QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 00:06 (GMT+7)
Mấy vấn đề về tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ ngoài quốc doanh ở các tỉnh phía nam

LTS: Thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, liên doanh với nước ngoài đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong khu vực này là rất quan trọng, cần thiết, nhằm quán triệt, thực hiện quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng. Thế nhưng việc triển khai thực hiện đang rất khó khăn, kết quả thấp. Vậy nguyên nhân vì sao, giải pháp gì để khắc phục...? Tổ phóng viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân đã làm việc với cơ quan chức năng, thâm nhập, tìm hiểu, nghiên cứu một số doanh nghiệp ở phía Bắc và phía Nam về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu chùm bài viết về vấn đề này cùng bạn đọc.

      
Lực lượng dân quân, tự vệ nói chung, tự vệ trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) nói riêng là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân- nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; đồng thời là một trong những lực lượng chủ yếu bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở. Vì thế, nghiên cứu, tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các DNNQD đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng là vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh các DNNQD phát triển nhanh cả về loại hình và quy mô. Thấu suốt quan điểm đó của Đảng và nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, những năm qua, các địa phương phía Nam, mà tập trung là các tỉnh trên địa bàn Quân khu 7 đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và từng bước tổ chức xây dựng lượng tự vệ ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Đây là nơi diễn ra quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá với tốc độ nhanh, quy mô ngày càng lớn, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, các loại hình DNNQD ra đời và phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng địa bàn Quân khu 7 có hơn 16.500 công ty, trong đó gần 4.000 doanh nghiệp có từ 50 công nhân trở lên. Đặc điểm nổi bật đáng chú ý là, các DNNQD hầu hết bố trí ở các vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh, thu hút rất đông lực lượng lao động, đa số là thanh niên và có nguồn lực ngày càng lớn. Đương nhiên, sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp nói chung và các DNNQD nói riêng sẽ tác động trực tiếp về nhiều mặt đối với phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường quốc phòng- an ninh của địa phương. Trong sự tác động đó đối với quốc phòng-an ninh có cả thuận lợi và khó khăn, tích cực và tiêu cực, nhưng thuận lợi, tích cực là cơ bản. Vấn đề là ở chỗ phải có biện pháp tận dụng được mặt tích cực, hạn chế mặt tác hại của nó. Việc tổ chức lực lượng tự vệ trong các DNNQD là một trong những chủ trương, biện pháp nhằm mục tiêu đó. Thực hiện tốt việc này, một mặt, sẽ tạo điều kiện cho lực lượng lao động trong các DNNQD được thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo luật định; một mặt cũng là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Sau một thời gian vừa nghiên cứu, ban hành các văn bản, khảo sát thực tế, vừa chỉ đạo tổ chức xây dựng điểm và từng bước nhân rộng mô hình tự vệ ở các DNNQD có đủ điều kiện, các địa phương trên địa bàn Quân khu 7 đã xây dựng, củng cố được gần 160 cơ sở tự vệ, trong đó có hơn 20 doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, hơn 20 công ty trách nhiệm hữu hạn, 5 doanh nghiệp tư nhân,... Các cơ sở tự vệ này đều được sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan quân sự các cấp, được trang bị một số loại súng và công cụ hỗ trợ khác, được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự và hoạt động bước đầu chủ yếu là bảo vệ cơ sở sản xuất, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, có tham gia một phần vào giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn doanh nghiệp đứng chân.  Một số cơ sở tự vệ trong các DNNQD như các công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng,  Biti’s, Ajinomoto  bước đầu đã thực hành phối hợp với địa phương tham gia các hoạt động trị an ở cơ sở, đạt được những kết quả khích lệ, gây được niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp. Có nơi lãnh đạo doanh nghiệp đã huy động lực lượng tự vệ tăng cường tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp và tham gia xử lý các tình huống như phòng cháy, chữa cháy, giải quyết tranh chấp, giữ gìn an ninh trật tự các ngày lễ, tết,... góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương, cơ sở. 
Tuy nhiên, qua nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi thấy việc triển khai tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ trong các DNNQD nhìn chung tiến triển còn chậm, kết quả còn thấp, chưa tương xứng với sự phát triển của các DNNQD trong tiến trình phát triển kinh tế- xã hội ở các tỉnh phía Nam. Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần liên tục phát triển với số lượng ngày càng tăng nhưng đầu mối đơn vị tự vệ lại ít, chiếm tỷ lệ rất “khiêm tốn” so với tổng số DNNQD. Ngay cả các doanh nghiệp Nhà nước vốn có lực lượng tự vệ mạnh, khi chuyển sang cổ phần hoá, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng đang có khuynh hướng hạn chế, giảm dần, thậm chí các cổ đông của một số doanh nghiệp đòi giải tán lực lượng tự vệ. Một số DNNQD đã xây dựng lực lượng tự vệ cũng không “mặn mà” với các hoạt động quân sự. Đặc biệt, các KCN, KCX gần như “trắng” tự vệ, chỉ mới tổ chức, xây dựng được một số cơ sở tự vệ trong KCN Biên Hoà 2 (Đồng Nai) và KCN Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh), còn hàng chục KCN ở các địa phương khác chưa tổ chức được vì chưa đủ yếu tố cần thiết, mà quan trọng là chưa có tổ chức Đảng, chưa có biện pháp chế tài đối với chủ doanh nghiệp.
Khó khăn nhất hiện nay là việc tổ chức, triển khai xây lực lượng tự vệ trong các KCN, KCX, vì các doanh nghiệp hoạt động ở khu vực này hầu hết chưa có tổ chức Đảng. Về nguyên tắc, để bảo đảm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, các địa phương này luôn chỉ đạo tăng cường xây dựng các chi bộ Đảng trong các DNNQD. Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở Đảng, nhưng có vị trí quan trọng, có nhu cầu xây dựng tự vệ, được chủ doanh nghiệp đồng tình, thì tổ chức Đảng của KCN (nếu có) hoặc của địa phương (huyện đội, thị đội) nơi doanh nghiệp hoạt động trực tiếp lãnh đạo tự vệ. Nhưng trên thực tế, các KCN, KCX rất ít tổ chức Đảng, nên chỉ có KCN Biên Hoà 2 tổ chức được tự vệ ở một số công ty, như Donanewer (Đồ hộp), Dây đồng Việt- Nhật (CFT), Ajnomoto, Libico,... Trong khi đó, các KCN, KCX có tốc độ phát triển rất nhanh, nhất là các tỉnh nằm trong khu kinh tế trọng điểm (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu) và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang,... Các KCN, KCX lại thường tập trung ở các vị trí có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng- an ninh. Trong các KCN, nhất là hai KCX Tân Thuận và Linh Trung chủ yếu là các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ doanh nghiệp, hội đồng quản trị cũng hầu hết là người nước ngoài. Đội ngũ công nhân trong các KCN, KCX  này phần lớn là người từ các địa phương khác đến hợp đồng lao động, thường xuyên biến động, nên việc tổ chức, xây dựng tự vệ có nhiều trở ngại. Tình hình đó cho thấy, việc tổ chức, xây dựng tự vệ ở các DNNQD đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, tháo gỡ.
Trong đó, vấn đề vướng mắc lớn nhất, khó giải quyết nhất là cơ sở pháp lý. Pháp lệnh về Dân quân tự vệ đã có quy định cụ thể về xây dựng tự vệ. Cùng với đó,Thông tri 184 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 46 Liên bộ Quốc phòng, Lao động- Thương binh-Xã hội , Tài chính,  Kế hoạch- Đầu tư và Hướng dẫn số 171 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ đã được ban bành, nhưng khi thực hiện vẫn bị “tắc”. Nhưng có lẽ các văn bản trên tính pháp lý chưa đủ mạnh để buộc các DNNQD thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, mà trực tiếp ở đây là tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ; hay nói đúng hơn, các văn bản đó mới chủ yếu có ý nghĩa ràng buộc quy định đối với người lao động là công dân Việt Nam. Cùng với đó, còn lý do nữa là các bộ, ngành chưa có sự phối hợp đồng bộ, chưa thống nhất chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện của cơ quan, đơn vị thuộc quyền đối với nhiệm vụ này.  Một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, thành phố ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm, ngay cả nội dung về quốc phòng- an ninh theo Nghị định 119/CP của Thủ tướng Chính phủ được đề cập rất mờ nhạt, thậm chí không có, vậy thì nói gì đến tổ chức lực lượng tự vệ. Đối với các doanh nghiệp, thì mục tiêu chính là lợi nhuận, nên họ không “mặn mà” với những tổ chức hoạt động phi sản xuất, không đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp. ở một số doanh nghiệp, tổ chức Đảng phải sinh hoạt ngoài giờ, cá biệt còn có đảng viên vào làm trong doanh nghiệp không dám khai là đảng viên, không tham gia sinh hoạt, vì sợ bị làm khó. Còn một số chủ doanh nghiệp “xin” được xây dựng tự vệ, chỉ với mong muốn được trang bị nhiều vũ khí để “tự vệ”. Cả hai khuynh hướng của các chủ doanh nghiệp đều xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Để tháo gỡ những vướng mắc đó cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ các doanh nghiệp đối với nhiệm vụ an ninh, quốc phòng của địa phương, làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, xây dựng tự vệ ở các DNNQD. Đồng thời, các bộ, ngành cần tăng cường chỉ đạo ngành dọc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cấp thực hiện nghiêm túc Nghị định 119/CP của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng- an ninh ở các bộ, ngành, địa phương. vấn đề cơ bản là phải có biện pháp chế tài đủ mạnh thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động. Đối với cấp tỉnh, thành phải có chủ trương và các biện pháp tích cực trong việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho lãnh đạo các chủ doanh nghiệp để họ có nhận thức đúng đắn, thấy rõ nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Khi tổ chức xây dựng tự vệ ở các DNNQD, nhất là các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các cơ quan chức năng, cán bộ chuyên trách của cơ quan quân sự các địa phương đều kiến nghị sửa đổi, bổ sung thêm vào Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp những nội cần thiết theo hướng chỉ đạo các doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và bảo đảm an toàn xã hội xung quanh khu vực hoạt động và ngay cả trong doanh nghiệp. Riêng về Thông tư Liên bộ cũng có nhiều ý kiến đề nghị có thêm Bộ Nội vụ để chỉ đạo ngành dọc, vì có một số vấn đề về nhân sự lãnh đạo, chỉ huy lực lượng tự vệ liên quan đến Sở Nội vụ ở các địa phương, nơi doanh nghiệp đứng chân, hoạt động. Đáp ứng được những vấn đề nêu trên và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các cơ quan quan sự địa phương với các chủ doanh nghiệp, tin rằng chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc để tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” ở các DNNQD.
Nhưng cũng cần thấy dù chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, việc thực hiện còn nhiều khó khăn, song một số địa phương, nhươ Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương,... đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền đề ra các biện pháp và trực tiếp tổ chức, xây dựng một số cơ sở tự vệ trong các DNNQD. Nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy, trong các doanh nghiệp đã xây dựng lực lượng tự vệ phần lớn đều có tổ chức cơ sở Đảng, có tổ chức Công đoàn mạnh, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phơương, có thông tươ, văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện. Quan trọng nữa là cơ quan quân sự cấp tỉnh, thành và các quận, huyện luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế- xã hội, tính chất, đặc thù, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp tại địa phươơng, nắm chắc Pháp lệnh Dân quân tự vệ, các nghị định, thông tươ của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, ngành mình để tham mươu cho cấp uỷ, chính quyền đề ra chủ trương và các biện pháp, kế hoạch tổ chức, xây dựng tự vệ. Mặt khác, cơ quan quân sự các cấp ở đây còn phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý KCN, KCX làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phân tích rõ tầm quan trọng, sự cần thiết phải tổ chức, xây dựng lực lươợng tự vệ với các chủ doanh nghiệp. Khi hội tụ đủ điều kiện cần thiết, cơ quan chức năng, các cán bộ chuyên trách đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực giúp các doanh nghiệp triển khai xây dựng lực lơượng tự vệ theo yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của địa phương, trươớc mắt là tăng cường khả năng bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp và phối hợp với địa phơương giữ vững an ninh, trật tự ở nơi doanh nghiệp đứng chân. Quy mô tổ chức ở các cơ sở tự vệ này phổ biến là cấp trung đội, tiểu đội và chủ yếu là lực lượng bộ binh. Các tổ chức tự vệ này đều được cơ quan quân sự các cấp, trực tiếp là Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện giáo dục chính trị, huấn luyện theo chương trình quy định. Một điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp có tổ chức tự vệ hoạt động hiệu quả, không xảy ra hiện tượng công nhân đình công, bãi công; trật tự an ninh trên địa bàn luôn ổn định. Không những thế, bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả của các cơ sở tự vệ trong các doanh nghiệp đã giúp cho nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ theo hơướng tán thành, ủng hộ việc tổ chức, xây dựng tự vệ ở doanh nghiệp mình. Những thành công đó, nếu được phát huy và nhân rộng, kết hợp với giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc nêu trên, tin rằng công tác tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ trong các DNNQD sẽ có hướng phát triển tốt cả về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Đại tá Nguyễn Thành Liêng
 

Ý kiến bạn đọc (0)