QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:22 (GMT+7)
Mấy vấn đề về Phong trào Không liên kết hiện nay
Sau Hội nghị cấp cao lần thứ 14 họp trung tuần tháng 9 vừa rồi tại La Ha-ba-na (Cu Ba), Phong trào Không liên kết (NAM) đã có tới 118 nước thành viên. Đây là tổ chức quốc tế rộng lớn chỉ đứng sau Liên hợp quốc (LHQ) với 193 nước thành viên. Với quy mô tầm cỡ như vậy, NAM có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh cho một trật tự thế giới mới công bằng và tốt đẹp. Chính vì vậy, những vấn đề của NAM đã, đang và sẽ còn được dư luận thế giới quan tâm.

Sự tồn tại và phát triển của NAM.

NAM được chính thức thành lập năm 1961, nhưng tiền thân của Phong trào là hội nghị cấp cao Á - Phi họp ở Băng-đung (In-đô-nê-xi-a) từ ngày 18 đến 24-4-1955, với sự tham dự của lãnh đạo 29 các nước Á - Phi, trong đó có Việt Nam. Ra đời trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và trong bối cảnh “chiến tranh lạnh” đang trong giai đoạn gay cấn, NAM là tập hợp lực lượng chính trị của các quốc gia mới giành được độc lập từ tay thực dân châu Âu, xuất phát từ những yêu cầu ban đầu là bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn hoà bình, chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phát triển kinh tế, đồng thời hình thành nên một cực đứng trung lập giữa hai cực Xô - Mỹ, đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, cho một thế giới công bằng, tốt đẹp. NAM kiên trì các nguyên tắc chỉ đạo đã được thông qua tại Hội nghị Băng-đung năm 1955 là: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm lược lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và hai bên cùng có lợi; Cùng tồn tại hoà bình.
Chủ nghĩa thực dân cũ đã bị đánh đổ, “chiến tranh lạnh” đã kết thúc từ lâu, trật tự thế giới từ hai cực đang chuyển sang đấu tranh giữa đơn cực và đa cực. Mặc dù trải qua các bước thăng trầm, nhưng NAM vẫn tồn tại và ngày càng phát triển cả về quy mô tổ chức cũng như chất lượng, hiệu quả hoạt động. 45 năm tồn tại và phát triển, tiếng nói của NAM ngày càng có trọng lượng, vị thế của NAM ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, trở thành một thế lực mà các “cực”, các cường quốc đều muốn “tranh thủ”.
Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14 vừa rồi họp ở La Ha-ba-na với sự chủ trì của nước chủ nhà Cu Ba và sự đóng góp tích cực của các nước thành viên đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn lịch sử, tạo bước phát triển, đưa phong trào lên tầm cao mới. Hội nghị đã kiểm điểm hoạt động của Phong trào trong ba năm qua; xác định những xu hướng lớn trong các vấn đề chính trị, kinh tế toàn cầu, tình hình các khu vực và phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Hội nghị khẳng định vai trò to lớn của NAM trên trường quốc tế. Trước yêu cầu của tình hình thực tế, cần tiếp tục cải cách cơ cấu, phương pháp làm việc; tăng cường cơ chế hiện có, tạo nên cơ chế mới, phù hợp; tổ chức đều đặn các cuộc gặp gỡ, trao đổi; tăng cường vai trò của Chủ tịch là người phát ngôn của Phong trào. Phối hợp hoạt động của Phong trào tại diễn đàn quốc tế đa phương, và NAM phải hành động chứ không chỉ đưa ra những tuyên bố tại các diễn đàn quốc tế…
Có ba nguyên nhân cho sự tồn tại và phát triển của NAM.
Một là, do mục tiêu phấn đấu và những nguyên tắc chỉ đạo của NAM là phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân các nước trong Phong trào, phù hợp lý tưởng của loài người tiến bộ.
Hai là, hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế đã trở thành xu thế lớn trong thời đại toàn cầu hoá. NAM là tổ chức hợp tác quốc tế lớn, đương nhiên cần tồn tại và phát triển.
Ba là, do ngày càng có nhiều hơn những nguy cơ, thách thức đối với thế giới nói chung, NAM nói riêng, và cụ thể đối với những mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo của NAM. Như văn kiện cuối cùng của Hội nghị cấp cao lần thứ 14 vừa rồi của NAM đánh giá: “Bức tranh toàn cầu hiện nay đặt ra những thách thức to lớn đối với các nước Không liên kết trong các lĩnh vực hoà bình và an ninh, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, quyền con người và tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Xu thế toàn cầu hoá ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của thế giới, đồng thời cũng tạo nên những nguy cơ, thách thức mới, nhiều mặt và ngày càng gia tăng cho các quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, các nước trong NAM phần lớn là các nước nghèo, đang phát triển và kém phát triển, với 3,3 tỷ người (chiếm gần 2/3 dân số toàn cầu) nhưng tổng GDP chỉ chiếm 6,5% tổng GDP toàn cầu. Bởi vậy, ngoài những thách thức chung mang tính truyền thống, những thách thức mang tính toàn cầu, NAM còn phải đứng trước các nguy cơ, thách thức từ nhiều mặt, nhiều chiều và gay cấn hơn. Trong “sân chơi toàn cầu hoá” về kinh tế thì sự thua thiệt, bất công, bất bình đẳng thường thuộc về các nước trong NAM, dẫn đến tình trạng nghèo đói, dịch bệnh, mất ổn định ở nhiều nước, đặc biệt ở châu Phi, Mỹ La-tinh, Nam Á. Rất nhiều nước trong NAM đã và đang phải đứng trước các nguy cơ, thách thức từ sự áp đặt, can thiệp, bao vây, cấm vận, sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền. Mục tiêu và lý tưởng về một thế giới công bằng, tốt đẹp, những nguyên tắc chỉ đạo về tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau... đã và đang còn bị thách thức, vi phạm nghiêm trọng. Để vượt qua các thách thức, thực hiện mục tiêu, lý tưởng và bảo vệ những nguyên tắc chỉ đạo của mình, NAM đã tồn tại và phát triển không ngừng.
Đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động - nền tảng sức mạnh tập thể của NAM.
Đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên để có được sự thống nhất ý chí, hành động, tạo nên sức mạnh tập thể hướng tới mục tiêu chung là vấn đề cốt tử, là điều kiện sống còn của NAM cũng như bất kỳ tổ chức nào. Một tổ chức dù đông đảo đến mấy nhưng không có sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên thì cũng chỉ như nắm cát rời rạc, vô hồn, không sức sống, không tránh khỏi tan rã. Qua 45 năm, NAM vẫn tồn tại và phát triển, điều đó chứng tỏ đoàn kết, gắn bó vẫn là chủ đạo của NAM. Tuy nhiên, là một tổ chức quốc tế rộng lớn với hàng trăm quốc gia thành viên, chứa đựng những nhân tố bất lợi cho sự đoàn kết, gắn bó của Phong trào: nhiều nước có chế độ chính trị, xã hội, lập trường, quan điểm, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, thậm chí có những nước thành viên mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột với nhau về nguồn lợi thiên nhiên, về biên giới đất liền, biển đảo… Hơn nữa, còn có những thế lực bên ngoài thực hiện chính sách “chia để trị”, hoặc lợi dụng NAM phục vụ lợi ích của mình. Bởi vậy, sự đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động của NAM là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi thiện chí và nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả Phong trào, của từng thành viên.
Những điều kiện, hay nói cách khác là “chất keo dính” cho sự đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động của NAM, đó là: Tôn chỉ mục đích và những nguyên tắc chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với lợi ích của mọi thành viên; Hình thức tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp1; Các thành viên phải biết đặt mục tiêu, lý tưởng và lợi ích của cả Phong trào lên trên lợi ích cục bộ, hay lợi ích của riêng mình, thực sự coi đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động là nền tảng của sức mạnh, là điều kiện sống còn của Phong trào.
Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14 đánh dấu một bước tiến mới của sự đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động. Tuyệt đại đa số các thành viên hiểu rằng, chỉ có đoàn kết, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động thì NAM mới có tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, và mới có sức mạnh đối phó có hiệu quả với các thách thức mới của thời đại toàn cầu hoá. Tại Hội nghị, nhiều thành viên đã lên tiếng kêu gọi phải tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Phong trào để tạo ra sức mạnh mới. Thông qua thảo luận, tranh luận về hầu hết các vấn đề nóng bỏng, nổi cộm của thời đại, của Phong trào, tình hình thế giới và các khu vực…, tuy có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, nhưng cuối cùng thì sự đoàn kết, đồng thuận, gắn bó, thống nhất ý chí và hành động vẫn thắng thế. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về Mục đích, Nguyên tắc và Vai trò của NAM trong tình hình quốc tế hiện nay; Văn kiện về Phương hướng của NAM thời gian tới và Văn kiện cuối cùng của Hội nghị.
           
1- NAM không có trụ sở hay cơ chế thường trực. Qua thực tiễn hoạt động đã hình thành một hệ thống tổ chức gồm ba cấp: Hội nghị cấp cao gồm các vị đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các nước trong Phong trào, thông thường ba năm họp  một lần.; Nguyên thủ của nước đăng cai Hội nghị cấp cao trở thành Chủ tịch đương nhiệm và người phát ngôn của Phong trào; Giữa hai kỳ Hội nghị cấp cao, có hội nghị toàn thể các Bộ trưởng Ngoại giao; Cơ quan thường trực của Phong trào là Uỷ ban phối hợp, thường xuyên hoạt động ở cấp đại sứ - đại diện các nước NAM bên cạnh LHQ tại Niu Y-oóc. Uỷ ban phối hợp có thể họp cấp bộ trưởng khi cần.
Các Văn kiện Hội nghị cấp cao NAM lần thứ 14 được thông qua biểu hiện sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động của tuyệt đại đa số các thành viên. Điều đó được biểu hiện cụ thể trong việc nhận định, đánh giá tình hình thế giới, khu vực, các vận hội và nguy cơ, thách thức mới đối với NAM trong thời đại toàn cầu hoá. Vấn đề cải tổ LHQ là ưu tiên hàng đầu của NAM. Văn kiện khẳng định lại lập trường chung của NAM về cải tổ LHQ, cải tổ và mở rộng thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ với mục đích để hệ thống LHQ làm việc hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đạt được mục tiêu phát triển. NAM khẳng định lại điều quan trọng hàng đầu là phải luôn luôn tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Về vai trò và hoạt động của NAM, văn kiện khẳng định NAM đã và đang đóng vai trò trung tâm, tích cực trong các vấn đề như chống thực dân hoá, chống phân biệt chủng tộc, vấn đề Trung Đông, duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị. Các thành viên của NAM sẽ phát huy sáng kiến, tiếp tục làm sống động Phong trào; củng cố sự đoàn kết và thống nhất ý chí, hành động; tiếp tục duy trì quá trình xem xét, đánh giá, phân tích và củng cố lập trường của NAM trong các vấn đề quốc tế…
Về các vấn đề khu vực đáng chú ý, văn kiện kêu gọi các nỗ lực nhằm thiết lập một nền hoà bình lâu dài và công bằng ở Trung Đông; lên án mọi hành động khủng bố ở I-rắc, ủng hộ chính phủ mới của I-rắc trong nỗ lực đảm bảo an ninh, ổn định và thịnh vượng cho người I-rắc; ủng hộ nguyện vọng hoà bình, thống nhất hai miền Triều Tiên trên cơ sở tuyên bố cấp cao hai miền (tháng 6-2000) vì sự phát triển thịnh vượng chung của nhân dân Triều Tiên và hoà bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.
Văn kiện một lần nữa nhắc lại quan điểm của NAM kêu gọi Mỹ chấm dứt bao vây, cấm vận Cu Ba, bởi việc làm đó của Mỹ là trái với Hiến chương LHQ. NAM bày tỏ quan tâm, lo ngại về sự  áp đặt trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Xy-ri, kêu gọi hai nước tiến hành đối thoại dựa trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau. NAM kêu gọi giải quyết những tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ ở biển Đông bằng những biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; khẳng định lại sự ủng hộ đối với những nguyên tắc nêu trong Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về biển Đông cũng như Công ước về luật biển năm 1982 của LHQ.
Văn kiện cũng đề cập lập trường thống nhất của NAM trong nhiều vấn đề đáng quan tâm, như thương mại, năng lượng, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, công nghệ thông tin và viễn thông, viện trợ phát triển, sự tiến bộ của phụ nữ, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn lậu ma tuý và tham nhũng, v.v.
Từ khi làm thành viên chính thức của NAM (1976) đến nay, Việt Nam đã và đang đóng góp mạnh mẽ cho Phong trào. Tại diễn đàn Hội nghị cấp cao lần thứ 14 vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có bài phát biểu quan trọng, nêu bật những đóng góp của Việt Nam cho sự lớn mạnh của NAM. Chủ tịch nhấn mạnh, nền tảng sức mạnh tập thể của NAM là tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên, giúp chúng ta giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định, trong tình hình hiện nay, rõ ràng nếu đứng riêng lẻ thì mỗi thành viên trong chúng ta không thể chống chọi được với những thách thức. Vì vậy, chỉ có sức mạnh của tập thể, chúng ta - những nước nhỏ và yếu mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách công bằng và nhân văn hơn. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhắc lại câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, tạo ấn tượng mạnh mẽ và được đông đảo thành viên của NAM nhiệt liệt hoan nghênh.
 
Kim Phượng

 

Ý kiến bạn đọc (0)