QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:29 (GMT+7)
Mấy yêu cầu về phẩm chất, năng lực và tác phong công tác của chính ủy, chính trị viên

Nhằm tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng, vừa qua Bộ Chính trị BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX đã ra Nghị quyết số 51-NQ/TW “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời, xuất phát từ tính tất yếu của nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới: phải luôn luôn coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm để quân đội ta xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị khóa IX, đồng thời sớm nắm bắt quan điểm đổi mới của Đảng về công tác cán bộ được thể hiện sâu sắc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra trong tháng tư vừa qua, cùng với việc triển khai kiện toàn về mặt tổ chức, ngay từ lúc này, cần coi trọng đúng mức việc xây dựng đội ngũ chính ủy, chính trị viên vững mạnh, có phẩm chất, năng lực và tác phong công tác đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức Đảng, đồng thời cũng là người chủ trì về công tác Đảng, công tác chính trị ở từng đơn vị, cơ quan.
Là người đứng đầu tổ chức Đảng, chính ủy, chính trị viên trước hết phải tiêu biểu về giác ngộ chính trị, nắm vững thực chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở nước ta. Sự giác ngộ đó phải được thể hiện ở niềm tin sâu sắc và sự nhất trí cao với đường lối đổi mới của Đảng, nhận rõ tính tất yếu của yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân vững mạnh trong thời kỳ mới; quyết tâm phấn đấu cùng lãnh đạo, chỉ huy và bộ đội xây dựng đơn vị, cơ quan vững mạnh toàn diện, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, quân đội tin tưởng giao cho. Sự giác ngộ đó phải đạt đến độ hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng, trước những bước thăng trầm của cách mạng, sự tuyên truyền, chống phá của kẻ thù, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường; kể cả những thất bại tạm thời, những thiệt thòi riêng tư;... chính ủy, chính trị viên vẫn là người vững vàng trên trận địa tư tưởng, thực sự là ngọn cờ để cấp ủy, đảng viên, quần chúng vững tin và noi theo. Chính ủy, chính trị viên dao động, nản lòng là điều tồi tệ nhất của tổ chức quân đội. Còn nhớ, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc xâm lược, lớp lớp những thế hệ cán bộ quân đội nói chung, chính ủy, chính trị viên nói riêng đã thể hiện rõ được phẩm chất cao quý ấy. Trong đạn bom ác liệt, giữa cái sống và cái chết, những người chính ủy, chính trị viên của quân đội ta đã thực sự thể hiện họ là đại diện của Đảng, của tổ chức, tiêu biểu cho tinh thần “còn người còn trận địa”, “bám thắt lưng địch mà đánh”, “Quyết chiến, Quyết thắng!” Có họ, nhiều đơn vị sau những trận đánh ác liệt chỉ còn vài đồng chí, nhưng vẫn còn lãnh đạo, còn chỉ huy, tiếp tục tổ chức đánh lui nhiều đợt phản kích của những lực lượng địch đông gấp nhiều lần. Lúc bấy giờ, chính ủy chính trị viên không được học hành nhiều như bây giờ, nhưng sự giác ngộ về lòng yêu nước, về dân tộc và giai cấp ở họ vẫn là bài học quí giá để cho lớp chính ủy, chính trị viên ngày nay phải suy nghĩ, nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu, kế thừa phát triển nó trong điều kiện mới. Ngày nay, chúng ta xây dựng quân đội trong thời bình; thế và lực của đất nước ta ngày càng mạnh; điều kiện hoạt động, đời sống, trình độ dân trí của bộ đội cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao;... nhưng thách thức vẫn đang còn nhiều. Mặt trái của kinh tế thị trường hằng ngày, hằng giờ đang tác động rất mạnh vào đời sống của bộ đội. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, điên cuồng chống phá cách mạng nước ta trên nhiều phương diện. Đối với quân đội ta, chúng vẫn tìm mọi cách thực hiện ý đồ “phi chính trị hóa”, hòng tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, biến quân đội thành lực lượng trung lập, đứng ngoài dân tộc và giai cấp. Trong bối cảnh đó, yêu cầu phải không ngừng nâng cao hiệu lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, củng cố, tăng cường trận địa chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin vào công cuộc đổi mới, xây dựng bản lĩnh chính trị, phát huy lòng yêu nước, yêu CNXH, tinh thần đoàn kết của mọi cán bộ, chiến sĩ,... trong các đơn vị quân đội là hết sức cần thiết và cấp bách. Do đó, người chính ủy, chính trị viên cần phải phấn đấu rất nhiều, thường xuyên trau dồi nhận thức lý luận, nâng cao lập trường giai cấp, củng cố niềm tin, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng. So với trước kia, đội ngũ chính ủy, chính trị viên ngày nay có điều kiện học hành tử tế, phần đông được đào tạo cơ bản, có kiến thức sâu rộng, nhiều thông tin, nhưng nếu không tự giác học tập, rèn luyện thường xuyên, nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, có phương pháp đúng đắn xử lý những thông tin nhiều chiều, phức tạp hiện nay, thì đến một lúc nào đó sẽ trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Vấn đề cần chú trọng nhất hiện nay đối với chính ủy, chính trị viên là, phải luôn tỉnh táo, nhạy bén về chính trị, cảnh giác cao trước những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, những kẻ bất mãn với chế độ, cơ hội, hữu khuynh; bất luận trong hoàn cảnh nào cũng cần thể hiện là người vững vàng, không mơ hồ, ảo tưởng, dao động, tiêu biểu trong suy nghĩ, hành động và có trách nhiệm cao trong phát ngôn, định hướng dư luận.
Với uy tín của mình, người chính ủy, chính trị viên thường được tổ chức Đảng bầu vào cương vị bí thư cấp ủy. Trọng trách của người bí thư là trực tiếp điều hành hoạt động của tổ chức Đảng và chịu trách nhiệm chính về chất lượng, hiệu quả hoạt động lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Do đó, chính ủy, chính trị viên phải là người nắm vững nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trực tiếp là tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cần chú ý nhiều nhất giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng, vì đó là chìa khóa của sự thành công. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện để phát huy trí tuệ của tập thể đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, từ đó tạo sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí và hành động của mỗi tổ chức Đảng và cả đơn vị. Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, tất yếu sẽ dẫn đến suy yếu, mất uy tín, tự thủ tiêu quyền lãnh đạo của tổ chức Đảng, cũng đồng thời là tự hạ thấp vai trò, vị trí của người chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy. Hiện nay, quân đội ta thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, thiết nghĩ để nguyên tắc tập trung dân chủ được tôn trọng và phát huy, điều quan trọng nhất là phải tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao giữa chính ủy, chính trị viên với người chỉ huy và cấp ủy. Mọi chủ trương lãnh đạo đối với đơn vị, chính ủy, chính trị viên cần có sự bàn bạc, thống nhất trước với người chỉ huy, cũng như lắng nghe ý kiến khác của tập thể cấp ủy, không nên coi mình là người đứng trên cấp ủy và người chỉ huy, trên tập thể. Xưa kia trong chiến tranh, kể cả thời kỳ quân đội thực hiện chế độ chính ủy tối hậu quyết định, cũng rất hãn hữu có những biểu hiện của sự lạm quyền, lấn át tập thể. Bởi lẽ, người chính ủy lúc bấy giờ tuy được Đảng tin tưởng trao cho quyền quyết định, nhưng họ thường coi trọng tập thể, tôn trọng người chỉ huy và lấy mục đích hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị làm tiêu chí để phấn đấu. Ngày nay, điều đó vẫn không khác trước, bởi lẽ lãnh đạo vẫn là quyền của tập thể, mỗi cá nhân cấp ủy viên hay đảng viên đều do tập thể cấp ủy phân công phụ trách. Giải quyết mối quan hệ này, một mặt người chính ủy, chính trị viên luôn phải nắm vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đồng thời biết phát huy vai trò của từng thành viên trong cấp ủy, nhất là người chỉ huy đơn vị, thực sự là trung tâm đoàn kết của cấp ủy và của toàn đơn vị. Chính ủy, chính trị viên cần thường xuyên gần gũi cấp dưới, gần gũi quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng đối với công tác lãnh đạo của tổ chức Đảng, kể cả những đóng góp cho cá nhân chỉ huy, lãnh đạo, tránh tình trạng xa rời hoặc định kiến với những ý kiến trái ngược có tính chất xây dựng. Đề cao tự phê bình và phê bình, tiếp thu những đóng góp tích cực, chân thành điều chỉnh thái độ, hành vi trong ứng xử, giao tiếp,... là bí quyết để tạo dựng uy tín thực sự của người chính ủy, chính trị viên.
Uy tín của chính ủy, chính trị viên còn phụ thuộc rất nhiều ở sự gương mẫu về đạo đức, lối sống và tác phong công tác. Trong mỗi đơn vị, hình ảnh về người chính ủy, chính trị viên thường được mọi cán bộ, chiến sĩ xem như một biểu tượng mẫu mực về những gì cao quý, thiêng liêng của Đảng, của quân đội. Mỗi tổ chức Đảng bầu chính ủy, chính trị viên vào cương vị bí thư cũng thường đem theo kỳ vọng về một con người tiêu biểu cho tập thể về đức độ, tài năng, lấy đó làm tấm gương để giáo dục, xây dựng đơn vị. Vì thế, người chính ủy, chính trị viên cần phấn đấu để xứng đáng với  niềm tin tưởng và kỳ vọng đó. Vấn đề cần chú ý hiện nay là, kinh tế thị trường với mặt trái của nó đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào đời sống bộ đội; người chính ủy, chính trị viên cũng không thể cách ly khỏi cuộc sống thực tế với cả mặt tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, với cương vị của mình, người chính ủy, chính trị viên cần có sự vững vàng, tránh rơi vào vòng xoáy của những toan tính cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, lối sống chạy theo danh vọng, vật chất, chạy chức, chạy quyền, sa đọa về lối sống, sinh hoạt. Đáng buồn là ở đơn vị này, đơn vị khác trong quân đội vẫn còn một số cán bộ chính trị, thậm chí là bí thư, cấp ủy viên không nhận thức rõ điều đó, hoặc nhận thức được, nhưng bị chủ nghĩa cá nhân lấn át, nên chưa thực sự công tâm, tiêu biểu về đạo đức, lối sống, làm giảm uy tín của lãnh đạo, chỉ huy, suy yếu sức mạnh của tập thể, cơ quan, đơn vị. Do đó, người chính ủy, chính trị viên ngày nay cần có sự nghiêm cách với bản thân, thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tránh căn bệnh chạy theo cuộc sống vật chất, hưởng thụ, ham hố chức, quyền; cảnh giác trước sự lôi kéo, mua chuộc của những kẻ xấu; tiên phong trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; sống trung thực, khiêm tốn, đoàn kết, giản dị, mẫu mực và công tâm,... Quan tâm đến công việc, đơn vị, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân khi tổ chức cần đến vẫn là một phẩm chất chính trị-đạo đức – một giá trị nhân cách mà người chính ủy, chính trị viên cần tiếp tục rèn luyện thường xuyên.
Là người chủ trì về công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị, chính ủy, chính trị viên phải thành thạo công tác tổ chức, trực tiếp là chịu trách nhiệm trước cấp ủy trong chỉ đạo tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng đơn vị, cơ quan vững mạnh toàn diện. Chính ủy, chính trị viên cần làm tốt chức năng của một nhà giáo dục, tuyên truyền trong quân đội, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước XHCN, truyền thống cách mạng của đất nước, của Đảng, của quân đội, truyền thống đơn vị cho mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ. Cần tăng cường giáo dục lý luận chính trị, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó nhận thức ngày càng sâu sắc hơn đường lối đổi mới của Đảng trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quân sự-quốc phòng, đề cao trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chính ủy, chính trị viên cần thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng các tổ chức trong đơn vị trong sạch vững mạnh; đề xuất được những chủ trương, biện pháp đúng đắn nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; có những định hướng đúng và chỉ đạo sâu sát hoạt động của các tổ chức quần chúng trong đơn vị, cơ quan, qua đó phát huy cao trí tuệ, dân chủ, đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị. Chính ủy, chính trị viên cần có những ý kiến chỉ đạo sâu sát và thường xuyên rút kinh nghiệm đối với các cơ quan chức năng, nghiệp vụ, trực tiếp là cơ quan chính trị nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả cao các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị; chăm lo công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt để xây dựng đơn vị, cơ quan vững mạnh toàn diện,v.v.
Phẩm chất và năng lực của người chính ủy, chính trị viên thường hòa quyện trong mọi hoạt động thực tiễn của quân đội, của đơn vị, khó tách bạch. Điều đó làm nên “tư cách” của bản thân họ. Do đó, người chính ủy, chính trị viên cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện kiên trì và nghiêm khắc để luôn khẳng định được “tư cách” của mình trong cuộc sống và hoạt động đầy biến động.
 
Đại tướng Nguyễn Quyết
 

Ý kiến bạn đọc (0)