Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:46 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị (khoá X) đã khẳng định vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật (VHNT) là “... lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người”1; có chức năng: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ... Nó là vũ khí sắc bén, phương thức độc đáo của công tác tư tưởng trong xây dựng phẩm chất, nhân cách con người, góp phần tạo ra động lực tinh thần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhận rõ vai trò to lớn của VHNT, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác VHNT và sự phát triển của VHNT nước nhà. Đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) cũng được Đảng ta hết sức chăm lo xây dựng, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Chính vì vậy, VHNT nước ta đã có sự phát triển tích cực, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
VHNT trong lực lượng vũ trang (LLVT) là một bộ phận của VHNT nước nhà, đã góp phần to lớn vào việc hình thành nhân cách, giữ gìn và phát triển những phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần (VH-TT) của bộ đội, tạo động lực tinh thần làm nên những chiến công chói lọi của các LLVT nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay. Trong những năm qua, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để VHNT trong quân đội phát triển; thống nhất chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, tác dụng của VHNT cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Đồng thời, thường xuyên quan tâm tổ chức, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ VNS trong LLVT ngày càng lớn mạnh, gắn bó với cuộc sống của CBCS, nhất là với cơ sở. VHNT trong LLVT đã phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập và công tác của người chiến sĩ; khẳng định cái mới, cái tiến bộ, phê phán cái cũ, cái lạc hậu; nhiều tác phẩm có sự tìm tòi, khám phá cả về nội dung và hình thức thể hiện. Đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng (CTCM) tiếp tục thu hút sự sáng tạo của các VNS. Các cuộc vận động sáng tác gần đây do quân đội triển khai đã thu được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt. Bám sát Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các VNS quân đội đã hướng cảm xúc của mình vào khắc họa hình ảnh người chiến sĩ - "Bộ đội Cụ Hồ" hôm nay; nhiều tác phẩm đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong công chúng cả nước. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT vẫn giữ được sự tin cậy của công chúng, góp phần định hướng, quảng bá những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; kịp thời tổ chức các bài viết, các cuộc tọa đàm... phê phán những khuynh hướng sáng tác trái với đường lối VHNT của Đảng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT đã có nhiều đổi mới về phương thức tổ chức; đã đưa Liên hoan cấp toàn quân về các khu vực, đảm bảo cho những chương trình văn nghệ quần chúng đến được với các đơn vị và khu vực dân cư còn nhiều khó khăn; chất lượng các chương trình có những tiến bộ rõ rệt, được bộ đội và nhân dân đánh giá cao. Hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp Bộ đến cơ sở ngày càng được quan tâm đầu tư và đang phát huy tác dụng. Các đơn vị đã đảm bảo đời sống VH-TT tương đối đầy đủ cho bộ đội theo Quy định số 3425/2001/QĐ-BQP ngày 20-12-2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Công tác quảng bá, phát hành các sản phẩm VHNT được tổ chức thực hiện thành nền nếp, v.v.
Bên cạnh đó, hoạt động VHNT trong LLVT thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, cần sớm được khắc phục. Đó là, năng lực quản lý, chỉ đạo hoạt động VHNT của một số cấp ủy, chỉ huy còn nhiều hạn chế. Các hoạt động sáng tác VHNT chưa đảm bảo được sự hòa quyện giữa tính phổ biến với tính đặc thù của LLVT; đầu tư cho sáng tác còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, làm hạn chế đến việc thu hút các tài năng tập trung sáng tác về đề tài LLVT và CTCM; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật tương xứng với tầm vóc chiến công, sự trưởng thành của quân đội ta. Hình tượng người chiến sĩ hôm nay phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chưa được xây dựng rõ nét; còn thiếu các hành khúc, kịch ngắn, kịch vui có chất lượng, phù hợp với bộ đội. Một số chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật còn yếu về chất lượng nghệ thuật, hạn chế về hình thức thể hiện. Một số VNS chưa tích cực rèn luyện, kiến thức quân sự còn hạn chế, ít hòa nhập với cuộc sống sôi động của CBCS ở cơ sở. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT còn ít những công trình có tính chiến đấu, có sức thuyết phục cao, kịp thời đáp trả những quan niệm sai trái, phủ nhận các thành tựu văn nghệ cách mạng. Lực lượng lý luận, phê bình VHNT trong LLVT còn thiếu, kiêm nhiệm là chủ yếu, chậm được bổ sung, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Nguồn đào tạo, bổ sung đội ngũ sáng tác VHNT còn gặp nhiều khó khăn; công tác đào tạo VNS chưa cân đối giữa cung và cầu, giữa các ngành nghệ thuật và giữa các vùng, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu; có tình trạng sử dụng VNS không đúng chuyên ngành đào tạo. Hiệu quả của việc phát hành sản phẩm VHNT còn thấp so với yêu cầu. Công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm chưa được chú trọng đúng mức, nên chưa khắc phục kịp thời hạn chế, thiếu sót.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, toàn diện hơn đối với việc xây dựng và phát triển VHNT trong LLVT. Quá trình đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng đang đặt chúng ta trước những thách thức không nhỏ. Cùng với những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” chống phá ta về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là VHNT. Tác động của toàn cầu hoá kinh tế cũng dễ làm lu mờ, xô lệch chuẩn giá trị và thành tựu VHNT cách mạng, trong đó có VHNT về đề tài LLVT và CTCM, nếu việc khai thác các giá trị VHNT của thế giới không được quản lý chặt chẽ. Trong quân đội hiện nay, trình độ của CBCS ngày càng được nâng cao, thành phần xuất thân có nhiều điểm khác trước; trong đó, nổi lên là sĩ quan trẻ và chiến sĩ mới xuất thân từ nhiều thành phần kinh tế, có điều kiện sống khác nhau, v.v. Những đặc điểm đó tất yếu dẫn đến nhận thức, quan niệm, thị hiếu, nhu cầu và phong cách thưởng thức nghệ thuật, văn hóa khác nhau; đòi hỏi VHNT nói chung, VHNT trong LLVT nói riêng, phải tính đến.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong LLVT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, lãnh đạo và chỉ huy các cấp trong quân đội phải quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, nhất là phải “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”2. Nắm vững mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và các giải pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các đơn vị cần liên hệ vào thực tiễn công tác VHNT và đời sống VH-TT của đơn vị mình để đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động VHNT; trong đó, cần chú trọng các nội dung sau:
Một là, cần quán triệt sâu sắc và hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng các hoạt động VHNT trong LLVT nhân dân thời kỳ mới. Cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và khai thác các nguồn lực để xây dựng và phát triển toàn diện VHNT trong LLVT theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh rõ nét những đặc trưng của LLVT cách mạng, của “Bộ đội Cụ Hồ”, của người chiến sĩ quân đội trong thời kỳ mới. Các hoạt động VHNT phải hướng tới việc nâng cao đời sống VH-TT của bộ đội; phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng LLVT nhân dân về chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đáp ứng yêu cầu xây dựng con người mới trong LLVT, bồi dưỡng và phát huy phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Theo đó, VHNT trong LLVT phải tích cực phản ánh những tấm gương tiêu biểu của CBCS và các cựu chiến binh trong hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất và công tác; luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên quyết đấu tranh, đập tan các âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch; có ý chí tự lực, tự cường vươn lên, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu; tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Đồng thời, chú trọng cổ vũ những tấm gương của tập thể và cá nhân có nếp sống văn hóa, tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xả thân vì nhiệm vụ được giao, v.v. Cùng với đó, VHNT trong LLVT phải tích cực phê phán những thói hư, tật xấu, nhằm góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam và người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp đối với hoạt động VHNT. Các cấp cần chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, tác dụng của VHNT cho CBCS; làm cho VHNT trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Mọi hoạt động VHNT trong LLVT phải góp phần giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội, động viên tính tích cực, sáng tạo, tinh thần hăng say học tập, rèn luyện, ý chí phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của CBCS. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao và đa dạng của CBCS, VHNT trong LLVT phải có sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đi sâu vào hoạt động quân sự, quốc phòng; không để kẽ hở cho các hoạt động phản văn hóa có thể len lỏi, tác động xấu đến đời sống tinh thần của CBCS. Cùng với việc đề ra các biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hoá sự tác động của văn hóa phẩm độc hại, các cấp cần chú ý làm tốt việc quảng bá, phát hành các sản phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đến các đơn vị cơ sở; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các VNS bám sát thực tiễn, cơ sở, phản ánh sinh động hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động sản xuất của người chiến sĩ hôm nay.
Ba là, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động VHNT, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đội tuyên truyền văn hóa và văn nghệ quần chúng.VHNT trong LLVT phải lấy hoạt động sôi động của người chiến sĩ hôm nay; nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại làm đối tượng sáng tác; đồng thời, phải lấy người chiến sĩ, lấy đơn vị cơ sở làm đối tượng phục vụ chủ yếu. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo, phương thức quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động VHNT; phải đổi mới phương pháp tổ chức, đầu tư, nhằm khuyến khích sự sáng tạo của các VNS, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, sao cho có nhiều tác phẩm nghệ thuật tốt, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Theo đó, cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho sáng tác của các VNS để có những tác phẩm về đề tài CTCM xứng với tầm vóc các chiến công của dân tộc nói chung, của quân đội ta nói riêng. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng hoạt động của các đội tuyên truyền văn hóa và văn nghệ quần chúng. Các đơn vị cần làm tốt công tác lựa chọn, tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân văn hóa, văn nghệ cũng như đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, tạo ra nhiều “sân chơi” đa dạng, phong phú, sôi động, thu hút đông đảo CBCS tham gia xây dựng đời sống VH-TT lành mạnh trong các đơn vị quân đội.
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình VHNT trong LLVT. Hoạt động lý luận, phê bình phải thường xuyên giới thiệu được các tác phẩm VHNT ưu tú, phê bình các tác phẩm hạn chế về nội dung và nghệ thuật, nhằm định hướng nhu cầu thưởng thức VHNT lành mạnh cho CBCS. Đồng thời, nhạy bén tổ chức lực lượng để có các bài viết, các tham luận khoa học... có tính chiến đấu cao, đáp trả kịp thời những luận điệu sai trái, phản văn hóa của các thế lực thù địch hòng bôi nhọ, hạ thấp thành tựu VHNT cách mạng và tấn công trận địa chính trị, tư tưởng của quân đội ta. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần tăng cường đội ngũ chuyên nghiệp làm công tác lý luận, phê bình VHNT cả về số lượng và chất lượng cũng như động viên lực lượng kiêm nhiệm tích cực tham gia bằng nhiều biện pháp thiết thực.
Năm là, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ VNS trong LLVT một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, có sự kế tiếp vững chắc. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm về chất lượng, bảo đảm yêu cầu về phẩm chất chính trị của các VNS. Đó là, các yêu cầu về tình yêu Tổ quốc, yêu chế độ; gắn bó và phục vụ sự nghiệp đổi mới, xây dựng quân đội; có tinh thần đoàn kết tốt và kỷ luật nghiêm, luôn quán triệt và thực hiện tốt 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của quân đội, v.v. Các đơn vị, nhất là các đơn vị VHNT chuyên nghiệp cần thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức cơ sở đảng với xây dựng đội ngũ VNS, đảng viên; phải làm cho đội ngũ VNS, nhất là VNS trẻ, gắn bó chặt chẽ với đời sống đất nước, quân đội và truyền thống văn hóa dân tộc, có bản lĩnh và khả năng nắm bắt, tiếp nhận một cách chọn lọc những trào lưu nghệ thuật hiện đại, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ưu tú. Cùng với đó, các VNS phải có năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức hoạt động quảng bá, biểu diễn và hội nhập... Bởi vậy, các cấp cần xây dựng và thực hiện cơ chế quản lý phù hợp để tạo điều kiện cho đội ngũ VNS phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình cho quân đội và cho đất nước. Bản thân các VNS trong quân đội phải ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”3. Các đoàn nghệ thuật phải đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ VNS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cần nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng giao lưu, hợp tác với các trường nghệ thuật trong và ngoài nước. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ sáng tác trẻ, không để hẫng hụt về đội ngũ, mất cân đối giữa các ngành nghệ thuật cũng như giữa các vùng, miền. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các cấp quản lý cần rà soát các chính sách hiện có và nghiên cứu, ban hành các chính sách mới, đặc thù, để VNS vừa được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình, vừa thu hút được nhiều VNS tài năng vào hoạt động trong LLVT.
Sáu là, nâng cao chất lượng cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về VHNT trong LLVT. Phòng Văn hoá - Văn nghệ (Cục Tuyên huấn), Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), cơ quan Tuyên huấn, cơ quan Chính trị các cấp cần có kế hoạch củng cố, bổ sung, kiện toàn đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực VHNT. Phải chú trọng cơ chế lựa chọn, sử dụng và bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ hiện có và nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ này, nhất là ở cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện chương trình bồi dưỡng, đào tạo lớp cán bộ làm công tác VHNT ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm của môi trường quân đội và với từng đơn vị.
Thực hiện đồng bộ 6 giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, chất lượng hoạt động VHNT trong LLVT sẽ có bước phát triển mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Tuấn Dũng
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
_________
1- Ban Tuyên giáo Trung ương - Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoá X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Nxb CTQG, H.2008, tr.18.
2- Sđd, tr. 17-18.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6. Nxb CTQG, H.2002, tr. 368.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011