QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:29 (GMT+7)
Mấy vấn đề về chiến lược phát triển khoa học - công nghệ quân sự của một số nước hiện nay

Từ thập niên 70 của thế kỷ XX, khoa học- công nghệ (KH-CN), cốt lõi là tin học và công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, làm thay đổi có tính cách mạng mọi mặt đời sống xã hội. Trong lĩnh vực quân sự, những thành tựu KH-CN hiện đại cho phép nghiên cứu, chế tạo các vũ khí công nghệ cao có tính năng kỹ thuật, chiến thuật vượt trội so với vũ khí truyền thống và việc sử dụng chúng đã thúc đẩy nghệ thuật quân sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn, tạo ra nhiều phương thức tác chiến hiện đại, phương thức tiến hành chiến tranh mới. Mặt khác, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp tài nguyên thiên nhiên, chủ nghĩa khủng bố, can thiệp từ bên ngoài..., vẫn diễn ra gay gắt. Một số cường quốc phương Tây sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự, dưới danh nghĩa “nhân đạo”, “chống khủng bố” tiến hành các hoạt động quân sự, chiến tranh chống nước khác, hòng thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, đe dọa đến an ninh ổn định của các nước, các khu vực và thế giới. Trước tình hình đó, để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, các nước đều rất coi trọng tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng quân đội hiện đại, đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài và bên trong. Trong xây dựng quân đội, phát triển KH-CN được coi là một nhiệm vụ ưu tiên, là thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Tùy thuộc vào mục tiêu chính trị, trình độ phát triển kinh tế, KH-CN, học thuyết quân sự, mỗi nước có chiến lược phát triển KH-CN quân sự  riêng, nhưng nổi lên một số nét cơ bản sau:

1- Tăng cường vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước; điều chỉnh từ cơ chế quản lý khép kín trước đây sang cơ chế quản lý khoa học, lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm.
Một thực tế là, để bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, quân đội thường áp dụng cơ chế quản lý khép kín, nhất là đối với ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), bên cạnh việc được ưu tiên đầu tư các công nghệ tiên tiến của đất nước, thì chế độ quản lý, kiểm soát càng nghiêm ngặt, khắt khe. Ngày nay, do việc ứng dụng rộng rãi các thành tựu của KH-CN hiện đại, nên trình độ KH-CN dân sự phát triển rất nhanh, có nhiều mặt đã bắt kịp và vượt xa so với trình độ KH-CN quân sự. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm nhiều lĩnh vực KH-CN quân sự và dân sự thâm nhập vào nhau. Vì vậy, cơ chế quản lý KH-CN quân sự khép kín như trước đây ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, làm cho ngành CNQP bị biệt lập, cản trở đến việc chuyển giao, ứng dụng thành tựu KH-CN dân sự rất cần thiết cho phát triển KH-CN  quân sự. Hơn nữa, cơ cấu hệ thống quản lý KH-CN quân sự tổ chức cồng kềnh, phức tạp, gây tình trạng lãng phí, hiệu suất họat động kém hiệu quả. Theo kết quả khảo sát được công bố mới đây cho thấy, ở nhiều nước đang phát triển, giá thành sản phẩm quân sự thường cao hơn từ 15% đến 100% so với sản phẩm dân sự. ở các mặt hàng quân sự, chi phí cho quản lý chiếm từ 20% đến 40% tổng giá thành; trong khi đó, ở các mặt hàng dân sự chỉ có 5% đến 10%. Trước tình trạng trên, để phát triển KH-CN quân sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Chính phủ các nước đều có những điều chỉnh về cơ chế quản lý, về tổ chức biên chế, nhằm phát huy vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước để lĩnh vực KH-CN quân sự nói chung, ngành CNQP nói riêng phát triển theo đúng định hướng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Chính phủ ấn Độ đã đề ra chiến lược phát triển KH-CN quân sự đến năm 2020, trong đó xác định rõ mục tiêu và yêu cầu chiến lược, các hạng mục KH-CN, vũ khí, trang bị cần tập trung phát triển và đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với kế hoạch hiện đại hóa quân đội, cũng như chiến lược hợp tác nghiên cứu phát triển KH-CN quân sự ở trong nước và với nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ ấn Độ cũng đề ra và thực hiện nhiều biện pháp quản lý khoa học, nhằm phát huy vai trò tự chủ để các cơ sở CNQP có thể phát huy cao nhất năng lực, khả năng sáng tạo trong nghiên cứu- phát triển và sản xuất, như chuyển từ chế độ Nhà nước bao cấp hoàn toàn vốn sang chế độ trợ cấp một phần vốn, hoặc cho vay vốn; thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về kinh tế khác để các cơ sở CNQP có thể bắt nhịp và vận hành hiệu quả theo cơ chế thị trường.  Chính phủ một số nước ASEAN, như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a..., bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với chiến lược phát triển KH-CN quân sự của quốc gia, rất chú trọng điều chỉnh, sắp xếp lại biên chế tổ chức ngành CNQP theo hướng hợp lý, khoa học, hiệu quả. Tiến hành rà soát, cắt giảm những bộ phận dư thừa, họat động chồng chéo, kém hiệu quả, tập trung vào các bộ phận bảo đảm, phục vụ, hành chính; thực hiện tiêu chuẩn hóa các chế độ hành chính quân sự; tăng cường hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Chính nhờ các biện pháp này mà ngành CNQP của các nước này được đánh giá là hiện đại, đóng  vai trò quan trọng vào việc phát triển KH-CN  quân sự và phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quân sự quốc tế.
2- Kết hợp phát triển KH-CN quân sự với phát triển KH-CN dân sự, công nghệ lưỡng dụng, vừa phục vụ cho mục đích quân sự vừa phục vụ mục đích phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhiều nước coi đây là một hướng phát triển chiến lược của KH-CN quân sự nói chung, ngành CNQP nói riêng trong thời kỳ mới và để ngành này có thể phát huy khả năng của mình, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số nước đã tổ chức các cơ sở CNQP theo 3 loại: Loại 1, các cơ sở CNQP chuyên sản xuất hàng quân sự. Loại 2, các cơ sở CNQP chủ yếu (khoảng 65% đến 70% năng lực) sản xuất hàng dân sự. Loại 3, các cơ sở CNQP chuyên sản xuất hàng dân sự. Phải nói rằng, ngành CNQP thường được trang bị hiện đại, quản lý chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, đây vừa là yêu cầu nhiệm vụ vừa là cơ sở rất quan trọng để ngành có thể tham gia sản xuất hàng dân sự có hiệu quả. Tuy nhiên, kinh tế có quy luật riêng của nó; các mặt hàng dân dụng rất đa dạng, phong phú, kiểu dáng lại thường xuyên được thay đổi phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Do vậy, để sản xuất, tiêu thụ được hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cùng với việc Nhà nước phải có chính sách thích hợp nhằm tạo dựng môi trường kinh tế lành mạnh, ngành CNQP phải chủ động định ra được chiến lược phát triển phù hợp, nắm vững quy luật kinh tế, biến động của thị trường trong nước và quốc tế, đổi mới và áp dụng các phương pháp quản lý, sản xuất khoa học, hiệu quả, tăng cường hiện đại hóa công nghệ, trang thiết bị, tích cực, sáng tạo trong việc tìm tòi và khai thác thị trường..., sản xuất các sản phẩm hàng hóa có uy tín  về chất lượng và kiểu dáng để thu hút được khách hàng, từ đó tăng thu nhập, tạo đà phát triển tiếp theo.
Cùng với kết hợp phát triển KH-CN quân sự và KH-CN dân sự, sản xuất công nghệ lưỡng dụng cũng là một hướng phát triển đầy triển vọng, có lợi ích thiết thực đối với các ngành quân sự và dân sự. Một số công nghệ lưỡng dụng quân sự và dân sự đang được các nước chú trọng nghiên cứu, phát triển là công nghệ thông tin, công nghệ dẫn, công nghệ chính xác, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học... Trong nghiên cứu, phát triển công nghệ lưỡng dụng, thực hiện phương châm chiến lược là nghiên cứu rộng, nhưng sản xuất có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu, phát triển công nghệ cơ bản, từ đó nghiên cứu ứng dụng trên diện rộng; kết hợp phát triển  mới với nâng cấp, hiện đại hóa các trang bị hiện có...., nhưng phải đạt mục tiêu cao nhất là phục vụ cho mục đích quân sự; phát triển công nghệ dân sự, công nghệ lưỡng dụng cũng là để hỗ trợ, bổ sung cho công nghệ quân sự phát triển tốt hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ an ninh quốc gia.
Một hướng khác cũng được nhiều nước chú trọng, coi là một hướng phát triển phù hợp với xu thế KH-CN hiện nay là sáp nhập các cơ sở CNQP để hình thành các tổng công ty, các tập đoàn, các tổ hợp CNQP nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, chế tạo và năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, các nước Nga, Trung Quốc, ấn Độ, Xin-ga-po, Thái Lan đang tiến hành việc sáp nhập này và đã có một số tập đoàn CNQP được xếp vào hạng mạnh của khu vực và thế giới.
3 - Chiến lược “đi tắt”, “đón đầu”.
Một đặc điểm nổi bật trên thị trường vũ khí thế giới những thập kỷ gần đây là để cạnh tranh, các nhà xuất khẩu có thể bán bất kỳ loại vũ khí, trang bị hiện đại nào mà họ có, kèm theo đó là quyền chuyển giao công nghệ, bản quyền sản xuất và bí quyết công nghệ. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các nước (kể cả các nước đang phát triển có cơ sở CNQP yếu kém) có thể nhập khẩu các công nghệ, vũ khí, trang bị hiện đại, mà không phải trải qua các công đoạn nghiên cứu, phát triển, chế tạo rất tốn thời gian và tiền của. Tận dụng đặc điểm mới này, nhiều nước định ra chiến lược “đi tắt”, “đón đầu” để phát triển chiến lược KH-CN quân sự của nước mình. Hiện có 4 hình thức để thực hiện chiến lược “đi tắt”, “đón đầu” được nhiều nước áp dụng:
a- Liên doanh. Thông qua việc ký kết các hiệp định người mua thu được các bí quyết công nghệ của đối tác.
b- Chìa khóa trao tay hay hợp đồng trọn gói. Bên mua nhận được từ công nghệ “phần cứng” (nhờ lắp đặt các trang thiết bị) và cả “phần mềm” (nhờ đào tạo, cung cấp tài liệu, hợp tác nghiên cứu-triển khai) đến khâu hoàn chỉnh cuối cùng; đồng thời nghiệm thu, nhận chìa khóa và tiến hành sản xuất thử.
c- Mua bản quyền. Đây là kênh khá phổ biến, kể cả đối với các nước phát triển có nền CNQP hùng mạnh. Ví dụ, xe tăng M1 Abrams tiên tiến nhất của Mỹ có tới 40 chi tiết phải nhập hoặc phải mua bản quyền của Đức, Nhật Bản; hay, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới nhất B.2 của Mỹ cũng có tới hơn 20% linh kiện phải nhập ngoại hoặc phải mua lại bản quyền sản xuất của nước ngoài.
d- Cho thuê và hợp tác nghiên cứu-triển khai. Hình thức này thường do các công ty xuyên quốc gia đảm nhiệm.
Vấn đề đặt ra đối với chiến lược “đi tắt”, “đón đầu” là phải xác định đúng “đích đến”, nghĩa là trình độ KH-CN cần đạt được, sao cho phù hợp với khả năng kinh tế, trình độ phát triển KH-CN của đất nước, mục đích chính trị-quân sự đặt ra, nhất là không để bị phụ thuộc vào các công nghệ nhập ngoại, trực tiếp tác động đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia. Và, vấn đề then chốt đảm bảo cho chiến lược “đi tắt”, “đón đầu” là phải xây dựng được nền CNQP của đất nước thực sự vững mạnh, xây dựng được một đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật có năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đủ khả năng làm chủ và vận dụng để nghiên cứu phát triển mới KH-CN quân sự hiện đại, phát huy cao nhất khả năng của vũ khí, trang bị phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ an ninh quốc gia.
 
Đức - Thắng
 

Ý kiến bạn đọc (0)