QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:36 (GMT+7)
Mấy vấn đề về phổ biến, giáo dục pháp luật nhìn từ góc độ quốc phòng - an ninh

Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị-tư tưởng, như V.I. Lê-nin đã từng nói: Pháp luật là một biện pháp chính trị, là chính trị. Đối với nước ta, pháp luật suy cho cùng là sự thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng thành các qui định của Nhà nước có tính chất bắt buộc chung và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Vì vậy, việc PBGDPL, nâng cao ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân chính là tạo ra khả năng và thuận lợi cho việc giáo dục chính trị-tư tưởng, hình thành ở đối tượng giáo dục những hiểu biết đúng đắn về chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Mục đích PBGDPL của Đảng và Nhà nước ta là nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, hình thành lòng tin của họ vào pháp luật, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thái độ tôn trọng pháp luật của mọi thành viên trong xã hội. Làm tốt công tác PBGDPL cho toàn dân, chính là giúp cho các thành viên trong xã hội thấy rõ hơn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình trong việc xây dựng, giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng, tạo niềm tin vững chắc vào Đảng, chính quyền và chế độ XHCN, qua đó nâng cao ý thức chính trị, tự giác chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật, tích cực, chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của đất nước. Thông qua hoạt động PBGDPL nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân sẽ tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị, từng bước tạo ra mặt bằng dân trí pháp lý phù hợp, góp phần tạo ra sự ổn định về chính trị- xã hội, làm nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ việc PBGDPL tới mọi công dân là một nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền XHCN và coi đó là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính tri-tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX tiếp tục khẳng định: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Chủ trương này được thể chế hoá trong Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi, bổ sung năm 2001), trong đó xác định rõ: Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước mà tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức, kể cả tổ chức Đảng đều phải hoạt động theo pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các hoạt động của mình. Mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật. Có thể nói, những năm gần đây, nhất là từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành, công tác PBGDPL đã được tăng cường mạnh mẽ và thu được những kết quả đáng mừng. Đến nay, chương trình PBGDPLđã được đưa vào kế hoạch định kỳ hằng năm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Việc thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã huy động được đông đảo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng tham gia. Đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đã được tăng cường hơn. Bên cạnh đội ngũ cán bộ chuyên trách của ngành Tư pháp, đã có thêm lực lượng tham gia đông đảo với hàng vạn báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật. Các hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú và sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh công tác PBGDPL thời gian qua đã giúp cho cán bộ và nhân dân ngày càng hiểu biết pháp luật hơn; bước đầu hình thành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đời sống xã hội, người dân đã chủ động hơn trong việc tham gia quản lý nhà nước, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, đóng góp tích cực trong thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, góp phần đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN đang đặt ra. Điều dễ nhận thấy là sự hiểu biết pháp luật của cán bộ và  nhân dân còn nhiều hạn chế; ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa cao, tình trạng vi phạm pháp luật còn nhiều, thậm chí có nơi, có lúc xảy ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đất nước. 
Nhìn từ góc độ quốc phòng-an ninh cho thấy, công tác PBGDPL hiện nay đang đặt ra những vấn đề quan trọng, bức thiết cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, giải quyết. Đó là: chương trình, nội dung, phương pháp PBGDPL hiện nay tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa tương xứng với yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới; tính cập nhật trong PBGDPL chưa cao, một số nội dung mới của pháp luật chậm được phổ biến, giáo dục; tính toàn diện trong nội dungPBGDPL chưa được bảo đảm, nhất là những nội dung pháp luật liên quan tới nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc phòng, những vấn đề về pháp luật hành chính quân sự... nên ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về quốc phòng- an ninh còn nhiều hạn chế; tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm về an ninh, quốc phòng tuy có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao.   
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến động phức tạp, tình hình trong nước đã có những thay đổi lớn, việc PBGDPL đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị mới nâng cao được kiến thức, nhận thức của mọi công dân trong việc chấp hành pháp luật, làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ việc tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật không chỉ là để tránh vi phạm pháp luật, xây dựng nếp sống có kỷ cương, kỷ luật mà còn trực tiếp tác động đến việc tăng cường, nâng cao sức mạnh quốc phòng-an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốcViệt Nam XHCN.
Trước xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc tăng cường  PBGDPL cho các đối tượng, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài và các đối tác nước ngoài hiểu rõ luật pháp, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta có vai trò và ý nghĩa rất lớn. Những năm qua, quan hệ đối ngoại hợp tác và hữu nghị với các nước đã không ngừng được mở rộng, hội nhập kinh tế quốc tế được tiến hành chủ động và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thông tin đối ngoại về pháp luật còn nhiều hạn chế và chưa làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại để các lực lượng yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới cũng như các đối tác của Việt Nam hiểu rõ hơn chính sách kinh tế, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta, góp phần ngăn chặn, bảo vệ  từ xa trước những âm mưu thâm độc trong chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PBGDPL, góp phần tăng cường, củng cố sức mạnh quốc phòng-an ninh của đất nước trong tình hình mới, chúng tôi thấy cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp cơ bản sau:
1. Tiếp tục quán triệt, xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố và tăng cường pháp chế XHCN, giữ vững kỷ cương, phép nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước  trong thời kỳ mới. Tích cực nghiên cứu, soạn thảo và ban hành kịp thời các bộ luật và các luật liên quan đến quốc phòng-an ninh, tạo cơ sở pháp lý để toàn dân quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện, đưa nhanh các bộ luật và các luật đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, coi đó là việc làm thường xuyên của các cấp các, ngành, các đoàn thể và được tiến hành đồng bộ trong sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước từ Trung ương đến cơ cở. 
2. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để họ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ PBGDPL theo cương vị, chức trách được giao;  coi trọng nâng cao năng lực báo cáo viên, nhất là ở  các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề...
3. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan chuyên trách giáo dục quốc phòng-an ninh các cấp trong PBGDPL, hướng vào mục tiêu thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy tối đa vai trò của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cũng như các Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng ( hiện có 34 Hội đồng) và Bộ Công an để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL cho các đối tượng.
4. Trong điều kiện ngày nay, số lượng ban hành các bộ luật, luật, các văn bản pháp lý và các qui định thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng-an ninh ngày càng nhiều, trong khi đó, điều kiện tổ chức, khả năng bảo đảm và thời gian PBGDPL có hạn. Do đó, khi chuẩn bị kế hoạch, tài liệu tuyên truyền, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng pháp luật về quốc phòng-an ninh để bảo đảm cho nội dung và phương thức giáo dục, tuyên truyền kịp thời, chính xác, phù hợp với từng đối tượng. Cùng với đó, việc biên soạn các tài liệu PBGDPL về quốc phòng-an ninh cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, dễ tiếp thu, dễ nhớ để người học nắm vững những yêu cầu cơ bản của  các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.Trên cơ sở các bộ luật và các luật mới ban hành, hoặc sửa đổi bổ sung, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp cần lựa chọn và xác định rõ những nội dung quan trọng, sát với nhiệm vụ, đối tượng và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa bàn. Đặc biệt, khi tình hình chấp hành pháp luật và kỷ luật của cơ quan, đơn vị  có "vấn đề", hoặc ở những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, cần kịp thời đưa những nội dung pháp luật, kỷ luật cần thiết để giáo dục cho các đối tượng.
5. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức PBGDPL, trong đó lựa chọn những hình thức thích hợp cho việc tuyên truyền pháp luật gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh như: tổ chức học tập tập trung, thông qua các phong trào vận động quần chúng đấu tranh chống tội phạm để tuyên truyền, giáo dục. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng tủ sách pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quốc phòng, an ninh, tổ chức các câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ với pháp luật; lồng ghép chương trình, nội dung dạy và học pháp luật trong nhà trường với giáo dục quốc phòng theo tinh thần Nghị định số 15/2001/NĐ-CP  của Chính phủ về giáo dục quốc phòng.
6. Mở rộng công tác tuyên truyền đối ngoại về pháp luật, để bạn bè quốc tế và các đối tác của Việt Nam hiểu rõ hơn về một hệ thống pháp luật tiến bộ, nhân văn, bảo đảm quyền dân chủ, quyền con người, thực hiện bình đẳng dân tộc, tự do tín ngưỡng của pháp luật Việt Nam; đồng thời thông quá đó phản bác lại những luận điệu phản động, vu khống của các thế lực thù địch lợi dụng đối tác nước ngoài để ngăn cản, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân ta. Làm tốt được yêu cầu này chính là góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh quốc phòng-an ninh của đất nước.
7.  Trong số các đối tượng PBGDPL thì lực lượng vũ trang nói chung và  quân đội nói riêng là đối tượng đặc biệt, cần phải được học tập và giáo dục pháp luật sâu rộng tới mọi đối tượng, giúp cho cán bộ, chiến sĩ có kiến thức cơ bản về pháp luật Nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, đồng bào các dân tộc hiểu đúng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật trong và ngoài quân đội để xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệnh, điều lệ của quân đội, góp phần cùng toàn dân giữ vững kỷ cương, phép nước, góp phần tăng cường củng cố sức mạnh quốc phòng- an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
 
Lê Thị Thu Ba
Thứ trưởng Bộ Tư pháp
 

Ý kiến bạn đọc (0)