QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:39 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có khoảng 11 triệu người, chiếm trên 13% dân số của cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số thường cư trú phân tán, xen kẽ nhau, phần lớn sinh sống ở vùng miền núi, biên giới đất liền, vùng sâu, vùng xa. Đây là địa bàn có tiềm năng về kinh tế nhưng chưa được khai thác tốt và có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của đất nước.

           

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên căn dặn: "Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước ViệtNam đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ... Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội"1. Người còn chỉ rõ: "Miền núi nước ta chiếm vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp uỷ đảng, các uỷ ban địa phương... phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc"2. Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ chí Minh về vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định, quyết định cùng với nhiều văn bản qui phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc và công tác dân tộc, nhằm mục tiêu đưa miền núi tiến kịp miền xuôi. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá IX) tiếp tục xác định: " Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc"3. Từ những nguyên tắc, định hướng trên, Nhà nước ta đã cụ thể hoá  thành các chính sách, chương trình, dự án... đồng thời có các giải pháp cụ thể để giúp đồng bào các dân tộc ở miền núi đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi. Nhờ đó, Đảng và Nhà nước ta đã động viên và phát huy được sức mạnh to lớn của các dân tộc, tạo nên những chuyển biến quan trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đến nay đã có 97, 42% số xã miền núi có đường ô tô tới trung tâm, 98% huyện có điện lưới quốc gia, 64 % số hộ được sử dụng điện, trên 60% xã có điện thoại; 90 % số xã được phủ sóng phát thanh và 75% số xã được phủ sóng truyền hình; 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có trường tiểu học, các trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành ở cấp tỉnh, huyện tới cụm xã, thu hút phần lớn con em đồng bào các dân tộc thiểu số tới trường. Hệ thống trạm y tế được xây dựng tới tận cơ sở, việc khám chữa bệnh cho người dân được quan tâm hơn.  Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Sức mạnh quốc phòng, an ninh được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, phát triển ngày càng vững chắc.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội  vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn trong tình trạng chậm phát triển và phát triển chưa đồng đều, vững chắc. Đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng biên giới vẫn còn nghèo, lạc hậu. Khoảng cách tụt hậu về kinh tế, văn hoá, xã hội so với mức bình quân chung của cả nước chưa được thu hẹp; một số vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực đời sống văn hoá, xã hội chậm được giải quyết. Trong khi đó bộ máy Đảng, chính quyền ở một số nơi còn quan liêu, xa dân, chưa sâu sát thực tế, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, thậm  chí còn để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vi phạm chính sách dân tộc... Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch và những phần tử xấu triệt để khai thác, khoét sâu mâu thuẫn này để thực hiện chiến lược " diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một mặt, chúng ra sức tuyên truyền, tán phát tài liệu phản động vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; mặt khác, chúng tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ, lừa gạt, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số đòi lại đất của người Kinh, của nông trường, lâm trường và các doanh nghiệp nhà nước; xúi dục đồng bào kéo lên huyện, lên tỉnh khiếu kiện tràn lan, phá rối trật tự; tung tin thất thiệt gây mâu thuẫn nội bộ nhân dân, làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở có lúc rất căng thẳng, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị trên địa bàn. Vụ lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc tạo ra làn sóng di cư tự do đến các "vùng đất hứa" để thành lập cái gọi là "khu tự trị" ; vụ kích động đồng bào Khơ-me vượt biên trái phép và gây tranh chấp đất đai với đồng bào Kinh ở miền Tây Nam Bộ; đặc biệt, vụ gây bạo loạn chính trị đòi thành lập "nhà nước Đê Ga tự trị" ở Tây Nguyên (năm 2001 và 2004)... là những minh chứng cụ thể về âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân các dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, làm mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp, ngăn cản, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  Việt Nam XHCN là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến  sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của từng địa phương và cả nước. Giải quyết đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp những vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo đều ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng đắn, nhạy bén vấn đề dân tộc cũng như thực hiện đúng chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, chẳng những góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh mà còn nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh của từng địa phương và cả nước. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề và giải pháp cơ bản sau:
1. Chăm lo đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người dân đối với việc thực hiện chính sách dân tộc và đoàn kết các dân tộc hiện nay. Trở ngại lớn nhất hiện nay đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi là mặt bằng văn hoá, dân trí, nhận thức và trình độ giác ngộ chính trị còn bất cập và không đồng đều giữa các vùng, các dân tộc. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải bằng nhiều hình thức, biện pháp giáo dục sinh động, thiết thực để khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, tinh thần bất khuất, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc, miền núi; nâng cao  lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tình đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng chăm lo xây dựng, bảo vệ bản làng, quê hương, đất nước. Đặc biệt, phải làm cho đồng bào thấy rõ âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, trong đó có vấn đề lợi dụng dân tộc, tôn giáo chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta để đồng bào cảnh giác, tránh được sự kích động, lừa gạt, lôi kéo của các phần tử thù địch.                     
2. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, phải tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược, nhất là những địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng-an ninh, đông đồng bào dân tộc như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Nghệ An... Trong đó từng địa phương cần phải xác định được giải pháp, hệ thống giải pháp sát thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh cho sự nghiệp phát triển toàn diện của địa phương, phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng và các dân tộc.  Coi trọng đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông, thuỷ lợi, điện lưới, thông tin liên lạc, trường học, trạm xá, nước sinh hoạt... tạo nền tảng, cơ sở vật chất để cho đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hoá. Tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá;  đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý cho thích hợp với từng vùng, từng địa phương; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn cho các tỉnh miền núi phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ ở các vùng trên địa bàn.  Tăng cường hoạt động khuyến lâm, khuyến nông, tích cực đưa cán bộ khoa học- kỹ thuật xuống các thôn, bản để hướng dẫn, giúp cho bà con các dân tộc biết cách áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình xoá đói giảm nghèo, trong đó có chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc. Đẩy mạnh việc giao đất, khoán rừng, quan tâm giải quyết và cấp đủ đất ở, đất canh tác, đất tái định cư cho đồng bào để họ yên tâm tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Rà soát lại qui hoạch và kế hoạch phát triển vùng, sắp xếp lại một số địa bàn dân cư, nhất là ở các xã vùng biên giới, giải quyết tốt tình trạng tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng trọng điểm, không để xảy ra các "điểm nóng" trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.  Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng, phát triển các mô hình dạy nghề, dạy văn hoá, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp thu kiến thức mới và ứng dụng khoa học- công nghệ vào sản xuất và đời sống để tự lực vươn lên xây dựng một cung cách làm ăn khoa học, một lối sống mới năng động, nhạy bén của những người sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường.
3.  Tích cực chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các cấp, nhất là cấp xã, phường vững mạnh toàn diện, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh  trên địa bàn. Thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tập trung giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục bệnh quan liêu xa rời quần chúng của cán bộ, đảng viên; tăng cường đưa cán bộ xuống cơ sở để xây dựng phong trào hành động cách mạng.  Hết sức coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số một cách đồng bộ, toàn diện ở các cấp, nhất là cấp cơ sở, coi đây là nhân tố quyết định thắng lợi trong giải quyết vấn đề dân tộc ở địa phương, cơ sở. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức xã hội và của các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong các dân tộc cùng nêu cao trách nhiệm vận động, thuyết phục đồng bào nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương. Đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ các phần tử quá khích, các chức sắc cố tình lợi dụng danh nghĩa dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá, làm phương hại đến khối đoàn kết các dân tộc, đến an ninh đất nước.
4. Chăm lo xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn, địa phương vững mạnh, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm, tạo thế và lực mới cho quân và dân ở các tỉnh, huyện miền núi có đủ  lực lượng và phương tiện cần thiết để  nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là khi có tình huống xấu xảy ra. Tích cực rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các phương án phòng thủ bảo vệ địa bàn, địa phương, cơ sở; phòng chống có hiệu quả các hoạt động tình báo, gián điệp  của địch; chăm lo xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, củng cố "thế trận lòng dân" làm chỗ dựa cho các lực lượng vũ trang và toàn dân sẵn sàng đấu tranh, trấn áp và đập tan các âm mưu và hành động phá hoại của địch, bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
 
Hải Đăng
 
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, T.9, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 587.
2- Sđd, T.11, tr. 134-135.
3- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 34-35.

 

Ý kiến bạn đọc (0)