Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:10 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ ngày 7-11-2006, với thất bại của đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ ở cả hai viện Quốc hội, là kết quả không nằm ngoài dự đoán, phản ánh tâm trạng bất mãn của cử tri Mỹ đối với các chính sách an ninh và đối ngoại kém hiệu quả mà Chính quyền của Tổng thống G.W. Bu-sơ tiến hành trong thời gian qua. Dư luận thế giới đang hết sức quan tâm, dưới sức ép của Quốc hội do đảng Dân chủ chi phối, Chính quyền Mỹ sẽ có những điều chỉnh gì trong chính sách an ninh và đối ngoại và những điều chỉnh đó sẽ tác động ra sao đến quan hệ quốc tế, tình hình an ninh và cục diện thế giới.
Sau sự kiện 11-9, Chính quyền Mỹ đã tiến hành chính sách đối ngoại đơn phương, hiếu chiến, dựa trên học thuyết quân sự “đánh đòn phủ đầu”, nhằm chống khủng bố và các mối đe dọa khác, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ trên toàn cầu. Chính quyền Mỹ tuyên bố “nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh”; trong quan hệ đối ngoại, coi “nước nào theo Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố là bạn, ngược lại, sẽ bị Mỹ coi là kẻ thù và có thể bị đánh đòn phủ đầu”. Thắng lợi quân sự áp đảo, bằng những phương thức tác chiến hiện đại và các loại vũ khí, trang bị tiên tiến, trong hai cuộc chiến tranh, mà họ tuyên bố là “chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan (2001) và ở I-rắc (2003), đã đưa nước Mỹ trở thành “người hùng” của thế giới phương Tây và phái “diều hâu” trong Nhà Trắng trở thành thế lực có ảnh hưởng lớn nhất, chi phối đường lối, chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ. Để “đánh đòn phủ đầu” trên phạm vi toàn cầu, Mỹ đã tiến hành một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự. Kế hoạch điều chỉnh bố trí chiến lược quân sự trên toàn cầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, được triển khai thực hiện. Theo kế hoạch này, Oa-sinh-tơn sẽ điều chỉnh lại các căn cứ quân sự ở nước ngoài, theo hướng gọn nhẹ hơn, đa dạng hơn, trang bị hiện đại hơn và được bố trí thành một “vành đai chiến lược”, nhằm khống chế các khu vực địa -chính trị, địa - chiến lược trọng yếu trên toàn cầu, như châu Âu, châu Á, Trung Á, Trung Đông. Quân đội Mỹ cũng thực hiện các đề án đầy tham vọng để xây dựng thành quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Ngân sách quân sự được tăng nhanh theo từng năm, phần lớn trong đó phục vụ để mua sắm, trang bị cho quân đội các loại vũ khí, kỹ thuật công nghệ cao hiện đại nhất. Các đơn vị chiến đấu được cơ cấu lại theo hướng liên hợp nhất thể hóa, nâng cao khả năng cơ động, trình độ tác chiến linh hoạt, nhằm “tung lực lượng nhanh nhất đến bất kỳ nơi nào trên toàn cầu”, để “đập tan bất kỳ mối đe dọa nào trước khi chúng hình thành”, để “đưa chiến tranh đến tận sào huyệt của đối phương”. Nhiều quan chức Chính quyền Mỹ đã tuyên bố, “nước Mỹ đang định hình cho thế giới”. Giới phân tích quốc tế của nhiều nước thì e ngại rằng, cục diện thế giới đơn cực đang hình thành, dưới sự chi phối của siêu cường số 1 là Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh mà Chính quyền Mỹ tiến hành bất chấp luật pháp quốc tế, chống I-rắc, ngày càng bị lún sâu vào “sa lầy”, bị dư luận rộng rãi trên thế giới cực lực lên án, phản đối, coi đây là mượn danh nghĩa “chống khủng bố” để thực hiện mưu đồ riêng, đe dọa đến an ninh, ổn định của I-rắc, khu vực Trung Đông và quốc tế.
Đầu năm 2006, Chính quyền Mỹ tuyên bố chiến lược toàn cầu mới, lấy “thúc đẩy dân chủ thế giới” làm trụ cột chính. Lý luận của chiến lược này là “nơi nào có tự do, dân chủ thì nơi đó không còn xung đột, bạo lực. Thế giới tự do, dân chủ thì chủ nghĩa khủng bố không thể tồn tại”. Trọng tâm của chiến lược này là “dân chủ hóa Đại Trung Đông”, khu vực mà theo phương Tây luận chiến lược là “vùng đất trái tim”, “chiếm được vùng đất trái tim sẽ làm chủ thế giới”. Được khích lệ từ thắng lợi của cái gọi là các cuộc “cách mạng mầu sắc”, “cách mạng đường phố” ở một vài nước Trung Á, nhiều quan chức Mỹ tin rằng, chiến lược “dân chủ hóa thế giới” cho phép Mỹ truyền bá những giá trị dân chủ, nhân quyền của mình ra toàn thế giới. Nhưng đất nước I-rắc, nơi Chính quyền Mỹ kỳ vọng nhất, tiêu tốn nhiều tiền của và nhân lực nhất để xây dựng “một mô hình dân chủ mẫu mực”, làm hạt nhân cho toàn khu vực Trung Đông, lại là nơi đang thiêu rụi tham vọng và những chiến lược của họ. Tính đến nay, Nhà Trắng đã phải chi phí cho cuộc chiến I-rắc khoảng 400 tỷ USD và 14 vạn quân Mỹ tinh nhuệ nhất, thiện chiến nhất đang chịu bất lực trước tình hình an ninh ngày càng tồi tệ tại đây; tình trạng bạo lực, xung đột đang đẩy I-rắc đến bờ của cuộc nội chiến đẫm máu. Trước tình cảnh đó, nhất là sức ép ngày càng nặng nề của dư luận trong nước và quốc tế, Chính quyền Mỹ buộc phải tính tới việc điều chỉnh chính sách I-rắc của mình. Trong cuộc họp báo gần đây, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã tuyên bố sẽ nghiên cứu nghiêm túc tất cả các đề xuất, để sớm đưa ra một chính sách cho I-rắc vào đầu năm 2007. Ông cũng khẳng định, chính sách mới phải đảm bảo cho Mỹ giành chiến thắng, chứ không phải để rút lui ở chiến trường này. Theo nhiều quan chức Nhà Trắng, trong các đề xuất, ông G.W. Bu-sơ có thể sẽ chấp thuận đề xuất của Bộ Quốc phòng. Theo đề xuất này, Mỹ sẽ tiếp tục bổ sung quân tới chiến trường I-rắc, dự kiến khoảng 40.000 quân; tăng cường các khoản viện trợ để nâng cao khả năng “tự chủ” cho Chính quyền và lực lượng an ninh I-rắc; tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt nhóm vũ trang hùng mạnh nhất ở I-rắc của giáo sỹ chống Mỹ Mu-ta-da An-xa và của người Hồi giáo dòng Săn-ni. Bình luận về chính sách mới của Lầu Năm Góc, báo giới Mỹ cho rằng, các nội dung của chính sách này không có gì mới và không có khả năng tạo đột phá để có thể làm xoay chuyển cục diện có lợi cho Mỹ ở chiến trường I-rắc. Ba năm vừa qua, tại chiến trường I-rắc, Chính quyền Mỹ đã không ít lần thực hiện giảm quân, để rồi sau đó lại phải tăng quân trở lại vì tình hình an ninh bất ổn định. Gần đây nhất là giữa năm 2006, Nhà Trắng đã phải điều động khẩn cấp một số đơn vị quân đội đóng tại các nước lân cận để về bảo vệ thủ đô Bát-đa, nhưng tình hình an ninh vẫn không được cải thiện. Đề xuất của Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng quân tới chiến trường I-rắc gây phản ứng rất gay gắt trong dư luận đang đòi Chính quyền rút quân, chấm dứt chiến tranh, nên rất có thể sẽ bị đảng Dân chủ dùng sức ép của Quốc hội để ngăn cản, nhiều tướng lĩnh Mỹ cũng phản đối đề xuất này. Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Đông, tướng J.P A-bi-dát cho rằng, tăng quân Mỹ tại I-rắc sẽ phản tác dụng, vì nó làm cho cuộc chiến của Mỹ ở đây càng trở nên phức tạp và điều chắc chắn là sẽ làm suy giảm sức chiến đấu của quân đội Mỹ trên các chiến trường khác. Việc viện trợ cho Chính quyền và lực lượng an ninh I-rắc được Chính quyền Mỹ coi là một phần của chính sách I-rắc và được triển khai từ rất sớm với nhiều biện pháp khác nhau, như xây dựng Hiến pháp, tổ chức bầu cử, thực hiện các kế hoạch hòa giải dân tộc,v.v, nhằm thành lập một Chính quyền I-rắc hòa hợp dân tộc và một lực lượng quân đội và an ninh tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực. Song, do Mỹ thực hiện chính sách hai mặt với ý đồ riêng, cộng vào đó là sự thiếu hiểu biết và quan tâm đến những mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo ở I-rắc vốn rất sâu sắc, phức tạp, nên Chính quyền cùng lực lượng quân đội và an ninh của I-rắc đến nay vẫn trong tình trạng chia rẽ sâu sắc, thực lực yếu kém, chưa thể đảm nhiệm được chức năng của mình. Hơn nữa, những hành động quân sự tàn bạo của quân đội Mỹ đối với người dân bản địa càng làm gia tăng sự hận thù và bạo lực. Lực lượng chống Mỹ ở I-rắc hiện không chỉ có lực lượng của tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda, nhóm kháng chiến của giáo sỹ Mu-ta-da An-xa và của người Hồi giáo dòng Săn-ni, mà còn các nhóm Hồi giáo ôn hòa khác của người Cuốc, người Si-ai và rất nhiều thường dân có người thân bị quân Mỹ giết hại. Đánh giá tình hình của Mỹ tại I-rắc, các chính khách, như cựu Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn, Thủ tướng Anh Tô-ni Ble, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết, Uỷ ban lưỡng viện nghiên cứu I-rắc đều khẳng định, Mỹ không thể chiến thắng ở I-rắc bằng quân sự. Họ cho rằng, Nhà Trắng phải thay đổi chính sách quân sự hiện nay bằng một chính sách đối thoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, sự hợp tác của khu vực, trong đó có cả của Xy-ri và I-ran; chỉ có như vậy, Mỹ mới có thể giải quyết được vấn đề I-rắc trong danh dự.
Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, việc từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-xphen – kiến trúc sư của cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc, nhà thiết kế chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu” - thể hiện Nhà Trắng sẽ có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại, trong một số quan hệ “nổi cộm”, Mỹ có thể sẽ thực hiện chính sách mềm dẻo, linh hoạt hơn. Một động thái gần đây được dư luận đánh giá tích cực, khi Tổng thống G.W. Bu-sơ tuy không chấp nhận đối thoại trực tiếp với Xy-ri và I-ran (hai nước bị coi là ủng hộ khủng bố), nhưng cũng không cản trở Chính quyền I-rắc đối thoại với hai nước này về vấn đề an ninh ở I-rắc và Trung Đông. Hay, mới đây, Mỹ đã cử một phái đoàn, gồm 10 nghị sỹ của cả hai đảng sang thăm Cu-ba. Sau chuyến thăm, các nghị sỹ trong phái đoàn này đều cho rằng, đây là chuyến thăm hết sức quan trọng, bổ ích và hứa tích cực vận động Quốc hội và Chính quyền Mỹ tăng cường đối thoại để phát triển quan hệ song phương, vì nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, một động thái cũng hết sức được quan tâm là, vừa qua hai nước đã nhất trí xây dựng quan hệ đối thoại chiến lược, nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển và giải quyết những vấn đề còn bất đồng. Dư luận thế giới đánh giá cao, coi hai nước duy trì quan hệ hợp tác là phù hợp lợi ích của nhân dân hai nước, có lợi cho an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sau thời gian dài gián đoạn, đàm phán 6 bên (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc) đã được nối lại. Tuy quan điểm, yêu sách còn có nhiều trái ngược nhau, nhưng các bên đều nhất trí rằng, đã có sự hiểu biết hơn về lập trường, quan điểm của nhau, làm cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Dư luận quốc tế coi vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là vấn đề hết sức “nhạy cảm”, phức tạp; coi đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không được có những hành động áp đặt hay kích động làm cho tình hình thêm phức tạp, nhất là không lợi dụng đàm phán để thực hiện mưu đồ riêng; đàm phán trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ của nhau, tôn trọng lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân khu vực và thế giới, thực sự thiện chí, bình đẳng, thẳng thắn, cùng nhau tìm ra một giải pháp giải quyết triệt để vấn đề mà các bên đều chấp nhận được, xây dựng bán đảo Triều Tiên thành một khu vực phi hạt nhân, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đồng Đức
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011