QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:43 (GMT+7)
Mấy vấn đề về kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới của Tổ quốc

Nước ta có đường biên giới dài 4660 km, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và phía Tây Nam giáp Cam-pu-chia, hình thành nên các vùng biên giới rộng lớn trải dài từ Bắc xuống Nam. Đây là những vùng chứa đựng nhiều tiềm năng kinh tế, nhất là về đất đai, tài nguyên rừng, thủy điện, khai khoáng và du lịch sinh thái, kinh tế cửa khẩu..., đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu, “phên dậu” của Tổ quốc, có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh (QP-AN) và đối ngoại. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý tự nhiên đa số là rừng núi hiểm trở, sông, suối chia cắt, lại là nơi cơ sở hạ tầng chậm phát triển; có số đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nên kinh tế, trình độ dân trí thấp, nạn mù chữ và tái mù chữ còn khá phổ biến; đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao... Lợi dụng những đặc điểm, tình hình đặc thù của vùng biên giới, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết đẩy mạnh chống phá ta trên nhiều mặt cả kinh tế, chính trị, QP-AN và đối ngoại. Chúng triệt để lợi dụng địa bàn biên giới xa xôi, hẻo lánh làm điểm xuất phát, tạo ra những điểm “nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển chất ma túy, vũ khí, chất nổ trái phép qua biên giới thường xuyên diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh biên giới. Do đó phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN ở vùng biên giới là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, thiết thực, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương. Để việc kết hợp đó đạt được hiệu quả thiết thực, chúng tôi xin nêu mấy vấn đề cần nghiên cứu, quan tâm giải quyết.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH kết hợp với củng cố QP-AN trên địa bàn biên giới của Tổ quốc. Giáo dục nâng cao nhận thức là một biện pháp rất quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện đưa nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Đặc biệt, đối với vùng biên giới mặt bằng dân trí thấp, trình độ nhận thức lý luận của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập, nên việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục bằng các hình thức phù hợp sẽ góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và toàn dân nâng cao nhận thức, thống nhất với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng phát triển KT-XH và củng cố QP-AN trên địa bàn chiến lược trọng điểm này. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, nhất là Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 28- 03- 1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố QP-AN ở các xã, phường, biên giới, hải đảo”; Quyết định 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Quyết định 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở ở Tây Nguyên” giai đoạn 2002-2010... Qua đó làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng, đoàn thể và nhân dân đối với nhiệm vụ kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, xung yếu. Cùng với quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, các cấp, các ngành, các địa phương cần có các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về đầu tư phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN cho các xã biên giới; tổ chức quán triệt sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự ở vùng biên giới. Chủ động xây dựng quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục giữa các bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Y tế; triển khai nhiều tổ, đội công tác cấp tỉnh, các đồn biên phòng, các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân trên địa bàn, kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của địa phương đi sâu vào các bản, làng thực hiện đưa văn hóa lên vùng cao, đưa thông tin về cơ sở. Tuyên truyền sâu rộng, phân tích để đồng bào hiểu rõ vai trò của QP-AN đối với phát triển KT-XH, thấy được những yếu kém, sơ hở trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý QP-AN mà kẻ xấu đang ra sức lợi dụng; thấy được những diễn biến phức tạp của tình hình đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng biên giới. Từ đó nâng cao cảnh giác, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng, đoàn thể và toàn dân đối với nhiệm vụ củng cố QP-AN, nhất là trên vùng biên giới và các địa bàn chiến lược, xung yếu.
Hai là, đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN  phù hợp với đặc điểm từng vùng lãnh thổ, địa bàn biên giới. Phát triển KT-XH kết hợp với củng cố QP-AN là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Sự kết hợp đó phải được thực hiện một cách khoa học, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng lãnh thổ. Xuất phát từ điều kiện địa lý tự nhiên, nước ta có vùng biên giới rộng lớn, trải dài từ Bắc xuống Nam qua 16 độ vĩ tuyến, bao gồm 912 xã thuộc 186 huyện (quận) ở 44 tỉnh (thành phố), hình thành nên các vùng biên giới với những đặc điểm khác nhau về điều kiện địa lý, thổ nhưỡng; khí hậu, thời tiết; tiềm năng, tài nguyên; phong tục, tập quán của đồng bào và quan hệ với các nước láng giềng. Vì vậy, kết hợp kinh tế với QP-AN ngoài những vấn đề chung vận dụng, chỉ đạo cho tất cả các vùng, miền thì cần phải có sự đầu tư, chỉ đạo, cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm từng vùng biên giới, bảo đảm vừa đầu tư có hiệu quả, vừa phát huy được tiềm năng, thế mạnh nội lực của từng vùng biên giới cụ thể. Đối với vùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc, cần tích cực triển khai Quyết định 120/QĐ-TTg ngày 11-06-2003 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển KT-XH tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc đến năm 2010. Tập trung xây dựng, phát triển các trung tâm cụm xã, các khu kinh tế cửa khẩu, các công trình trọng điểm như nhà máy thủy điện Sơn La. Đồng thời có biện pháp chỉ đạo lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư bảo đảm đạt hiệu quả đồng bộ, bền vững. Thúc đẩy tiến độ công tác phân giới, cắm mốc; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Đối với vùng biên giới Việt Nam – Lào, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án xây dựng các công trình hạ tầng KT-XH và dự án xóa đói, giảm nghèo thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Tổ chức hướng dẫn nhân dân phát triển và ổn định sản xuất. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 190/QĐ-TTG ngày 16-09-2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách di dân, thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn 2003-2010.
Đối với vùng biên giới Việt Nam -  Cam-pu-chia, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường và tiếp tục phát triển trồng cây cao su dọc tuyến biên giới. Đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, điện sinh hoạt và sản xuất, bưu chính-viễn thông, nước sinh hoạt cho các huyện, xã biên giới, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch như quốc lộ 14C, tỉnh lộ 664, nhựa hóa tỉnh lộ 675 và chú trọng các tuyến đường đến các đồn biên phòng. Từng bước điều chỉnh, bố trí dân cư ra sát biên giới, tính toán cụ thể dân số từng địa bàn để đưa dân ra biên giới cho phù hợp, xóa các vùng biên giới không có dân. Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cấp hệ thống trường tiểu học, trung học cơ sở; đầu tư một số nhà rông văn hóa cấp xã; kết hợp phát triển KT-XH với xây dựng cơ sở chính trị. Xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố các chi bộ yếu kém, tăng cường củng cố QP-AN trên địa bàn biên giới, xây dựng biên giới đoàn kết hữu nghị, hợp tác, phát triển ổn định lâu dài.
Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế-quốc phòng, coi đây là một phương thức chủ yếu nhằm phát triển KT-XH, gắn với tăng cường QP-AN trên địa bàn chiến lược biên giới đất liền, biển đảo của Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước (từ năm 1998) cho đến nay, các đơn vị quân đội phối hợp với địa phương và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng được 19 Khu kinh tế-quốc phòng trên toàn tuyến biên giới; tổ chức đón nhận, giúp đỡ hàng chục nghìn hộ dân nghèo sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở vùng biên giới. Từ kết quả đạt được, nhất là ý nghĩa quan trọng, thiết thực về nhiều mặt của nó, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục phát triển các khu kinh tế-quốc phòng, xây dựng các khu quốc phòng-kinh tế mà mục tiêu tăng cường QP-AN là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và các khu vực nhạy cảm trên tuyến biên giới đất liền, biển đảo”.
Ba là, thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng QP-AN ở vùng biên giới của Tổ quốc. Hiện nay, các thế lực thù địch  vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; lợi dụng những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”; vấn đề biên giới lãnh thổ để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nước ta với các nước láng giềng. Trên địa bàn khu vực biên giới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, truyền đạo trái pháp luật, di cư bất hợp pháp, vượt biên trái phép kết hợp với các hoạt động tình báo, gián điệp..., vẫn diễn biến phức tạp. Một số địa bàn biên giới đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Vì vậy, củng cố và tăng cường QP-AN ở vùng biên giới là đòi hỏi cấp thiết, nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sẵn sàng, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm hại đến chủ quyền, an ninh biên giới, bảo đảm cho biên giới phát triển ổn định, bền vững. Để làm được điều đó cần phải tập trung xây dựng thế trận QP-AN vững chắc trên địa bàn, nhất là xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, nâng cao ý thức cảnh giác làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Thường xuyên chăm lo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN của các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở từng địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt chính sách luân chuyển cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và huyện xuống đảm nhận các chức vụ chủ chốt ở các xã biên giới. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và các công trình phòng thủ biên giới; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án tác chiến bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong địa bàn; các phương án tìm kiếm, cứu hộ-cứu nạn,  phòng chống cháy rừng và bảo vệ an ninh trật tự; tổ chức khảo sát đưa dân ra biên giới, xây dựng phòng tuyến nhân dân làm chủ biên giới. Tập trung xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, lực lượng công an trên địa bàn theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, xây dựng cán bộ chỉ huy các cấp là then chốt, không ngừng nâng cao sức mạnh và trình độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trong mọi tình huống. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng dự bị động viên, thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý quân dự bị, nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự, chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng chiến đấu trong mọi tình huống, sẵn sàng bổ sung vào lực lượng thường trực khi có nhu cầu. Đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”, lấy chất lượng làm cơ bản theo Pháp lệnh Dân quân tự vệ; rà soát, bổ sung đủ số lượng, bảo đảm cân đối giữa lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, độ tin cậy về chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng dân quân, tự vệ với các lực lượng khác trong việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
 
Đại tá, TS. Đinh Xuân Thái và Thượng tá, ThS. Tạ Quang Chuyên
 

Ý kiến bạn đọc (0)