QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 21:10 (GMT+7)
Một số biểu hiện về đấu tranh vũ trang của các cuộc chiến tranh trong tương lai

Đặc trưng chủ yếu của chiến tranh là đấu tranh vũ trang (ĐTVT). ĐTVT trong các cuộc chiến tranh diễn ra trong tương lai sẽ có những biểu hiện rất đáng chú ý. Thấy được những biểu hiện đó là cơ sở quan trọng để các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nguy cơ bị tiến công, vạch ra chính sách quốc phòng phù hợp, tránh chệch hướng trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, phát triển lý luận và huấn luyện chiến đấu.

 Lịch sử cho thấy, các cuộc chiến tranh, ở mức độ thấp hơn là xung đột vũ trang (XĐVT), thường không giống nhau. Mỗi cuộc chiến tranh và XĐVT đều mang những nét đặc thù và không lặp lại. Trước đây, biểu hiện rõ ràng nhất cho một cuộc chiến tranh cận kề là bước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Biểu hiện của bước chuẩn bị này tập trung ở những hoạt động phản ánh sự chuẩn bị lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần cho người dân của chính phủ nước gây chiến. Ngày nay và trong tương lai, biểu hiện của bước chuẩn bị đó đã và đang khác nhiều. Do các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, ngoài chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho người dân trong nước, kẻ xâm lược còn đặc biệt chú ý đến việc tạo dựng dư luận. Mục đích của quá trình này không chỉ nhằm che đậy mục đích chính trị của cuộc chiến tranh, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, mà còn nhằm quốc tế hóa cuộc chiến tranh. Việc tạo dư luận còn nhằm mục đích làm cho đối phương bị lung lạc về tinh thần, tư tưởng, dẫn đến sự chia rẽ và bị giảm sức đề kháng. Nói cách khác, bước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phục vụ cho ý đồ tiến công chớp nhoáng, đưa đối phương và dư luận quốc tế vào "sự đã rồi" không kịp phản ứng, là một trong những biểu hiện trước hết của các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Tính chất của các cuộc chiến tranh trong tương lai, cũng giống như trước đây, do mục đích chính trị của cuộc chiến tranh quyết định. Mục đích chính trị của cuộc chiến tranh càng kiên quyết bao nhiêu thì tính chất của chiến tranh và ĐTVT càng quyết liệt bấy nhiêu. Tính chất của chiến tranh đã và vẫn sẽ được xem xét như là một tổng thể các nét, thuộc tính và đặc điểm có tính đặc trưng, phản ánh cụ thể các mặt chính trị-xã hội và chiến lược của cuộc chiến tranh đó. Tuy nhiên, xét về kiểu loại, có chiến tranh truyền thống và chiến tranh phi truyền thống, là một biểu hiện quan trọng của các cuộc chiến tranh và XĐVT trong tương lai.

Chiến tranh truyền thống chiếm địa vị then chốt trong các cuộc chiến tranh và XĐVT trong tương lai. Chúng giống các cuộc chiến tranh trước đây ở chỗ, biểu hiện ra bên ngoài chủ yếu thông qua hình thức đối kháng bạo lực. Song hình thức đối kháng bạo lực của các cuộc chiến tranh trong tương lai có mức độ căng thẳng cao, mang tính tổng thể, bao trùm toàn bộ các môi trường địa-vật lý (đất liền, biển, bầu trời, vũ trụ và điện từ trường). Sự khác biệt đó bắt nguồn từ việc hai bên đối địch, nhất là bên xâm lược, sử dụng vũ khí công nghệ cao, phương tiện chiến tranh hiện đại, dẫn đến hai bên, hoặc bên có đủ điều kiện vận dụng phương pháp tác chiến mới -phương pháp tác chiến liên hợp. Phương pháp tác chiến liên hợp được hiểu là hành động tác chiến đồng thời của nhiều quân chủng, binh chủng, diễn ra đồng thời trong nhiều môi trường, tiến công đồng thời vào nhiều đối tượng mục tiêu với nhịp độ lớn, cường độ cao. Kẻ xâm lược (chiếm ưu thế về vũ khí, phương tiện chiến tranh so với đối phương), bằng hành động quân sự, ngay từ đòn tiến công đầu tiên (kéo dài chỉ vài ngày, thậm chí vài giờ đồng hồ), có thể giành được kết quả mang tính quyết định. Nói cách khác, nếu thiếu chủ động về chiến lược, đối phương sẽ khó giáng trả được đòn tiến công đầu tiên của kẻ thù. Dĩ nhiên, sự chủ động về chiến lược ở đây biểu hiện ở chính sách quốc phòng từ thời bình trong mối liên hệ với kinh tế, xã hội, ngoại giao và nhiều mặt khác của quốc gia.

Đi đôi với việc đề ra chính sách quốc phòng phù hợp, để đối phó với những đòn tập kích mang tính tổng thể của đối phương, quốc gia bị uy hiếp tiến công quân sự còn phải đặc biệt chú ý đến việc phát triển lý luận quân sự và huấn luyện quân sự. Theo một số nhà lý luận quân sự Nga, những khái niệm cơ động, tập kích, đảm bảo toàn diện và bảo vệ hiện nay cần được chuyển hóa thành cơ động chiếm ưu thế, trận đánh chính xác cao, đảm bảo toàn diện có định hướng và bảo vệ tổng thể. Mặt khác, khi tính đến những dự báo về nội dung chiến tranh và XĐVT trong tương lai gần, cần thấy rằng, phương thức quan trọng nhất trong sử dụng lực lượng vũ trang cấp chiến lược sẽ là kiềm chế chiến lược. Khái niệm kiềm chế chiến lược được hiểu là hành động phối hợp, có định hướng tất cả các biện pháp (trinh sát, phản gián, chuẩn bị lực lượng chiến lược và lực lượng thông thường, chuẩn bị vũ khí trang bị và chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị tinh thần cho lực lượng vũ trang và tinh thần cho người dân), được xây dựng, huấn luyện theo một kế hoạch, một ý định thống nhất. Kiềm chế chiến lược là cơ sở triển khai chiến lược. Mọi cuộc chiến tranh và XĐVT, dù quy mô và tính chất thế nào đi nữa, trước khi chúng nổ ra vẫn có giai đoạn trước đó - giai đoạn nguy cơ cao. Lực lượng vũ trang chiến lược cùng các lực lượng khác và vũ khí, phương tiện phải luôn luôn sẵn sàng để đảm bảo việc triển khai chiến lược được thực hiện trong giai đoạn nguy cơ cao - có thể triển khai một phần hoặc triển khai quy mô lớn tùy thuộc vào quy mô và tính chất đụng độ quân sự sắp diễn ra. Tuy nhiên, sẽ có không ít mâu thuẫn trong triển khai chiến lược. Triển khai sớm nhằm giành thế chủ động, song dễ bộc lộ ý định và khó bảo toàn lực lượng; ngược lại, triển khai muộn, bên bị tiến công không có thời cơ giáng trả địch, thậm chí bị địch đè bẹp ý chí kháng cự. Vì vậy, bên bị uy hiếp tiến công không chỉ chú trọng cơ động, mà còn phải chú trọng cơ động chiếm ưu thế, đảm bảo giải quyết mâu thuẫn do hai bên đối địch gây nên và giành quyền chủ động trong cuộc chiến tranh hay XĐVT.

Chiến tranh phi truyền thống sẽ chiếm địa vị quan trọng trong các cuộc chiến tranh và XĐVT trong tương lai. Đây là  hình thức đối kháng mới - hình thức đấu tranh vũ trang phi bạo lực, nói đúng hơn, hành động bạo lực không được sử dụng đến, hoặc chỉ đóng vai trò nhất định nào đó.

Nhà quân sự người Đức Clau-dơ-vít (1780-1831) cho rằng, để đạt mục đích buộc đối phương phải ký hoà ước theo những điều kiện do bên chiến thắng đặt ra, người ta thực hiện bằng 2 con đường (biện pháp): tiêu diệt đối phương về mặt chính trị; loại bỏ khả năng kháng cự của đối phương.

Biểu hiện của chiến tranh phi truyền thống ngày nay và kể cả trong tương lai là kẻ xâm lược làm suy yếu một quốc gia (đối tượng xâm lược của nó). Trước hết, bằng các hình thức tác động vào tâm lý, đạo đức - tinh thần của người dân và tác động vào khí hậu, kẻ xâm lược làm suy yếu toàn diện bên trong quốc gia đó. Kết hợp các hình thức đó, kẻ xâm lược còn tổ chức thành lập và đẩy mạnh hoạt động của lực lượng đối lập bên trong quốc gia đối phương. Lực lượng này sẽ tiến công vào ý thức hệ, làm cho đối phương sụp đổ về ý thức hệ và chệch hướng phát triển; đồng thời, nó bí mật chia rẽ và thổi bùng ngọn lửa bất hoà trong nội bộ dân tộc và trong các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo bằng chiến lược “Diễn biến hoà bình”. Cùng với làm suy yếu toàn diện bên trong, kẻ địch cũng có thể làmsuy yếu vị thế bên ngoài của đối phương bằng việc phong tỏa tài chính để thâu tóm toàn bộ nguồn dự trữ; sử dụng các nước đồng minh để trừng phạt thương mại, bao vây, cấm vận..., nhằm cô lập, loại trừ sự giúp đỡ từ bên ngoài đối với quốc gia đó. Đến đây, tùy thuộc vào kết quả đạt được, kẻ xâm lược sẽ quyết định việc có phát động cuộc xâm lăng bằng hành động bạo lực, hoặc chỉ dùng bạo lực để hỗ trợ. Nếu đối tượng xâm lược đã chịu khuất phục, kẻ xâm lược đã đạt được mục đích chính trị, thì chiến tranh cũng không còn cần thiết phải nổ ra nữa.

Sự xuất hiện và phổ biến rộng rãi các phương tiện ĐTVT mới như: vũ khí sinh học, vũ khí gen, vũ khí làm biến đổi khí hậu và các phương tiện phi bạo lực khác làm nảy sinh những hình thức ĐTVT mới; do đó, làm cho địa vị của chiến tranh phi truyền thống ngày càng trở nên quan trọng. Trong số những loại vũ khí phi truyền thống không có tính chất bạo lực, cần phải kể đến loại vũ khí làm biến đổi khí hậu. Loại vũ khí này sẽ được sử dụng trong tương lai để gây ra các trận mưa bão làm ngập lụt, thậm chí làm nhấn chìm cả một vùng lãnh thổ của đối phương, gây khó khăn cho đối phương trong việc cơ động lực lượng và các phương tiện vũ khí hạng nặng, cũng như sơ tán người dân. Chúng có thể được sử dụng làm sạch mây ở trên khu vực dự định ném bom để làm tăng độ chính xác các đòn tập kích của máy bay. Loại vũ khí làm biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh tương lai. Những hình thức đấu tranh phi bạo lực, đặc biệt là tác động thông tin, tâm lý và tài chính, về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính chất của ĐTVT.

Tuy nhiên, hình thức đối kháng chủ đạo của các cuộc chiến tranh và XĐVT trong tương lai gần vẫn là những hành động bạo lực. Chúng mở đầu và kết thúc bằng bạo lực, sử dụng lực lượng vũ trang là chủ yếu. Còn các hình thức đấu tranh về chính trị-ngoại giao, kinh tế và các phương tiện, cũng như biện pháp tác động khác lên đối phương sẽ đóng vai trò quyết định trong giai đoạn ngăn ngừa chiến tranh. Để có thể ngăn ngừa chiến tranh, không có gì tốt hơn là chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Theo đó, quốc gia dễ bị trở thành đối tượng xâm lược cần có hệ thống các biện pháp, bao gồm cả chính trị, pháp lý, kinh tế, quân sự và các biện pháp khác nhằm kịp thời giải quyết các mâu thuẫn khách quan và vô hiệu hóa các yếu tố chủ quan có thể trở thành nguyên nhân gây ra chiến tranh hoặc XĐVT. Tuy vậy, chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào mục đích chính trị và lòng tham vô đáy của kẻ xâm lăng. Trong tương lai gần, sức mạnh quân sự vẫn đóng vai trò quyết định thành bại trong chiến tranh. Kẻ có dã tâm xâm lược, nhiều khả năng sẽ đồng thời áp dụng cả kiểu chiến tranh truyền thống và chiến tranh phi truyền thống. Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền quốc gia, các nước có nền kinh tế kém phát triển và dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của những cuộc chiến tranh, XĐVT ăn cướp, phải tìm mọi cách giảm các mối đe dọa, giảm nguy cơ chiến tranh; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về vật chất, tinh thần để ứng phó với chiến tranh hoặc XĐVT.

Đại tá LÊ XUÂN KHANH

Trung tâm Thông tin khoa học quân sự - BQP

 

Ý kiến bạn đọc (0)