QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:04 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới, biển đảo tỉnh Kiên Giang

Kiên Giang là tỉnh nằm ở tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, có đường biên giới quốc gia trên đất liền tiếp giáp tỉnh Căm-pốt và một phần tỉnh Tà Keo của Cam-pu-chia dài 58,6 km. Vùng biển Tây Nam rộng trên 63.000 km2 là ngư trường truyền thống gắn bó lâu đời đối với người dân Kiên Giang và là cửa mở thuận lợi cho việc giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế; hiện tại trên vùng biển này có chung vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia rộng 8.500 km2 (chưa được phân định); chung vùng nước chồng lấn với Thái Lan và Ma-lai-xi-a; Kiên Giang còn có 105 hòn đảo nổi, gần một nửa số đảo này có dân, trong đó đảo Phú Quốc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cực đoan và lực lượng phản động đội lốt dân tộc, tôn giáo lợi dụng những vấn đề phức tạp về biên giới, lãnh thổ, đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam-Cam-pu-chia; tăng cường móc nối, tập hợp lực lượng phản động trong và ngoài nước, kích động ly khai, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Khơ-me Crôm”... Trên vùng biển đảo, sự xâm nhập trái phép của tàu, thuyền nước ngoài vào vùng biển của ta thường xuyên xảy ra, có lúc vào sâu trong vùng nội thủy khai thác trộm hải sản, uy hiếp, cướp bóc tàu, thuyền của ngư dân ta; không ít ngư dân bị thiệt mạng và bị bọn chúng bắt. Bọn buôn lậu, cướp biển, gián điệp, thám báo lợi dụng tình hình đó trà trộn vào vùng biển và nội địa nước ta với nhiều toan tính khác nhau, làm cho tình hình an ninh trên vùng biển này vốn đã phức tạp càng phức tạp hơn. Ngư trường của Kiên Giang ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng lớn đến sản lượng khai thác hải sản, phát triển kinh tế biển. Tình hình đó đòi hỏi quân và dân Kiên Giang phải có thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới, vùng biển đảo ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn xét từ góc độ đặc điểm, tính chất phức tạp của địa bàn cũng như điều kiện, khả năng thực tế của Tỉnh hiện nay. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng ta biết thế trận biên phòng được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố cơ bản là sự bố trí hợp lý lực lượng, phương tiện theo kế hoạch thống nhất và sự phối hơp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn. Vì thế, đối với Kiên Giang, để có thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn biên giới, biển đảo, vấn đề quan trọng trước hết là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của tất cả các lực lượng, các tổ chức quần chúng nhân dân trên toàn địa bàn, trên tuyến biên giới, biển đảo và nội địa; trong đó Bộ đội Biên phòng là nòng cốt và tham mưu dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền. Kiên Giang có tuyến biên giới dài, vùng biển rộng lớn và nhiều đảo trọng yếu, nếu chỉ có Bộ đội biên phòng thì dù có tăng thêm lực lượng và nâng cao chất lượng hơn nữa cũng không thể quản lý và bảo vệ được. Song nếu biết dựa vào dân, kết hợp với tất cả các lực lượng ở biên giới, lực lượng hoạt động trên biển thì không nhất thiết chỗ nào cũng phải có đồn Biên phòng, mà chỗ cần có ở trọng điểm vẫn bảo đảm được lực lượng rộng khắp, bảo đảm thế trận biên phòng vững chắc. Vì vậy, một nguyên tắc căn bản, cả trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện là phải coi trọng bồi dưỡng sức dân và dựa chắc vào dân để quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo. Đồng bào ta ở vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia nói chung, vùng biên giới Kiên Giang nói riêng không những đã cùng nhân dân miền Nam, nhân dân cả nước chiến đấu bao năm ròng để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, thấm thía hơn ai hết về bài học cảnh giác và cũng mẫn cảm hơn ai hết về những mưu đồ của bọn phản động. Do đó càng có quyết tâm củng cố, xây dựng xã, ấp biên giới vững mạnh, tạo lập thế trận biên phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ của địa phương, phòng ngừa mọi bất trắc có thể xảy ra. “Lòng dân” trong thế trận ấy là cơ sở quan trọng để đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại của các lực lượng thù địch, phản động hòng gây chia rẽ giữa hai dân tộc Việt Nam, Khơ-me. Mặt khác, kể cả khi biên giới hai nước đã được hoạch định, phân giới, cắm mốc trên thực địa theo các hiệp định ký kết giữa hai chính phủ, thì cũng chỉ có dựa chắc vào dân sở tại, mới quản lý được đường biên; tránh được những hiện tượng xâm canh, xâm cư và phát hiện kịp thời hành động của các phần tử xấu muốn tạo nên những sự phức tạp rắc rối. Khi có những sự phức tạp đó, phải vận động nhân dân đấu tranh bằng lý, bằng tình, vạch trần âm mưu của bọn phản động, cô lập chúng và không theo chúng làm điều sai trái. Thực tiễn cho thấy, nhân dân ta ở vùng biên giới cũng như ở bất cứ đâu, đều có nguyện vọng thiết tha giữ vững và phát triển tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước với nhau. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia đã chung vai sát cánh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc, từng chịu đựng nhiều đau khổ, hy sinh, càng muốn được sống trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác, càng mong “an cư lạc nghiệp” để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mình và cho con cháu mai sau.
Hai là, xây dựng các xã biên giới, ven biển, hải đảo vững mạnh toàn diện, tạo cơ sở nền tảng cho củng cố, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Trên cơ sở kết quả xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc trong những năm qua, các cấp, các ngành ở Kiên Giang đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để tiếp tục triển khai nhiệm vụ này đi vào chiều sâu. Đối với công tác biên phòng và việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, chúng tôi cho rằng, yếu tố rất quan trọng là tập trung xây dựng cho được môi trường chính trị-xã hội vững chắc và lành mạnh ở các địa bàn này; trọng tâm là củng cố, xây dựng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, coi đó vừa là động lực, vừa là then chốt để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết là làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động; khắc phục kịp thời những nhận thức lệch lạc, chủ quan, thiếu cảnh giác với những âm mưu chia rẽ, phá hoại của kẻ xấu. Các lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng Bộ đội Biên phòng cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng, giúp các cơ sở bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể về mọi mặt, cả phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... trên địa bàn các xã biên giới, ven biển, hải đảo, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai mạnh các dự án du lịch, thương mại, dịch vụ, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như huyện đảo Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Trong đó phát triển Phú Quốc trở thành khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước và khu vực, hằng năm thu hút hàng triệu khách du lịch và là một cầu nối trong hội nhập kinh tế, giao thông của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh tốc độ thực hiện dự án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Đây là khu kinh tế có tổng diện tích 4.404 ha, tiếp giáp với Cam-pu-chia cả trên bộ và trên biển, nên rất có lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô vừa và hệ thống kho bãi, dịch vụ khác phục vụ cho hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường việc liên doanh, liên kết, quan hệ hợp tác kinh tế với các tỉnh giáp biên giới của Cam-pu-chia. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả văn bản thỏa thuận về hợp tác phát triển du lịch, thương mại giữa Kiên Giang với thành phố Kép, tỉnh Căm-pôt của Cam-pu-chia đã ký trước đây. Đẩy mạnh phát triển du lịch, giao lưu buôn bán hàng hóa của nhân và các doanh nghiệp giữa hai bên biên giới, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với Cam-pu-chia. Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân sự địa phương của tỉnh, huyện xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ các xã biên giới, hải đảo và kết hợp chặt chẽ với các lực lượng đó để làm tốt công tác biên phòng.
  Ba là, tăng cường hơn nữa việc quản lý biên giới, vùng biển đảo, bảo đảm vừa đạt tính nghiêm minh theo pháp luật, vừa thể hiện thiện chí hòa bình, hữu nghị của Nhà nước và nhân dân ta. Do đặc điểm đường biên giới quốc gia trên đất liền, cũng như trên biển ở Kiên Giang hiện nay chưa hoàn thành việc phân giới, cắm mốc và phân định ranh giới, nên vấn đề đặt ra là phải bảo vệ biên giới quốc gia theo đúng hiện trạng quản lý. Để thực hiện tốt điều đó, các ngành chức năng của Tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với nhau, cùng các huyện biên giới tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng tình hình biên giới, tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo đúng nguyên trạng. Các lực lượng biên phòng, quân sự, công an phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các kế hoạch; định kỳ tổ chức giao ban, thông báo tình hình; tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án bảo vệ biên giới, vùng biển; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ biên phòng, bảo đảm sự liên kết, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, các địa bàn với nhau để hình thành thế trận biên phòng liên hoàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân Kiên Giang trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng biển đảo hiện nay. Mặt khác, trong thời gian chờ chính phủ hai nước hoạch định biên giới trên bộ, trên biển, các lực lượng bảo vệ biên giới hai bên cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới theo đúng hiện trạng, không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới; xúc tiến nhanh việc đối thoại, bàn bạc để có thể tiến đến tổ chức lực lượng tuần tra chung trên biên giới, trên biển (trong vùng nước lịch sử) giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang với lực lượng Cảnh sát biên giới, cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng của Cam-pu-chia, ngăn chặn có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới, vùng biển. Khi xảy ra các vụ việc vi phạm quy chế biên giới, vùng biển, các đồn biên phòng, cảnh sát hai bên biên giới cần tiến hành thông báo cho nhau để cùng phối hợp, kịp thời thống nhất biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế, các văn bản đã được ký kết giữa chính phủ hai nước và phù hợp với tập quán, truyền thống lâu đời của nhân dân hai bên biên giới.
Riêng đối với Bộ đội Biên phòng, theo biên chế và trang bị hiện có, đã và đang nghiên cứu tổ chức, bố trí lực lượng phù hợp, để đủ sức làm nòng cốt trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân. Trước hết làm cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng nhận rõ quan điểm cơ bản là phải dựa chắc vào dân, cùng nhân dân xây dựng thế trận và thực hiện tốt nhiệm vụ biên phòng. Không nên quan niệm công tác biên phòng là của riêng Bộ đội Biên phòng, hoặc cứ tăng cường lực lượng và trang bị hiện đại thì tự Bộ đội Biên phòng cũng có thể bảo vệ được biên giới, biển đảo. Nhận thức như vậy là không đúng, chưa quán triệt sâu sắc quan điểm biên phòng toàn dân của Đảng. Những năm qua, các đồn, trạm, đơn vị của Bộ đội Biên phòng Kiên Giang luôn quan hệ gắn bó với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể quần chúng và toàn thể nhân dân trong địa bàn đóng quân; riêng các đội công tác địa bàn thường xuyên bám sát ấp, xã, làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng. Nhiều đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phát động phong trào tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế, xã hội, giải quyết tốt những vướng mắc trong nội bộ nhân dân khu vực đóng quân và giữa nhân dân với Bộ đội Biên phòng, tạo sự thống nhất cao. Thời gian tới, những việc làm trên cần được phát huy hơn nữa, thiết thực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên địa bàn biên giới, biển đảo của Tỉnh ngày càng vững chắc.
 
Đại tá, TS. Nguyễn Xuân Dược
Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tỉnh
 

Ý kiến bạn đọc (0)