QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 01:05 (GMT+7)
Một số biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở Đơn vị Phòng không H.38

Đơn vị H.38 thuộc Đoàn Phòng không B.63 được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời Đông Bắc của Tổ quốc; phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị bạn trên địa bàn sẵn sàng ứng phó với các tình huống trên không và mặt đất. Đặc điểm, đồng thời cũng là những khó khăn của đơn vị là quân số so với biên chế còn thiếu; trang bị, khí tài qua sử dụng nhiều năm, cộng với sự tác động của khí hậu, thời tiết miền ven biển làm cho độ ổn định không cao, nhanh xuống cấp. Mặt khác, các phân đội đóng quân xa trung tâm chỉ huy, trong khi tác chiến phòng không đòi hỏi sự hiệp đồng rất chặt chẽ,... Nhận thức rõ những khó khăn đó, lãnh đạo chỉ huy Đơn vị đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát huy ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao của mỗi cá nhân, phân đội. Vì vậy, Đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Nhiều năm liền, Đơn vị được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”, “Đơn vị SSCĐ tốt”, “Đơn vị có phong trào thi đua xuất sắc”. Từ năm 1998 đến năm 2006, Đơn vị liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; năm 2005 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...

Thành tích trên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều biện pháp đồng bộ, mà trước hết là, Đơn vị đã tổ chức tốt việc quán triệt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Hằng năm, trước mỗi giai đoạn huấn luyện, Đơn vị tập trung quán triệt sâu sắc mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của cấp trên; giáo dục cho mỗi người thấy rõ “huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm của đơn vị trong thời bình”. Từng phân đội tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ thảo luận dân chủ, bàn biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ; xây dựng bản cam kết thi đua với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể. Với quyết tâm không để bị bất ngờ đối với các tình huống trên không, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ các quy định về SSCĐ như: “4 biết trong quản lý vùng trời”; “chỉ lệnh 60 trong xử lý tác chiến phòng không”; các nhiệm vụ SSCĐ đột xuất bảo vệ các đoàn khách quốc tế, các kỳ họp quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các ngày lễ lớn của đất nước... Đồng thời, giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin vào vũ khí, khí tài hiện có và khả năng hoàn thành nhiêm vụ của đơn vị, kể cả khi phải đối phó với tình huống chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Đơn vị tập trung nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của đơn vị; gắn công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị huấn luyện giỏi, SSCĐ tốt. Mặt khác, Đơn vị còn tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; nhất là hiểu biết về đối tượng tác chiến của bộ đội Phòng không. Kiên quyết ngăn chặn những quan điểm sai trái, những biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ, mất cảnh giác, làm cơ sở xây dựng ý chí quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao trong huấn luyện, SSCĐ.
Cùng với giáo dục nhận thức, Đơn vị tập trung vào công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho huấn luyện. Hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, Đơn vị tổ chức kiểm tra mặt bằng kiến thức cho mọi đối tượng, đánh giá thực chất trình độ chuyên môn của mỗi quân nhân; rút kinh nghiệm công tác huấn luyện năm vừa qua, từ đó đề ra những biện pháp phù hợp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, SSCĐ. Công tác chuẩn bị được chú trọng mọi mặt, từ con người, trang bị, khí tài đến thao trường, bãi tập; tích cực làm mới nhiều mô hình học cụ, góp phần nâng cao tính thiết thực, vững chắc trong quá trình huấn luyện. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được Đơn vị quan tâm thực hiện đầy đủ, đúng thành phần, thời gian quy định. Nội dung tập huấn luôn chú trọng vào những vấn đề mới và giải quyết những khâu yếu, mặt yếu trong huấn luyện mà năm trước còn mắc phải.
Trong quá trình huấn luyện, Đơn vị luôn bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, vận dụng đúng các nguyên tắc, chế độ huấn luyện, quy trình huấn luyện kíp chiến đấu 4 bước; lấy huấn luyện cán bộ, kỹ thuật viên làm trọng tâm, huấn luyện kíp chiến đấu, kíp trực ban Sở chỉ huy là trọng điểm. Thực hiện nghiêm chế độ phê chuẩn kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện, kiểm tra và thông qua giáo án theo phân cấp chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Vì vậy, công tác huấn luyện của Đơn vị luôn bảo đảm tính thống nhất trong từng nội dung, thời gian. Để phát huy được vị trí, khả năng và thế mạnh của từng cán bộ, các phân đội đều thành lập các tổ giáo viên, như tổ giáo viên chính trị, tổ giáo viên điều lệnh, tổ chuyên ngành trong xe điều khiển; tổ đảm bảo kỹ thuật,...
Là đơn vị kỹ thuật nên huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành có vị trí hết sức quan trọng. Nó không chỉ là yêu cầu, chỉ tiêu trong huấn luyện mà còn là cơ sở để nâng cao chất lượng huấn luyện chiến thuật. Nhận thức rõ ý nghĩa đó, Đơn vị đã chú trọng huấn luyện kỹ thuật cơ bản, bảo đảm cho mọi quân nhân đều sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị hiện có; biết phát huy tính năng của vũ khí, khí tài. Đồng thời, có hiểu biết về tính năng kỹ thuật của các loại vũ khí công nghệ cao và thủ đoạn tác chiến của địch. Do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên Đơn vị đã kết hợp lồng ghép nội dung huấn luyện với thời gian nổ máy làm công tác bảo quản, bảo dưỡng tuần, tháng. Hằng ngày, các phân đội tận dụng thời gian làm công tác chuẩn bị chiến đấu vào buổi sáng và buổi chiều để tổ chức huấn luyện cho bộ đội. Quá trình huấn luyện, Đơn vị chú trọng tổ chức theo đúng quy trình 4 bước, thuần thục thao tác cá nhân và hiệp đồng phân đội, hiệp đồng toàn kíp đánh trả địch tập kích đường không trong các tình huống bay thấp, đột nhập, trong đó chú trọng huấn luyện đánh mục tiêu bay nhiễu, mục tiêu mang tên lửa chống ra-đa, mục tiêu có tín hiệu phản xạ nhỏ, đánh bằng quang truyền hình... Để nâng cao khả năng hiệp đồng chiến đấu, mỗi tháng, Đơn vị tổ chức huấn luyện tập trung một lần cho các kíp chiến đấu, thời gian từ 3-5 ngày, kết hợp tổ chức hội thao kíp chiến đấu; qua đó rút kinh nghiệm cho các tháng tiếp theo. Trên cơ sở chương trình quy định, Đơn vị luôn chú trọng tổ chức huấn luyện đêm; coi trọng cả huấn luyện kỹ thuật và huấn luyện chiến thuật. Những buổi huấn luyện đêm có tổ chức cơ động vũ khí, trang bị kỹ thuật được Đơn vị chuẩn bị chu đáo, nhất là khâu bảo đảm an toàn.
Trong huấn luyện chiến thuật, Đơn vị chú trọng đổi mới cả nội dung và tổ chức phương pháp; coi trọng huấn luyện tổ chức phòng tránh, đánh trả vũ khí công nghệ cao của địch. Tổ chức tốt ngay từ khâu huấn luyện đội ngũ chiến thuật, làm cơ sở cho diễn tập chiến thuật đạt kết quả tốt. Diễn tập chiến thuật còn được kết hợp với báo động chuyển trạng thái SSCĐ, hành quân cơ động, di chuyển Đơn vị ra khu tập trung; thực hiện ăn, ở dã ngoại từ 10-15 ngày. Đó cũng là dịp để kiểm tra khả năng cơ động của phương tiện, kiểm tra “sức bền” của bộ đội; đồng thời, nâng cao khả năng SSCĐ, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ các cấp. Năm 2006, Đơn vị diễn tập chỉ huy tham mưu có thực hành tiếp nhận động viên một phần thực binh làm điểm cho Quân chủng và diễn tập chỉ huy tham mưu 1 bên 2 cấp có một phần thực binh, kết quả đạt loại giỏi. Phân đội T.3 tổ chức diễn tập có bắn đạn thật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quân chủng tặng cờ “Đơn vị bắn giỏi”.
Cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện cho bộ đội thường trực, Đơn vị còn chú trọng đến công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Phối hợp với các địa phương, hằng năm Đơn vị đều tổ chức rà soát, thẩm tra nguồn dự bị động viên theo chỉ tiêu trên giao trước khi gọi tập trung huấn luyện. Vì vậy, tỷ lệ quân nhân dự bị động viên tập trung huấn luyện luôn đạt từ 95% trở lên. Do thời gian huấn luyện ngắn, trình độ của bộ đội không đồng đều nên Đơn vị chủ trương phải thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình, tận dụng thời gian, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện kỹ thuật với huấn luyện chiến thuật; tăng cường thời gian thực hành, tích cực bồi dưỡng ngoài giờ.
Một biện pháp quan trọng được lãnh đạo, chỉ huy Đơn vị quan tâm là tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, nhất là trong huấn luyện, SSCĐ. Quán triệt Chỉ thị 37/CT-ĐUQSTƯ của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Chỉ thị 85/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng và các chỉ thị của cấp trên, Đơn vị đã tập trung duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ngày, tuần, tháng; quản lý bộ đội, quản lý trang bị kỹ thuật; nâng cao trình độ tổ chức thực hiện chức trách được giao và duy trì chế độ mang mặc trang phục, lễ tiết tác phong đúng quy định. Để xây dựng nền nếp chính quy trong huấn luyện, SSCĐ, Đơn vị đã tổ chức chặt chẽ việc phân công, phân cấp quản lý, điều hành huấn luyện; duy trì nghiêm kỷ luật thao trường. Trong điều kiện quân số còn thiếu so với biên chế, Đơn vị đã ưu tiên bổ sung đủ cho các phân đội làm nhiệm vụ trực SSCĐ. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến; tăng cường công tác kiểm tra SSCĐ cả thường xuyên và đột xuất, nhất là đối với các phân đội làm nhiệm vụ trong ngày nghỉ, giờ nghỉ... Đơn vị chủ trương căn cứ vào tình hình thực tế của từng phân đội để xác định mặt cần tập trung đột phá, trong đó lấy xây dựng đại đội vững mạnh toàn diện làm cơ sở; thực hiện gắn xây dựng đại đội vững mạnh toàn diện với xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cùng với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, Đơn vị còn phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân trong tổ chức thực hiện các chế độ quy định, phổ biến, giáo dục pháp luật... phấn đấu giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật xuống dưới 0,2%, chấm dứt các vụ việc nghiêm trọng.
Là đơn vị thuộc binh chủng kỹ thuật, phải quản lý, khai thác và sử dụng, bảo quản một khối lượng lớn vũ khí, trang bị, nên Đơn vị luôn chú trọng nâng cao hiệu quả của vũ khí, trang bị. Điều này tác động rất lớn đến chất lượng và kết quả của công tác huấn luyện, SSCĐ. Trong điều kiện khí tài, xe máy qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp, vật tư, linh kiện, nguồn kinh phí bảo đảm còn nhiều khó khăn, nên công tác kỹ thuật của Đơn vị tập trung trước hết vào việc bảo quản, bảo dưỡng. Một mặt, duy trì nghiêm túc chế độ bảo quản, bảo dưỡng theo quy định; mặt khác, tích cực bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ của đội ngũ kỹ thuật viên, bảo đảm đủ khả năng sửa chữa hỏng hóc thông thường của vũ khí, trang bị. Cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và An toàn giao thông" được Đơn vị thường xuyên thực hiện tốt đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần nâng cao tuổi thọ của vũ khí, trang bị. Điển hình là sáng kiến làm giá sửa chữa khối quang truyền hình (TBK); giá sửa chữa khối đơn vị hệ thống vi cô (BUCO) đài 1, hệ thống chống sét của khu trung tâm thông tin chỉ huy, mô hình khí tài huấn luyện...
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ Đơn vị H.38 quyết tâm phấn đấu đạt thành tích cao hơn nữa trong huấn luyện, SSCĐ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thượng tá Đào Trọng Anh
Chỉ huy trưởng Đơn vị
 
Ý kiến bạn đọc (0)