QPTD -Chủ Nhật, 18/09/2011, 00:41 (GMT+7)
Một số đặc điểm kinh tế-xã hội tác động tới công tác dân vận của lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; có tiềm năng to lớn về kinh tế, đa dạng về dân tộc và tôn giáo; nhân dân các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, gắn bó chống kẻ thù xâm lược. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh trên địa bàn đã đoàn kết, phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh.  Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, Tây Nguyên vẫn là địa bàn có nhiều khó khăn, thách thức. Đáng chú ý là đời sống của nhân dân còn thấp; cơ sở hạ tầng  ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) còn kém. Hệ thống chính trị cơ sở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới; một số tổ chức đoàn thể quần chúng chưa căn cứ vào đặc điểm KT-XH trên địa bàn để có hình thức và biện pháp hoạt động phù hợp; một số cán bộ, đảng viên, do hạn chế về trình độ, năng lực, lại thiếu gương mẫu, nên không phát huy được vai trò, trách nhiệm. Trong lúc đó, các thế lực thù địch ra sức hoạt động chống phá với nhiều thủ đoạn thâm độc, nhất là việc lợi dụng những đặc điểm, hạn chế về KT-XH, dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn… Tình hình đó làm cho việc tiến hành công tác dân vận (CTDV) của lực lượng vũ trang vốn đã khó khăn, càng khó khăn hơn. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTDV, các đơn vị lực lượng vũ trang phải nắm vững đặc điểm địa bàn, luôn chú ý sự tác động, ảnh hưởng của những đặc điểm KT-XH, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS, để xác định nội dung, biện pháp tiến hành cho phù hợp. 

Ở Tây Nguyên, đồng bào các DTTS sống theo cộng đồng buôn, bon, làng, xã (buôn, làng), cư trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; kinh tế còn nặng về tự cung, tự cấp; phương pháp canh tác cơ bản vẫn là “phát, đốt, chọt, tỉa”, ít làm ruộng nước. Đặc biệt, đồng bào các DTTS ở đây không có thói quen bón phân cho đất, bởi họ cho rằng bón phân cho đất là làm bẩn đất, mà làm bẩn đất thì Giàng (Trời) sẽ phạt. Họ cho rằng, phát, đốt chính là tạo phân cho đất; quá trình canh tác phải chọt, tỉa thì trồng cây mới có hiệu quả. Đồng bào có thói quen sống du canh, du cư, bởi đất canh tác ở đây chủ yếu trên địa hình triền đồi, nên khi mưa dễ bị sụt, lở, trôi nhanh, bị bạc màu. Nếu chỉ làm trên một rẫy thì năng suất năm thứ hai chỉ bằng một nửa và năm thứ ba chỉ bằng một phần tư năm đầu. Để tồn tại, họ buộc phải di chuyển đến nơi khác sản xuất. Theo cách nghĩ của đồng bào, dù mình đang canh tác trên rẫy này, thì những rẫy kia vẫn là của mình. Nhưng theo pháp luật thì chính quyền chỉ chia cho gia đình họ một rẫy, còn lại phải chia cho các hộ khác; vì vậy đồng bào nghĩ rằng mình bị mất đất và điều đó dễ dẫn đến sự bất mãn với chính quyền. Bởi vậy, vấn đề đặt ra đối với CTDV ở đây là, phải tích cực tuyên truyền, vận động giúp đồng bào nhận thức được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động mọi gia đình nhận thức và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, thâm canh, đưa lại năng suất, hiệu quả cao; như vậy mới giúp đồng bào thay đổi suy nghĩ và phương pháp canh tác truyền thống của mình. Chính vì thế, để thực hiện CTDV có hiệu quả, các đơn vị phải quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 123/2002/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc “Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ, đội công tác tăng cường cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên”. Trong quá trình tiến hành CTDV, các tổ, đội công tác cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng tình hình mọi mặt của địa phương; chủ động đề xuất với cấp uỷ, chính quyền, tranh thủ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan khuyến nông, vận động, hướng dẫn bà con thực hiện chủ trương định canh, định cư, chuyển đổi phương thức sản xuất, canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng diện tích lúa nước, vườn cây công nghiệp, tăng đàn gia súc, gia cầm ngay trên mảnh đất của mình… Đây là vấn đề thay đổi cả một phong tục, tập quán và thói quen từ lâu đời của đồng bào các DTTS nên không tránh khỏi những khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ làm CTDV phải kiên trì tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, từng bước giúp đồng bào nhận thức và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Nét nổi bật trong truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên là hầu hết các DTTS đều theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò quyết định  trong gia đình. Trong các buôn, làng bao giờ cũng có già làng (có nơi gọi là chủ làng), đó là người cao tuổi, nắm vững phong tục, tập quán, lễ nghi, luật tục của dòng họ và của các dân tộc cùng sinh sống; là người gương mẫu trong sinh hoạt và sản xuất; có uy tín, được dân làng kính trọng và tự nguyện bầu theo nghi thức cổ truyền. Già làng là người có ảnh hưởng lớn đến mỗi gia đình và các hoạt động của buôn, làng; mọi người phải nghe theo mọi quyết định của già làng. Hoạt động của già làng được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, không đòi hỏi thù lao, chủ yếu tập trung vào việc hoà giải mâu thuẫn nội bộ dòng tộc, nội bộ các dân tộc cùng sinh sống trong buôn, làng; nhắc nhở dân buôn, làng giữ gìn tập tục, lễ nghi, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Già làng trực tiếp giải quyết những vi phạm luật tục, những tranh chấp, xích mích trong gia đình, thôn, bản; chủ trì các lễ hội, đám cưới, đám ma, cúng bái, cầu mưa; đại diện cho dòng tộc, cho dân làng trong quan hệ ứng xử với bên ngoài; vận động dân làng thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào do cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương xác định cũng như phát động. Qua thực tế hoạt động của già làng, có thể xem mối quan hệ giữa già làng với cấp uỷ, chính quyền địa phương là hình thức tổ chức đặc thù của buôn, làng đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Tính đặc thù đó đặt ra cho CTDV trên địa bàn Tây Nguyên phương pháp tiếp cận sao cho vừa phù hợp với phong tục, tập quán, vừa đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trước khi tuyên truyền, vận động đồng bào, các tổ, đội công tác cần gặp gỡ, tham khảo ý kiến già làng (trưởng buôn); tranh thủ sự ủng hộ của họ để tiến hành các hoạt động dân vận theo kế hoạch đã được xác định. Nếu già làng chưa thông, chưa hiểu, người làm CTDV phải làm tốt công tác tư tưởng, động viên già làng phát huy vai trò, ảnh hưởng của mình giúp đỡ tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, các tổ, đội công tác cần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể địa phương thường xuyên giữ mối quan hệ tốt; luôn tôn trọng, đề cao vị trí, vai trò, ảnh hưởng của già làng, người chủ gia đình (người vợ), dòng họ; chú ý xây dựng lực lượng nòng cốt, cộng tác viên rộng rãi, tin cậy… góp phần vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn.

Một điểm đáng chú ý là, nơi sinh sống hiện nay của đồng bào các DTTS, trước kia thường là căn cứ cách mạng. Do nhiều nguyên nhân, hiện tại đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, nhận thức về pháp luật, chính trị - xã hội còn hạn chế. Mặc dù còn nghèo, nhưng đồng bào các DTTS có tính tự trọng cao; cần cù, siêng năng, thật thà, thẳng thắn, thường tin vào những điều có thật; đặc biệt là họ rất hiếu khách, tôn trọng khách biết tiếng nói và hiểu phong tục, tập quán của họ. Nếu khách ở lại nhà, mặc dù nghèo, nhưng đồng bào các DTTS thường đón tiếp rất thịnh tình; nhưng nếu khách nào lui tới nhiều lần như thế, chủ nhà cho đó là người xấu. Nắm được đặc điểm đó, những kẻ xấu thường mang theo đồ ăn, quà cáp đến từng nhà để gây “lòng tin”, từ đó chúng tuyên truyền chống phá cách mạng. Có một  thực tế hiện nay là, ở một số nơi xảy ra việc một số người dân tụ tập, gây rối, biểu tình, do kẻ xấu xúi giục; đồng bào biết hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhưng không báo cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, mà có thái độ thờ ơ. Bởi lẽ, một mặt, họ sợ bị trả thù; mặt khác, do CTDV chưa khéo nên dân chưa thực sự tin cấp uỷ, chính quyền. Điều đó đặt ra đối với các đơn vị đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, các tổ, đội công tác của lực lượng vũ trang nói riêng, phải tích cực bám sát cơ sở, tìm hiểu, nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân; tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ nghiêm kỷ luật… để nhân dân thực sự yêu mến, tin tưởng. Trong quá trình tiến hành CTDV, các đơn vị phải nắm vững và tôn trọng phong tục, tập quán, tự do tín ngưỡng của mỗi dân tộc; tuyệt đối không xâm phạm đến lợi ích của dân, không lợi dụng lòng tin của dân để phục vụ cho mục đích riêng của mình; không gây phiền hà cho dân, quan hệ đúng mực với dân và có ý thức bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, người làm CTDV phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, gương mẫu trong sinh hoạt, lối sống; nói đi đôi với làm; khắc phục mọi biểu hiện vi phạm chế độ quy định trong quan hệ quân - dân.

Hiện nay, ở Tây Nguyên, được sự tiếp tay của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, tổ chức phản động Fulro đang đẩy mạnh truyền đạo Tin lành trái pháp luật và các hoạt động chống phá. Chúng chủ trương bám dân, dùng vật chất để mua chuộc, dụ dỗ; dựa vào một số tổ chức trá hình để nắm dân và truyền đạo trái pháp luật. Thủ đoạn truyền đạo của chúng rất tinh vi, nhằm tạo thế hợp pháp để che mắt chính quyền cơ sở, như: lựa chọn nội dung, phương thức truyền đạo phù hợp với đặc điểm tâm lý, tập quán từng dân tộc, từng lứa tuổi, từng gia đình; đơn giản hóa nghi thức kết nạp tín đồ; sử dụng người tại chỗ để phát triển đạo; dùng tín đồ cũ lôi kéo tín đồ mới; cử cốt cán giả danh người bán hàng rong,… đến các buôn, làng, vừa rỉ tai tuyên truyền miệng, vừa sử dụng sách, băng ghi âm để truyền đạo, tuyên truyền thành lập “nhà nước Đề ga”… Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và những khó khăn, bức xúc của đồng bào, bọn phản động ra sức tuyên truyền, gieo rắc tâm lý dân tộc hẹp hòi, chia rẽ Kinh - Thượng; dựa vào tính cộng đồng, tình cảm tôn giáo để kích động, lôi kéo, dụ dỗ đồng bào tham gia biểu tình, vượt biên, gây mất ổn định trên địa bàn. Để chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, CTDV cần đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục, làm cho đồng bào các DTTS thấy được âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động; củng cố lòng tin vào Đảng, vào chế độ, chính quyền; không nghe, không tin, không làm theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch; đấu tranh với mọi hình thức truyền đạo trái pháp luật. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp làm CTDV phải thật sự đồng cam, cộng khổ với đồng bào các DTTS Tây Nguyên; thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng nói, cùng làm với đồng bào; thông hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc; "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" trong quá trình tiến hành CTDV. Trên cơ sở gây được tình cảm gắn bó với nhân dân mà  xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Những đặc điểm KT-XH ở Tây Nguyên phản ánh sâu sắc phong tục, tập quán của một vùng đất đa tôn giáo, dân tộc; mang dấu ấn của một nền văn hoá đặc trưng trong lòng dân tộc Việt Nam. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, các lực lượng vũ trang cần có chủ trương, giải pháp tiến hành CTDV thích hợp, góp phần xây dựng Tây Nguyên ổn định, giàu mạnh và phát triển; thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá  Trần Xuân Sơn

Trưởng phòng Dân vận Quân khu 5

 

Ý kiến bạn đọc (0)