QPTD -Thứ Tư, 07/12/2011, 23:00 (GMT+7)
Mấy vấn đề về chiến lược an ninh quốc gia của một số nước ASEAN hiện nay

Trước những biến đổi mạnh mẽ của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ... trên thế giới, các nước đều tiến hành điều chỉnh chiến lược, nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và tạo dựng môi trường thuận lợi trong điều kiện mới để tiếp tục phát triển. Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tùy thuộc vào mục tiêu chính trị và khả năng của mình, mỗi nước có quan điểm và biện pháp điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia (ANQG) riêng, song nổi lên một số nét lớn sau.

1- Quan niệm an ninh toàn diện trong môi trường an ninh phức tạp, nguy cơ, thách thức đa dạng, nguy hiểm.
Môi trường quốc tế: Các nước ASEAN cho rằng, sự sụp đổ của trật tự thế giới đối đầu hai cực Xô-Mỹ vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX không làm cho thế giới có được bình yên như mong đợi. Tuy hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo chi phối tình hình và các mối quan hệ quốc tế; nhưng, trật tự chính trị, kinh tế không công bằng, bất hợp lý vẫn chưa có sự thay đổi cơ bản. Toàn cầu hóa kinh tế bị các cường quốc phương Tây chi phối làm cho tình trạng phân cực, phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, nhất là đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển. Ngoài sự bất bình đẳng, thua thiệt trong “cuộc chơi”, các nước này còn phải chịu nguy cơ bị xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tình trạng nghèo đói, vô gia cư đang là vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Theo thống kê của của Liên hợp quốc, năm 2004, thế giới có 852 triệu người không có đủ lương thực (tăng 10 triệu người so với năm 2003); mỗi ngày có khoảng 100.000 người chết đói. Trong khi đó, mỗi năm, thế giới phải chi trên 1.000 tỷ USD cho vũ khí, trang bị quân sự, chạy đua vũ trang. Việc thực hiện dân chủ hóa quan hệ quốc tế vẫn không thu được kết quả; chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền có những phát triển và biểu hiện mới, nhất là gần đây lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, hòng áp đặt giá trị và quyền ảnh hưởng của mình. Xung đột dân tộc, sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, chủ nghĩa khủng bố, ly khai, chiến tranh cục bộ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh, ổn định của các nước, các khu vực và thế giới.
Môi trường khu vực: ASEAN có nền kinh tế phát triển năng động, trong đó có nhiều nước thành viên đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới. Những năm qua, ASEAN không ngừng củng cố về tổ chức và mở rộng phạm vi hoạt động. Đến nay, ASEAN đã bao gồm tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, ASEAN vẫn trong tình trạng phát triển chưa đồng đều, chưa vững chắc; nhất là khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế trong khối còn có sự chênh lệch khá lớn là cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển của ASEAN. Hơn nữa, ở Đông Nam Á vẫn tồn tại nhiều nguy cơ xung đột dân tộc, sắc tộc, ly khai, khủng bố..., gây mất ổn định; một số “điểm nóng” vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; khu vực này còn là trọng điểm tranh giành lợi ích và quyền ảnh hưởng của các cường quốc, nước lớn.
Quan niệm an ninh toàn diện: Trong hệ thống an ninh của đất nước, ANQG là cấp độ cao nhất, thấp hơn là an ninh xã hội, an ninh cá nhân.... Mỗi cấp lại hợp thành bởi nhiều nhóm theo thứ tự ưu tiên. Một số nước ASEAN phân chia an ninh cá nhân thành nhiều nhóm ưu tiên: nhóm ưu tiên số 1 là nguyên thủ quốc gia; nhóm ưu tiên số 2 là các quan chức chính phủ; nhóm ưu tiên số 3 là nhân dân. Việc xác định các khu vực của đất nước thành khu vực chiến lược, khu vực chiến lược trọng yếu; phân chia thành các mục tiêu chiến lược (kho tàng, sân bay, bến cảng, các cơ sở quân sự, quốc phòng...), các mục tiêu chiến lược cốt tử (cơ quan đầu não, hệ thống cơ quan chỉ huy) mà nếu mất an ninh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội, đất nước, v.v.  Xét về tính chất, ANQG là tổng hợp của tất cả các ngành, như an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh quân sự, an ninh đối ngoại, v.v. An ninh của mỗi ngành lại là tổng hợp của các phân ngành (như an ninh kinh tế bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng...) và tùy từng giai đoạn lịch sử, nội hàm an ninh cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Xét về mối đe dọa, ANQG bao gồm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Những vấn đề an ninh truyền thống do lịch sử để lại, như tranh chấp lãnh thổ, nguy cơ xâm lược, can thiệp, thôn tính... Những vấn đề an ninh phi truyền thống, như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm, sự suy thoái môi trường, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, ma túy... Hiện nay, các nước đều coi chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với ANQG.
Bảo vệ ANQG và xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội là hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước, quan hệ gắn bó biện chứng với nhau. Bảo vệ ANQG là để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội là nền tảng để tăng cường ANQG. Mặt khác, ANQG là bộ phận cấu thành của an ninh khu vực, an ninh quốc tế. Ngày nay, không một quốc gia nào, dù hùng mạnh nhất, cũng không thể tự mình đối phó được với những nguy cơ an ninh toàn cầu “phi truyền thống”, như hoạt động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, sự suy thoái môi trường, các loại dịch bệnh... Để đối phó với các nguy cơ này, bên cạnh nỗ lực của quốc gia cần có sự hợp tác khu vực, liên khu vực, hợp tác quốc tế thì mới thu được kết quả. Hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế, kéo theo sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác nữa, nên việc tạo dựng môi trươờng hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển vừa là nhu cầu vừa là lợi ích đối với tất cả các nước. Đây là nền tảng vô cùng quan trọng để ASEAN tăng cường mở rộng hợp tác để tạo dựng và bảo vệ môi trường an ninh khu vực và quốc tế.
2- Phát huy sức mạnh tổng thể bảo vệ ANQG, lấy xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại hóa làm nòng cốt; kết hợp giữa phát huy nguồn lực trong nước là chính với tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác an ninh.
Các nước ASEAN coi phát huy sức mạnh tổng thể của đất nước là phương châm chiến lược bảo vệ ANQG và thể chế hóa chúng bằng luật pháp và các văn bản pháp quy, nhằm tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của cả nước và tăng cường vai trò quản lý, điều hành thống nhất của Chính phủ. Xin-ga-po được coi là nước có hệ thống luật ANQG khá hoàn chỉnh, phát huy vai trò tích cực trong việc củng cố sức mạnh quốc phòng-an ninh. Luật quân dịch và chính sách phòng thủ toàn diện là hai văn kiện cốt lõi trong hệ thống luật ANQG của Xin-ga-po. Luật quân dịch gồm 3 bộ phận: quân dịch toàn phần, quy định tất cả nam công dân đủ 18 tuổi, học hết phổ thông, các trường sơ cấp đều phải tham gia làm nghĩa vụ quân dịch; quân dịch dự bị, quy định tất cả nam công dân sau khi hoàn thành quân dịch toàn phần phải chuyển sang ngạch quân dịch dự bị; giáo dục quốc phòng quy định cho các đối tượng là quân nhân, học sinh, công chức, viên chức chính phủ và các doanh nghiệp. Chính sách phòng thủ toàn diện gồm 5 bộ phận: 1-Phòng vệ tâm lý là xây dựng cho mọi người dân ý thức, trách nhiệm đối với sự nghiệp quốc phòng-an ninh, sẵn sàng tham gia bảo vệ Tổ quốc trước bất kỳ cuộc xâm lăng nào. 2- Phòng vệ xã hội là tạo điều kiện để mọi người dân chung sống hòa hợp, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo vì lợi ích chung của quốc gia. 3- Phòng vệ kinh tế là làm cho nền kinh tế đất nước luôn phát triển linh hoạt, năng động và khả năng chuyển dịch nhanh sang kinh tế thời chiến khi có chiến tranh nổ ra. 4- Phòng vệ dân sự là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, đảm bảo cho mọi người dân có thể sinh họat bình thường trong điều kiện đất nước có chiến tranh. 5- Phòng vệ quân sự là đảm bảo xây dựng quân đội hùng mạnh; hệ thống lãnh đạo, chỉ huy có năng lực; nhân dân và quân đội đoàn kết, sẵn sàng xả thân vì sự trường tồn của dân tộc... Luật quốc phòng-ANQG của In-đô-nê-xi-a khẳng định, hệ thống quốc phòng- ANQG của nước này là hệ thống quốc phòng - ANQG toàn dân, bao gồm: bộ phận cấu thành cơ bản là nhân dân được huấn luyện; bộ phận cấu thành chủ yếu là lực lượng vũ trang và lực lượng dự bị; bộ phận cấu thành đặc biệt bảo vệ xã hội và bộ phận hỗ trợ (nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn tài nguyên nhân tạo) và giá trị dân tộc. Quốc phòng toàn dân mang các tính chất: 1- Toàn dân, đó là sự tham gia của toàn dân phù hợp với khả năng và chuyên môn của họ trong các bộ phận cấu thành lực lượng quốc phòng- ANQG. 2-Toàn diện, đó là toàn bộ sức mạnh của dân tộc và quốc gia có thể được động viên để đối phó với mọi hình thức đe dọa từ bên ngoài và bên trong. 3- Lãnh thổ, đó là toàn bộ lãnh thổ quốc gia và các vùng bao quanh được sử dụng để hỗ trợ cho các hoạt động quốc phòng-ANQG...
Để đối phó với chiến tranh cục bộ công nghệ cao, các nước ASEAN chú trọng xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại hóa, có quy mô hợp lý, biên chế tổ chức gọn, nhẹ, nâng cao khả năng cơ động, tác chiến hợp đồng các quân chủng, binh chủng, các lực lượng. Tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị, ưu tiên cho lực lượng không quân, hải quân, các binh chủng kỹ thuật. Nâng cao năng lực, trình độ tự động hóa, trí năng hóa cho hệ thống chỉ huy, đáp ứng yêu cầu chỉ huy trong các hoạt động tác chiến của quân đội. Một số nước chú trọng phát huy “thực lực mềm quân sự” của quân đội, tập trung vào các mặt cơ bản: 1-Khả năng cố kết các yếu tố bên trong nhằm tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất. Các yếu tố bên trong là xác định mục tiêu, quán triệt nhiệm vụ; ý chí thống nhất, thực hành chức trách một cách triệt để; ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành vô điều kiện các quyết định của người chỉ huy. 2-Khả năng tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần từ bên ngoài để tăng cường sức mạnh chiến đấu. 3-Khả năng sáng tạo, cải tiến để phát huy cao nhất tính năng kỹ thuật, chiến thuật của vũ khí, trang bị trong biên chế. 4-Khả năng vận dụng linh họat, hiệu quả các phương pháp, thủ đoạn tác chiến kỹ thuật cao, phát huy tối đa sức chiến đấu của quân đội.
Hợp tác an ninh là một bộ phận quan trọng trong chiến lược ANQG của các nước ASEAN, được thực hiện thông qua các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương giữa các nước trong khối và giữa các nước trong và ngoài khối. Trong các quan hệ hợp tác an ninh đa phương, diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) có vai trò nổi bật. Kể từ khi thành lập (1973), ARF không ngừng phát triển và phát huy vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế. Đến nay, ARF đã có hơn 20 thành viên, trong đó bao gồm tất cả các nước ASEAN và nhiều cường quốc, nước lớn và tổ chức quốc tế, như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, EU... ARF hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, thống nhất trong đa dạng, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Đây là nơi để các bên bày tỏ quan điểm, chính sách quốc phòng, an ninh của mình, trao đổi những biện pháp để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Phương châm hoạt động của ARF là “ngoại giao phòng ngừa”, nhằm tăng cường sự hiểu biết, xây dựng niềm tin lẫn nhau, ngăn chặn không để những “xung đột đáng tiếc” xảy ra và hợp tác để giải quyết những vấn đề an ninh chung mà các bên cùng quan tâm. ARF đã tạo cơ sở để các bên liên quan đến chủ quyền Biển Đông thông qua “Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, được dư luận đánh giá cao, coi đây là một bước tiến quan trọng để đạt tới việc ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột ở “điểm nóng” này, góp phần củng cố, giữ vững an ninh, ổn định ở Đông Nam Á, châu Á- Thái Bình Dương và thế giới. Thời gian tới, ARF tiếp tục mở rộng nhiều kênh đối thoại về nhiều lĩnh vực, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, phát triển quan hệ hợp tác mang tính xây dựng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa các nước, nhất là với các cường quốc, nước lớn, có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Cùng với ARF, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị sau Hội nghị Ngoại trưởng (ASEAN +3), Hội nghị hợp tác Á- Âu (ASEM)... cũng là những kênh  đa phương quan trọng trong hợp tác phát triển kinh tế và củng cố an ninh khu vực và quốc tế.
Là một nước trong khu vực, Việt Nam luôn chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, xây dựng môi trường hòa bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào việc giữ vững hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ của khu vực và thế giới. Trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết, các thỏa thuận, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực cho hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, được bạn bè đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2006. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam phát huy trách nhiệm của nước chủ nhà, với thiện chí hòa bình, tinh thần đoàn kết, chủ động đề xuất chương trình, nội dung thảo luận, quyết tâm tổ chức Hội nghị an toàn tuyệt đối, thành công tốt đẹp, thiết thực góp phần củng cố và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, giữ gìn an ninh khu vực và quốc tế.
 
Đồng Đức- Phạm Thắng
 

Ý kiến bạn đọc (0)