QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:18 (GMT+7)
Mấy vấn đề trong chính sách an ninh và đối ngoại của Chính quyền Mỹ hiện nay

Dư luận thế giới đang hết sức quan tâm theo dõi những điều chỉnh của Chính quyền Mỹ trong chiến lược an ninh và đối ngoại; bởi, đây là những điều chỉnh không chỉ có tác động mang tính quyết định đến khả năng tranh cử của các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào cuối năm nay, mà còn tác động trực tiếp đến cục diện quan hệ quốc tế, tình hình an ninh, ổn định của thế giới.

Mọi người đều nhớ, sau sự kiện khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, Chính quyền Mỹ đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia (2002), được gọi là chiến lược "đánh đòn phủ đầu” chống khủng bố, hay "học thuyết G.W.Bu-sơ”. Theo đó, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự “đánh đòn phủ đầu” chống khủng bố trên toàn cầu và ngăn chặn “từ trong trứng nước” các mối đe dọa đến an ninh, lợi ích quốc gia và vị thế bá chủ thế giới của Mỹ. Trên cơ sở của chiến lược này, năm 2003, bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Chính quyền Mỹ đã đơn phương tiến hành cuộc tiến công quân sự "đánh đòn phủ đầu" chống I-rắc, khiến cho dư luận  coi đây là hành động xâm lược, đe dọa đến an ninh, ổn định của thế giới. Năm 2005, Chính quyền Mỹ đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới- chiến lược “mở rộng dân chủ trên toàn thế giới”. Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã tuyên bố, đây là chiến lược "dân chủ" hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, được đúc kết và phát triển cả về mặt lý luận và thực tiễn "đánh đòn phủ đầu" mà Mỹ đã tiến hành trong thời gian vừa qua. Với chiến lược mới này, Mỹ sẽ triệt tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố, xây dựng một thế giới tự do, dân chủ kiểu Mỹ. Nhà Trắng cũng xác định, lấy "xây dựng dân chủ Đại Trung Đông"- khu vực mà Mỹ coi là có tầm quan trọng chiến lược sống còn trong chiến lược toàn cầu, nhưng cũng là "cái nôi" của chủ nghĩa khủng bố- là trọng tâm chiến lược, để từ đó thúc đẩy "mở rộng dân chủ" ra toàn thế giới.    

Tuy nhiên, các chính sách Trung Đông mà Mỹ đã thực hiện, nhất là chính sách đối với các vấn đề nổi cộm ở khu vực, như an ninh ở I-rắc, vấn đề hạt nhân của I-ran, tiến trình hòa bình Trung Đông giữa I-xra-en và Pa-le-xtin…, đều không thu được kết quả như mong muốn; tham vọng của Mỹ xây dựng Trung Đông thành "mô hình dân chủ" kiểu phương Tây có nguy cơ bị phá sản. Tại I-rắc, mặc dù Mỹ đã bổ sung hơn 20 nghìn quân vào đầu năm 2007, nâng tổng số quân ở đây lên đến trên 16 vạn, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình an ninh đang ngày một xấu đi ở nước này. Theo một thống kê gần đây của Chính phủ I-rắc, hiện nay, trung bình mỗi ngày nước này xảy ra khoảng hơn 200 vụ xung đột, bạo lực. Chiến tranh, xung đột đã giết hại hàng trăm nghìn thường dân I-rắc vô tội, làm hàng triệu người lâm vào tình trạng vô gia cư. Nhưng tình hình đáng lo ngại nhất hiện nay ở I-rắc là xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, nhất là giữa người Si-ai và người Xăn-ni đang đẩy đất nước này đến bờ của một cuộc nội chiến đẫm máu. Tình hình an ninh của Irắc lại càng phức tạp khi mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động quân sự chống các nhóm vũ trang người Cuốc ở khu vực biên giới giữa hai nước. Tại Áp-ga-ni-xtan, lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO cầm đầu đang "bất lực" trong cuộc chiến chống tàn quân Ta- li-ban và các tổ chức khủng bố thân Al Qaeda. Nhiều tướng lĩnh Mỹ và NATO đã phải thừa nhận, tình hình ở Áp-ga-ni-xtan là "rất khó khăn"; Ta-li-ban hiện đã làm chủ nhiều địa phương ở các vùng núi và đang mở rộng hoạt động chống phá trên toàn lãnh thổ nước này. Chính sách "cái gậy" của Mỹ trong vấn đề hạt nhân I-ran, nhất là tiến hành cấm vận kinh tế; ỷ vào thế mạnh thúc ép Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt mới chống I-ran; gần đây là huy động lực lượng, phương tiện chiến tranh đe dọa tiến công quân sự…, cũng không buộc được Tê-hê-ran từ bỏ chương trình làm giầu u-ra-ni, mà Mỹ và phương Tây cho là để phát triển vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo I-ran không chỉ tuyên bố tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, mà còn bày tỏ lập trường và hành động kiên quyết chống xâm lược, bảo vệ đất nước. Sự bất đồng đó làm cho vấn đề hạt nhân của I-ran càng trở nên phức tạp, quan hệ giữa Mỹ và I-ran rất căng thẳng. Đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông, chính sách cấm vận tài chính của Mỹ chống Chính quyền Pa-le-xtin do Hat-mát lãnh đạo (thông qua bầu cử tự do) đã gây chia rẽ, xung đột trong nội bộ Pa-le-xtin, nhất là xung đột quân sự giữa nhóm Ha-mát và Pha-ta, đẩy nước này vào tình trạng hai chính quyền, người dân càng thêm khốn khổ. Hơn nữa, Chính quyền Ten A-víp tiếp tục tiến hành các hành động quân sự chống lại người Pa-le-xtin, làm cho mâu thuẫn giữa I-xra-en với các nước A-rập càng thêm sâu sắc, đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông đi vào "ngõ cụt".   

Chính sách quân sự của Mỹ ở Trung Đông làm cho khu vực này vốn đã rất nhiều mâu thuẫn phức tạp, trở thành "thùng thuốc súng" nguy hiểm nhất thế giới; nhưng, nó cũng làm bộc lộ những "giới hạn" trong "sức mạnh vô địch" của siêu cường số 1- Mỹ. Chính sách đó bị các nước A-rập lên án là "thực dân kiểu mới" hòng độc chiếm nguồn dầu mỏ khổng lồ và biến nơi đây thành "bàn đạp" để thực hiện chiến lược bá chủ toàn cầu. Chính sách đó  không thể chống được khủng bố, mà chỉ làm cho khủng bố càng phát triển và nguy hiểm hơn. Trong báo cáo mới đây, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thống kê, thế giới hiện có khoảng hơn 300 tổ chức khủng bố, tăng hơn hai lần kể từ khi Mỹ tiến hành chiến tranh chống khủng bố (2002). CIA cũng cảnh báo, một bộ phận thanh niên Hồi giáo sống ở Tây Âu coi Al Qaeda và Bin La-đen là hình tượng và tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, lấy “thánh chiến” làm tôn chỉ chống Mỹ và phương Tây. Quyết định tăng quân ở I-rắc của Tổng thống G.W.Bu-sơ đầu năm 2007 là nguyên nhân làm cho Quốc hội và Chính phủ Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, uy tín của Chính quyền Mỹ bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều nghị sĩ thuộc cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) đã phê phán chính sách quân sự của Chính quyền Mỹ ở I-rắc đang làm phung phí tiền của và sinh mạng của thanh niên Mỹ. Tính đến cuối tháng 12-2007, số lính Mỹ bị thiệt mạng tại I-rắc đã lên đến trên 3.950 người; chi phí cho chiến tranh I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã lên hàng nghìn tỷ USD (hiện Mỹ phải chi khoảng 5 tỷ USD/ 1 tháng cho cuộc chiến ở 2 nước này). Các thăm dò dư luận do các hãng truyền thông nổi tiếng của Mỹ như CNN, viện Ga-lớp công bố gần đây cho thấy, trên 65% người dân Mỹ cho rằng chính sách I-rắc của Chính quyền là sai lầm; trên 70% đòi Chính quyền rút quân đội về nước; uy tín của Chính quyền chỉ còn 34%, mức thấp kỷ lục kể từ khi G.W. Bu-sơ nắm quyền. Nhiều nước trên thế giới kịch liệt phản đối Mỹ sử dụng sức mạnh để áp đặt dân chủ, nhân quyền; coi các hành động quân sự của Mỹ ở I-rắc, ở Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới là những hành động phi dân chủ, phi nhân quyền; tố cáo Mỹ là nước vi phạm nhân quyền lớn nhất, không có tư cách để rao giảng dân chủ, nhân quyền cho nước khác. Nhiều đồng minh của Mỹ đang yêu cầu Chính quyền Mỹ thay đổi chính sách ở Trung Đông. Họ cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ nếu Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự chống I-ran. Tình trạng "sa lầy" về quân sự của Mỹ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đang gây những tác động tiêu cực đến chiến lược toàn cầu của Nhà Trắng. Nhiều tướng lĩnh Mỹ cho rằng, trong khi Mỹ đang bị "sa lầy" ở Trung Đông thì các trung tâm quyền lực khác trỗi dậy rất nhanh: nước Nga đang phục hồi vị thế cường quốc; Trung Quốc đang thực hiện chính sách "trỗi dậy hòa bình" để trở thành "cường quốc có trách nhiệm", Ấn Độ và nhiều nước lớn khác cũng đang khẳng định vị thế cường quốc có ảnh hưởng ở khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, việc Mỹ điều chỉnh bố trí lực lượng quân sự trên toàn cầu, nhất là lợi dụng danh nghĩa "chống khủng bố" để thiết lập các căn cứ quân sự mới, triển khai hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu…, đã bị các nước, kể cả các nước đồng minh phản đối, coi đây là hành động đe dọa đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nhiều cường quốc, nước lớn đang tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao sức mạnh quốc phòng, hiện đại hóa quân đội; đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác, tập hợp lực lượng, tạo "đối trọng" để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và đối phó với mưu đồ và các hành động ngăn chặn, kiềm chế của Mỹ.  

Thắng lợi của đảng Dân chủ ở cả hai Viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua là một kết cục tất yếu từ những sai lầm trong chiến lược an ninh và đối ngoại của Chính quyền Mỹ, đặt Tổng thống G.W.Bu-sơ và Chính quyền của ông vào tình thế khó khăn hơn trong năm cuối của nhiệm kỳ. Vừa qua, Chính quyền Mỹ đã tiến hành những điều chỉnh trong chính sách Trung Đông. Tại I-rắc, cùng với đẩy mạnh các chiến dịch quân sự "chống khủng bố", Mỹ cũng thực hiện các biện pháp nhằm ổn định tình hình, như tổ chức hội nghị các nước khu vực về an ninh I-rắc, trung gian hòa giải xung đột giữa người Si-ai và người Xăn-ni, cho phép một số thành viên thuộc đảng Bath (của cố Tổng thống Xa-đam Hút-xen) được tham gia chính quyền,v.v. Tổng thống G.W.Bu-sơ cũng tuyên bố, nếu tình hình hình an ninh ở I-rắc tiến triển tốt, sẽ rút một bộ phận quân đội khỏi I-rắc trong năm 2008. Đối với I-ran, mới đây, Ngoại trưởng Mỹ C.Rai đã "để ngỏ" khả năng tiếp xúc với Tê-hê-ran để giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này theo mô hình của Bắc Triều Tiên. Trong chuyến công du Trung Đông vừa qua, sau khi đàm phán với Thủ tướng I-xra-en E.Ôn-mớt và Tổng thống Pa-le-xtin M.Ap-bát, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã tuyên bố, hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin vào cuối năm 2008. Dư luận đánh giá đây là những động thái tích cực trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Mỹ; đồng thời cũng nêu rõ, bất cứ một giải pháp nào đảm bảo để lộ trình hòa bình Trung Đông đạt được kết quả cũng phải tuân thủ nguyên tắc mà I-xra-en và Pa-le-xtin đã thỏa thuận trước đây là "đổi đất lấy hòa bình" và thành lập một nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Vấn đề then chốt quyết định là Chính quyền Mỹ và I-xra-en phải nhận thức đúng xu thế thời đại hiện nay là hòa bình, hợp tác và phát triển, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ nước khác, không thực hiện chính sách quân sự cường quyền, hiếu chiến, đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, cùng các nước liên quan bàn bạc tìm ra các giải pháp giải quyết hòa bình các bất đồng, mâu thuẫn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng mà các bên đều có thể chấp nhận được, cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.

ĐỒNG ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)