Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:35 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Ngày 21-10 vừa qua, với cái nhìn thiếu khách quan và sai lệch, nặng thành kiến, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết HR- 672 có nội dung xuyên tạc tình hình sử dụng Internet ở Việt Nam, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Đây là một nghị quyết đi ngược lại lợi ích và mối quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nội dung Nghị quyết này thực ra không có gì mới; bởi nó đã từng được một nhóm dân biểu, trong đó có bà Loretta Sanchez (đại diện của một phần cộng đồng người Việt ở Mỹ vốn bị một số thế lực chống Cộng chi phối), đưa ra trong thư gửi 3 tập đoàn Internet hàng đầu thế giới là Google, Microsoft và Yahoo đầu tháng 4 năm nay để mong nhận được sự trợ giúp. Thế nhưng, các tập đoàn Internet này cũng chẳng mấy mặn mà. Đại diện Yahoo Việt Nam đã thẳng thừng nói với BBC rằng: “Yahoo không tiết lộ thông tin cho phía bên ngoài. Một trong những điểm chúng tôi khẳng định là sẽ giữ đúng cam kết đó đối với khách hàng”.
Trước việc một nhóm những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam để tuyên truyền, kích động, tập hợp lực lượng, nhen nhóm thành lập tổ chức chống lại chính quyền nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bị bắt mới đây, như Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim..., các dân biểu này lại gây sức ép để Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết đầy tai tiếng; bởi nó phản ánh sai lệch tình hình thực tế ở Việt Nam, vừa thiếu khách quan, vừa can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, không phù hợp với thông lệ quan hệ giữa các nước. Phải chăng, đây là một sự ủng hộ tinh thần, nhằm lên “dây cót” cho các phần tử nói trên, khi chúng sắp bị đưa ra xét xử? Có thể khẳng định ngay rằng, đây là cách làm cũ của một số chính khách Mỹ thiếu thiện cảm với sự phát triển của Việt Nam, lo sợ sự phát triển quan hệ Việt- Mỹ, nên đã cố tình xuyên tạc sự thật; và chẳng có gì lạ, khi biết rằng, Nghị quyết nói trên được thông qua dưới sự bảo trợ và vận động của nữ nghị sĩ Loretta Sanchez, một chính khách luôn có thái độ định kiến và chống Việt Nam. Ngay trước phiên điều trần của Quốc hội Mỹ ngày 14-10, văn phòng của dân biểu này đã ra thông cáo báo chí nói bừa rằng: “Trong khi thế giới coi Internet là phương tiện liên lạc tuyệt vời để chia sẻ thông tin, phát triển kinh tế xã hội, giúp con người xích lại gần nhau, chính phủ Việt Nam coi mạng thông tin này là mối đe dọa”, và rằng: “Người dân Việt Nam không được quyền sử dụng Internet như một phương tiện trao đổi và phổ biến tin tức, truyền bá và cổ vũ cho những nền tảng tự do căn bản của con người, và hơn thế nữa như một cách để bày tỏ sự suy nghĩ cũng như chính kiến của mình”. Hỡi ôi, bà Sanchez ơi! Bà không ngượng mồm hay sao, khi bà đã từng tới Việt Nam, đã từng dạo phố và thấy nhan nhản các quán Internet (cả trên các đường phố chính và trong các ngõ nhỏ), mà người truy cập ở nhiều địa điểm nhộn nhịp đến cả nửa đêm; thêm nữa, gần đây, chính Tổ chức Viễn thông quốc tế (ITU) đã coi Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ phát triển Internet cao nhất thế giới, giai đoạn 2002- 2007. Tại Diễn đàn công nghệ thông tin (IT) thế giới 2009 tổ chức tại Hà Nội, ông phó Tổng thư ký Liên đoàn Viễn thông quốc tế của Liên hợp quốc Zhao Houlin đã phát biểu với hãng AFP rằng: “Việt Nam gần như dẫn đầu khu vực về tốc độ phát triển IT. Trong 5 năm qua, các công nghệ truyền thông và thông tin của Việt Nam bao gồm cả mạng điện thoại di động, cố định, Internet và băng thông rộng đã phát triển nhanh hơn nhiều quốc gia châu Á khác. Trong một số lĩnh vực như tiếp cận và sử dụng IT, Việt Nam thậm chí đã vượt cả Phi-lip-pin, dù 5 năm trước, Phi-lip-pin dẫn trước Việt Nam rất, rất nhiều”1. Thế là đã rõ, nếu chính phủ Việt Nam coi Internet là mối đe dọa và người dân không được quyền sử dụng Internet, thì làm sao ông Zhao Houlin lại có thể phát biểu như vậy; làm sao mà Internet lại phát triển nhanh và mạnh như thế ở Việt Nam được nhỉ?
Thực tế sự phát triển mạnh mẽ các dịch vụ Internet ở Việt Nam, như chính các tổ chức quốc tế nói trên khẳng định, đã bác bỏ những lời cáo buộc vô căn cứ của bà Sanchez và Nghị quyết HR- 672 nói trên của Hạ viện Hoa Kỳ. Theo thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến nay, Việt Nam đã có khoảng 22 triệu người sử dụng Internet, chiếm 25,6% dân số và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới. Đây là tỷ lệ khá cao, nếu so sánh với một số nước được coi là có sự phát triển khá trong khu vực, như: Thái Lan (17,9%), In-đô-nê-xi-a (13,9%) và cao hơn mức trung bình của châu Á (18,17%) cũng như của các nước Đông Nam Á (15,54%). Hầu hết các dịch vụ Internet đều được triển khai ở Việt Nam với chất lượng ngày càng cao, thuận tiện hơn cả nhiều nước khác. Ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố, thị xã, thị trấn, bên cạnh số các gia đình kết nối Internet ngày càng tăng nhanh, đâu đâu cũng có điểm truy cập Internet công cộng. Đó là các quán cafe Internet, đại lý Internet, các điểm đăng ký du lịch, khách sạn, nhà hàng, v.v; ở nhiều nơi, khách hàng còn được truy cập Internet miễn phí, được sử dụng dịch vụ WiFi vô cùng thuận tiện. Các địa điểm truy cập Internet ở Việt Nam không chỉ có mặt ở các tỉnh, thành phố lớn, mà ngay ở các tỉnh miền núi, người dân cũng được sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng. Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, nhiều điểm bưu điện - văn hóa xã ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi cũng đã được nối mạng để nông dân có thể sử dụng các tiện ích của Internet. Tổng công ty viễn thông Quân đội Viettel cũng đang thực hiện việc hỗ trợ đưa Internet tới tất cả các trường phổ thông để học sinh cả nước có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Internet. Ngay ngày 22- 10 vừa qua, trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates Hoa Kỳ tài trợ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm lễ bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống máy tính và công bố trang điện tử của Dự án phục vụ cộng đồng tại Thái Nguyên, Nghệ An, Trà Vinh. Sau lễ bàn giao này, dự án sẽ đào tạo 200 lớp máy tính và Internet căn bản cho hơn 4.000 người dân và các đại diện cộng đồng. Bên cạnh sự phát triển các điểm truy cập Internet cố định, việc 4 mạng di động: Vinaphone, Viettel, Mobifone, EVN Telecom đang triển khai cung cấp dịch vụ 3G trên thị trường Việt Nam là một minh chứng nữa về sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra nhiều cơ hội cho người dân sử dụng các tiện ích của Internet (3G là một phương thức hiệu quả để đưa Internet từ cố định sang di động; mang lại tốc độ truy cập Internet cao trên điện thoại di động). Ngày 12-10 vừa qua, Vinaphone đã triển khai cung cấp 3G tại 13 tỉnh, thành phố với 6 gói dịch vụ; trong đó có Mobile Internet (truy cập Internet tốc độ cao từ điện thoại), Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động). Viettel cũng dự kiến đưa vào phục vụ 30 triệu thuê bao dịch vụ này từ tháng 12 năm nay. Người sử dụng dịch vụ này chỉ cần đăng ký qua nhắn tin từ điện thoại di động. Thật là một tiện lợi vô cùng cho người dân sử dụng Internet ở Việt Nam đó, thưa bà Loretta Sanchez và đồng sự.
Nói về việc sử dụng rộng rãi Internet ở Việt Nam, cũng cần phải nhắc tới sự phát triển mạnh mẽ các trang thông tin điện tử của các tổ chức, cá nhân với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, góp phần tích cực vào sự phát triển về kinh tế, văn hóa, tinh thần của xã hội. Chính phủ và nhiều Bộ, ngành đã tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến với người dân qua mạng Internet; các cổng điện tử của Chính phủ, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) đã được thiết lập và đi vào hoạt động, thực sự góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đem lại nhiều thuận lợi cho người dân. Sự bùng nổ cộng đồng mạng, với các blogger đủ mọi lứa tuổi những năm qua cũng là minh chứng hiển nhiên cho sự phát triển của Internet ở Việt Nam. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Kết quả điều tra 1.600 doanh nghiệp trên cả nước của Bộ Công thương trong năm nay cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đã triển khai ứng dụng thương mại điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp đã xây dựng mạng nội bộ năm 2008 đạt trên 88%; đến thời điểm hiện nay, đã có 99% doanh nghiệp kết nối Internet, trong đó, kết nối băng thông rộng đạt 98%; tỷ lệ doanh nghiệp có website năm 2008 đạt 45% so với 7% năm 2007; theo đó, người tiêu dùng mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến. Đó là sự thật hiển nhiên, khó có thể bác bỏ, nếu không phải là những người cố tình đổi trắng thay đen.
Tất nhiên, cũng như quá trình toàn cầu hóa, Internet cũng có mặt trái của nó. Việc lợi dụng tự do dân chủ để tạo ra những trang thông tin có nội dung xấu độc, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng- an ninh của quốc gia; phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc... cần phải được ngăn chặn. Bất cứ nước nào, và ngay cả ở Mỹ cũng thế, ai vi phạm pháp luật cũng đều phải bị xử lý với những hình thức thích hợp. Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim... bị bắt và bị xử lý không phải vì họ là các blogger như cáo buộc của bà Sanchez và Nghị quyết HR- 672 nêu ra; mà bởi họ đã có những hành động tuyên truyền, kích động, tập hợp lực lượng với âm mưu lật đổ chính quyền hiện hành. Nhiều lần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố: ở Việt Nam, không có ai bị bắt, giam giữ và bị xét xử vì bày tỏ chính kiến; còn những ai vi phạm pháp luật Việt Nam hiện hành, tất nhiên phải chịu những điều chỉnh của pháp luật tương thích với tội lỗi của họ. Đó là việc làm không chỉ ở Việt Nam, mà ở nước nào cũng vậy. Việc nhận tội của các phần tử nói trên đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua là rất rõ ràng, không thể chối cãi.
Đối với việc thành lập Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử ở Việt Nam, mà Nghị quyết HR- 672 cũng cáo buộc là nhằm để giới hạn tự do Internet thì quả thực là sự vi phạm trắng trợn công việc nội bộ của Việt Nam. Cần nói lại cho rõ rằng, việc thành lập bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào là quyền của mỗi quốc gia. Ngay sau sự kiện 11-9-2001, Tổng thống đương nhiệm G. Bush cho thành lập Phòng An ninh nội địa (sau này hình thành Bộ Nội an) để điều hợp các nỗ lực an ninh trong nước cũng là một việc làm bình thường, thuộc quyền của nước Mỹ. Mặt khác, bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào được lập ra đâu chỉ nhằm mục đích hạn chế, kiểm soát; quan trọng hơn là để bảo đảm xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các lĩnh vực liên quan một cách lành mạnh, đúng pháp luật. Chính nước Mỹ cũng có cơ quan quản lý về phát thanh, truyền hình. Không lẽ như vậy cũng là để hạn chế sự phát triển của phát thanh, truyền hình nước này hay sao? Còn về quản lý Internet, thì bất cứ nước nào cũng đều phải có các biện pháp bảo vệ sự ổn định của xã hội, bản sắc văn hóa của dân tộc, quốc gia mình, nhất là bảo vệ thế hệ trẻ trước những tác động mặt trái của Internet; bởi nước nào cũng thừa nhận: Internet có tính hai mặt. Trong khi khuyến khích những mặt tốt của Internet, cần có biện pháp ngăn chặn những thông tin độc hại, như những hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, kích động chống đối, bạo loạn, gây chia rẽ dân tộc mà bất cứ quốc gia nào cũng đều làm, chứ không riêng gì Việt Nam. Điều này chắc hẳn các ngài nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ đều tỏ tường!
Với việc thông qua Nghị quyết HR- 672, Hạ viện Mỹ đã đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; làm cho người dân Việt Nam khó có thể tin vào những lời hứa hẹn của Mỹ trong các quan hệ hợp tác, khi họ thường “nói một đằng, làm một nẻo”.
NGUYỄN NGỌC
___________
1- Báo Tin tức, thứ năm, ngày 27 tháng 8 năm 2009.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011