QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:46 (GMT+7)
Mô hình xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới ở tỉnh Tây Ninh
Tây Ninh là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, có 240 km đường biên giới, giáp với ba tỉnh phía đông Cam-pu-chia. Đây là địa bàn có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong thế trận phòng thủ của Tỉnh và của Quân khu 7. Quán triệt quan điểm của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, ngay từ năm 1993, sau khi triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc, Tỉnh ủy Tây Ninh đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã biên giới vững mạnh toàn diện. Nghị quyết nêu rõ: “tăng cường xây dựng và bảo vệ biên giới là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách và cơ bản lâu dài; phải đặc biệt coi trọng xây dựng các xã biên giới vững mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN và đối ngoại; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, nhất là lực lượng dân quân, tự vệ ở các xã, ấp biên giới vững mạnh, làm nền tảng cho việc xây dựng khu vực phòng thủ huyện, tỉnh vững chắc, đủ sức sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ thành quả lao động và cuộc sống yên lành của nhân dân”.

Để thực hiện chủ trương này, Tây Ninh đã tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới nhằm bảo đảm cho nhân dân yên tâm bám địa bàn, phát triển sản xuất, góp phần tăng cường sức mạnh QP-AN, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc là một biện pháp quan trọng. Điều đáng mừng là, sau khi có chủ trương của lãnh đạo Tỉnh, được Quân khu nhất trí, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, nhất là ở 5 huyện, 20 xã biên giới đều đồng lòng, tích cực tổ chức thực hiện. Tháng 3-1994, chốt dân quân thường trực đầu tiên ở cụm dân cư Bàu Năng (huyện Bến Cầu) được hình thành, đã nhanh chóng phát huy tác dụng. Lực lượng dân quân ở chốt này thường xuyên phối hợp với đồn Biên phòng tuần tra, canh gác; qua đó đã phát hiện, ngăn chặn và giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ vi phạm quy chế đường biên, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Từ những việc làm và hiệu quả hoạt động của chốt dân quân ở cụm dân cư Bàu Năng, nhiều bà con đã nói: “Có chốt dân quân, có đồn Biên phòng bảo vệ, không lo sợ trộm, cướp; trâu bò, gia súc, gia cầm của dân mặc sức sinh sôi nảy nở; dân bây giờ không lo sợ gì nữa, yên chí làm ăn”. Phát huy hiệu quả hoạt động của chốt dân quân thường trực ở Bàu Năng, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng chốt dân quân thường trực ở cụm dân cư Long Hưng (huyện Bến Cầu) để có thêm kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn tuyến biên giới. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, kiên quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham mưu đúng và trúng của Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh, của Ban chỉ huy Quân sự các huyện biên giới, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, đến cuối năm 2006, Tây Ninh đã xây dựng được 28 chốt dân quân thường trực nằm trong các cụm dân cư trên địa bàn 20 xã biên giới. Theo đánh giá của Quân khu, xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới ở Tây Ninh là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực trong tình hình hiện nay. Từ khi có lực lượng dân quân thường trực ăn ở tập trung, được trang bị vũ khí và huấn luyện tốt, ngày đêm tuần tra canh gác, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã, ấp biên giới đã yên tâm hơn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tốt hơn; vi phạm quy chế biên giới nơi đây giảm hẳn; nhân dân đã yên tâm tập trung đầu tư phát triển sản xuất, bám trụ lâu dài trên vùng đất “phên dậu” này.

Từ những việc làm và kết quả trong xây dựng, hoạt động của các chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới ở Tây Ninh, có thể khẳng định rằng, đây là một phương án khả thi cho công tác tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng ở cơ sở trong điều kiện hòa bình. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số việc làm cụ thể, cũng là những kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới ở Tây Ninh để cùng các địa phương tham khảo, nghiên cứu vận dụng.
Phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương đối với việc tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Thời gian đầu, khi Tỉnh có chủ trương này, ở địa phương và một số cơ sở vẫn còn không ít ý kiến của cán bộ và nhân dân cho rằng: trong tình hình hòa bình, ổn định, chưa có khả năng xảy ra xung đột vũ trang, lấn chiếm biên giới, thì không cần thiết phải tổ chức lực lượng dân quân thường trực ở địa bàn này, vừa rối bận thêm trong công tác quản lý, chỉ huy, điều hành, vừa tốn kém kinh phí bảo đảm nơi ăn, ở tập trung, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt, luyện tập, chi trả phụ cấp trách nhiệm... Trong khi đó, tình hình thực tế ở các xã biên giới tỉnh Tây Ninh cho thấy, rất cần thiết phải có chốt dân quân thường trực trong các cụm dân cư. Bởi vì, sau ngày quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia về nước (tháng 9-1989), tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới của Tỉnh rất phức tạp. Tình trạng xâm canh, xâm cư, vượt biên, buôn lậu, trộm cướp tài sản có vũ trang của nhân dân thường xuyên xảy ra, có lúc tạo nên những “điểm nóng”. Dọc theo tuyến biên giới, chỉ có một số đồn Biên phòng, bố trí cách nhau bình quân 25 km, nhiều nơi gần như bỏ ngỏ, không có dân, lực lượng quản lý, bảo vệ mỏng, yếu. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân, nhất là cấp cơ sở xã, ấp biên giới quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc; nhận thức đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, nhất là ở địa bàn biên giới; thấy rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Từ đó xác định trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cơ sở và toàn dân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy Quân sự các xã biên giới đã chủ động xây dựng kế hoạch, chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận dụng linh hoạt các bước tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới. Bước một, khảo sát, đánh giá thực trạng dân quân, đảng ủy xã  ra nghị quyết lãnh đạo. Đây là bước rất quan trọng, vì có đánh giá đúng tình hình thì mới đề ra được chủ trương, biện pháp chính xác. Lực lượng dân quân được rà soát lại toàn bộ; nghiên cứu, phân tích rõ mạnh, yếu, đánh giá đúng thực trạng trong mọi khâu, từng bộ phận và mọi cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở đó, đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo và đề ra biện pháp tổ chức xây dựng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của cơ sở. Bước hai, tổ chức hội nghị quân, dân, chính mở rộng để quán triệt nhiệm vụ, bàn biện pháp triển khai thực hiện. Tại hội nghị, đồng chí Bí thư đảng ủy phổ biến nghị quyết của đảng bộ; đồng chí Xã đội trưởng báo cáo thực trạng tình hình dân quân và kế hoạch tổ chức, xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư; sau đó hội nghị bàn biện pháp xây dựng chốt dân quân thường trực. Các nội dung trên được thảo luận kỹ, tạo sự nhất trí cao trong lãnh đạo và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện. Bước ba, họp nhân dân ở các cụm dân cư, quán triệt nhiệm vụ, bàn biện pháp xây dựng chốt dân quân thường trực. Nội dung họp nhân dân cũng là những vấn đề mà hội nghị quân, dân, chính đã bàn; chú trọng phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của nhân dân trong khi tham gia thảo luận để hoàn chỉnh các biện pháp tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư. Bước bốn, đảng ủy xã họp tổng hợp tình hình, quyết định phương hướng tổ chức, xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư. Căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan quân sự tỉnh, huyện, vào ý kiến của nhân dân, kết quả tuyển chọn dân quân thường trực từ lực lượng dân quân của cơ sở, đảng ủy xã họp quyết định phương hướng tổ chức xây dựng chốt dân quân thường trực trong các cụm dân cư, bao gồm quy mô, số lượng, chất lượng, phương thức huấn luyện, hoạt động... Qua nhiều năm tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm, đến nay Tây Ninh đã xây dựng được mô hình thống nhất: mỗi xã biên giới tổ chức một trung đội dân quân cơ động, trong đó mỗi cụm dân cư xây dựng một chốt dân quân thường trực theo hình thức luân phiên; mỗi chốt dân quân biên chế từ 4-6 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị vũ khí đủ khả năng tuần tra, canh gác bảo vệ địa bàn.
Phải tìm ra giải pháp hợp lý để "nuôi" lực lượng dân quân thường trực trong cụm dân cư biên giới, bảo đảm duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Trong những năm qua, việc thực hiện phương châm “dân bàn, dân cử, dân nuôi” dân quân đã giúp nhiều địa phương, trong đó có Tây Ninh, tháo gỡ được khó khăn nhiều mặt trong xây dựng lực lượng này; đặc biệt, khâu “dân nuôi” đã góp phần tạo ra cơ sở vật chất bảo đảm cho dân quân, nhất là lực lượng thường trực duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. Việc đóng góp xây dựng quỹ QP-AN, bảo đảm cho các hoạt động quốc phòng, “nuôi” dân quân được đông đảo nhân dân đồng lòng hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc. Khi các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương này, có cụ già đã nói một cách chân tình, cảm động: “Ngày trước, cuộc sống còn đói khổ lắm mà chúng tôi vẫn góp gạo nuôi bộ đội đánh giặc, ngày nay đóng góp một vài cân thóc để nuôi con em bảo vệ xã, ấp, trâu bò, gia súc, gia cầm của chính bà con mình thì làm sao mà không làm được, bà con chỉ yêu cầu dân quân phải hoạt động hiệu quả”. Câu nói đó cũng là ý nguyện của nhân dân các xã biên giới tỉnh Tây Ninh đối với nhiệm vụ xây dựng chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư. Đi đôi với việc thực hiện chủ trương xây dựng quỹ QP-AN, Tây Ninh còn có cách làm và chính sách riêng bảo đảm cho mọi dân quân thường trực tại các chốt biên giới có nơi ăn, ở ổn định, mức thu nhập thường xuyên đủ nuôi sống bản thân và một phần trợ giúp gia đình. Tỉnh đã trích từ ngân sách địa phương đầu tư xây dựng nơi ăn, ở ổn định cho từng chốt dân quân, chốt thấp nhất 25 triệu đồng và chốt cao nhất 100 triệu đồng. Tùy theo quỹ đất của từng địa phương, chốt dân quân được cấp 10 ha, nơi ít đất cũng được cấp từ 2-3 ha để sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm hoặc trồng cây công nghiệp. Các chốt dân quân được hỗ trợ vốn mua trâu bò, vật tư sản xuất; có nơi được cấp máy cày, máy xới để sản xuất và hợp đồng cày thuê cho các nông trường, trang trại, nhân dân trên địa bàn. Mỗi định suất dân quân thường trực ở chốt được Tỉnh trích ngân sách địa phương cấp 350.000 đồng/người/tháng; một số chốt được giao chỉ tiêu trồng rừng, bảo vệ rừng, mỗi năm thu nhập thêm từ 2,5-9 triệu đồng. Thông qua sản xuất và các dịch vụ khác, thu nhập của chốt dân quân được trích một phần góp vào quỹ chung tái sản xuất, chi dự phòng khi có người ốm đau và tu sửa nhà cửa, một phần hỗ trợ thêm cho gia đình mỗi cán bộ, chiến sĩ từ 250.000-600.000 đồng/người/tháng. Có thể nói, cùng với việc chỉ đạo các xã biên giới vận dụng linh hoạt các bước tổ chức xây dựng các chốt dân quân thường trực trong cụm dân cư, việc tìm ra giải pháp hợp lý để “nuôi “ dân quân thường trực tại các chốt một cách hiệu quả, đã chấm dứt mối lo triền miên, sự lúng túng của cấp ủy, chính quyền các cấp mỗi khi cơ sở xin kinh phí để huấn luyện và bảo đảm hoạt động.
Đại tá Trần Đơn
và Đại tá Phạm Trang
 

Ý kiến bạn đọc (0)