QPTD -Thứ Bảy, 10/12/2011, 23:36 (GMT+7)
Mấy vấn đề về tạo lập thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Tác chiến phòng thủ chiến lược (TCPTCL) là loại hình tác chiến mới trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Lý luận về loại hình tác chiến này đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển. Trong bài này, chúng tôi muốn đề cập một số ý kiến về tạo lập thế trận TCPTCL để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. TCPTCL là một trong những loại hình tác chiến cơ bản của tác chiến chiến lược, có vị trí rất quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi địch tiến công trên bộ. Đây là loại hình tác chiến có tính tổng hợp cao, được biểu hiện trên nhiều mặt: Thứ nhất, đối tượng của TCPTCL rất đa dạng, có thể là quân địch tiến công xâm lược đường bộ, đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển; hoặc trên các hướng địch tiến công, ở các trạng thái khác nhau, có thể có bộ phận đang phát triển tiến công, có bộ phận đang bị kìm giữ, ngăn chặn, có bộ phận đang lâm thời bước vào phòng ngự. Cùng với lực lượng quân địch tiến công từ ngoài vào, trong nội địa có thể có lực lượng vũ trang phản động tiến hành các hoạt động bạo loạn lật đổ, đánh chiếm một số mục tiêu trọng yếu. Thứ hai, lực lượng của ta tham gia TCPTCL là lực lượng tổng hợp, bao gồm lực lượng vũ trang của các quân khu (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân, tự vệ); một bộ phận lực lượng cơ động của Bộ ( bao gồm một số binh đoàn, binh đội bộ đội binh chủng hợp thành, quân chủng, binh chủng); lực lượng cơ quan, ban, ngành của địa phương và lực lượng quần chúng bám trụ để sản xuất và tham gia các hoạt động đấu tranh với địch, phục vụ tác chiến... Các lực lượng trên hoạt động trong thế trận toàn dân đánh giặc, thế trận của các khu vực phòng thủ địa phương (KVPTĐP)..., tạo nên thế và lực tổng hợp trong TCPTCL. Thứ ba, TCPTCL là loại hình tác chiến chiến lược mới, xuất hiện theo yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được biểu hiện dưới dạng hoạt động tác chiến nhỏ, vừa, rộng khắp ở các KVPTĐP và tác chiến tập trung với quy mô thích hợp ở các địa bàn trọng điểm chiến lược. Các hoạt động tác chiến đó được kết hợp chặt chẽ với các mặt đấu tranh khác như chống bạo loạn, công tác binh địch vận, đấu tranh chính trị, ngoại giao..., theo một kế hoạch thống nhất. TCPTCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể được tiến hành trên phạm vi cả nước, hoặc một số chiến trường (hướng) chiến lược trọng điểm trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, nhằm đánh trả có hiệu quả cuộc tiến công xâm lược của địch, thực hiện tiêu hao, tiêu diệt lực lượng, phương tiện, ngăn chặn, kìm giữ các hướng, mũi tiến công của chúng, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, giữ vững các địa bàn chiến lược, làm thất bại biện pháp tác chiến chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, tạo điều kiện cho các hoạt động tác chiến tiếp theo.

2. Trong tác chiến nói chung, TCPTCL nói riêng, một trong những vấn đề cơ bản có tính quyết định đến thắng lợi là phương thức tác chiến đúng,  linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tạo lập thế trận là một nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến thực hiện phương thức tác chiến. Từ những khái quát về TCPTCL đã đề cập ở trên, chúng tôi xin nêu một số ý kiến xung quanh vấn đề tạo lập thế trận TCPTCL.
Trước hết, thế trận là hình thái bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường theo mưu kế và cách đánh đã lựa chọn, nhằm tạo thế có lợi để phát huy cao nhất sức mạnh của các lực lượng tham chiến (đấu tranh), bảo đảm giành thắng lợi trong quá trình tác chiến. ở các loại hình tác chiến khác nhau thì tổ chức, xây dựng các thành phần thế trận cũng khác nhau. TCPTCL là hoạt động tác chiến, đấu tranh mang tính tổng hợp cao, diễn ra trong không gian rộng, trên nhiều địa bàn và cả nước; sử dụng lực lượng tổng hợp và các hình thức tác chiến, đấu tranh đa dạng, phong phú; đánh địch ở nhiều trạng thái khác nhau... Vì vậy, thế trận TCPTCL cũng bao gồm tổng thể thế đấu tranh trên mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao..., trong đó thế trận đấu tranh quân sự là tiêu biểu và đặc trưng nhất. Thế trận đấu tranh quân sự của TCPTCL bao gồm thế trận tại chỗ và thế trận của lực lượng cơ động chiến lược. Hai thành phần này luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả thế và lực cho TCPTCL giành thắng lợi.
Thế trận tại chỗ, mà nền tảng là thế trận KVPTĐP có vai trò to lớn trong TCPTCL, là cơ sở tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp ở mỗi địa phương, huy động, tập hợp lực lượng toàn dân tham gia đánh giặc, buộc chúng phải căng ra đối phó, bị “sa lầy”, tạo điều kiện để tiến hành các đòn đánh phản công, tiến công quyết định tiêu diệt lớn quân địch. Thế trận KVPTĐP được tạo lập bởi hệ thống làng, xã chiến đấu, đây là nền tảng vững chắc, hạt nhân để hợp thành các thành phần thế trận khác; các mục tiêu phòng thủ then chốt, mục tiêu trọng yếu của tỉnh, huyện nơi địa hình có giá trị, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, nơi tác động đến sự ổn định và vững chắc của của KVPTĐP; các căn cứ chiến đấu là nơi đứng chân, bám trụ của lực lượng vũ trang, nơi bố trí cơ quan lãnh đạo, sở chỉ huy tác chiến ở phía trước; các căn cứ hậu phương, nơi bố trí cơ quan lãnh đạo, điều hành, sở chỉ huy cơ bản của địa phương, nơi triển khai cơ sở sản xuất thời chiến, kho tàng dự trữ vật chất hậu cần-kỹ thuật... Thế trận KVPTĐP bảo đảm cho việc thực hiện phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” đồng thời là thành phần cơ bản tạo nên thế trận TCPTCL trên các địa bàn, hướng chiến lược, chiến trường cả nước.
Thế trận tác chiến của lực lượng chủ lực quân khu bao gồm các khu vực bố trí, hệ thống đường cơ động, các vị trí triển khai lực lượng và những nơi dự kiến tiến hành các hoạt động tác chiến theo các phương án trong TCPTCL để giữ vững các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trên địa bàn quân khu. Thế trận của lực lượng chủ lực quân khu kết hợp với thế trận KVPTĐP tạo nên thế trận tác chiến phòng thủ của mỗi quân khu. Trong thế trận TCPTCL trên phạm vi cả nước, trên từng chiến trường thì đây là thế trận tại chỗ tại các hướng, địa bàn tác chiến chiến lược.
Thế trận của lực lượng cơ động chiến lược là thế bố trí, cơ động, triển khai lực lượng, thế trận của các đòn đánh (các trận đánh, chiến dịch, chiến dịch chiến lược) quân địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm..., của các binh đoàn, binh đội bộ đội binh chủng hợp thành, quân chủng, binh chủng của Bộ tham gia tác chiến trên các chiến trường (hướng), địa bàn chiến lược. Thế trận của lực lượng cơ động chiến lược để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng ngự (khi cần), phản công, tiến công (là chủ yếu), cả trên bộ, trên không và ven biển trong TCPTCL.
Thứ hai, tạo lập thế trận TCPTCL là vấn đề lớn liên quan đến các cấp, các ngành, các địa phương, đến việc an, nguy của đất nước nên vừa phải đặt ra những yêu cầu rất cao, vừa cần có sự đầu tư về trí lực, của cải và được triển khai xây dựng ngay từ thời bình; kịp thời bổ sung, điều chỉnh khi có chiến tranh xảy ra. Do đặc điểm địa hình nước ta dài và hẹp, với 3.260 km bờ biển và 4.660 km đường biên giới, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, kênh, rạch nên khi tiến công kẻ địch có thể đánh vào hầu hết các địa bàn, địa phương ngay từ đầu chiến tranh, thực hiện chia cắt chiến lược, cô lập từng địa bàn; đồng thời, với ưu thế về vũ khí, phương tiện chiến tranh và khả năng cơ động, chúng có thể tập trung lực lượng phối hợp với lực lượng phản động trong nước đánh ngay vào các mục tiêu chiến lược trọng yếu của đất nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong tạo lập thế trận TCPTCL phải rộng khắp, có trọng điểm và toàn diện. Thế trận rộng khắp cho phép tạo thế xen kẽ, đánh địch kịp thời ở khắp mọi nơi, buộc địch ngay từ đầu phải phân tán sự đối phó, hạn chế khả năng tập trung binh lực đánh vào khu vực, mục tiêu chủ yếu. Thế trận có trọng điểm tạo ra khả năng tập trung được lực lượng, phương tiện vào các chiến trường (hướng) chiến lược, các khu vực, mục tiêu phòng thủ chủ yếu bảo đảm đánh bại địch tiến công, giữ vững các mục tiêu, địa bàn chiến lược. Thế trận toàn diện, cho phép ta không chỉ tác chiến trên lĩnh vực quân sự, mà còn đáp ứng cho các mặt đấu tranh khác; không những có thể đánh địch tiến công từ ngoài vào mà còn phòng, chống có hiệu quả lực lượng phản động gây bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang từ bên trong. Mặt khác, bản chất của TCPTCL là “giữ” vững các địa bàn, mục tiêu chiến lược trọng yếu, tạo điều kiện cho các hình thức tác chiến chiến lược tiếp theo, nhưng để “giữ” hiệu quả phải có thế “đánh”; hai mặt này có mối liên hệ mật thiết với nhau: “giữ” tạo điều kiện để “đánh” đúng ý định và hiệu quả, “đánh” hiệu quả làm cho “giữ” càng vững chắc hơn. Vì vậy, yêu cầu của thế trận phải có thế giữ và thế đánh, “đánh” để “giữ”, “giữ” là mục đích, “đánh” là biện pháp. Đồng thời thế trận phải có sự chuyển hóa linh hoạt, có thể đánh được địch theo nhiều phương án, tình huống đáp ứng với cuộc chiến tranh hiện đại, tình huống tác chiến diễn ra mau lẹ, phức tạp và khốc liệt.
 Thế trận TCPTCL phải được triển khai xây dựng ngay từ thời bình; kịp thời bổ sung, điều chỉnh khi có chiến tranh xảy ra. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ngay từ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước, đặc biệt là trên các hướng, địa bàn chiến lược, các vùng kinh tế trọng điểm; trong quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, bưu chính-viễn thông; điều chỉnh, bố trí dân cư, nhất là trên các địa bàn biên giới, ven biển, hải đảo; đầu tư ngân sách bảo đảm cho quốc phòng... Thế trận còn được chuẩn bị nhiều phương án tác chiến và từng bước thiết bị những thành phần cơ bản của chiến trường  trên các hướng, địa bàn chiến lược nhạy cảm; tổ chức, bố trí lực lượng (đặc biệt là lực lượng chủ lực của Bộ và quân khu) hợp lý; xây dựng thế trận KVPTĐP một cách thiết thực, vững chắc, phù hợp sự phát triển kinh tế của từng địa phương, trong đó đặc biệt quan tâm đến xây dựng “thế trận lòng dân”; coi trọng khai thác yếu tố địa hình trong tạo lập thế trận. Dù được chuẩn bị từ thời bình đến mức nào thì khi có chiến tranh, thế trận TCPTCL vẫn phải được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở đánh giá đúng tình hình cụ thể về địch, ta và các yếu tố có liên quan khi chiến tranh xảy ra. Sự điều chỉnh, bổ sung thế trận TCPTCL được tiến hành cùng với việc chuẩn bị đất nước về mọi mặt và chuyển sang chế độ thời chiến, để tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
 
Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Thanh Sơn
Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)