QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:34 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về thủ đoạn tác chiến của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và vấn đề đặt ra với công tác giáo dục, huấn luyện lực lượng vũ trang

Với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, khoa học quân sự, trang bị vũ khí công nghệ cao... quân đội các nước đế quốc xâm lược có điều kiện vận dụng thủ đoạn tác chiến rất linh hoạt, khó dự báo. Vì thế, trong tương lai, nếu kẻ địch liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta, thì cuộc chiến tranh đó sẽ có nhiều đặc điểm khác trước. Để đánh thắng địch trong chiến tranh, chúng ta không thể không nghiên cứu, dự báo về âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch ngay từ thời bình. Đây là câu hỏi rất khó có câu trả lời thật thỏa đáng, nhưng không thể không trả lời. Nhiều người khi được hỏi đều có suy nghĩ khá thống nhất rằng, khi tiến công xâm lược Việt Nam, kẻ địch sẽ không vận dụng cách đánh như Mỹ, Liên quân đánh vào I-rắc, Nam Tư hay áp-ga-ni-xtan...; nhưng địch sẽ đánh như thế nào thì thường còn có nhiều ý kiến khác nhau. Bài viết này nêu mấy suy nghĩ bước đầu về thủ đoạn tác chiến của địch và vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, huấn luyện lực lượng vũ trang (LLVT), góp phần đáp ứng yêu cầu sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1- Tiến công hỏa lực thời gian dài, cường độ cao.
Tiến công hỏa lực bằng vũ khí công nghệ cao là thế mạnh, ưu thế vượt trội của quân đội các nước có nền khoa học- công nghệ tiên tiến, hiện đại. Kinh nghiệm 4 cuộc chiến tranh khu vực gần đây cho thấy, bên tiến công đều mở đầu chiến tranh bằng các đòn hỏa lực mạnh mẽ. Thời gian tiến công thường dài (chiến tranh I-rắc lần thứ nhất hơn 1 tháng, Nam Tư 78 ngày), cường độ khá mạnh, bảo đảm gần như chắc chắn cho thắng lợi khi tiến công trên bộ. Đối với Việt Nam, nếu địch tiến hành chiến tranh xâm lược, có thể dự báo chúng sẽ mở đầu chiến tranh bằng tiến công hỏa lực, nhưng do đây là cuộc chiến tranh giữa hai chế độ, hai hệ tư tưởng đối kháng nên tính chất, mục đích của cuộc tiến công hỏa lực sẽ rất quyết liệt, kiên quyết. Địa hình Việt Nam lại rất đa dạng và phức tạp, phần lớn là đồng bằng sông nước, trung du, rừng núi nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả khi tiến công hỏa lực. Việt Nam là một dân tộc tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh và phương thức chiến tranh nhân dân, nên muốn đạt được mục đích của tiến công hỏa lực, địch phải tiến công vào nhiều mục tiêu, cả chính trị, kinh tế..., chứ không chỉ đơn thuần mục tiêu quân sự. Vì vậy, tiến công hỏa lực của địch vào các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam, chắc chắn cường độ sẽ rất cao và liên tục trong một thời gian dài, hòng hy vọng làm lung lay ý chí của nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho các hoạt động quân sự tiếp theo, nhất là cho tiến công trên bộ. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất khó với địch, vì tiến công hỏa lực vào nhiều mục tiêu, ở nhiều nơi, trong điều kiện địa hình phức tạp, vũ khí công nghệ cao của địch sẽ khó phát huy tác dụng, hiệu quả sẽ thấp.
2- Tiến công trên bộ theo trục, theo hướng vẫn là chủ yếu.
Qua nghiên cứu một số cuộc chiến tranh khu vực gần đây cho thấy, việc vận dụng các chỉ tiêu trong điều lệnh tác chiến của quân đội một số nước khi thực hành tiến công rất linh hoạt. Cách đánh, nhịp độ tiến công, sử dụng binh lực, hỏa lực đều phụ thuộc vào điều kiện địa hình, tình hình phòng ngự của đối phương và khả năng đưa các lực lượng và phương tiện vào tác chiến. Đối với Việt Nam, do điều kiện địa hình phức tạp nên khó cơ động cơ giới, khó có thể triển khai lực lượng lớn với chính diện rộng, nhất là xe tăng-thiết giáp. Chúng ta tổ chức phòng thủ rộng rãi theo vùng lãnh thổ tỉnh (thành phố), nhưng phòng ngự lại rất tập trung, trọng điểm ở các địa hình, các mục tiêu sinh tử nên địch sẽ rất khó thực hiện ý định tiến công như các chỉ tiêu tác chiến trong điều lệnh xác định. Dự kiến, khi tiến công trên bộ, địch vẫn phải dựa vào các trục đường là chính, tập trung lực lượng đột kích theo trục đường, kết hợp với đổ bộ đường không đánh vào bên sườn, phía sau để giải quyết từng mục tiêu. Khi có điều kiện, địch có thể đổ bộ đường không thực hiện tiến công vượt điểm để đánh các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trong chiều sâu tiến công. Tuy nhiên, tiến công vượt điểm đường bộ ở quy mô chiến lược, địch sẽ có khó khăn; việc sử dụng độc lập lực lượng đặc biệt đổ bộ đường không để thực hiện ý định này ở chiến trường Việt Nam hiệu quả cũng hạn chế.
3- Kết hợp chặt chẽ giữa đánh và giữ trong quá trình tiến công.
Trong các cuộc chiến tranh gần đây, quân đội một số nước khi thực hành tiến công thường tạo ưu thế áp đảo về sức mạnh ngay từ những ngày đầu chiến tranh, tốc độ tiến công cao, nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu, phá vỡ thế trận phòng ngự của đối phương; tiến công các mục tiêu phía trước là chủ yếu, còn việc phòng giữ các mục tiêu đã chiếm ít được chú ý. Tiến công xâm lược Việt Nam, quân địch tất nhiên phải có những hình thức, phương pháp tác chiến khác... Đây là việc làm bắt buộc, nhất định phải có đối với quân địch và cũng là việc làm có tính đặc trưng khác với một số cuộc chiến tranh vừa qua, do phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân của ta tác động; cũng là vấn đề khó khăn, chi phối lớn đến cách đánh của chúng.
4- Tổ chức lực lượng hết sức linh hoạt trong quá trình tiến công. 
Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu và huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho LLVT chủ yếu theo dự báo các chỉ tiêu tác chiến trong điều lệnh và tổ chức biên chế của đối phương. Đây là cơ sở chủ yếu, nhưng không thể không dự báo các khả năng vận dụng và tổ chức lực lượng của quân địch khi tiến công xâm lược. Dự báo nếu tiến công xâm lược Việt Nam, địch sẽ có sự điều chỉnh lớn về tổ chức lực lượng tác chiến, nhiều khả năng không thể đưa hoàn chỉnh các sư đoàn với biên chế nặng nề, nhất là về xe tăng, thiết giáp và cơ giới các loại vào tác chiến trên các chiến trường có địa hình phức tạp. Mức độ điều chỉnh có thể khác nhau, nhưng nhất định có sự điều chỉnh tổ chức lực lượng phù hợp với điều kiện địa hình và nhiệm vụ tác chiến của từng hướng. Xu hướng có thể tổ chức các cụm lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến phù hợp, bao gồm cả tiến công, phòng ngự, bảo đảm hành lang cơ động và đủ sức giải quyết từng mục tiêu xác định. Mức độ điều chỉnh lực lượng tùy thuộc chủ yếu vào nhiệm vụ tác chiến và địa hình, có thể dựa vào các đơn vị biên chế cơ bản để bổ sung điều chỉnh thành cụm lực lượng; cũng có thể tổ chức cụm lực lượng mới, gồm một số đơn vị: bộ binh, bộ binh cơ giới, các đơn vị hỏa lực, bảo đảm và điều chỉnh trong quá trình tác chiến. Về trang bị kỹ thuật, có thể sẽ giảm các phương tiện cơ giới, nhưng tăng máy bay trực thăng, nhất là ở chiến trường trung du và rừng núi.
5- Chú trọng bên trong và bên ngoài cùng đánh.
Trong, ngoài cùng đánh là một nội dung quan trọng của cách đánh và là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, được quân đội nhiều nước nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh. Khi tiến công xâm lược Việt Nam, thực hiện bên trong kết hợp với bên ngoài cùng đánh là vấn đề sống còn, có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng giành thắng lợi của quân xâm lược. Có thể khẳng định, kẻ địch sẽ rất khó khăn khi tiến công xâm lược nước ta, nếu như không có sự hỗ trợ của các lực lượng phản động từ bên trong. Sự hỗ trợ từ bên trong có thể xuất phát từ những sai sót, mâu thuẫn trong nội bộ ta; sự chống phá của các lực lượng phản động trong nước do các thế lực thù địch gây dựng. Thêm nữa, với khả năng cơ động cao của các lực lượng tham chiến, nhất là cơ động đường không khi có chiến sự, lực lượng đặc nhiệm địch có thể nhanh chóng cơ động triển khai, hình thành các căn cứ, cụm lực lượng sâu trong hậu phương ta để phối hợp với lực lượng bên ngoài tiến công các mục tiêu. Vì vậy, đề phòng kẻ địch đánh từ bên trong là công việc chúng ta phải dự kiến và chuẩn bị đối phó ngay từ  thời bình.
Nghiên cứu, dự báo về địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là việc làm cần thiết, nhất là để xử lý những vấn đề mới trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Từ những vấn đề dự báo về địch, xin nêu mấy vấn đề đặt ra đối với công tác giáo dục, huấn luyện LLVT hiện nay.
Trước hết, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị-tư tưởng, giáo dục quốc phòng cho LLVT để mọi đơn vị, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch với độc lập dân tộc và CNXH; bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả vùng đất, biên giới, vùng biển-đảo, vùng trời); kết hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh và các lực lượng khác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ XHCN; đánh bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bạo loạn lật đổ, vũ trang xâm lược cục bộ và cả chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao trên các quy mô của địch.
Hai là, tích cực nghiên cứu đưa vào huấn luyện một số nội dung của quốc phòng về ngăn chặn và đẩy lùi chiến tranh, nhất là các tình huống trong chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; giải quyết các mâu thuẫn nội bộ, giữ vững ổn định chính trị, loại trừ các nguyên nhân địch có thể lợi dụng, tạo cớ gây chiến tranh, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trong ngoài cùng đánh của địch.
Ba là, chú trọng hơn nữa huấn luyện phòng chống vũ khí công nghệ cao và các nội dung về phòng tránh đánh trả địch tiến công hỏa lực. Huấn luyện phòng chống vũ khí công nghệ cao của địch có nội dung riêng, nhưng cần kết hợp chặt chẽ với huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật của các đơn vị binh chủng hợp thành, các quân chủng, binh chủng; kết hợp huấn luyện cả các biện pháp truyền thống và hiện đại, tập trung vào các biện pháp phòng chống tác chiến điện tử, khắc phục hỏa lực mạnh của địch, chống địch trinh sát, gây nhiễu, nâng cao khả năng chỉ huy của các cấp... Chú trọng huấn luyện phòng tránh đánh trả địch tiến công hỏa lực cho các LLVT về phòng không sơ tán, phân tán, cơ động di chuyển, dịch chuyển, ngụy trang, nghi binh, xây dựng công trình chiến đấu, công sự, đánh trả máy bay bay thấp, tên lửa hành trình của địch...
Bốn là, đầu tư nghiên cứu đưa vào huấn luyện LLVT các nội dung phát triển mới về nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là các vấn đề về tác chiến phòng thủ, phòng ngự, tác chiến khu vực, tác chiến đa binh chủng, tác chiến kết hợp đan xen các loại hình phòng thủ, phòng ngự, tiến công... Riêng với tác chiến tiến công, loại hình tác chiến cơ bản, chủ yếu này cần được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa, để có thể tìm ra cách đánh thích hợp, bảo đảm độ tin cậy cao và có sức thuyết phục mạnh.
 
Thiếu tướng, PGS, TS. Trần Thái Bình
Phó giám đốc Học viện Quốc phòng
 

Ý kiến bạn đọc (0)