QPTD -Chủ Nhật, 27/11/2011, 00:35 (GMT+7)
Mấy vấn đề về tác chiến phòng ngự chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Bốn cuộc chiến tranh do chủ nghĩa đế quốc gây ra trong hơn mười năm qua và các cuộc xung đột vũ trang, bạo loạn chính trị ở các khu vực trên thế giới gần đây đã đặt giới nghiên cứu khoa học quân sự trước nhiều vấn đề mới, trong đó có vấn đề tác chiến phòng ngự chiến lược (PNCL). Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu xóa bỏ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Chúng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kết hợp bạo loạn lật đổ và sẵn sàng phát động chiến tranh xâm lược khi có thời cơ. Nếu chiến tranh xâm lược xảy ra đối với nước ta, nhân dân ta sẽ phải đánh trả một cuộc chiến tranh với các đặc điểm chính là: thời gian tiến hành chiến tranh ngắn, kẻ địch sẽ tiến công cả trên không, trên biển, trên bộ và từ trên vũ trụ. Không gian chiến tranh sẽ mở rộng ngay từ đầu, trên phạm vi cả nước. Các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh công nghệ cao được sử dụng rộng rãi với mật độ cao, lực lượng tham gia tiến công sẽ được sử dụng với quy mô lớn. Kẻ địch sẽ kết hợp giữa tiến công quân sự với bao vây cấm vận, chiến tranh tâm lý, ngoại giao, kinh tế; kết hợp tiến công hỏa lực đường không với tiến công trên bộ, đổ bộ đường không để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, hạn chế thương vong cho chúng.

Đối với lực lượng vũ trang ta, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhiều khả năng chúng ta phải đánh trả sức đột phá mạnh của các tập đoàn tiến công gồm bộ binh cơ giới, máy bay, xe tăng, thiết giáp của đối phương. Địch sẽ sử dụng lực lượng tiến công ồ ạt ngay từ đầu, không đánh thăm dò, leo thang như trước đây, nhằm nhanh chóng “chặt đầu” bộ máy lãnh đạo, đè bẹp sự kháng cự của đối phương. Trên các hướng chiến lược chủ yếu, địch sẽ tổ chức các chiến dịch hiệp đồng quân binh chủng với quy mô quân đoàn, liên binh đoàn; tốc độ tiến công nhanh, sức đột phá mạnh, áp dụng nhiều thủ đoạn tác chiến để nhanh chóng đánh chiếm thủ đô, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn. Do vậy, để bảo vệ vững chắc các mục tiêu chiến lược, phải nghiên cứu và tổ chức tác chiến phòng ngự ở quy mô chiến lược.

Tác chiến PNCL là loại hình tác chiến sẽ được vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được tiến hành từ thời kỳ đầu hoặc trong quá trình chiến tranh, diễn ra bằng các chiến dịch, kết hợp với các hoạt động tác chiến và các hình thức đấu tranh khác; trong đó chiến dịch- chiến lược phòng ngự là nòng cốt, do lực lượng chiến lược kết hợp với lực lượng phòng thủ trên địa bàn chiến lược tiến hành trong không gian và thời gian nhất định, theo ý định và chỉ huy thống nhất của chiến lược, nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt chủ lực của địch, hạn chế sức mạnh binh khí kỹ thuật, đánh bại các tập đoàn tiến công chủ yếu của chúng, giữ vững mục tiêu, địa bàn chiến lược của ta, tạo điều kiện cho các loại hình tác chiến khác. Để thống nhất với nhận thức đó, cần phân biệt sự khác nhau giữa tác chiến phòng thủ chiến lược và tác chiến PNCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Về mục đích, tác chiến phòng thủ chiến lược nhằm tiêu hao rộng rãi, ngăn chặn các hướng tiến công của địch, giữ vững địa bàn phòng thủ. Tác chiến PNCL nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, ngăn chặn, đánh bại địch tiến công trên hướng chiến lược chủ yếu, giữ vững các mục tiêu, các địa bàn chiến lược của ta.
Về đối tượng, tác chiến phòng thủ chiến lược đánh trả lực lượng thê đội một ngay khi chúng thực hành tiến công trên các hướng, các chiến trường. Tác chiến PNCL đánh trả lực lượng tiến công trên hướng chiến lược chủ yếu của địch, thường là thê đội hai của chúng.
Về không gian tác chiến, tác chiến phòng thủ chiến lược diễn ra trên phạm vi cả nước, trên tất cả các hướng mà địch tiến công. Tác chiến PNCL chỉ diễn ra trên hướng chủ yếu của chiến lược, phạm vi tổ chức tác chiến có thể diễn ra trên địa bàn một hoặc một vài quân khu liền kề nhau.
Về thời cơ tiến hành, tác chiến phòng thủ chiến lược tổ chức ngay từ ngày đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Tác chiến PNCL có thể tổ chức thời kỳ đầu hoặc quá trình chiến tranh, tuỳ theo tình hình cụ thể về địch, ta và diễn biến trên các chiến trường.
Về trường hợp, tác chiến phòng thủ chiến lược phải được chuẩn bị từ thời bình và hoàn chỉnh dần trong chiến tranh. Tác chiến PNCL được chuẩn bị trước trên hướng dự kiến địch sẽ tiến công chủ yếu, hoặc trong quá trình tác chiến, khi các chiến dịch phòng ngự của các khu vực phòng thủ quân khu không có khả năng ngăn chặn các tập đoàn tiến công chủ yếu của địch.
Về lực lượng, tác chiến phòng thủ chiến lược do lực lượng tại chỗ của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), quân khu thực hiện. Tác chiến PNCL lấy lực lượng chiến lược làm nòng cốt, kết hợp với các lực lượng trong khu vực phòng thủ quân khu tổ chức.
Về vận dụng các loại hình tác chiến, tác chiến phòng thủ chiến lược vận dụng linh hoạt các loại hình tác chiến, tuỳ theo nhiệm vụ, địa hình và hoạt động của địch khi xảy ra chiến tranh. Tác chiến PNCL lấy tác chiến phòng ngự (nòng cốt là các chiến dịch phòng ngự, chiến dịch-chiến lược phòng ngự) làm nòng cốt, kết hợp với các loại hình tác chiến khác.
Về tổ chức chỉ huy, tác chiến phòng thủ chiến lược do các quân khu chỉ huy. Tác chiến PNCL do chiến lược trực tiếp chỉ huy hoặc thành lập Bộ Tư lệnh chiến trường, để chỉ huy các lực lượng tham gia phòng ngự.
Tác chiến PNCL được vận dụng trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ đó đến nay chưa được nghiên cứu, phát triển, dẫn đến một số nhận thức không đúng, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét trong bài viết tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 30 năm đại thắng mùa Xuân: “Tư tưởng chiến lược của chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là tư tưởng tiến công, còn hình thức tác chiến thì có tác chiến tiến công, tác chiến phòng ngự cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Tuy nhiên do nhận thức không đúng nên trong một thời gian dài, một số cán bộ cho rằng chiến tranh cách mạng chỉ có tiến công, phủ nhận phòng ngự, thậm chí coi phòng ngự là điều cấm kỵ. Vì vậy mà trong một số trận đánh, bộ đội bị thương vong". Tài liệu tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng dự báo: "trong chiến tranh tương lai ngay từ đầu kháng chiến cũng như trong quá trình có thể xuất hiện loại hình tác chiến chiến lược phòng ngự". Dưới đây, xin nêu một số ví dụ điển hình để cùng nghiên cứu, tham khảo.
Trong lịch sử giữ nước, quân và dân nhà Lý, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, đã tổ chức tác chiến PNCL trên tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc chiến tranh chống quân đội nhà Tống xâm lược lần thứ hai (năm 1075-1077), với lực lượng tham gia phòng ngự khoảng 10 vạn người. Chiến dịch PNCL này được tổ chức trên hướng bắc Thăng Long với chính diện kéo dài từ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu (Đa Phúc) đến Vạn Xuân (Phả Lại), nhằm ngăn chặn đạo quân 20 vạn tên của nhà Tống tiến công trên hướng chủ yếu. Lý Thường Kiệt đã lợi dụng bờ nam sông Như Nguyệt, là nơi có địa hình tự nhiên lý tưởng để thiết lập hệ thống phòng ngự. Với số quân chỉ bằng một nửa quân Tống, quân và dân nhà Lý đã xây dựng hệ thống trận địa phòng ngự vững chắc, vận dụng linh hoạt các loại hình tác chiến chiến lược, đánh bại các mũi đột phá của địch, buộc chúng phải chuyển sang phòng ngự ở bắc sông Như Nguyệt với hai cụm lực lượng lớn, một cụm 10 vạn tên do Quách Quỳ đích thân chỉ huy ở bắc Thị Cầu và một cụm 6 vạn tên do Triệu Tiết chỉ huy phòng ngự ở bắc bến Như Nguyệt để cầm cự với quân và dân Đại Việt. Sau 40 ngày phòng ngự thành công (từ 18-1- 1077 đến 28-2-1077), đầu tháng 3 năm 1077, Lý Thường Kiệt chuyển sang phản công chiến lược, tiêu diệt toàn bộ đạo quân hùng hậu của nhà Tống với 20 vạn quân và 10 vạn dân binh  (khi về đến Trung Quốc chỉ còn 23.000 quân và 3.174 ngựa chiến). Chiến dịch phòng ngự quyết chiến chiến lược sông Như Nguyệt là một điển hình về nghệ thuật tổ chức chỉ huy tác chiến thời Lý, đã giành thắng lợi triệt để, bảo vệ vững chắc thủ đô Thăng Long, kết thúc cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân và dân Đại Việt, mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp giữ nước của Tổ tiên ta.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm của dân tộc (1945 đến 1975) dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong chỉ đạo tác chiến, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã vận dụng đúng đắn các loại hình tác chiến chiến lược, trong đó thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ta đã chủ trương PNCL, nhằm làm suy yếu lực lượng tiến công của địch, hạn chế vùng chiếm đóng, bảo tồn và phát triển lực lượng, tạo thế và lực để chuyển sang phản công chiến lược và tiến công chiến lược.
Gần đây, cuộc chiến tranh do Mỹ phát động tiến công I-rắc (năm 2003) cũng cho thấy, mặc dù nguy cơ chiến tranh đã liền kề nhưng quân đội của chính quyền Xát-đam Hút-xen cũng không tổ chức phòng ngự vững chắc. Mãi đến trước khi xảy ra chiến tranh 7 ngày, Xát-đam Hút-xen mới chia đất nước thành 7 vùng chiến lược, giao cho các tướng lĩnh thân cận chỉ huy và vội vã phát súng cho dân. Thực chất đất nước không được tổ chức phòng thủ rõ ràng, thậm chí sát trước chiến tranh còn rút các đơn vị tinh nhuệ từ biên giới về phía sau để tránh đụng độ với chủ lực Mỹ và đồng minh, nên với sức đột phá mạnh của tác chiến quân binh chủng hợp thành và tốc độ tiến công rất nhanh của bộ binh cơ giới, chỉ sau 18 ngày tiến công, quân Mỹ và đồng minh đã đánh chiếm được thủ đô Bát-đa, kết thúc chiến tranh. Đó là bài học thực tiễn dẫn đến thất bại của I-rắc do cấp chiến lược không chú trọng đúng mức đến vấn đề tổ chức PNCL trên các hướng chiến lược trọng yếu.
Như vậy, mỗi loại hình tác chiến chiến lược dù được rút ra từ thực tiễn hoặc sẽ xuất hiện trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, đều phải được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện từng bước theo sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, phù hợp với khả năng, tiềm lực của đất nước. Điều đó đặt ra cho công tác nghiên cứu chiến lược cũng như hoạt động thực tiễn của lực lượng vũ trang phải không ngừng phát triển, nâng cao nghệ thuật quân sự, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Trong đó, một vấn đề quan trọng hiện nay đặt ra với các cơ quan nghiên cứu khoa học quân sự của Bộ, của các học viện, nhà trường quân đội là phải đầu tư nghiên cứu hoàn chỉnh lý luận về tác chiến PNCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để làm cơ sở biên soạn tài liệu giảng dạy cho học viên tại các học viện, nhà trường quân đội; tổ chức huấn luyện, diễn tập cho các đơn vị lực lượng vũ trang; nghiên cứu xây dựng quyết tâm, kế hoạch tác chiến ở các quân khu, các đơn vị dự bị chiến lược. Mặt khác, trên các hướng chiến lược chủ yếu của quốc gia, căn cứ vào quyết tâm, kế hoạch tác chiến chiến lược, ngay từ thời bình phải tiến hành quy hoạch hệ thống công trình phòng ngự để từng bước xây dựng, thiết bị chiến trường và kết hợp chặt chẽ giữa các công trình phát triển kinh tế với công trình phục vụ nhiệm vụ tác chiến khi có chiến tranh. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của bất kỳ thế lực phản động nào, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền
Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự
 

Ý kiến bạn đọc (0)