượng, chủng loại, trình độ hiện đại. Do vậy, nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật tác chiến hải quân trong CTND bảo vệ Tổ quốc phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo “lấy nhỏ thắng lớn’’, “lấy ít địch nhiều’’, “lấy chưa hiện đại và hiện đại thắng hiện đại’’; phát huy yếu tố chính trị- tinh thần, tranh thủ mọi điều kiện, thời cơ để tạo thế ta, phá thế địch. Phải kết hợp phòng tránh và đánh địch, bảo vệ lực lượng và đánh đúng thời cơ, bằng các cách đánh hiểm, linh hoạt, sáng tạo để đánh thắng địch bằng VKTBKT hiện có. Dù đánh độc lập hay hiệp đồng quân, binh chủng, HQND cũng phải tạo thế đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, CTND, của tất cả các lực lượng trên biển; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang 3 thứ quân và nhân dân trên địa bàn các quân khu, tỉnh, thành phố ven biển; phối hợp chặt chẽ các hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, đấu tranh pháp lý... Thường xuyên nắm chắc tình hình trên biển, không để bị bất ngờ, chuẩn bị thế trận vững chắc trên từng vùng biển, nhất là trên các hướng, các vùng trọng yếu để sẵn sàng đánh địch có hiệu quả, tạo những chiến thắng bằng sức mạnh và nghệ thuật của CTND trên chiến trường sông biển.
Tạo nguồn kinh phí và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để hiện đại hóa HQND. Việc xây dựng HQND và trang bị cho Hải quân, nhất là các tàu chiến hiện đại là rất tốn kém, phụ thuộc rất lớn vào tiềm năng kinh tế của đất nước. Mặc dù trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế cũng như trình độ công nghiệp của nước ta còn hạn chế, không thể nóng vội nhưng cũng không nên chậm trễ và thụ động trước đòi hỏi bức bách, ngày càng cao của công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền vùng biển, đảo và vùng kinh tế đặc quyền của Tổ quốc. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng HQND rất cần Đảng, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư trang bị để Hải quân ngày càng hiện đại, theo chiến lược phát triển đến năm 2010 và những năm tiếp theo, bảo đảm không bị bất ngờ trước âm mưu, thủ đoạn tiến công của các thế lực thù địch. Đồng thời, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp làm kinh tế biển để xây dựng các cơ sở công nghiệp, cơ sở bảo đảm hậu cần-kỹ thuật hải quân trên bờ và trên biển, đảo. Trong việc đào tào nguồn nhân lực, cần có chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ chỉ huy, cán bộ khoa học kỹ thuật đầu ngành của Hải quân theo chiều sâu; kết hợp đào tạo trong nước và ở nước ngoài. Đối với các học viện, nhà trường, trung tâm huấn luyện của Quân chủng, cần chú trọng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, bảo đảm đội ngũ cán bộ của Quân chủng có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi trong từng lĩnh vực hoạt động.
Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân dụng, giữa tự cải tiến, chế tạo với mua sắm để hiện đại hóa VKTBKT của HQND. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, HQND đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của công nghiệp dân dụng và công nghiệp quốc phòng, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cải tiến, chế tạo với tranh thủ các nguồn viện trợ từ một số nước trong hệ thống XHCN để hiện đại hóa VKTBKT. Ngày nay, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng để từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (cầu cảng, sân bay, kho tàng, trạm xưởng, hệ thống nắm tình hình, thông báo báo động...) và các chủng loại VKTBKT của Hải quân theo hướng ngày càng hiện đại là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan. Công việc này cần được thực hiện từ cấp vĩ mô, ngay trong chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước cũng như trong các ngành công nghiệp của quốc gia nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng. Cần có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm, sự phối hợp chặt chẽ và phân cấp giữa các nhà máy đóng tàu dân sự với đóng tàu quân sự trong nước để đóng mới các loại tàu dân dụng, tàu chiến đấu, tàu bổ trợ. Phối hợp hiệu quả giữa các cơ sở công nghiệp dân sự với cơ sở công nghiệp quốc phòng để nghiên cứu sản xuất VKTBKT phục vụ cho các hoạt động quân sự của LLVT nói chung, HQND nói riêng. Đối với HQND, phải ra sức phát huy nội lực, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn để giữ gìn và khai thác tốt các trang bị hiện có. Tận dụng tối đa thành tựu CNH,HĐH đất nước, kết hợp với tự nghiên cứu, phát huy sáng kiến, sáng chế để góp phần bảo quản, từng bước đổi mới hệ thống cơ sở hạ tầng và các trang bị của Quân chủng. Mặt khác, phải làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng lựa chọn đối tác và chủng loại VKTBKT tiên tiến để mua sắm, từng bước tăng số lượng, chất lượng các loại VKTBKT của Hải quân, nhất là tàu chiến thế hệ mới có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, khắc phục dần sự bất cập giữa trang bị và yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Hiến
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Tư lệnh Quân chủng Hải quân
 

Ý kiến bạn đọc (0)