QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:58 (GMT+7)
Mấy vấn đề cần quan tâm từ việc cổ phần hóa Nhà máy Xi măng 18 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; chấp hành chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã tiến hành cổ phần hóa (CPH) Nhà máy xi măng 18 (XM 18).
Để thực hiện CPH Nhà máy XM 18, công tác tuyên truyền, giáo dục về CPH nhà máy đã được triển khai rộng rãi, cụ thể đến người lao động. Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo; Tổng cục xây dựng phương án CPH; Nhà máy lập kế hoạch, cùng cơ quan tư vấn kiểm kê, xác định giá trị doanh nghiệp và tiến hành các bước CPH theo tiến độ đề ra.
Ngày 16/12/2006, công ty đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, bầu được Hội đồng quản trị, Ban giám đốc,… Ngày 1/1/2007, Nhà máy XM 18 chính thức mang tên Công ty cổ phần xi măng 18 (Công ty CPXM 18).
Với tư cách là người nắm 51% vốn điều lệ chi phối, Tổng cục đã cử 3 vị trí chủ chốt là giám đốc, bí thư đảng ủy và kế toán trưởng. Lao động của Công ty được tinh giảm cho phù hợp với điều kiện mới. Bộ máy quản lý giảm từ 13 phòng, ban, phân xưởng xuống còn 10 phòng, ban, phân xưởng; số cán bộ giảm từ 26 người xuống còn 17 người… Các chế độ, chính sách đối với người lao động từng bước được thực hiện, bảo đảm dân chủ và minh bạch.
Ngay sau khi CPH, Ban giám đốc Công ty đã sớm xây dựng, hoàn thiện phương án và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đưa ra Đại hội đồng cổ đông thảo luận, đóng góp ý kiến. Với vai trò làm chủ, mọi người đã đề cao trách nhiệm, dân chủ, mạnh dạn bàn luận, đóng góp được nhiều ý kiến thiết thực, đề xuất được nhiều biện pháp tốt để xây dựng Công ty. Nhờ đó, Công ty cơ bản ổn định về các mặt, nhất là về tư tưởng, tổ chức; sản xuất, kinh doanh giữ vững nhịp độ phát triển và bước đầu đã xây dựng được kế hoạch phát triển dài hạn.
Sáu tháng đầu năm 2007, kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty đã đạt 56,1%; mức tiêu thụ sản phẩm đạt 54,4%; doanh thu đạt 52,4%; lợi nhuận đạt 71,2%; nộp ngân sách đạt 57,7% so với kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn hai triệu đồng/người/tháng (bằng 105,8% so với kế hoạch). Công tác đảng, công tác chính trị được giữ vững và phát huy. Hoạt động của các đoàn thể và tổ chức quần chúng, các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì đều đặn, thường xuyên. Đa số cán bộ, công nhân có nhận thức tốt, xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác, tin tưởng vào chủ trương CPH, vào sự lãnh đạo của Đảng ủy Công ty, sự quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc.
Việc CPH thành công Nhà máy XM 18 tiếp tục góp phần khẳng định chủ trương đẩy mạnh CPH các doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Chính phủ là đúng đắn. Toàn quốc đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước tiến hành CPH thành công; tuy nhiên, với đặc thù của các doanh nghiệp quân đội, bên cạnh mặt thuận lợi, việc CPH cũng đang có một số vấn đề cần tháo gỡ, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có biện pháp và bước đi thích hợp mới thành công. Qua thực hiện CPH Nhà máy XM 18, có một vài vấn đề đặt ra cần quan tâm nghiên cứu.
Một là, lựa chọn giải pháp và bước đi thích hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ CPH. Nhà máy XM 18 được thành lập ngày 14/4/1977; đến tháng 1/2004 được nhập vào Công ty Tây Hồ. Ngày 1/7/2005, Bộ Quốc phòng đã có Quyết định thực hiện CPH Công ty Tây Hồ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Tây Hồ khá đa dạng, nhiều ngành nghề, nên việc định giá tài sản, xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty tương đối phức tạp, có nhiều vướng mắc khó tháo gỡ cùng một lúc. Điều đó làm chậm tiến độ CPH Công ty.
Để đẩy nhanh tiến độ CPH, Tổng cục đã nghiên cứu, đề nghị và được Bộ Quốc phòng chấp nhận, tách Công ty Tây Hồ thành nhiều công ty thành viên với từng ngành nghề riêng. Nhà máy XM 18 trở thành một doanh nghiệp thành viên, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng. Từ đó, việc định giá tài sản và đánh giá vốn cổ phần của Nhà máy XM 18 được thực hiện nhanh chóng, làm cho tiến độ CPH được đẩy lên, chỉ trong vòng một năm, việc CPH Nhà máy đã hoàn thành.
Đây là một kinh nghiệm cần mở rộng khi tiến hành CPH đối với các doanh nghiệp đa ngành, đa nghề, có khối lượng tài sản lớn của quân đội. Hiện nay, được biết một số nhà máy thuộc Tổng cục CNQP cũng như một số nhà máy thuộc các tổng cục khác, trong hoạt động kinh tế đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất vệ tinh. Đây là những cơ sở, doanh nghiệp không mang đặc thù sản xuất các sản phẩm quốc phòng, về lâu dài sẽ phải tiến hành CPH theo chủ trương chung. Việc CPH các cơ sở sản xuất vệ tinh này sẽ trở nên thuận lợi hơn nếu tiến hành CPH từng cơ sở một, vào thời điểm thích hợp, với sự đồng thuận cao của người lao động.
Hai là, đề cao công tác giáo dục, tuyên truyền thống nhất nhận thức về CPH đi đôi với việc sớm nghiên cứu, giải quyết một số chế độ, chính sách cấp thiết đối với người lao động. Những ngày đầu khi đặt vấn đề tiến hành CPH Nhà máy XM18, nhiều người lao động băn khoăn và không muốn thực hiện, thậm chí còn phản đối việc này.
Vì sao người lao động trong các doanh nghiệp quân đội “ngại” CPH? Trước hết, là từ nhận thức của người lao động, chưa thấy việc CPH là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp đổi mới cơ chế kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, bởi đã nhiều năm hoạt động trong điều kiện ổn định của cơ chế cũ, người lao động ngại thay đổi, nhất là trong điều kiện biến động của cơ chế thị trường hiện nay. Quan trọng hơn là khi CPH, việc tinh giảm biên chế đi kèm với việc giải quyết các chế độ, chính sách chưa hoàn thiện đã ít nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm, việc làm, đời sống của người lao động sau CPH.
Thực tế ở Công ty CPXM 18 cũng như ở một số doanh nghiệp quân đội cho thấy, đa phần lao động là cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đã có nhiều năm công tác, có quân hàm cao, lương cao, nên khi thực hiện CPH, việc giảm biên chế khá khó khăn. Ngoài một số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức sẵn sàng chấp nhận nghỉ việc vì họ đã đủ mọi điều kiện nghỉ chế độ, thì không ít người lao động không muốn nghỉ, vì mới gần đủ tuổi, đủ năm nghỉ chế độ theo quy định. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, theo quy định chung, quân đội đã thực hiện chế độ nghỉ chờ đến khi đủ tuổi, đủ năm phục vụ mới nghỉ việc; kinh phí bảo đảm cho các đối tượng đó lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc đó cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng, vì vậy, Công ty gặp khó khăn trong việc giải quyết và giải thích chế độ, chính sách trên với người lao động.
Vấn đề khác nảy sinh là trong thời gian chờ nghỉ chế độ có thực hiện việc tăng lương, tăng quân hàm cho số lao động này hay không? Nếu không thực hiện sẽ thiệt thòi cho người lao động; ngược lại, nếu thực hiện liệu có công bằng so với những người đang làm việc? Việc tăng lương cho lao động nghỉ chờ chế độ liệu có tiếp tục tăng thêm gánh nặng tài chính cho Công ty?… Những vướng mắc đó chưa được giải đáp thỏa đáng đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của người lao động, làm cho họ ít thiết tha với việc CPH. Sự thờ ơ, chần chừ của người lao động cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm chậm tiến trình CPH các doanh nghiệp quân đội.
Để giải quyết khó khăn trên, một mặt, lãnh đạo Công ty đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, công nhân luôn tin tưởng vào chủ trương CPH, vào chế độ, chính sách đã ban hành; khi gặp khó khăn, vướng mắc, cùng trao đổi, bàn bạc để tháo gỡ. Mặt khác, ngành chủ quản và các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, đề ra những chủ trương, quy định, các biện pháp bảo đảm tốt các chế độ, chính sách cho người lao động sau CPH các doanh nghiệp quân đội.
Ba là, tháo gỡ một số vướng mắc về công tác quản lý. Sau CPH, hoạt động của Công ty sẽ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, là doanh nghiệp quân đội, Công ty vẫn nằm trong sự quản lý, điều hành của Bộ, của Tổng cục. Các hoạt động về công tác đảng, công  tác chính trị, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các dự án đầu tư phát triển,… Công ty vẫn đang thực hiện theo quy định của quân đội. Điều đó vừa có mặt thuận lợi, song cũng có khó khăn, vướng mắc đối với Công ty sau CPH. Một số việc thuộc về sản xuất, kinh doanh cần triển khai như phát triển các dự án đầu tư, mở các văn phòng đại diện... hoặc các lĩnh vực khác như lao động, tiền lương, công tác đảng, công tác chính trị,… cho đến nay cấp trên và các cơ quan chức năng vẫn đang thiếu một số hướng dẫn và những quy định cụ thể đối với Công ty khi CPH.
Việc chưa hoàn thiện công tác quản lý đã ít nhiều có ảnh hưởng đến quyền tự chủ, tính năng động của Công ty, không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn; vì thế, yêu cầu cải tiến công tác quản lý cần được tiến hành kiên quyết và nhanh hơn. Việc đó không chỉ để giải quyết một số vấn đề cụ thể của Công ty CPXM 18 mà là cơ sở lâu dài nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp quân đội sẽ tiếp tục tiến hành CPH thời gian tới.
Bốn là, nên giữ hay bán vốn cổ phần chi phối? Trong tiến trình phát triển, không chỉ với Công ty CPXM 18 mà các công ty cổ phần khác trong quân đội sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ. Đây là quy luật tất yếu, khẳng định sự phát triển, không ngừng nâng cao vị thế trong sản xuất, kinh doanh của công ty trên thị trường.
Hệ lụy của việc tăng vốn điều lệ là sẽ làm giảm vốn cổ phần chi phối của Nhà nước nếu Nhà nước chỉ giữ nguyên số vốn cổ phần ban đầu. Khi đó, số vốn điều lệ ban đầu của Nhà nước sẽ không còn ý nghĩa chi phối nữa. Nói cách khác là khi đó, với danh nghĩa Nhà nước, cấp trên sẽ không còn quản lý, kiểm soát được công ty. Theo đó, chúng ta có hai sự lựa chọn. Để tiếp tục nắm giữ được vốn điều lệ chi phối của Nhà nước, cơ quan chủ quản cần đầu tư thêm kinh phí bảo đảm đủ 51% với sự phát triển vốn điều lệ của công ty. Bằng không, phải bán cổ phần trên cho các cổ đông mới. Đây là vấn đề nghiên cứu cấp thiết của các cơ quan chức năng. 
Thời gian CPH Nhà máy XM18 chưa dài, nhưng một số vấn đề thấy được, hy vọng sẽ góp phần cho việc nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy việc CPH các doanh nghiệp quân đội trong thời gian tới thuận lợi và nhanh hơn, phù hợp với tiến trình đổi mới nền kinh tế đất nước, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Mẫn Hà Anh
Ý kiến bạn đọc (0)