QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:38 (GMT+7)
Mấy xu hướng hiện đại hóa ngành Công nghiệp quốc phòng ở một số nước châu Á
Những thập kỷ gần đây, cùng với việc tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, các nước châu Á cũng rất chú trọng hiện đại hoá vũ khí, trang bị, nâng cao sức mạnh của quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, coi đây là hai mặt chiến lược có quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, do có chiến lược phát triển phù hợp, phát huy được nguồn lực trong nước, tận dụng tốt những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ (KH-CN) mới, xu thế hội nhập khu vực và quốc tế về KH-CN quân sự, nên nhiều nước châu á đã xây dựng được ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) hiện đại, không chỉ đủ khả năng cung cấp vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu của quân đội, mà còn tham gia xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước. Tùy thuộc vào mục tiêu chính trị, chiến lược quốc phòng, quân sự, khả năng kinh tế, trình độ KH-CN, mỗi nước có quan điểm, biện pháp hiện đại hoá ngành CNQP riêng, song nhìn tổng quát có thể thấy nổi lên một số xu hướng chính sau:

1- Đổi mới phương thức quản lý, cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực của ngành CNQP phục vụ cho nhu cầu quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế đất nước.

Việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu của cuộc cách mạng KH-CN mới, mà cốt lõi là công nghệ thông tin đã cho phép KH-CN của các ngành dân sự phát triển rất nhanh; có nhiều lĩnh vực, trình độ KH-CN dân sự đã bắt kịp và vượt xa so với trình độ KH-CN quân sự; nhiều lĩnh vực, KH-CN quân sự và KH-CN dân sự có chiều hướng thâm nhập vào nhau. Hơn nữa, xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế làm cho lĩnh vực KH-CN quân sự giữa các nước có xu hướng hội nhập, phụ thuộc vào nhau. Ngày nay, bất kỳ nước nào muốn phát triển KH-CN quân sự đều phải mở rộng quan hệ trao đổi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ với các nước khác. Để phát triển ngành CNQP trong điều kiện mới, Chính phủ nhiều nước châu á đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách về cơ cấu tổ chức, về phương thức quản lý, chú trọng hoạch định chiến lược phát triển CNQP phù hợp với yêu cầu phòng thủ quốc gia, khả năng kinh tế, tiềm lực KH-CN của đất nước và sự phát triển KH-CN ở khu vực và quốc tế; đề ra các chính sách, các chế định pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan chuyên trách của Chính phủ, của quân đội, nhằm tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý, điều hành vĩ mô của Nhà nước đối với ngành CNQP; tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về tài chính, quản lý, nguồn nhân lực và hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng công nghệ cao, thúc đẩy sản xuất phát triển; tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, chuyển giao KH-CN hiện đại giữa ngành CNQP và các ngành kinh tế dân sự trong nước và quốc tế. Nhật Bản, ấn Độ, Hàn Quốc và một số nước ASEAN tiến hành quy hoạch ngành CNQP từ chuyên sản xuất hàng quân sự sang sản xuất sản phẩm quân sự cùng sản phẩm lưỡng dụng quân sự – dân sự, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu dân sinh và cho xuất khẩu; coi đây là giải pháp chiến lươợc xây dựng ngành CNQP hiện đại, cho phép ngành này hoà nhập vào nền công nghiệp của đất nước, tiếp thu nhanh công nghệ dân sự tiên tiến để sản xuất vũ khí, trang bị quân sự và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Để nâng cao năng lực ngành CNQP, các nước này tiến hành rà soát, giải thể những cơ sở CNQP làm ăn kém hiệu quả hoặc hiện không còn phù hợp, thành lập các cơ sở CNQP mới theo yêu cầu phát triển KH-CN quân sự hiện đại. Từng cơ sở CNQP tiến hành điều chỉnh tổ chức, cải tiến phương pháp quản lý, quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm. Nhà nước hỗ trợ vốn, nguồn nhân lực, các trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao; điều chỉnh chính sách, cho phép các cơ sở CNQP sản xuất hàng lưỡng dụng, hàng dân sinh có quyền tự chủ lớn hơn trong hạch toán kinh tế, tham gia thị trường, cạnh tranh phát triển sản xuất. Một hướng cũng đang đươợc các nước này chú trọng là thành lập các tập đoàn CNQP trên cơ sở hợp nhất một số cơ sở, xí nghiệp quốc phòng, nhằm tăng cường năng lực sản xuất, cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Tập đoàn CNQP (ST) của Xin-ga-po có hơn 21000 công nhân với hơn 200 công ty và chi nhánh, chuyên nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu hiện đại hoá quân đội và phát triển kinh tế đất nước. Các sản phẩm thuộc các ngành công nghệ mũi nhọn, như công nghệ siêu dẫn, các thiết bị phần mềm máy tính của ST có uy tín ở thị trường khu vực và quốc tế, được các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU ưa chuộng, nhập khẩu. Doanh thu của ST đạt hàng tỷ USD mỗi năm. Tập đoàn SME Industries Sdn Bhd là một trong số các tập đoàn CNQP hàng đầu của Ma-lai-xi-a, chuyên nghiên cứu, phát triển công nghệ chính xác, công nghệ thông tin. Các sản phẩm điện tử của tập đoàn này được sử dụng chế tạo hệ điều khiển tự động của tên lửa và phục vụ nhu cầu của nhiều ngành kinh tế và để xuất khẩu.
2- Tập trung nguồn lực ngành CNQP để nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh cục bộ hiện đại.
Trong điều chỉnh chiến lược quân sự, các nước châu á coi phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao là một trọng tâm chiến lươợc để xây dựng quân đội hiện đại, đủ khả năng đối phó với các nguy cơ từ bên trong và bên ngoài, nhất là nguy cơ xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ công nghệ cao. Do vậy, nhiều nước xác định, nghiên cứu phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao phục vụ yêu cầu quân sự, hiện đại hoá quân đội là nhiệm vụ chủ yếu của ngành CNQP, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực trong nước, tự lực nghiên cứu phát triển là chính, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế và nhập khẩu vũ khí công nghệ cao của nước ngoài. Trong nghiên cứu phát triển, chú trọng nghiên cứu rộng, nhưng sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ cơ bản, công nghệ mang tính “chìa khoá”, từ đó nghiên cứu phát triển rộng; kết hợp nghiên cứu phát triển mới với cải tiến nâng cấp các vũ khí, trang bị hiện có. Trung Quốc và một số nước ASEAN, nhơư Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, do khai thác hiệu quả nguồn lực quốc gia, định ra chiến lược phù hợp, phát triển những thế mạnh của mình, nên đã xây dựng được ngành CNQP tương đối tiên tiến, có khả năng hiện đại hoá, nâng cấp các vũ khí, trang bị hiện có và tự nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số loại vũ khí có trình độ tương đối hiện đại, phục vụ cho nhu cầu quốc phòng của đất nước. CNQP của Trung Quốc đã tự nghiên cứu, chế tạo được nhiều hệ thống vũ khí đạt trình độ hiện đại ngang bằng với các nước phát triển, như lĩnh vực tên lửa chiến lược, máy bay, tầu chiến. CNQP Xin-ga-po đã tự đóng được tầu tuần tiễu kiểu PB.57, tầu tên lửa trọng tải 300 tấn đưa vào trang bị cho hải quân. CNQP của Ma-lai-xi-a đã cải tiến, nâng cấp cho một số loại máy bay chiến đấu; đóng tầu tuần tiễu, có trang bị khí tài trinh sát, cảnh giới, báo động sớm tiên tiến. Tập đoàn công nghiệp hàng không quân sự và công ty chế tạo máy bay của In-đô-nê-xi-a đã kết hợp nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng BO.105, máy bay vận tải C.212, máy bay chống ngầm, được coi là các loại máy bay tiên tiến trên thế giới, để trang bị cho không quân và xuất khẩu.
Do mặt bằng trình độ KH-CN của nhiều nước châu á còn chênh lệch so với thế giới, ngành CNQP chưa đủ khả năng để nghiên cứu chế tạo các hệ vũ khí hiện đại, nên việc hiện đại hoá vũ khí trang bị cho quân đội bằng con đường nhập khẩu vẫn đang được coi là một hướng quan trọng. Tận dụng đặc điểm mới trên thị trường vũ khí thế giới là, để cạnh tranh, các nước xuất khẩu có thể bán các loại vũ khí, trang bị hiện đại, kèm theo việc chuyển giao công nghệ và bản quyền sản xuất, một số nước châu á định ra chiến lược “đi tắt, đón đầu” để phát triển ngành CNQP. Hiện có 4 hình thức trong chiến lược này được áp dụng phổ biến: 1- Liên doanh, thông qua việc ký kết các hiệp định, bên mua thu được các bí quyết công nghệ của đối tác. 2-Hợp đồng trọn gói, bên mua nhận được công nghệ “phần cứng” (nhờ lắp đặt các trang thiết bị) và cả “phần mềm” (nhờ đào tạo, cung cấp tài liệu, hợp tác nghiên cứu-triển khai). 3-Mua bản quyền. Đây là kênh khá phổ biến, kể cả đối với các nước có nền CNQP mạnh. 4- Hợp tác nghiên cứu-triển khai. ưu điểm của chiến lược này là hiện đại hoá nhanh, tránh được rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, nhưng đòi hỏi bên mua phải xác định đúng “đích đến”, nghĩa là trình độ KH-CN cần đạt được, phù hợp với khả năng kinh tế của đất nước, của ngành CNQP và mục đích chính trị-quân sự đặt ra, nhất là không để bị phụ thuộc vào các công nghệ nhập ngoại. Vấn đề then chốt đảm bảo cho chiến lược “đi tắt, đón đầu” thành công là phải xây dựng đơược ngành CNQP của đất nước đủ khả năng làm chủ công nghệ nhập ngoại và vận dụng để nghiên cứu phát triển mới.
3- Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ cao cho ngành CNQP.
Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ cao cho ngành CNQP được các nước châu á hết sức quan tâm, coi đây là một nhiệm vụ có tầm chiến lược để làm chủ được KH-CN hiện đại, đủ khả năng áp dụng sáng tạo những thành tựu mới của KH-CN và tiếp tục nghiên cứu, phát triển,  phục vụ cho nhu cầu quốc phòng, quân sự và kinh tế của đất nước. Đây cũng là nhân tố quyết định đến sự phát triển của ngành CNQP. Nhiều nước châu á xác định: đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ cao cho ngành CNQP là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược giáo dục-đào tạo của đất nước. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong các nhà trường, học viện kỹ thuật của quân đội, trên cơ sở hiện đại hoá hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị giảng dạy, học tập; hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, bảo đảm cho người học tài liệu tham khảo, thông tin về tình hình phát triển KH-CN quân sự của đất nước, của các nước trên thế giới; tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường trong quân đội và với các trường ở trong nước và quốc tế, chú trọng vào các khoa, ngành công nghệ then chốt; khuyến khích tự học tập, tự nghiên cứu, sáng tạo, đảm bảo đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đủ về số lượng và chất lượng cho nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của quân đội. Trong các xí nghiệp, cơ sở CNQP, tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực nghiên cứu, phát minh, sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Một số nước còn cải cách chế độ, chính sách để thu hút nhân tài cho quân đội; cho phép quân đội được quyền tuyển chọn các nhà khoa học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành công nghiệp dân sự cho ngành CNQP; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những nhà khoa học có tài, nhất là cán bộ đầu ngành, các chuyên gia cấp chiến lược đủ khả năng tiếp thu, vận dụng và phát triển các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự tiên tiến, nghiên cứu, phát minh mang tính đột phá, đề xuất các luận cứ cho việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển CNQP của đất nước.
Đại tá, TS. Vũ Thế Hiển
Cục  KH-CN và MT,  Bộ Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)