QPTD -Chủ Nhật, 04/09/2011, 00:27 (GMT+7)
Mấy vấn đề trong học thuyết quân sự mới của Nga

Theo các nhà hoạch định chiến lược của Nga, học thuyết quân sự (HTQS) là văn kiện cơ bản, quan trọng nhất trong lĩnh vực phòng thủ quốc gia; gồm hệ thống các quan điểm và luận điểm có tính nguyên tắc của nhà nước, nhằm chống lại các mối đe dọa và bảo đảm an ninh, quốc phòng, ngăn ngừa chiến tranh và xung đột vũ trang; xây dựng quân sự, chuẩn bị đất nước và lực lượng vũ trang (LLVT) để bảo vệ Tổ quốc; các phương pháp chuẩn bị và tiến hành đấu tranh vũ trang cùng những hình thức đấu tranh khác nhằm mục đích phòng thủ quốc gia.

Tháng 4-2000, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã thông qua HTQS của Nga, được gọi là HTQS- 2000. Việc thực hiện HTQS-2000 trong tổng thể chiến lược chung của quốc gia, cho phép Nga từng bước khôi phục sức mạnh quân sự, quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình hình nước Nga và thế giới đã diễn ra những thay đổi rất lớn về địa-chính trị và quân sự - chính trị, nhất là tính chất của các mối đe dọa đối với an ninh, lợi ích quốc gia của Nga đã trở nên phức tạp và đa dạng hơn…, đòi hỏi Nga phải có những điều chỉnh HTQS-2000 cho phù hợp. Chính vì thế, năm 2005, Tổng thống V.Pu-tin đã yêu cầu Chính phủ và Bộ Quốc phòng (BQP) Nga phải có những sửa đổi HTQS-2000 cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phòng thủ đất nước trong thời kỳ mới. Ngày 20-1-2007, trong Hội nghị quân sự cấp cao được tổ chức tại Học viện Khoa học quân sự Nga, tướng M. Ga-rê-ép, Giám đốc Học viện và tướng Y-u-ri Ba-lu-ép-xki, Tổng Tham mưu trưởng các LLVT Nga đã trình bày những nội dụng cơ bản của HTQS mới, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý sau:

1-Trong quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự, điểm nổi bật là tư duy về mối đe dọa và việc xác định thứ tự các mối đe dọa đã có những phát triển mới và thể hiện mới, như: xác định các mối đe dọa xuất phát từ những lực lượng quốc tế đặc biệt và các quốc gia có ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Nga, phá hoại các quyền lợi kinh tế và các lợi ích khác của Nga, cũng như mưu toan gây sức ép về chính trị, thông tin và các hoạt động phá hoại ngầm đối với Nga.Theo tướng Ba-lu-ép-xki, những mối đe dọa an ninh quốc gia của Nga hiện nay trước hết đến từ Oa-sinh-tơn: "Đó là chính sách của Mỹ trên cương vị lãnh đạo thế giới và tham vọng giành quyền chủ đạo ở những khu vực mà Nga vốn có ảnh hưởng". Đặc biệt, chủ trương của Mỹ triển khai bố trí hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở Cộng hòa Séc và Ba Lan, được coi là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga. Mối đe dọa tiếp theo là tham vọng của tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh (NATO) mở rộng biên giới sang phía Đông, tiến sát tới biên giới của Nga. Mối đe dọa về an ninh năng lượng được coi là mối đe dọa sống còn, nhất là khi giới lãnh đạo NATO coi việc thay đổi giá các nguồn năng lượng như một lý do để gây sức ép đối với Nga. Ngoài ra, các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang dẫn đến mất ổn định chiến lược…, mà HTQS-2000 đã xác định, vẫn được coi là những mối đe dọa nguy hiểm.

Trên cơ sở các mối đe dọa đó, quan điểm quốc phòng, quân sự của Nga là phòng thủ, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, an ninh và  hòa bình thế giới, chống chiến tranh xâm lược, chống đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong xây dựng tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, quân sự, Nga chú trọng kết hợp giữa sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm”; giữa quân sự với chính trị, kinh tế, đối ngoại và các mặt khác; giữa sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện quốc tế có lợi cho xây dựng và bảo vệ đất nước. Nga chủ trương thực hiện đường lối quốc phòng độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia, trong đó, coi sức mạnh quân sự có vai trò và ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đồng thời, cũng nêu rõ, trong tình hình mới, các biện pháp đấu tranh quốc phòng phi quân sự, nhất là các phương thức chính trị, ngoại giao, kinh tế, thông tin…, có mối tương quan chặt chẽ và vai trò quan trọng hơn trước rất nhiều. Từ đó, Nga chú trọng việc vận dụng các phương thức đấu tranh quốc phòng này một cách linh hoạt, nhằm đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ đề ra. Nga cũng khẳng định, công cuộc phòng thủ đất nước của Nga mang tính toàn diện, là trách nhiệm của nhà nước và của toàn dân; coi bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân và được luật pháp quy định. Các cơ quan nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đều có chức năng, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ đất nước theo quy định; đồng thời, có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, dưới sự quản lý thống nhất của nhà nước, mà trực tiếp là BQP.

Học thuyết mới cũng nhấn mạnh, trong điều kiện quốc tế hiện nay, khi mà  một số cường quốc phương Tây đang sử dụng chiến tranh thông tin như một phương thức chiến tranh mới, thì vấn đề bảo vệ an ninh chính trị, an ninh tinh thần đang trở nên hết sức cấp bách trong phòng thủ quốc gia. Theo đó, Nga sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân và các LLVT về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh thông tin chống lại Nga. Đồng thời, coi trọng việc giữ gìn, kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc (nhất là truyền thống anh hùng của nhân dân Nga trong các cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại) như một biện pháp vừa cấp thiết trước mắt vừa cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ Nga sẽ tiếp tục có các chính sách ưu tiên nhằm nâng cao vai trò và vị thế của LLVT trong đời sống xã hội, như cải cách chế độ tiền lương, chế độ ưu đãi đối với những người có công với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và nhiều chính sách hậu phương quân đội khác, nhằm tạo điều kiện để các quân nhân yên tâm phục vụ, thu hút nhân tài quân sự, xây dựng đội ngũ quân nhân có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu quốc phòng hiện đại.

Trong xu thế toàn cầu hóa, là một cường quốc và là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Nga coi việc bảo vệ an ninh của thế giới vừa là trách nhiệm, nhưng cũng là một phương thức bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia của Nga. Nga chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng quan hệ đối tác tin cậy, hợp tác toàn diện trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, vì an ninh và lợi ích quốc gia, an ninh và hòa bình của thế giới, nhất là trong phòng chống các mối đe dọa toàn cầu, như chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa "phi truyền thống” khác; đề cao vai trò của LHQ, trách nhiệm của đất nước trong giải quyết các vấn đề an ninh, hòa bình và phát triển của thế giới, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Nga cũng cho rằng, xây dựng một nước Nga hùng mạnh là nhân tố quan trọng không chỉ để bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, răn đe, ngăn chặn các mưu đồ xâm lược từ bên ngoài, mà đó cũng là nhân tố đảm bảo cho hòa bình, ổn định của thế giới; nâng cao uy tín, vị thế của Nga trong các hiệp ước và các tổ chức khu vực, quốc tế mà Nga tham gia; củng cố quan hệ đối tác tin cậy với các nước và cộng đồng quốc tế vì mục tiêu chung là hòa bình, hợp tác và phát triển.

2- Tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng LLVT hiện đại là nội dung trọng tâm của HTQS mới. Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay của các LLVT Nga là xây dựng hiện đại, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang và các chiến dịch chống khủng bố; đồng thời, đảm bảo khả năng sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn (nếu xảy ra). Nga cho rằng, các cuộc chiến tranh tương lai sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu, nhưng trong trạng thái thường xuyên đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Do vậy, trong bối cảnh tương quan lực lượng bị bất lợi trên các hướng chiến lược, thì vũ khí hạt nhân vẫn là phương tiện hiệu quả nhất, nhằm kiềm chế chiến lược và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, do các phương tiện tiến công đường không (TCĐK) hiện đại, nhất là TCĐK từ vũ trụ để giáng những đòn đột kích chiến lược vào các mục tiêu trọng yếu trong toàn bộ chiều sâu của đất nước, nên việc tổ chức phòng thủ đường không vũ trụ có ý nghĩa quyết định trong phòng thủ quốc gia. Để đối phó với các cuộc TCĐK như vậy, Nga tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ đường không-vũ trụ của đất nước; trong đó, coi trọng xây dựng bộ đội phòng không, bộ đội không quân chiến lược là các lực lượng nòng cốt. Về tổ chức biên chế các LLVT, học thuyết mới nhấn mạnh phải tiếp tục nghiên cứu, cải tiến đáp ứng yêu cầu xây dựng LLVT chuyên nghiệp; trong đó, chú trọng tổ chức hợp lý, cân đối giữa các quân chủng, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị, đảm bảo khả năng thực hiện nhiệm vụ trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tổ chức, chỉ huy tác chiến của cơ quan và người chỉ huy các cấp; tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị chỉ huy, thông tin, cải tiến quy trình công tác quản lý, chỉ huy theo hướng khoa học, hiệu quả…, đảm bảo khả năng tổ chức, chỉ huy đơn vị hoàn thành nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh hiện đại; kiện toàn hệ thống luật về quốc phòng, quân sự để nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, hiệu quả chỉ huy trong quân đội. Cùng với đó, Nga coi việc trang bị cho quân đội các loại vũ khí tiên tiến và công nghệ hiện đại là một nội dung quan trọng được ưu tiên. Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga có chương trình hiện đại hóa vũ khí (trị giá 198 tỷ USD) trong giai đoạn 2007-2015; trong đó, tập trung chế tạo một số loại vũ khí hiện đại thế hệ mới, như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tầu ngầm hạt nhân, tầu sân bay, máy bay ném bom chiến lược. Mới đây, BQP Nga tuyên bố, Nga đã chế tạo thành công và chuẩn bị đưa vào trang bị tên lửa loại mới, có khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống NMD hiện có nào trên thế giới. Nga cũng tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội, chú trọng huấn luyện cơ bản, diễn tập hiệp đồng tác chiến các quân chủng, binh chủng, các loại lực lượng trong điều kiện tác chiến hiện đại. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giáo dục quân sự trong các học viện, nhà trường quân đội; chú trọng nâng cao trình độ quân sự gắn với nâng cao trình độ văn hóa, trình độ học vấn cho đội ngũ sĩ quan và nhân viên chuyên môn, kỹ thuật.   

3- Xây dựng cơ sở kinh tế-quân sự và kỹ thuật quân sự hiện đại là nội dung quan trọng có tính quyết định đến tăng cường sức mạnh quân sự, phòng thủ đất nước và xây dựng LLVT hiện đại. Học thuyết cho rằng, Nga đang thực hiện đường lối kinh tế phù hợp, hiệu quả, về cơ bản bảo đảm được yêu cầu phát triển đất nước của Nga và giải quyết được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Liên tục trong nhiều năm qua, nền kinh tế nước Nga luôn đạt mức tăng trưởng cao, bình quân đạt từ 6% đến 7%/ năm, nhưng vấn đề quan trọng là với tiềm năng và nguồn dự trữ chiến lược dồi dào, Nga có thể đảm bảo trong tương lai sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn hiện nay. Tuy nhiên, trình độ phát triển của Nga vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước phát triển, nhất là trình độ phát triển khoa học-công nghệ thông tin (hiện Nga đứng thứ 70 trong tổng số 140 nước về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế). Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế-quân sự đòi hỏi càng nặng nề hơn, không chỉ đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng bắt kịp với trình độ phát triển của thế giới, mà còn phải đảm bảo cơ sở vật chất để tăng cường khả năng quốc phòng, trang bị cho các LLVT những phương tiện, vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng thủ quốc gia, đối phó thắng lợi với các mối đe dọa tiềm tàng. Thời gian tới, chiến lược của Nga là tích cực đầu tư phát triển các công nghệ mới, nhất là các công nghệ mũi nhọn, công nghệ lưỡng dụng cho quân sự và dân sinh, các sản phẩm có giá trị cho nhu cầu kinh tế-quân sự của đất nước và cho xuất khẩu; phát huy những tiềm năng, thế mạnh về khoa học-công nghệ, khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất trong nước là chính, gắn với tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Đối với lĩnh vực khoa học-công nghệ quân sự và ngành Công nghiệp Quốc phòng, tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế, phương thức quản lý, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ của quốc gia; trong đó, tập trung tạo đột phá trong chế tạo, sản xuất các vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, như các phương tiện thông tin liên lạc, hệ thống trinh sát, kiểm soát, định vị toàn cầu, tự động hóa, chỉ huy, tác chiến điện tử, tin học hóa, v.v.

Dư luận thế giới cho rằng, HTQS mới của Nga nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng LLVT hùng mạnh tương xứng với tầm vóc của một cường quốc thế giới có trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của Nga, phù hợp với xu thế thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác và phát triển. Dư luận tin rằng, với HTQS mới này, nước Nga sẽ phát huy tốt vai trò quan trọng của mình, đóng góp tích cực cùng nhân loại tiến bộ phấn đấu xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đồng Đức

 

   

 

        

 

Ý kiến bạn đọc (0)