Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:36 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
LTS. Xuất phát từ vị trí quan trọng của lực lượng dân quân, tự vệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để giúp bạn đọc có thêm cơ sở tham khảo, nghiên cứu những mô hình xây dựng lực lượng này trong điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Tạp chí Quốc phòng toàn dân (số 10, 11 - 2009) sẽ lần lượt đăng bài của tác giả Mạnh Hùng, Mạnh Dũng về mô hình xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ ở Quảng Ninh - nơi hội tụ phong phú đặc điểm địa lý, dân cư và các ngành, nghề trong cả nước.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tỉnh Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế- xã hội và quốc phòng-an ninh (QP-AN) đối với Quân khu 3 và cả nước. Địa hình của Tỉnh đa dạng, có vùng núi, đồng bằng và biển; có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp khai khoáng, kinh tế biển và du lịch; nhân dân giàu truyền thống cách mạng, giai cấp công nhân được hình thành sớm, có số lượng đông, được tôi luyện, trưởng thành qua đấu tranh cách mạng. Lực lượng dân quân, tự vệ (LLDQTV) Quảng Ninh được xây dựng sớm; nhất là lực lượng tự vệ (LLTV) vùng mỏ được xây dựng và phát triển ngay sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản các mỏ than và tổ chức khai thác, sản xuất. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLDQTV Quảng Ninh được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp” ở các địa phương, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp; tổ chức từ cấp tiểu đội đến trung đoàn. LLDQTV đã lập nhiều chiến công, tham gia bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, chống phong tỏa đường biển; bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và là một trong những lực lượng nòng cốt phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh ở địa phương, cơ sở.
Bước sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước - các tiềm năng của Quảng Ninh được phát huy; kinh tế của Tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 13,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.206 USD. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; trong đó, xây dựng LLDQTV là một trong những vấn đề được Tỉnh đặc biệt quan tâm. Bám sát sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quảng Ninh tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức LLDQTV phù hợp với đặc điểm địa bàn và tình hình nhiệm vụ từng giai đoạn. Hiện nay, tỷ lệ DQTV so với số dân được duy trì ở mức 1,78% (dân quân: 1,1%; tự vệ: 7,3%). Chất lượng chính trị của DQTV từng bước được nâng lên; đảng viên đạt 22,6%, đoàn viên đạt 56,1%; quân nhân chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ chiếm 16%. Quy mô tổ chức: từ tổ đến cấp trung đội đối với dân quân và từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn đối với tự vệ. LLDQTV nòng cốt của Quảng Ninh được tổ chức thành lực lượng cơ động (22,3%) và lực lượng tại chỗ (77,7%); trong đó có thành phần bộ binh và binh chủng. Ngoài ra, Tỉnh còn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân (LLDQ) rộng rãi, sẵn sàng huy động, mở rộng lực lượng nòng cốt và bổ sung cho bộ đội địa phương khi cần thiết. Đáng chú ý là, xuất phát từ đặc điểm địa lý, tính chất đa dạng của địa hình và trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, Quảng Ninh đã có những chủ trương, giải pháp xây dựng LLDQTV sáng tạo, phù hợp; gồm nhiều loại hình tổ chức, trong đó có những mô hình đạt hiệu quả cao, cần được nghiên cứu, trao đổi và nhân rộng.
MÔ HÌNH TỔ CHỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN
Quán triệt quan điểm của Đảng, tỉnh Quảng Ninh chủ trương: xây dựng LLDQ “vững mạnh, rộng khắp”, phù hợp với đặc điểm địa bàn và nhiệm vụ QP-AN; gắn việc xây dựng với nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Theo đó, trong quá trình thực hiện, các địa phương trong Tỉnh đã chú trọng tổ chức chặt chẽ ở tất cả các loại hình, các địa bàn, cả dân quân biển, dân quân các xã biên giới và các xã (phường, thị trấn) nội địa; đồng thời, chăm lo xây dựng cả về tổ chức, huấn luyện, bảo đảm chế độ, chính sách... Năm 2000, Quảng Ninh đã nghiên cứu và từng bước tiến hành xây dựng tổ, tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ ở các thôn, bản, khu phố. Đây là cách làm mới, sáng tạo của Quảng Ninh, xét về mặt tổ chức dân quân (các địa phương khác chỉ tổ chức đơn vị dân quân ở cấp xã, còn ở thôn (bản, khu phố) tuy có dân quân nhưng có thể không tổ chức thành tổ, tiểu đội dân quân). Cũng vì thế, năm 2003, Quảng Ninh vinh dự được Bộ Quốc phòng chọn đăng cai Hội nghị DQTV toàn quốc về mô hình tổ chức, quản lý trên. Sau một thời gian triển khai thực hiện, đã xuất hiện những mô hình đạt chất lượng, hiệu quả cao; nhiều đơn vị dân quân đã trở thành điển hình trong xây dựng và hoạt động, như: dân quân biển phường Hùng Thắng, phường Cao Xanh (thành phố Hạ Long); dân quân biên giới xã Hải Hòa (thành phố Móng Cái); dân quân xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên)...
Mô hình dân quân biển.
Quảng Ninh có bờ biển dài 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.000 km2, có trên 2.000 hòn đảo lớn, nhỏ; có Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, mỗi năm thu hút trên 1 triệu khách du lịch. Vì vậy, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân biển ở Quảng Ninh có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Thực tế, DQTV biển đã nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả, được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Điển hình là DQTV biển của huyện Hải Hà tham gia cứu nạn trong vụ cháy tàu cao tốc Đông Giang 1 ở khu vực đảo Cái Chiên, bảo đảm an toàn cho 20 hành khách (phần lớn là người nước ngoài); vụ cứu hộ tàu Bạch Đằng Giang (2,8 vạn tấn) bị nạn trên Vịnh Hạ Long...
Hiện nay, Tỉnh tổ chức 57 đơn vị DQTV biển, gồm 40 tiểu đội và 17 trung đội. Trong đó, riêng thành phố Hạ Long tổ chức 7 trung đội DQTV biển (có 2 trung đội dân quân và 5 trung đội tự vệ). Từ năm 2007 đến nay, công tác huấn luyện dân quân của thành phố Hạ Long được tổ chức theo mô hình cụm DQTV, do Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Thực tế cho thấy, với hình thức tổ chức cụm, Thành phố có điều kiện chuẩn bị chu đáo các mặt, nhất là đội ngũ giáo viên và vật chất bảo đảm; nhờ vậy, chất lượng huấn luyện, diễn tập có chuyển biến tích cực. Nội dung huấn luyện tập trung vào phương pháp hoạt động chiến đấu trị an trên biển, thực hành các bài bắn mục tiêu trên không, trên biển...; đồng thời, kết hợp chặt chẽ huấn luyện với luyện tập các phương án chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn trên biển... Trong thời gian tập trung huấn luyện, các đơn vị thực hiện ăn ở dã ngoại ngoài biển; kết hợp giữa huấn luyện với làm công tác dân vận, thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ gia đình chính sách và hộ nghèo...
Phường Hùng Thắng (thành phố Hạ Long) gồm 8 khu phố: 4 khu phố ven biển và 4 khu phố thuộc các đảo. LLDQ của Phường là một trong những đơn vị điển hình trong nhiều năm vừa qua. Mô hình tổ chức của dân quân Phường gồm: 1 trung đội dân quân biển (trong đó có 1 tiểu đội dân quân thường trực); 1 trung đội dân quân cơ động và các tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ ở 8 khu phố. LLDQ được bảo đảm đầy đủ chế độ theo quy định của Pháp lệnh DQTV; ngoài ra, cấp ủy, chính quyền Phường còn phối hợp với các đơn vị quản lý, hoạt động trên biển để tạo việc làm cho dân quân có thêm thu nhập, thông qua việc bảo vệ trong khu du lịch, tham gia công tác môi trường... và cho vay vốn sản xuất, động viên, hỗ trợ con dân quân trong học tập...
Mô hình dân quân xã biên giới.
Quảng Ninh có biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài 132,8km; có cửa khẩu quốc tế Móng Cái và 2 cửa khẩu quốc gia. Những năm gần đây, giao thương kinh tế giữa hai nước thông qua địa bàn Quảng Ninh có sự phát triển mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, mặt thuận lợi, tích cực là cơ bản, thì tình hình an ninh, trật tự, nạn buôn lậu qua biên giới (cả trên đất liền và trên biển) cũng diễn biến phức tạp. Vì vậy, Quảng Ninh đã chú trọng kết hợp công tác xây dựng LLDQ biên giới vững mạnh, gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.
Tổ chức của dân quân xã Hải Hòa (thành phố Móng Cái) gồm: 1 trung đội cơ động, trong đó có 1 tiểu đội thường trực; một số tiểu đội binh chủng và mỗi thôn tổ chức 1 tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ. Tiểu đội dân quân thường trực của xã có 40% là đảng viên, còn lại là đoàn viên ưu tú. Công tác tuyển chọn được thực hiện chặt chẽ, thống nhất, có tiêu chí rõ ràng về lý lịch, sức khỏe, trong độ tuổi quy định, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, được nhân dân tín nhiệm. Phương pháp tuyển chọn là: trên cơ sở “dân bầu, dân cử”, cấp ủy, trưởng thôn thông qua danh sách và báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Xã ra quyết định công nhận. Trong quá trình hoạt động, tiểu đội dân quân thường trực đã thực hiện tốt chức năng làm nòng cốt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”; phối hợp chặt chẽ với công an, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ xâm canh, xâm cư, đánh bắt hải sản trái phép, nhất là ở những khu vực nhạy cảm, như: bãi Tục Lãm, hòn Tài Sẹc...
Mô hình dân quân xã miền núi.
Đặc điểm chung của địa bàn này là diện tích rộng, mật độ dân số thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Do đó, cùng với xây dựng trung đội dân quân cơ động, các địa phương tập trung xây dựng và phát huy vai trò của tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ ở các thôn, bản.
Dân quân xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên) là một trong những điển hình đó. Xã Đông Ngũ gồm 14 thôn, bản; đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Mường) chiếm 49%; đời sống nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí thấp. Tổ chức dân quân của xã gồm 1 trung đội dân quân cơ động, các tiểu đội dân quân binh chủng và 14 tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ (ở 14 thôn, bản). Để bảo đảm ngân sách cho xây dựng và hoạt động của dân quân, trong điều kiện đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, Xã đã bám sát chủ trương của Tỉnh, sự chỉ đạo của Huyện, thực hiện tốt phương châm “Dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh DQTV, điều kiện địa bàn và thực tế nhu cầu bảo đảm cho huấn luyện, hoạt động của dân quân để thôn quyết định mức đóng góp phù hợp. Thực tế, do nhân dân thấy rõ hiệu quả hoạt động của dân quân và lợi ích được hưởng, nên việc bảo đảm chế độ cho hoạt động của dân quân được nhân dân tự giác thực hiện đầy đủ. Căn cứ vào đặc điểm địa bàn, hoạt động của dân quân xã Đông Ngũ đã tập trung vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan; đặc biệt là, dân quân đã tích cực tham gia công tác dân vận, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình đạt hiệu quả cao, quá trình tổ chức, xây dựng LLDQ ở Quảng Ninh cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số đơn vị dân quân tổ chức chưa chặt chẽ; việc biên chế cán bộ dân quân chưa ổn định, biến động; công tác quản lý chiến sĩ dân quân đi làm xa địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Biên chế tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ ở một số thôn (bản) chưa bảo đảm, có tiểu đội quân số chỉ từ 3 - 4 đồng chí. Chất lượng chính trị của các đơn vị dân quân chưa đều, tỷ lệ đảng viên ở một số đơn vị còn thấp; trong khi đó, công tác phát triển đảng viên trong dân quân chưa được quan tâm đúng mức. Trong công tác bảo đảm chế độ, chính sách, mặc dù Tỉnh đã vận dụng mức trợ cấp ngày công cho dân quân khi tham gia huấn luyện và huy động làm nhiệm vụ bằng 0,05 mức lương tối thiểu, nhưng so với giá trị ngày công lao động phổ thông thực tế trên địa bàn còn có sự chênh lệch lớn. Đối với những xã, thôn (bản) miền núi, kinh tế chưa phát triển, việc bảo đảm ngân sách cho hoạt động của dân quân còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Qua nghiên cứu, khảo sát mô hình tổ chức, xây dựng và hoạt động của LLDQ tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề sau:
Trên cơ sở Pháp lệnh DQTV và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước hoàn thiện tổ chức LLDQ phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn.
Về tổ chức: ngoài việc tổ chức LLDQ ở cấp xã (phường, thị trấn) như các địa phương khác trong cả nước (theo quy định của Pháp lệnh DQTV), Quảng Ninh còn tổ chức ở cấp huyện (thành phố, thị xã) và thôn (bản, khu phố); tức là tổ chức ở cả 3 cấp. Cụ thể: cấp huyện (thị xã, thành phố) tổ chức từ 1-2 trung đội dân quân cơ động (lấy từ các xã trung tâm) và các trung đội dân quân binh chủng; cấp xã tổ chức từ 1-2 trung đội cơ động và các tiểu đội binh chủng; các thôn, bản, khu phố tổ chức tổ, tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ. Đây là cách làm mới, sáng tạo của Quảng Ninh. Với cách tổ chức như vậy, sẽ bảo đảm ở các cấp đều có lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy: đối với các trung đội dân quân cơ động của huyện do Đảng ủy Quân sự, BCHQS huyện lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, kết hợp với sự quản lý thường xuyên của BCHQS xã địa bàn xây dựng lực lượng. Các trung đội dân quân cơ động và tiểu đội dân quân thường trực của xã do Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã lãnh đạo, chỉ đạo; BCHQS xã trực tiếp quản lý, chỉ huy. Các tổ, tiểu đội dân quân chiến đấu tại chỗ ở các thôn, bản, khu phố, đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ, sự chỉ đạo, điều hành của trưởng thôn và BCHQS xã.
Về công tác giáo dục, huấn luyện: thực hiện theo chương trình, nội dung quy định; tổ chức huấn luyện mô hình theo cụm xã, mỗi cụm có từ 5-7 đơn vị dân quân; kết thúc huấn luyện có bình xét thi đua; cuối năm tổ chức hội thao quốc phòng.
Về bảo đảm chế độ, chính sách: căn cứ vào Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của Chính phủ và tình hình thực tiễn, Tỉnh đã vận dụng mức trợ cấp ngày công cho dân quân khi tham gia huấn luyện và huy động làm nhiệm vụ bằng 0,05 mức lương tối thiểu (Pháp lệnh quy định 0,04). Tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo; thực hiện “xã hội hóa” công tác bảo đảm chế độ, chính sách theo phương châm “Dân bàn, dân cử, dân chăm lo”. Bảo đảm cho hoạt động của dân quân theo nguyên tắc, cấp nào điều động, cấp đó bảo đảm. Ngân sách bảo đảm thường xuyên: cấp nào tổ chức, cấp đó bảo đảm. Vũ khí, trang bị được quản lý tập trung ở cấp xã, huyện (thành phố, thị xã); có kế hoạch cấp phát cụ thể khi cần thiết. Cùng với vũ khí do trên cấp, các đơn vị còn chủ động trang bị nhiều công cụ hỗ trợ, vũ khí tự tạo...
(Số sau: Mô hình tổ chức lực lượng tự vệ và những bài học kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ ở Quảng Ninh).
MẠNH HÙNG, MẠNH DŨNG
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011